Đọc 'Phải sống' của Dư Hoa: Ai đau khổ như Phú Quý?
Người viết đã từng giới thiệu tiểu thuyết Huynh Đệ của nhà văn Dư Hoa. Nhưng đây không phải là
Có một chuyện còn đáng lo hơn cả nhỡ một khoản đầu tư của Intel.
Thông tin tập đoàn Intel hoãn mở rộng đầu tư ở Việt Nam được đưa ra ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden như một gáo nước lạnh cho những ai nghĩ rằng chỉ bằng việc nâng cấp quan hệ, nguồn vốn đầu tư công nghệ cao sẽ từ Mỹ ùn ùn đổ vào Việt Nam. [1]
Dù đôi bên dùng những lời có cánh để mô tả việc hai nước nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất theo phân loại của Việt Nam, cũng như Tuyên bố Chung được đưa ra sau đó cũng liệt kê hàng loạt lĩnh vực hợp tác trọng tâm bao gồm chuỗi cung ứng công nghệ cao, những người mơ mộng ở Hà Nội có lẽ cần làm quen với sự thực dụng của người Mỹ và cần làm nhiều hơn nữa nếu thực sự muốn có dòng tiền lớn từ Hoa Kỳ. [2]
Nguồn tin giấu tên của Reuters từng tham gia cuộc họp giữa Intel và chính phủ Việt Nam cho biết tập đoàn này viện dẫn lý do thiếu điện và quan liêu cho quyết định hoãn đầu tư của mình. [3]
Tình trạng thiếu điện đã diễn ra nghiêm trọng vào mùa hè năm nay ở miền Bắc Việt Nam, gần với thời điểm Intel đưa ra quyết định. [4] Nằm trong khu vực cạnh tranh địa chính trị chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam bị giằng xé giữa ảnh hưởng của hai cường quốc, bao gồm trong lĩnh vực an ninh năng lượng.
Hoa Kỳ cùng các nước G7 cuối năm ngoái, trong nỗ lực trở thành đối tác năng lượng chiến lược với Việt Nam, đã ủng hộ kế hoạch chuyển đổi năng lượng của nước này bằng thỏa thuận đầy tham vọng JETP. [5] Trước đó, Việt Nam nằm trong nhóm ba nước nhận vốn xây nhiệt điện than lớn nhất từ lân bang Trung Quốc, nước vẫn duy trì mối quan hệ mật thiết dựa trên ý thức hệ giữa hai đảng cộng sản và đang nuôi dưỡng tham vọng toàn cầu của mình bằng Sáng kiến Vành đai và Con đường. [6] [7]
Dù một Quy hoạch điện mới đã được thông qua, song chưa có gì chắc chắn tình trạng thiếu điện sẽ không diễn ra trong những năm tới đây ở Việt Nam khi mà việc bắt bớ các nhà hoạt động môi trường đang làm chậm lại việc tiếp nhận hỗ trợ tài chính từ thỏa thuận JETP với G7, trong khi bất kỳ dự án nhiệt điện than mới nào nhận vốn từ Bắc Kinh chắc chắn sẽ gặp phản ứng gay gắt từ công chúng trong nước bởi những quan ngại về môi trường lẫn những lo lắng dân tộc chủ nghĩa. [8] [9] [10]
Bộ máy hành chính kém năng lực và ưa vòi vĩnh của Việt Nam lâu nay đã thừa tai tiếng với nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.