Tuần tin: Nguyễn Xuân Phúc bị kỷ luật; New Zealand cáo buộc quan chức Việt Nam tấn công tình dục
Các sự kiện nổi bật: * Bộ Chính trị Đảng Cộng sản kỷ luật cảnh cáo Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa
Gây rắc rối là chuyện tất yếu, nhưng sao cho hiệu quả nhất.
Từ hơn 30 năm trước, khi các vấn đề về nữ quyền và bình đẳng giới vẫn còn lạ lẫm ở nhiều quốc gia, triết học gia Judith Butler đã kêu gọi tạo ra “rắc rối giới” (gender trouble) trong xã hội qua việc phá vỡ hệ nhị nguyên giới. Họ [1] cho rằng giới không nên bắt nguồn từ giới tính sinh học, xã hội chỉ đang chuẩn mực hóa và tạo ra những ảo tưởng về nhị nguyên giới.
Hệ nhị nguyên giới vốn phân chia loài người thành hai thái cực đối lập là nam và nữ. Ai sinh ra mang giới tính sinh học là nam thì sẽ có ngoại hình, tính cách, cách ăn mặc hay hành vi theo quy chuẩn của xã hội về một người nam, cũng như bị hấp dẫn bởi người nữ khác, và ngược lại.
Tuy vậy, những điều này tạo nên sự phân biệt đối xử và kỳ thị với những người không có thể hiện giới theo các quy chuẩn của xã hội về giới tính mà họ đang có, hay người có bản dạng giới khác với chỉ định giới.
Judith Butler công khai mình là một người đồng tính nữ từ năm 16 tuổi, kể từ đó họ phải trải qua tháng ngày bị kỳ thị từ những người xung quanh. Tất cả những điều này tác động khiến Butler suy nghĩ về các quy chuẩn của xã hội mà mình buộc phải chấp nhận, từ đó họ đấu tranh cho bình đẳng giới, cho những người không theo quy chuẩn giới thông thường.
Quan điểm về nữ quyền, bình quyền, cũng như phương pháp lập luận của Butler được thể hiện rất rõ trong cuốn sách “Rắc rối giới”. Cuốn sách đã được dịch sang tiếng Việt, và là bản dịch đầu tiên của tác phẩm này ở Đông Nam Á, do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát hành vào năm 2022. Cuốn sách này là một công trình nghiên cứu rất quan trọng về quyền của phụ nữ và nhóm người yếu thế, có sức ảnh hưởng rộng khắp, trực tiếp thách đố những quan điểm truyền thống về giới.
Để có nữ quyền, Judith Butler cho rằng cần phải có nữ học. Trong tác phẩm của mình, họ dùng phương pháp phê bình nội tại (immanent critique) để phê phán các đối tượng dựa trên các khía cạnh của chính nó, thay vì lấy các tiêu chuẩn bên ngoài để làm rõ sự thiếu nhất quán của đối tượng.
Chẳng hạn, trong nhiều xã hội, người ta cho rằng đồng tính luyến ái là phiên bản bắt chước của dị tính luyến ái. Dị tính vốn là cái nguyên bản, còn đồng tính chỉ là bản sao. Tuy nhiên, theo Butler thì “mọi giới đều là diễn giới, theo nghĩa là sự mô phỏng những ảo tưởng về việc thế này là nam và thế kia là nữ. Cho nên, không có bản gốc, mà chỉ có các bản sao. Không những thế, dị tính cần phải có đồng tính để tự định nghĩa mình là bình thường, quy chuẩn, tự nhiên, nguyên gốc.”
Ngoài ra, thay vì đồng ý theo quan điểm nguyên nhân của dị tính luyến ái là bởi vì con người chỉ có hai giới tính nam và nữ, là hai cực vừa trái dấu vừa hút nhau, thì Butler lại cho rằng đây chỉ là kết quả. Dị tính luyến ái đã tạo ra một xã hội có hai thái cực, khiến chúng ta lầm tưởng rằng chúng có trước xã hội, văn hóa và diễn ngôn.
