CHANGE và án trốn thuế - Kỳ 4: Các tổ chức phi lợi nhuận bị đánh thuế GTGT như thế nào?

Hai phương pháp đánh thuế: khấu trừ và trực tiếp.

CHANGE và án trốn thuế - Kỳ 4: Các tổ chức phi lợi nhuận bị đánh thuế GTGT như thế nào?
Bà Hoàng Thị Minh Hồng trong một sự kiện về môi trường của CHANGE. Ảnh: Chưa rõ nguồn/ Doanh nhân & Thương hiệu. Đồ họa: Hà Linh/ Luật Khoa.

Ở kỳ trước, chúng ta đã hiểu vì sao nhiều tổ chức phi lợi nhuận chọn cách tiếp nhận viện trợ thông qua hợp đồng dịch vụ nghiên cứu khoa học - công nghệ với nhà tài trợ, đồng nghĩa với việc phải chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

Với cách này thì các nhà tài trợ đang trả thuế GTGT theo một trong hai phương pháp khác nhau, gồm phương pháp khấu trừ và phương pháp trực tiếp.

Dù theo phương pháp nào thì các tổ chức phi lợi nhuận cũng cần lựa chọn một trong ba chế độ kế toán đề cập ở kỳ 2. Một số tổ chức khoa học - công nghệ buộc phải lựa chọn chế độ kế toán doanh nghiệp. Do đó, các tổ chức này phải đăng ký xuất hoá đơn và kê khai thuế GTGT cùng với một số nghiệp vụ kế toán, tài chính khác. Các tổ chức này cũng cần đăng ký phương pháp tính thuế với chính quyền.

Dù theo phương pháp nào thì việc đăng ký và xuất hóa đơn GTGT đối với các khoản viện trợ là lựa chọn bất đắc dĩ của các tổ chức phi lợi nhuận. Nó cũng là sự chấp nhận miễn cưỡng của một số nhà tài trợ. 

Vì lúc này, các tổ chức phi lợi nhuận trở thành bên “bán" dịch vụ. Nhà tài trợ là bên “mua” dịch vụ mà trên thực tế họ không phải là người mua. Họ là nhà tài trợ và chấp nhận trả thêm tiền để được tài trợ.

Nếu không áp dụng một trong ba chế độ kế toán và/hoặc không đăng ký thuế GTGT và thuế TNDN, nhà nước sẽ đánh thuế chồng lên thuế GTGT và thuế TNDN đối với các khoản viện trợ. Chưa kể, nhà nước lại phạt tù và phạt tiền đối với lãnh đạo các tổ chức sử dụng tiền viện trợ nước ngoài cho mục đích nhân đạo tại Việt Nam.

Hai phương pháp đánh thuế

Dưới đây là hai phương pháp đánh thuế GTGT lên các khoản tài trợ theo hợp đồng dịch vụ khoa học - công nghệ.    

Thứ nhất là phương pháp khấu trừ. Phương pháp này áp dụng cho những tổ chức có doanh thu hàng năm trên 01 tỷ đồng. Theo phương pháp này, thuế GTGT phải nộp bằng thuế GTGT đầu ra trừ đi thuế GTGT đầu vào được khấu trừ. [1] 

Thuế GTGT đầu ra thể hiện trên hóa đơn các tổ chức phi lợi nhuận xuất cho nhà tài trợ. Thuế GTGT đầu vào thể hiện trên hóa đơn hàng hóa, dịch vụ do các doanh nghiệp xuất cho các tổ chức phi lợi nhuận.

Với phương pháp khấu trừ, nhà nước áp thuế suất thuế GTGT đầu ra 5% hoặc 10% lên các hợp đồng dịch vụ giữa các tổ chức phi lợi nhuận và nhà tài trợ nước ngoài, bao gồm cả tài trợ cá nhân. [2] 

Thuế suất 5% thuế GTGT đầu ra áp dụng đối với các hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Nhưng để được hưởng mức thuế suất này (thay vì 10%), các tổ chức phi lợi nhuận phải có giấy phép nghiên cứu, đào tạo và cung cấp dịch vụ về khoa học - công nghệ. CHANGE có loại giấy phép này. Đối với hợp đồng nghiên cứu khoa học thì phải được chính quyền xác nhận là hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. 

