Chủ nghĩa nào là điểm đến cuối cùng của nhân loại?
Chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang tuần này xin giới thiệu quyển sách "The End of History and
Ba lý do bạn nên đọc ấn phẩm PDF tháng Tư của Luật Khoa tạp chí.
Khi nhắc về ngày 30/4/1975, hiện lên rõ nhất trong đầu nhiều người có lẽ là hình ảnh chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc lập, một chiến sĩ chạy lên cắm cờ trên nóc, Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng, sau đó quân giải phóng tiến vào tiếp quản Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Tôi nhớ nằm lòng những dòng này vì ngày xưa phải học quá nhiều.
Nhưng tôi biết rằng có một ngày 30/4/1975 khác. Tôi không phải đi đâu quá xa để nghe những câu chuyện này. Mỗi năm, khi tháng Tư trôi đến những ngày cuối, chú tôi sẽ gọi điện về cho bố tôi từ Mỹ, nói rằng lại sắp đến ngày đó rồi anh nhỉ. Và họ nhắc về những nỗi kinh hoàng mà họ đã trải qua trong đêm mà bộ đội tiến vào. Đối với họ, chẳng có khúc ca khải hoàn nào cho ngày “giải phóng”.
Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Nam Việt Nam. Thời đi học của tôi là những ngày phải tự lý giải cho mình tại sao chuyện lại thế này, một bên là nhà trường một bên là gia đình, rốt cuộc là bên nào nói thật? Sách giáo khoa rất dở và khó tin, còn những gì tôi tìm được để đọc từ phía bên kia thường đầy thù hận. Chúng không có những thông tin mà tôi cần.
Sau này khi biết tiếng Anh, con đường thoát khỏi những sách vở tuyên truyền của tôi cũng đỡ nhọc nhằn hơn. Còn trong tiếng Việt, rất may, có Luật Khoa tạp chí.
Tôi là một trong những biên tập viên chính của ấn phẩm PDF Luật Khoa - Số tháng Tư 2022 với chủ đề về Việt Nam Cộng hòa. Dưới đây là ba lý do tôi cho rằng ấn phẩm này đáng đọc.
Có lẽ phe cờ đỏ và cờ vàng sẽ tiếp tục tranh cãi với nhau mãi mãi về tháng Tư đỏ và tháng Tư đen, nhưng có một vài điều là thực tế không thể phủ nhận.
Chẳng hạn, nếu lập luận dựa theo công pháp quốc tế, hành vi của quân đội Bắc Việt vào tháng 4/1975 có thể được xem là hành vi xâm lược Việt Nam Cộng hòa.
Chẳng hạn, có một nền cộng hòa đã tồn tại trong hai mươi năm ở miền Nam Việt Nam, và nó được quốc tế công nhận. Thể chế đó tất nhiên là không hoàn hảo, nhưng nó tạo ra được những thành tựu mà Việt Nam đến bây giờ vẫn gọi là hiếm có khó tìm. Nền giáo dục khai phóng là một ví dụ.
Chẳng hạn, không phải ai cũng vui vào ngày mà chính sử gọi là ngày “giải phóng”. Có đến hàng trăm nghìn người đã vứt bỏ hết tất cả để bỏ chạy trong hoảng loạn. Họ bất chấp rủi ro có thể chết trên biển để ra đi, và họ thà chết chứ không quay về. Họ làm vậy không phải là vì ngu dại hay mờ mắt vì giàu sang đế quốc. Bạn hãy đọc những câu chuyện của thuyền nhân kèm theo những mô tả của họ về các trại cải tạo, những vùng kinh tế mới, hay cuộc sống đói khổ và bị giám sát từng ngày ở Sài Gòn sau 1975, trước khi vội vàng phán xét điều gì.
Luật Khoa tạp chí viết về những đề tài như vậy, với “đặc sản” là nguồn tư liệu dày dặn, phong phú, đáng tin cậy. Ấn phẩm tháng Tư là tuyển tập những bài viết giá trị nhất.
