Một lá thư xuân: Lấy yêu thương để hóa giải bất đồng

Chỉ có đau thương và nghi kỵ sau cuộc tương tàn.

Một lá thư xuân: Lấy yêu thương để hóa giải bất đồng
Đồ họa: Luật Khoa.

Ngày Tết ở miền Nam thường đến với nắng rất trong, bầu trời rất cao, không khí rất ấm áp. Ở miền Bắc, người dân đón xuân trong tiết trời se lạnh, hoa đào nở tươi thắm. Nhưng dù ở đâu đi chăng nữa, khi mùa xuân đến, người nào cũng vui mừng chào đón năm mới.

Nhưng những mùa xuân trong lịch sử không phải lúc nào cũng vui như vậy. Đó là mùa xuân năm Mậu Thân, những mùa xuân của những chuyến vượt biên, những mùa xuân trong các trại cải tạo. Ký ức đau thương không dễ gì tan biến. Ngày hôm nay, trên bước đường tương lai, người Việt vẫn đang kéo theo những mùa xuân nặng nề của quá khứ.

Vào một bữa tiệc cuối năm, một người bạn của tôi đã kể rằng trong những bữa cơm gia đình hàng ngày, bà của cô vẫn kể về những xác chết cong queo trên cánh đồng. Những xác người nằm đè lên nhau, đỏ lòm, cứng lạnh. Lời kể của bà như thể chuyện đó vừa mới xảy ra vào ngày hôm qua, chỉ cần mở cửa ra thôi là có thể thấy cảnh tượng rùng rợn ấy. Bà cô còn kể đến kẻ đã giết hại người thân của bà trong chiến tranh, và bà vẫn còn đụng mặt người đó thường xuyên. Những con người như vậy đã bị ám ảnh sâu sắc bởi quá khứ chiến tranh. Con cháu của họ, dù có ý thức hay không, sẽ là những người tiếp nhận và gánh vác đau thương chồng chất ấy.

Về mặt lịch sử, chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975. Tuy nhiên, giao tranh vẫn tiếp nối ở biên giới Tây Nam với Campuchia và biên giới Việt - Trung. Mặc khác, sự thù hằn nhanh chóng bao trùm lên một nửa đất nước thông qua việc “bên thắng cuộc” giam cầm người dính líu đến chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa vào các trại cải tạo. Thậm chí, tang thương còn diễn ra trên biển khi hàng lớp người vô tội đã chết trên đường vượt biên. Biển Đông từng đầy ắp xác người Việt Nam cho đến cuối những năm 1990. [1]

Nhiều thế hệ trẻ người Việt Nam ngày nay, dù không phải là nạn nhân trực tiếp của chiến tranh, nhưng đôi khi vẫn cảm nhận một điều vô hình đang ngăn cách, chia rẽ giữa Nam và Bắc, trong nước và ngoài nước.

Trong thời gian cuộc Chiến tranh Việt Nam kéo dài dai dẳng và liền sau đó là các biến cố thời kỳ hậu chiến, sự nghi kỵ có lẽ đã giúp cho rất nhiều gia đình tồn tại. Người ta phải cân nhắc kỹ đâu là người nên hợp tác, nên tin tưởng, nhưng tốt nhất là không nên mở lòng với ai. Sự nghi ngờ ấy có lẽ vẫn còn ảnh hưởng nặng nề đến các thế hệ bây giờ và góp phần khiến cho người Việt trở thành một trong những cộng đồng có sự chia rẽ sâu sắc. Sự chia rẽ này càng nặng nề hơn nếu “bên thắng cuộc” chỉ muốn duy trì sự hòa hợp, hòa giải giả hiệu.

Suốt một thời gian dài, người Việt rất hạn chế thể hiện tình thương với nhau, mặc dù tình thương là yếu tố quan trọng để chúng ta hóa giải bất đồng và trưởng thành. Không ai có thể vượt qua khó khăn mà thiếu tình thương. Nhìn rộng ra, tình thương là yếu tố lớn nhất để người ta đoàn kết, làm nên những công cuộc lớn lao. Nếu tình thương đủ lớn thì sự chia rẽ cũng ngay lập tức biến mất.