Judith Butler kiên quyết phân tách rạch ròi giới tính, giới, và ham muốn của một chủ thể. Judith Butler đặt câu hỏi: “Ở mức độ nào thì giới tính, giới, và tính dục mới được gọi là hòa hợp, đồng nhất ở một người? Ở mức độ nào thì bản dạng giới là một chuẩn mực lý tưởng, chứ không phải là miêu tả trải nghiệm riêng của người đó?” Hỏi như thế, nghĩa là họ đang muốn gợi ý rằng giới tính chỉ mang tính trình diễn và nó hoàn toàn có thể thay đổi rất linh hoạt tùy thuộc vào hoàn cảnh.
Chưa hết, Butler không cho rằng những người không có sự hòa hợp giữa giới tính, giới, và tính dục là không bình thường, kỳ dị, hay có bệnh, cần được khám và chữa bệnh; mà họ khẳng định chính hệ thống dị tính luyến ái buộc chúng phải bị định nghĩa như thế, tức là loại trừ hết các đặc tính không khớp với chuẩn mực tự đặt ra, để đẩy những đặc tính này thành cái khác, cái lệch lạc.
Judith Butler và công trình của họ vẫn được sử dụng, giảng dạy, thảo luận, v.v. cho đến tận ngày nay vì đã phá tan những suy nghĩ lề lối cũ kỹ. Nếu đặt tác phẩm này ở bối cảnh xã hội của Việt Nam - khi các vấn đề về nữ quyền và bình quyền vẫn chưa thật sự đi vào cuộc sống, ta có thể thực tế hóa những ý tưởng của Butler như thế nào, và khiến xã hội Việt Nam “rắc rối” hơn ra sao?
Từ lần xuất bản đầu tiên, Butler đã nói về “rắc rối” trong tác phẩm của mình: “Có lẽ rắc rối không cần mang giá trị tiêu cực như vậy. Gây rắc rối, trong diễn ngôn thống trị của tuổi thơ tôi, là điều ta không bao giờ nên làm chính vì nó sẽ khiến ta gặp rắc rối. Những hành động nổi loạn hình như luôn bị khiển trách theo kiểu luẩn quẩn này, một hiện tượng giúp tôi có cái nhìn phản biện tinh tường đầu tiên về mưu mẹo kín kẽ của quyền lực: luật lệ hiện hành đe dọa, thậm chí gây rắc rối cho ta, tất cả chỉ hòng tách ta ra khỏi “rắc rối”.”
Chính quyền và xã hội Việt Nam không phải là không muốn quyền bình đẳng giữa các giới tính và những nhóm người trong xã hội, chỉ là họ không biết làm sao cho đúng, hoặc ngộ nhận những gì mình đang làm là đã đúng đắn. Nhóm chiếm đa số và hưởng những quyền lợi đương nhiên trong xã hội - chẳng hạn như đàn ông hay người Kinh, không có nhiều cơ hội để tìm hiểu về nhu cầu cơ bản của nhóm người thiểu số - ví dụ người đồng tính hoặc người thuộc nhóm dân tộc thiểu số, dẫn đến sự thiếu thấu hiểu và thông cảm cho nhau.
Tác phẩm “Rắc rối giới” của Judith Butler mở ra rất nhiều cơ hội thảo luận về quyền bình đẳng tại Việt Nam, trong bối cảnh nhóm thiểu số đấu tranh cho quyền cơ bản của mình là chuyện không phải dễ dàng gì, cũng như định kiến xã hội vẫn còn nặng nề. Những thảo luận về giới, bình đẳng giới, quyền cho nhóm thiểu số ở Việt Nam vẫn còn hạn chế; song gần đây chúng ta đã chứng kiến được sự gia tăng của số người quan tâm cũng như những đối thoại cởi mở.
Trong một xã hội còn đó những quan điểm cũ kỹ và lối tư duy khép kín, thì việc gây rắc rối là “tất yếu, và nhiệm vụ của chúng ta là gây rắc rối, là gặp rắc rối, sao cho hiệu quả nhất”.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.
1. Đại từ nhân xưng của Judith Butler là she/her (cô ấy) và they/them (họ), nhưng Butler muốn được gọi là “họ” hơn.