‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc0:00/212.281× Được xuất bản vào
Nếu bất ổn xảy ra thì cuối cùng vẫn nằm ở câu chuyện phân bổ lợi ích kinh tế.
Tây Nguyên là một khu vực địa lý luôn được nhắc đến như là vị trí chiến lược, tối quan trọng cho an ninh quốc gia Việt Nam. Điều này đặc biệt đúng trong quan điểm của báo chí nhà nước.
Tuy nhiên, theo người viết, để làm rõ tính chiến lược của Tây Nguyên thì vẫn ít có nghiên cứu hay bài báo nào chú trọng.
Ví dụ, trong một bài bình luận được đăng tải trên Thông tấn xã Việt Nam, tác giả đưa ra các bình luận như:
“Nhiều tướng lĩnh của chúng ta và cả nước ngoài đã nhận định, Tây Nguyên quan trọng tới mức nếu ai chiếm được Tây Nguyên thì coi như đã làm chủ được Việt Nam và Đông Dương.”
“Trải qua cuộc chiến tranh giải phóng 30 năm, không chỉ chúng ta mà người Pháp, người Mỹ và thế giới cũng nhận thức được vị trí yết hầu của khu vực này. Họ xem Tây Nguyên là ‘nóc nhà của Đông Dương’; là vùng đất liền kề ngã ba Đông Dương. Cho nên, chiếm lĩnh được khu vực này thì cũng dễ dàng chiếm lĩnh được toàn bộ Đông Dương.” [1]
Đây là những nhận định trên bề mặt, có tính tuyên ngôn và khái quát cao, giúp cho thông điệp trên dễ sử dụng. Song nếu để làm rõ tính chiến lược thực chất thì nội dung này chưa đủ.
Trong quá trình phân tích, tác giả bài báo có nhắc đến việc Pháp và Mỹ rất chú trọng đến Tây Nguyên. Song cuối cùng, ông chỉ ghi nhận rằng các trận đánh ở đây mang tính chất bổ trợ cho trận đánh chính là Điện Biên Phủ, nơi thực dân Pháp tập trung xây dựng cứ điểm quân sự quan trọng nhất của họ trong cuộc chiến với Việt Minh. Hoặc tác giả chỉ mới dừng lại ở việc mô tả cách quân đội cộng sản “điểm huyệt” Buôn Ma Thuột nhằm làm toàn bộ miền Nam rung chuyển.
Hay trong một phân tích khác được đăng tải trên Tạp chí Quốc phòng toàn dân, vị trí chiến lược của Tây Nguyên được nhấn mạnh trong cuộc chiến chống Mỹ của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Theo đó, Tây Nguyên là vùng đệm ngắt kết nối giữa hai khu vực quân sự chiến lược khác của chính quyền miền Nam là Huế - Đà Nẵng và Sài Gòn. [2] Tiến công Tây Nguyên như một chiến dịch mở màn được mô tả là nhằm vào mục đích nội địa này. Còn các mô tả hay diễn giải khác không được nhắc đến trong nghiên cứu.
Vậy còn cách nào khác giúp chúng ta hiểu về tính chiến lược của Tây Nguyên?
Và có yếu tố nào khác đóng góp vào tầm quan trọng của Tây Nguyên ngoài các tuyên ngôn ngắn về địa chính trị?
Cho đến gần đây, các quan điểm lịch sử cho rằng đồng bào người Thượng ở Tây Nguyên chỉ là những nhóm dân biệt lập, kém phát triển, không có giao thương kinh tế, v.v. đều đã bị phủ nhận.