Thuế suất 10% như hàng hoá, dịch vụ thông thường áp dụng đối với các tổ chức không có cả hai loại giấy tờ này. Để giúp khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19, Quốc hội đã điều chỉnh mức thuế suất thuế GTGT từ 10% xuống còn 8% đối với một số hàng hoá và dịch vụ trong một thời gian nhất định. [3][4]

Thuế GTGT đầu ra sẽ được khấu trừ trên thuế GTGT đầu vào cho các hàng hóa, dịch vụ mà các tổ chức phi lợi nhuận mua sắm để phục vụ cho chính các hợp đồng dịch vụ khoa học - công nghệ ký với các nhà tài trợ. 

Đầu vào có thể là hàng hoá và dịch vụ phục vụ cho việc vận hành tổ chức như dịch vụ thuê văn phòng, trang thiết bị và văn phòng phẩm, vé máy bay hay thuê xe cho nhân viên đi công tác. 

Nó cũng có thể là dịch vụ thuê phòng họp, phòng ở, suất ăn hay dịch vụ giao thông vận tải cho đại biểu tham gia các hội thảo, tập huấn, hay dụng cụ để dọn vệ sinh môi trường, quà tặng cho người dân, dịch vụ truyền thông về bảo vệ động vật hoang dã.

Tùy từng loại hàng hóa và dịch vụ mà có các mức thuế suất thuế GTGT đầu vào khác nhau, gồm 0%, 5% hay 10%. Các tổ chức phi lợi nhuận chỉ phải trả 8% cho các hàng hoá, dịch vụ có thuế suất 10% vì chính sách giảm thuế của nhà nước như đề cập ở trên. 

Theo quy định hiện hành, thuế GTGT đầu vào đối với các dự án viện trợ nước ngoài đều được hoàn thuế. Để được hoàn thuế, cần có văn kiện phê duyệt hoạt động dự án của cơ quan chủ quản [5] và xác nhận viện trợ của Bộ Tài chính. [6] Ngoài ra, các tổ chức phi lợi nhuận cần chuẩn bị giấy đề nghị hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước và bảng kê hoá đơn, chứng từ của các hàng hóa, dịch vụ mua vào. 

Tuy nhiên, nếu nhà tài trợ không yêu cầu thì nhiều tổ chức phi lợi nhuận lựa chọn không làm các thủ tục xác nhận viện trợ để nhận lại khoản thuế này (gọi là hoàn thuế). Lý do vì thủ tục xác nhận viện trợ và hoàn thuế GTGT phức tạp và có thể phát sinh chi phí.  

Từ năm 2016, Bộ Tài chính cũng không còn xác nhận viện trợ đối với viện trợ không thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước. Do đó, một số tổ chức phi lợi nhuận gặp khó khăn trong quá trình tiến hành các thủ tục miễn thuế GTGT đầu vào.

Dù có được hoàn thuế thì nhà tài trợ vẫn phải chịu một phần trong số thuế GTGT đầu ra đã trả cho các hợp đồng dịch vụ với các tổ chức phi lợi nhuận. Lý do vì ngoài các hàng hóa, dịch vụ có hoá đơn GTGT thì nhiều chi phí của các tổ chức phi lợi nhuận không có loại hóa đơn này để khấu trừ, ví dụ: tiền lương hay tiền công chi trả cho nhân viên và chuyên gia.  

Có những khoản chi ở cộng đồng cũng không thể lấy hóa đơn GTGT hay trừ thuế thu nhập cá nhân, đặc biệt là những khoản chi bằng tiền mặt hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn trong khuôn khổ các dự án. Đây được gọi là các chi phí không hợp lệ và các tổ chức phi lợi nhuận phải chịu thuế TNDN cho những khoản chi này.

Thứ hai là phương pháp trực tiếp. Phương pháp này áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có doanh thu hàng năm dưới 01 tỷ đồng hay tổ chức kinh tế khác không phải là doanh nghiệp, hợp tác xã.

Theo phương pháp này, nhà nước áp dụng thuế suất 5% thuế GTGT đầu ra trên các hợp đồng mua bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ như cách thứ nhất. [7] Nhưng cơ quan thuế sẽ đồng thời áp thuế suất 5% thuế TNDN nên nhà tài trợ phải trả 10% cho hai loại thuế này. Đây gọi là xuất hóa đơn theo phương pháp trực tiếp. [8] 

Kết luận điều tra và cáo trạng nói gì về thuế GTGT của CHANGE?

Theo kết luận điều tra và cáo trạng, cơ quan chức năng đã sử dụng Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 108 Luật Quản lý thuế năm 2006; Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 143 Luật Quản lý thuế năm 2019; và Khoản 3 Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) để kết tội trốn thuế đối với Bà Hoàng Thị Minh Hồng. [9][10] 

Các cơ quan này kết luận CHANGE trốn thuế gần 6,8 tỷ đồng, trong đó có 3.395.528.747 đồng tiền thuế GTGT và 3.395.528.747 đồng tiền thuế TNDN, nghĩa là mỗi thứ một nửa.