Chúng tôi bắt đầu lên kế hoạch thực hiện bài viết về thuyền nhân từ giữa tháng 2/2022 và hoàn tất vào giữa tháng Tư. Tổng thời gian nghiên cứu, thu thập dữ liệu, viết bài, biên tập, thiết kế trang infographic, minh họa bài viết là khoảng hai tháng. Đó là sản phẩm báo chí cần nhiều người và dài hơi nhất mà tôi từng làm.
Dữ liệu, hình ảnh, câu chuyện, con số nằm tản mác ở cả trăm trang báo và trang sách khác nhau, nhập con số này vào rồi thì ngày hôm sau lại phát hiện ra thêm một số liệu khác về những người phụ nữ bị hải tặc hãm hiếp vào năm 1981 - năm mà cuộc khủng hoảng thuyền nhân trở nên kinh hoàng.
Công việc như không bao giờ kết thúc - chúng tôi đều có cùng một trải nghiệm như vậy. Bạn tác giả bảo rằng thế là đúng đấy, vì thảm kịch thuyền nhân kéo dài đến hơn 20 năm. Tôi nghĩ về sự thiếu vắng họ, hoặc bôi nhọ họ trong những trang sử ngày xưa tôi bị bắt học thuộc lòng mà không thể ngừng cảm thấy cay đắng, cho hàng nghìn người đã bỏ mạng ngày xưa, và hàng triệu người vẫn bị che giấu ngày nay.
Tôi cũng muốn bắt chước giáo sư Nguyễn Long trong cuốn hồi ký kể chuyện Sài Gòn sau 1975, [1] đề tặng sản phẩm này cho những người đã chết trên biển, trong hành trình đi tìm tự do cho mình. (Nguyên văn: In memory of the boat people who died at sea in search of freedom.)
Đây là lý do cuối cùng. Tôi không ngại ngần gì để nói điều này: nếu bạn phật lòng vì nền báo chí hiện tại và muốn nhìn thấy những sản phẩm báo chí tử tế hơn, hãy học cách trả tiền cho những sản phẩm ấy. Ngay cả khi chúng chưa làm bạn thực sự hài lòng.
Tôi nghĩ rằng các sản phẩm chắc chắn sẽ có khuyết điểm, nhưng sự cam kết và nỗ lực bền bỉ là thứ đáng để ta đầu tư vào. Nếu chúng ta cứ muốn miễn phí hoài, kết quả nhận được khó lòng mà hơn VTV hay các chương trình do các nhãn hàng thực phẩm chức năng tài trợ được.
Tôi đã theo dõi Luật Khoa từ những ngày đầu, đã làm việc cùng với tòa soạn này vài năm, và chính tôi cũng trích ra một khoản tiền nhỏ để đóng góp cho tờ báo mỗi tháng. Việc đó phần lớn là để đặt mình vào vị thế của những độc giả đóng góp và nhắc mình không được làm họ thất vọng. Tôi vẫn có đủ tự tin để nói rằng đội ngũ Luật Khoa đáng để bạn tin tưởng và ủng hộ, không chỉ vì họ nằm trong số ít ỏi các tờ báo độc lập còn trụ lại được lúc này, mà là vì họ có trách nhiệm với công chúng, giữ những tiêu chuẩn cao, và không ngừng cố gắng.
Bạn có thể mua ấn phẩm tháng Tư để ủng hộ Luật Khoa tại đây.
Toàn bộ doanh thu bán báo được dùng để đầu tư cho việc bảo tồn tài liệu thời Việt Nam Cộng hòa và phát triển nội dung chuyên sâu.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.
Chú thích
1. Nguyen Long. (1981). “After Saigon Fell: Daily Life Under the Vietnamese Communists. Page 130. Institute of East Asian Studies University of California - Berkeley. https://digitalassets.lib.berkeley.