Nhiều nhóm tác giả (như Jean Boulbet, Gerald C. Hickey, hay Oscar Salemink, v.v.) ghi nhận rằng sự lớn mạnh của các vương triều miền xuôi, như Champa (dù nhỏ nhưng có thể cạnh tranh với Đại Việt trong một thời gian dài) hay chính quyền Đàng Trong của chúa Nguyễn, đều dựa rất lớn vào vai trò trung gian kết nối của người Thượng ở Tây Nguyên cho các thực thể chính trị nằm sâu bên trong lục địa và các thương gia hoạt động ở Biển Đông. [3]
Cụ thể hơn, các vương quốc miền xuôi này có quan hệ tốt, thân thiện và thúc đẩy các hoạt động mang tính thương mại hóa cao với những nhóm dân cư nói tiếng Austronesian (Jarai, Êđê [Rhadé], Churu, Raglai) và nói tiếng Austroasiatic (Hrê, Bahnar, Koho, Ma). Đây vốn là những cộng đồng chính trị tự chủ đang kiểm soát vùng đất mà ngày nay gọi là Tây Nguyên. Điều này giúp các vương quốc miền xuôi tiếp cận được với các sản vật, hàng hóa có giá trị tìm thấy được ở Tây Nguyên, cũng như có thể thông thương với các vương quốc nằm sâu bên trong lục địa.
Nói cách khác, Tây Nguyên là lý do lớn nhất khiến những vương quốc miền xuôi trở thành một điểm hội tụ giao thương của Biển Đông, thu hút thương nhân từ Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Ả Rập, và sau đó nữa là châu Âu.
Đối với thương mại hướng hạ nguồn, người Chăm và người Kinh dùng gỗ quý, mây, tre, mật ong, bò rừng, quế, cây gai dầu, các loại gia vị quý thời điểm đó (spices), sừng tê, vật phẩm làm từ cọp (hổ) - vốn đều là các sản vật miền Thượng - để thu hút thương nhân đi biển.
Đối với thương mại hướng thượng nguồn, người Chăm và người Kinh lần lượt bán lại cho các cộng đồng ở Tây Nguyên cũng như các vương quốc trong lục địa các sản phẩm như muối, nước mắm, cá khô, bình gốm Trung Quốc, các sản phẩm đồ đồng và đồ sắt tiêu chuẩn cao, v.v.
Đây là nền tảng cho sự thịnh vượng của các vương quốc phía Nam, mà cụ thể là nguồn thu thuế chính của chính quyền Đàng Trong. Nhờ duy trì ngân khố ổn định từ hoạt động giao thương nói trên, các chúa Nguyễn mới có thể đẩy lùi các cuộc tiến công biên giới từ phía chính quyền chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, mở rộng sức ảnh hưởng về phía Nam, cũng như cập nhật các công nghệ, sản phẩm tân tiến từ phương Tây. [4]
Theo tiến trình lịch sử, sự suy yếu về quản lý cũng như nạn tham nhũng, sưu cao thuế nặng của chính quyền Đàng Trong đã khiến cho mối quan hệ giữa miền xuôi và các cộng đồng Austronesian và Austroasiatic ở Tây Nguyên mất đi.
Theo ghi nhận từ sử gia Li Tana, sự bất bình của các cộng đồng người Thượng cộng với các lực lượng người Chăm chưa khuất phục chúa Nguyễn đã hình thành nền tảng ủng hộ chính trị đầu tiên, với nguồn lực đáng kể, cho cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. [5] Từ điểm khởi đầu này, tập đoàn chính trị mới của ba anh em nhà Tây Sơn lần lượt hạ bệ cả ba nhánh quyền lực phong kiến quan trọng nhất thời kỳ này: chúa Nguyễn, chúa Trịnh, lẫn nhà Hậu Lê.
Vì những lý do kể trên, nhiều sử gia khẳng định tính trung tâm của các cộng đồng ở Tây Nguyên và đóng góp của họ trong tiến trình phát triển lịch sử của toàn Việt Nam ở giai đoạn từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18.
Chính các loại sản vật quý của Tây Nguyên và sự thỏa hiệp của những cộng đồng nơi đây với người miền xuôi khiến các cảng biển của Nam Kỳ trở thành điểm đến hàng đầu cho thương mại hàng hải quốc tế thời điểm đó, đánh dấu sự xuất hiện của các cường quốc tại Đông Á, Nam Á lẫn quá trình thực dân của người châu Âu.