Hiểu biết chính là nền tảng của tình thương. Hiểu biết để bao dung, chấp nhận khác biệt và cho nhau tình thương. Trong bối cảnh của bài viết, sự khúc mắc nằm ở quan điểm khác biệt về Chiến tranh Việt Nam, sự phân biệt Nam - Bắc, sự phân biệt trong nước và nước ngoài. Những thứ ấy đang đẩy các thế hệ ngày càng xa nhau. Nhưng chúng ta vẫn còn may mắn vì có rất nhiều phương tiện để giải quyết những khúc mắc này.

Năm 1968, nhà thơ Du Tử Lê khi còn là một nhà báo của quân đội Việt Nam Cộng hòa đã chứng kiến một cảnh tượng đầy ám ảnh trong sự kiện Tết Mậu Thân. Ông được cử tham gia mặt trận Cây Quéo. Trên đường hành quân, ông đã thấy những xương, thịt người vắt vẻo từng mảnh trên từng sợi dây điện, rơi thành từng miếng trên các con đường. Xác người trở thành mồi cho những con chó, con quạ. Cảnh tượng đau thương đó đã khiến ông viết bài thơ có tên Khúc Thụy Du. [2] Bài thơ này được in trên tờ báo Văn và đã bị chính quyền miền Nam kiểm duyệt nặng nề, cắt bỏ khoảng một nửa bài thơ. [3] Xin trích một số câu thơ:

“[...] như con chim bói cá
tôi thường ngừng cánh bay
ngước nhìn lên huyệt lộ
bầy quạ rỉa xác người
(của tươi đời nhượng lại)
bữa ăn nào ngon hơn
làm sao tôi nói được
như con chim bói cá
tôi lặn sâu trong bùn
hoài công tìm ý nghĩa
cho cảnh tình hôm nay
trên xác người chưa rữa
trên thịt người chưa tan
trên cánh tay chó gặm
trên chiếc đầu lợn tha
tôi sống như người mù
tôi sống như người điên […]

Đến năm 1972, nhà thơ Lưu Quang Vũ đã sáng tác bài thơ mang tên Khâm Thiên sau khi quân Mỹ ném bom B52 phá hoại đường phố Hà Nội, [4] tàn sát 287 người, trong khi Tết Nguyên đán Quý Sửu chỉ còn cách hơn một tháng nữa. [5] Xin trích một số câu thơ:

những người chết trong đêm thân gãy nát
óc chảy ròng trên gạch
những người chết cháy đen miệng há mắt mở trừng
tay chân vặn vẹo thịt xương
lòng ruột mắc trên dây điện
phố Khâm Thiên ầm ầm đổ sụp
tiếng người la khủng khiếp đêm dài
[…]

xác người nằm ngổn ngang
báo đậy mặt, ruồi đậu bàn chân xám
bé ngẩng đầu ngơ ngác
bên xác anh xác chị mẹ cha
tôi đi như mù lòa
[…]

năm 72! Có thể thế được chăng
hãy mở mắt ra trông
vụ thảm sát xưa nay chưa từng có
năm trái đất phóng tàu vào vũ trụ
không nơi nào không nói đến tình thương [...]

Dù người Bắc, kẻ Nam, dù là kẻ thù của nhau, dù khác biệt về tư tưởng thế nào, hai nhà thơ đều đau đớn, muốn trở nên mù lòa vì không thể tin vào cảnh tượng đau thương của đồng bào mình phơi bày trước mắt. Dựa trên những hồi ức sống động như vậy, chúng ta hiểu rằng trong chiến tranh không có bên nào là bên thắng cuộc.

Những hiểu biết sai lầm ở thời quá khứ đã không mang đến điều tốt đẹp hơn ngoài những tang thương, mất mát không thể bù đắp. Những khúc mắc của ngày hôm nay cũng vậy, không mang đến sự hóa giải chân tình, và cũng không ai nhận được gì ngoài sự chia rẽ, nghi kỵ. Chúng ta vẫn còn có rất nhiều phương tiện để xóa đi những hiểu biết lệch lạc ấy. Những thế hệ cũ ít nhiều vẫn còn sống, những bài thơ, bài hát, những câu chuyện về chiến tranh sẽ là những công cụ để thúc đẩy sự hiểu biết chung.