Kết luận điều tra và cáo trạng đối với bà Hoàng Thị Minh Hồng cho thấy, nhà nước đã và đang đánh thuế chồng lên thuế GTGT và thuế TNDN của cả thỏa thuận tài trợ, hợp đồng cung cấp dịch vụ và đóng góp của các cá nhân mà CHANGE đã tiếp nhận. Trong đó, có các thỏa thuận tài trợ đã được cơ quan chủ quản của CHANGE là VUSTA phê duyệt. [11]  

Đầu tiên, họ đánh thuế GTGT đầu ra trên gần 1,3 tỷ đồng mà CHANGE đã xuất hóa đơn cho việc tổ chức tập huấn, truyền thông và các dịch vụ vào năm 2022. 

Thứ hai, họ đánh thuế GTGT (5%) đầu ra đối với gần 68 tỷ đồng tiếp nhận từ năm 2013 đến năm 2022. Đây là phương pháp đánh thuế trực tiếp như đề cập ở trên. Lý do nêu ra là CHANGE không lập sổ sách kế toán và báo cáo tài chính, không xuất hoá đơn GTGT, không kê khai quyết toán thuế TNDN, không kê khai thuế GTGT và không thực hiện chế độ kế toán đối với số tiền này. Đây là những yêu cầu đối với chế độ kế toán doanh nghiệp. 

Thứ ba, họ đánh thuế trên toàn bộ thuế GTGT đầu vào mà CHANGE đã trả cho các hàng hóa và dịch vụ trong suốt 10 năm hoạt động. Do đó, thuế GTGT đầu ra và thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ.


Loạt bài “CHANGE và án trốn thuế”:

Kỳ 1: Tổ chức phi lợi nhuận hay doanh nghiệp?
Luật Việt Nam không có khái niệm tổ chức phi lợi nhuận như các nước khác.
Kỳ 2: CHANGE có trốn thuế không?
Nhà tài trợ không chấp nhận trả thuế cho tiền viện trợ.
CHANGE và án trốn thuế - Kỳ 3: Đã mang tiền giúp Việt Nam mà còn bị đánh thuế GTGT
Đánh thuế lòng tốt.
Kỳ 4: Các tổ chức phi lợi nhuận bị đánh thuế GTGT như thế nào
Hai phương pháp đánh thuế: khấu trừ và trực tiếp.
Kỳ 5: Miễn thuế kiểu… đố mày xin được
Gãy lưng vì thủ tục xin miễn thuế.
Kỳ 6: Những rủi ro pháp lý về thuế TNDN với các tổ chức phi lợi nhuận
Kết luận điều tra, cáo trạng và bản án đối với bà Hoàng Thị Minh Hồng cho thấy, nhà nước áp dụng phương pháp trực tiếp để tính số tiền trốn thuế giá trị gia tăng (GTGT). Do đó, cũng áp dụng phương pháp này để tính số tiền trốn
Kỳ 7: Tiền từ thiện của bạn đang bị đánh thuế như thế nào
Phải, tiền từ thiện của bạn cũng bị đánh thuế.
Kỳ 8 và hết: Các tổ chức phi lợi nhuận nên làm gì để tránh bị kết tội trốn thuế?
Phải tự cứu mình trước khi trời cứu.

Chú thích

  1. Điều 10 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 và Điều 12 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.
  2. Điều 8 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008.
  3. Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ.
  4. Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ.
  5. Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 8/7/2020 của Chính phủ.
  6. Thông tư số 109/2007/TT-BTC ngày 10/9/2007 của Bộ Tài chính (thay thế bằng Thông tư số 23/2022/TT-BTC ngày 6/4/2022 của Bộ Tài chính).
  7. Điều 11 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 và Điều 13 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.
  8. Khoản 5 Điều 4 Thông tư số 78/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.
  9. Bản kết luận điều tra vụ án hình sự đề nghị truy tố của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công Thành phố Hồ Chí Minh công bố.
  10. Cáo trạng do Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh công bố.
  11. Kết luận số 722/KL-BKHĐT ngày 7/2/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết luận kiểm tra công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn tài trợ và kêu gọi tài trợ từ nước ngoài của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và các đơn vị trực thuộc trong giai đoạn từ 1/1/2018 đến 30/6/2023. 

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.