Cũng chính sự bất hòa và phản ứng chính trị từ các cộng đồng người Thượng đối với các chính quyền người Kinh khiến cho cấu trúc và những dàn xếp chính trị phức tạp giữa các vương quốc đổ vỡ, làm bùng nổ cuộc khởi nghĩa thay đổi hoàn toàn hiện trạng chính trị của Việt Nam thế kỷ 18.
Nói cách khác, Tây Nguyên chưa bao giờ đứng ngoài diễn trình lịch sử Việt Nam như chúng ta thường nghĩ. Vùng đất này có những đóng góp chiến lược vào việc tạo dựng hình hài của một nước Việt Nam hiện đại.
Giá trị chiến lược của Tây Nguyên trong các phân tích hiện đại có thể nói là bắt đầu với các nhóm truyền giáo phương Tây khi họ lần đầu đến Việt Nam. Sau đó, những thông tin và quan điểm này được lưu truyền và xác nhận bởi các nhóm tướng tá, lãnh đạo quân sự người Pháp như Galliéni và Ardant du Picq. [6]
Trong giai đoạn Đệ nhị Thế chiến, nhóm thực dân cầm quyền ủng hộ chế độ Vichy (chính quyền lâm thời tại Pháp thân Đức Quốc Xã) nhắm đến việc biến Tây Nguyên trở thành trái tim mới của Đông Dương, với Đà Lạt là thủ phủ liên bang. [7] Song kế hoạch này cuối cùng không đi đến đâu khi Nhật can thiệp quân sự và đảo chính Pháp vào năm 1945.
Sau này, tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Văn Tiến Dũng dẫn lời của tướng Việt Nam Cộng hòa Phạm Văn Phú nói rằng ai kiểm soát Tây Nguyên sẽ kiểm soát toàn miền Nam Việt Nam. [8]
Tuy nhiên, những lý giải rõ ràng hơn vẫn không được ghi nhận trong hầu hết các tài liệu nói trên. Nếu chỉ bằng quan sát chính trị - chiến lược thông thường, tầm quan trọng của Tây Nguyên có thể được cho là đến từ vị trí của vùng đất này.
Tây Nguyên đủ gần biển để có thể hỗ trợ quá trình vận tải, củng cố phòng thủ vùng duyên hải, nhưng ngược lại rất khó để tấn công trực tiếp bằng đường biển bởi tính phòng thủ tự nhiên của các dãy đồi núi dốc chắn ngang. Tây Nguyên cung cấp khả năng tiếp cận chiến lược đến mọi vùng đất thấp và thung lũng sông xung quanh. Trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai (Hoa Kỳ - Nam Việt - Bắc Việt), Tây Nguyên có vai trò trung tâm vì tính kết nối của nó với các chiến trường liên quan (Bắc Việt - Nam Việt - đường mòn Hồ Chí Minh ở Campuchia và Lào).
Nhìn chung, người viết cho rằng tầm quan trọng của Tây Nguyên tương tự với bất kỳ vùng đồi núi nào nằm bên trong lãnh thổ các quốc gia khác. Khả năng phòng thủ tự nhiên vì địa hình trắc trở hay độ cao rõ ràng không có tính đặc thù. Trong bối cảnh Việt Nam, Tây Nguyên trở nên đặc biệt quan trọng vì vùng đồi núi này có khả năng cắt đứt khả năng giao thông - liên lạc giữa Trung Bộ và Nam Bộ. Song mở rộng tầm quan trọng của khu vực này đối với toàn Đông Dương có lẽ sẽ cần nhiều minh chứng và nghiên cứu làm rõ hơn.
Nếu danh xưng “pháo đài của Đông Dương” có phần to tát và khiến người viết phải nghi ngờ về tính chiến lược của Tây Nguyên, thì khả năng đóng góp kinh tế của vùng đất này có lẽ là lý do khiến Tây Nguyên hiện đại trở thành trung tâm của bất đồng và kỳ vọng kiểm soát.
