‘Số hóa’ chủ nghĩa Lênin
Cuốn sách “Retrofitting Leninism - Participation without democracy” của Phó giáo sư Khoa học Chính trị Dimitar Gueorguiev, được xuất
Nhiều dự án được mạnh miệng đặt mục tiêu khi ra mắt, rồi âm thầm rút lui sau một thời gian.
Việt Nam từ lâu đã muốn kiểm soát hay thậm chí là cấm các trang mạng xã hội nước ngoài. Do cùng chung mô hình quản trị độc đảng với đặc trưng là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có nhiều ý kiến nhận định rằng, Việt Nam đang đi theo mô hình “độc tài kỹ thuật số” giống Trung Quốc bằng cách tạo ra một hệ sinh thái mạng xã hội trong nước. [1] [2]
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện Việt Nam có 935 mạng xã hội nội địa được cấp phép hoạt động với khoảng 130 triệu tài khoản đăng ký. [3] Theo lý giải của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, sở dĩ có nhiều mạng xã hội như vậy, là do các doanh nghiệp tập trung vào thị trường “ngách”, chuyên biệt với những đặc điểm khác so với Facebook. [4]
Dù đạt số lượng ấn tượng, song hệ sinh thái số Việt Nam cho đến nay vẫn chưa thể sánh ngang về chất cũng như tầm ảnh hưởng như Trung Quốc. Trong khi người láng giềng đã thiết lập một bức tường lửa hiệu quả để ngăn chặn các dịch vụ như Google, Facebook, Twitter, v.v. thì chưa có nền tảng nước ngoài nào bị chặn vĩnh viễn ở Việt Nam, ngoại trừ trường hợp Facebook bị tác động không thường xuyên từ năm 2009. [5] [6] Trong khi Trung Quốc hiện sở hữu các mạng xã hội nội địa quy mô lớn như Weibo, Wechat, Douyin (tên gọi nội địa của TikTok); còn hầu hết, người dân Việt Nam vẫn chủ yếu sử dụng dịch vụ nước ngoài.
Tính từ năm 2007, khi Tamtay.vn - trang mạng đầu tiên do người trong nước thiết kế và lập trình, cho đến nay Việt Nam đã trải qua 4 đời bộ trưởng với 16 năm nỗ lực xây dựng và phát triển mạng xã hội nội địa mang tham vọng sánh ngang với các ông lớn công nghệ trên thế giới. [7]
Dự án mạng xã hội nội địa đầu tiên gây được sự chú ý của công luận mang tên Go.vn, do Tổng công ty Đa phương tiện Việt Nam (VTC) điều hành. Phát biểu tại lễ ra mắt ngày 19/5/2010, đại diện VTC cho biết mục tiêu của Go.vn là xây dựng nên trang mạng thông tin số một Việt Nam về giáo dục, giải trí, giao tiếp trực tuyến. [8]
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khi đó là ông Lê Doãn Hợp nhấn mạnh: “Mạng Việt Nam sẵn sàng cạnh tranh lành mạnh với mạng thế giới bằng con đường trí tuệ và hòa bình.”