Ai nuôi ta ăn học?
Tuần qua, phát ngôn của một học sinh 16 tuổi, học lớp 12 Anh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất
Và cách xây dựng, tổ chức, duy trì một nhà nước tốt.
Bàn về việc quản trị đất nước, chúng ta không thể bỏ qua thể chế cộng hòa với đặc điểm các vấn đề của đất nước được giải quyết thông qua luật pháp cũng như các quy định chung; chế độ dân chủ, với cách hiểu người dân là người làm chủ và trực tiếp giải quyết, điều hành các vấn đề đó. Chính thể đại diện đặc trưng bởi việc người dân bầu ra người đại diện thực thi việc quản trị là một biểu hiện của tính dân chủ trong thể chế cộng hòa.
Nhà triết học John Stuart Mill người Anh qua cuốn sách “Chính thể đại diện” (Representative Government) đã phân tích kỹ lưỡng các vấn đề xoay quanh xây dựng, tổ chức, duy trì một chính thể đại diện.
John Stuart Mill từ nhỏ đã bộc lộ tài năng thiên bẩm. Cha ông là James Mill cùng với sự hỗ trợ và cố vấn của Jeremy Bentham đã trực tiếp dạy dỗ ông từ khi mới lên ba. Nếu bạn thấy Jeremy Bentham là một cái tên ngờ ngợ thì bạn hãy biết rằng ông chính là cha đẻ của chủ nghĩa công lợi, học thuyết duy tôn hành động mang đến nhiều hữu ích, lợi ích chung nhất cho tất cả những người có liên quan.
Mill được cha ông định hướng là người kế tục Bentham dẫn dắt chủ nghĩa công lợi nên Mill đã được dạy dỗ cực kỳ nghiêm khắc. Ông học tiếng Hy Lạp từ khi lên ba, học tiếng Latin từ khi lên tám, và lên mười hai ông đã nghiên cứu sâu về logic học thông qua phương pháp luận của Aristotle. Dường như, việc học nhiều ngôn ngữ từ rất sớm khiến cho khả năng triển khai các quan điểm của ông đậm chất văn chương. Bạn có thể gặp khó khăn khi đọc Chính thể đại diện vì sự xuất hiện thường xuyên của các câu phức và thói quen sử dụng phép phủ định của phủ định khi trình bày một khẳng định của Mill.
Chính thể đại diện gồm 18 chương, mỗi chương bàn về một vấn đề cụ thể. Các chương đầu có tính dẫn nhập, khái quát để đi đến khẳng định chính thể mang tính đại diện là hình thức chính thể lý tưởng tốt đẹp nhất trong các hình thức chính thể. Về ý tưởng, một chính thể tốt phải là chính thể hướng đến cải tiến bản thân dân chúng. Vì vậy, căn cứ để xem xét một chính thể tốt hay xấu dựa vào khả năng điều hành xã hội nhờ các phẩm tính hiện có của các thành viên như đạo đức, trí tuệ, tính tích cực cũng như chính thể có xu hướng cải tiến hay làm hư hỏng các phẩm tính ấy.
Không khó để nhận ra Mill đã vận dụng đầy đủ chủ nghĩa công lợi trong việc xây dựng nên quan điểm chính thể đại diện là chính thể tốt đẹp nhất cần theo đuổi. Mill cũng khẳng định các chính quyền của một người hay một ít người (làm chủ quyền lực) sẽ ưu ái tính cách thụ động, còn chính quyền của nhiều người sẽ ưu ái tính cách tự lập tích cực.
Các nhà cầm quyền vô trách nhiệm luôn mong muốn sự im lặng của những kẻ bị trị hơn là cần bất cứ tính tích cực nào, ngoại trừ tính tích cực họ có thể khống chế được. Tất nhiên, không có ai chịu làm kẻ ngu dại mãi, nhất là khi giáo dục không nhằm đến việc biến con người thành cỗ máy. Con người được giáo dục, về lâu về dài sẽ đòi hỏi tự mình kiểm soát các hành động của mình.
Ở các chương tiếp theo, Mill đề cập đến việc xây dựng và duy trì một chính thể đại diện sao cho nó duy trì được tính lý tưởng là phát triển trí tuệ trong dân chúng cũng như đảm bảo được quyền tự do của mỗi cá thể. Điều Mill trăn trở là làm sao cân bằng được việc trao quyền lực vào tay những cá nhân có trí tuệ, có đạo đức tốt nhất trong dân chúng nhưng cũng phải tránh được tình trạng quyền lực chỉ đại diện cho số đông mà không phải toàn thể người dân và các tiếng nói đối lập, khi đó số ít sẽ không có cơ hội lên tiếng hay không có khả năng cải tiến lại đám đông nếu đó là một quan điểm cấp tiến.
Ông đã ủng hộ quan điểm cho phép cử tri có thể bỏ phiếu cho ứng viên trên cả nước, không bó buộc vào một đơn vị bầu cử cụ thể. Hơn thế nữa cử tri có thể tạo ra một danh sách ưu tiên mà lá phiếu của anh ta sẽ bầu cho. Trong trường hợp người đứng đầu danh sách thất bại, lá phiếu sẽ vẫn có ích cho ứng viên tiếp theo trong danh sách. Hoặc trong chương Mở rộng quyền bầu cử, Mill đề xuất việc có thêm phiếu bầu cho các cá nhân mà trí tuệ của họ có tính ưu việt hơn. Việc xác định tính ưu việt này dựa vào trình độ giáo dục của họ. Đứng ở góc nhìn hiện tại, nhiều đề xuất của Mill mặc dù rất lý tưởng nhưng nếu áp dụng thực tế sẽ nảy sinh nhiều vấn đề.
Mặc dù là một người có tư tưởng tự do nhưng Mill là một công dân Anh dưới thời kỳ thực dân phát triển rực rỡ nhất và ông cũng đã dành phần lớn cuộc đời của mình làm việc cho công ty Đông Ấn đến tận khi nó giải thể. Vì vậy, ông khó thoát khỏi tư duy thực dân khi cho rằng các dân tộc châu Âu là điển hình của văn minh và việc xâm chiếm thuộc địa là một cách thức để khai phá văn minh cho các dân tộc bị trị ở châu Á.
Ông dành hẳn một chương bàn về sự cai trị các nước phụ thuộc bởi một nhà nước tự do, tại đây ta có thể thấy ông đổ lỗi cho những cá nhân phiêu lưu cùng với chính quyền thực dân đã gây nên sự chà đạp các dân tộc thuộc địa. Nói như vậy, ông phủ nhận vai trò của chính quyền thực dân đối với những đau thương của người dân bản địa.
Mặc dù vẫn còn đó nhiều quan điểm cần được phân tích cặn kẽ hơn nhưng Chính thể đại diện vẫn là một quyển sách đáng đọc cho những ai quan tâm đến câu hỏi: một nhà nước như thế nào được gọi là tốt?
Bạn có thể mua quyển “Chính thể đại diện” tại đây.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.