Tính trên phương diện kinh tế nông nghiệp, Tây Nguyên đã và đang tiếp tục khẳng định vị thế của mình với hồ tiêu, cà phê, cao su, điều, sắn, v.v. Đây đều là những nhóm sản phẩm xuất khẩu có giá trị hàng đầu của Việt Nam hiện nay và được nhiều quốc gia trên thế giới ưa chuộng.
Theo một thống kê vào năm 2018, các tỉnh thuộc Tây Nguyên luôn dẫn đầu trong nhiều ngành cây trồng công nghiệp mũi nhọn. [9] Chỉ riêng Đắk Lắk đã là địa phương có diện tích, sản lượng cà phê nhân đứng đầu cả nước. Cụ thể, diện tích đạt 201.152 ha, chiếm trên 40% diện tích cà phê của cả vùng Tây nguyên và 30% diện tích cà phê của cả nước. Sản lượng mỗi năm đạt từ 450.000 tấn cà phê nhân trở lên. Nhờ Tây Nguyên, Việt Nam mới trở thành một trong các quốc gia xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới. [10]
Tương tự đối với ngành hồ tiêu, thống kê từ năm 2020 cho biết Tây Nguyên chiếm hơn 60% diện tích canh tác của loại cây này trên cả nước. [11] Tây Nguyên tiếp tục là vùng sản xuất hồ tiêu trọng điểm với sản lượng hàng đầu thế giới. [12] Đối với cao su, Tây Nguyên là vùng chuyên canh thứ hai của cả nước (chỉ sau Đông Nam Bộ). [13]
Mỗi ngành nói trên đều đóng góp hàng tỷ Mỹ kim vào giá trị xuất khẩu mỗi năm cho Việt Nam. Nếu tính luôn yếu tố việc làm, thu nhập cho người dân cũng như các yếu tố bình ổn xã hội nhờ vào sản xuất công-nông nghiệp khác, thì tầm quan trọng của Tây Nguyên trong an ninh kinh tế và tiền tệ của Việt Nam là vô cùng rõ ràng.
Tuy nhiên, để duy trì được một diện tích canh tác rộng lớn như vậy cho hàng triệu người Kinh di cư, các cộng đồng bản địa quan trọng ở Tây Nguyên (Jarai hay Êđê) gần như đã phải từ bỏ hoàn toàn các tuyên bố chủ quyền đối với đất đai truyền thống, các kỹ thuật canh tác đặc trưng, lối sống cũng như nền tảng chính trị bản làng của mình.
Ổn định tình hình Tây Nguyên, dù có phải dùng vũ lực cưỡng ép, đã trở thành mục tiêu tối quan trọng đối với chính quyền Hà Nội trong bối cảnh chính trị hiện nay. Bất kỳ sự thừa nhận hay trao trả lại chủ quyền nội địa hoặc quyền tự quyết cho các cộng đồng tại đây (thường chắc chắn sẽ gắn liền với đất đai) đồng nghĩa với diện tích canh tác khổng lồ nói trên và vai trò quản lý trong chuỗi cung ứng các loại cây trồng mang lại giá trị cao của Việt Nam sẽ trở nên mất kiểm soát.
Bức tranh toàn cảnh càng rõ ràng hơn nếu chúng ta kể đến các loại khoáng sản quý ở Tây Nguyên, từ bauxite, sắt, đến magnesit hay diatomit.
***
Tầm quan trọng của Tây Nguyên thường được nhắc đến như là một câu chuyện của địa chính trị, quân sự, quốc phòng.
Tuy nhiên, qua những thông tin kể trên, chúng ta thấy sức mạnh của Tây Nguyên đối với quá trình phát triển lịch sử của Việt Nam dường như lại nằm ở giá trị kinh tế của nó.
Trong các giai đoạn trung đại và cận đại, Tây Nguyên và sự hòa hợp của người Kinh với các cộng đồng ở đây là nền tảng cho sự lưu thông của các nguồn hàng, sản vật quý hiếm, góp phần biến những thành phố cảng ở Nam Kỳ trở thành điểm đến quốc tế.