Thời hậu chiến vẫn là đề tài còn tranh cãi dai dẳng, khoét sâu hơn nữa sự chia cách vùng miền. Đâu đó, những người trong nước, những người chọn ở lại và đã trải qua một thời kỳ đầy kinh hoàng, vẫn còn suy nghĩ rất thành kiến về những người đã bỏ nước ra đi. Nhưng sự thật đâu có phải như vậy, nhà thơ Du Tử Lê đã để lại một bài thơ, có thể làm mờ đi thành kiến ấy bằng những nỗi lòng cuối đời hướng về cố hương. Đó là bài thơ Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển. [6] Xin trích một số câu thơ:

khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đời lưu vong không cả một ngôi mồ
vùi đất lạ thịt xương e khó rã
hồn không đi, sao trở lại quê nhà
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi
bên kia biển là quê hương tôi đó
rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và nhớ đừng vội vuốt mắt cho tôi
cho tôi hướng vọng quê tôi lần cuối
biết đâu chừng xác tôi chẳng đến nơi […]

Du Tử Lê sáng tác bài thơ này vào năm 1977. Bài thơ nói về số phận của những thuyền nhân Việt Nam, những người lúc đó đang bỏ thân xác, đánh mất cả gia đình trên biển Đông để tìm tự do ở hải ngoại. Tuy nhiên, bài thơ đến nay vẫn gây nhiều xúc động đối với những người phải sống với thân phận lưu vong sau chiến tranh dù đang có một đời sống sung túc ở nước ngoài.

Tại miền Nam, hoa mai là biểu tượng của ngày Tết. Nhưng trong các ngày còn lại, cây mai trông khẳng khiu, trơ trọi cành lá. Cây mai không dùng được cho bất cứ dịp gì ngoài những ngày Tết. Nhưng đến mùa xuân, khi người ta lặt hết lá mai đi, các cành cây sẽ kết những nụ hoa xanh mướt, hé nở những bông hoa màu vàng tươi, chói lọi. Hoa mai trở thành loài hoa rực rỡ nhất của mùa xuân, báo hiệu cái Tết đầm ấm, sung túc cho người Việt. Nếu ví hoa mai là con người Việt Nam trong mối liên hệ giữa những sự chia rẽ, phân biệt vừa nêu, thì dù cành lá của cây có đang khẳng khiu, xấu xí nhưng nếu được vun bồi, tưới tắm, hòa giải bằng sự hiểu biết, cảm thông, tình thương yêu thì một ngày không xa sẽ có những bông hoa chói lọi.


Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.


Tháng Tư không cứ phải là đỏ hay đen. Có vài điều mà “màu” gì thì cũng cần công nhận
Ba lý do bạn nên đọc ấn phẩm PDF tháng Tư của Luật Khoa tạp chí.
--
Xây dựng và hòa giải quốc gia: Hành trình của Nam Phi hậu apartheid
Công khai thừa nhận các sai lầm trong quá khứ là việc tối quan trọng để hòa giải dân tộc.

Lần đầu đọc Luật Khoa? Mời bạn đăng ký nhận các thư tin tiếp theo.

Miễn phí 90 ngày đầu tiên nếu bạn đăng ký gói Member ($2/tháng) trong tháng Một.


Chú thích

1. Nguyễn Hạnh. (2022, April 26). Thảm kịch thuyền nhân: 20 năm biển người giữa Biển Đông. Luật Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.com/2022/04/tham-kich-thuyen-nhan-20-nam-bien-nguoi-giua-bien-dong/

2. Du Tử Lê. (1968). Khúc Thụy Du. https://www.dutule.com/a4663/khuc-thuy-du

3. Vĩnh-Lạc Phỏng-Vấn Du Tử Lê. https://www.youtube.com/watch?v=8sc481m4gEM&t=1654s

4. Lưu Quang Vũ. (1972). Khâm Thiên. https://www.thivien.net/L%C6%B0u-Quang-V%C5%A9/Kh%C3%A2m-Thi%C3%AAn/poem-o4A3Ma7c5WvwT0Jp3RfaNw

5. Lễ giỗ tập thể 287 người dân ở Khâm Thiên bị sát hại năm 1972. (2022, December 26). Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh. https://plo.vn/le-gio-tap-the-287-nguoi-dan-o-kham-thien-bi-sat-hai-nam-1972-post713862.html

6. Du Tử Lê. (1977). khi tôi chết hãy đem tôi ra biển. https://dutule.com/a1098/khi-toi-chet-hay-dem-toi-ra-bien

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.