Trong giai đoạn hiện đại và sau ngày hòa bình, Tây Nguyên tiếp tục giữ vị thế là khu vực đóng góp kinh tế quan trọng, đưa Việt Nam gia nhập câu lạc bộ của những nhà xuất khẩu lớn trên thế giới trong nhiều lĩnh vực, mặt hàng.
Tây Nguyên không đơn giản chỉ có tính chiến lược vì các đặc trưng địa lý đơn thuần của nó. Nhận thức đúng tính chiến lược của Tây Nguyên từ góc độ kinh tế, người viết cho rằng những bất ổn có thể xảy ra - đến cuối cùng - vẫn nằm ở câu chuyện phân bổ lợi ích kinh tế.
1. Tây Nguyên không chỉ là một địa danh. (2023, July 12). TTXVN. https://dhtn.ttxvn.org.vn/tintuc/tay-nguyen-khong-chi-la-mot-dia-danh-4910
2. Chiến thắng Tây Nguyên - Giá trị lịch sử và hiện thực. (n.d.). http://tapchiqptd.vn/vi/ky-niem-45-nam-ngay-giai-phong-mien-nam/chien-thang-tay-nguyen-gia-tri-lich-su-va-hien-thuc-15208.html
3. Jean Boulbet, Pays des Maa’, domaine des génies (Nggar Maa’, nggar yaang). Essai d’ethno-histoire d’une population proto-indochinoise du Viêt Nam central (Paris: Ecole Française d'Extrême-Orient, 1967)
4. Tham khảo thêm:
5. Li Tana, Nguyễn Cochinchina: Southern Vietnam in the Seventeenth and Eighteenth Centuries (Ithaca NY: Cornell University Press, 1989)
6. Joseph-Simon Galliéni, Galliéni au Tonkin (1892–1896), par lui-même (Paris, 1941 [or. 1913]
7. Eric T. Jennings, Imperial Heights: Dalat and the Making and Undoing of French Indochina (Berkeley: University of California Press, 2011),
8. Văn Tiến Dũng, Our Great Spring Victory: An Account of the Liberation of South Vietnam (Hanoi, Vietnam: NXB The Gioi, 2000)
9. Các tỉnh Tây Nguyên thâm canh các loại cây công nghiệp dài ngày. (2018, April 6). Báo Ảnh Dân Tộc Và Miền Núi. https://dantocmiennui.vn/cac-tinh-tay-nguyen-tham-canh-cac-loai-cay-cong-nghiep-dai-ngay/173278.html
10. Minh M. (2023, March 6). Xuất khẩu thứ 2 thế giới: Cà phê Việt chưa có thương hiệu tầm cỡ và bỏ trống gia tăng giá trị. Nhịp Sống Kinh Tế Việt Nam & Thế Giới. https://vneconomy.vn/xuat-khau-thu-2-the-gioi-ca-phe-viet-chua-co-thuong-hieu-tam-co-va-bo-trong-gia-tang-gia-tri.htm
11. Phát triển hồ tiêu xuất khẩu ở các tỉnh Tây Nguyên theo hướng bền vững. (2022, April 12). Tạp Chí Kinh Tế Và Dự Báo - Bộ Kế Hoạch Và Đầu Tư. https://kinhtevadubao.vn/phat-trien-ho-tieu-xuat-khau-o-cac-tinh-tay-nguyen-theo-huong-ben-vung-22144.html
12. Tran, D. T., Nguyen, T. H. O., Huynh, T. U., Oanh, T., DO, Nguyen, Q. V., & Nguyen, A. V. (2022). Analysis of endophytic microbiome dataset from roots of black pepper (Piper nigrum L.) cultivated in the Central Highlands region, Vietnam using 16S rRNA gene metagenomic next-generation sequencing. Data in Brief, 42, 108108. https://doi.org/10.1016/j.dib.2022.108108
13. Phát triển bền vững cây cao su vùng Tây Nguyên. (2018, November 19). Quân Đội Nhân Dân. https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/phat-trien-ben-vung-cay-cao-su-vung-tay-nguyen-554922