‘Số hóa’ chủ nghĩa Lênin
Cuốn sách “Retrofitting Leninism - Participation without democracy” của Phó giáo sư Khoa học Chính trị Dimitar Gueorguiev, được xuất
“Hoàng đế”, ra đời năm 1978, là cuốn sách viết về vương quốc Ethiopia dưới ách thống trị của Hoàng đế Haile Selassie.
Cuốn sách này là một tác phẩm ký sự kiệt tác của văn học Ba Lan. Di sản đồ sộ của nhà văn Ryszard Kapuściński (1932 - 2007) đã khiến thành phố Ba Lan lập một giải thưởng mang tên ông để tri ân những tên tuổi văn học hàng đầu của đất nước này.
Bản tiếng Việt của dịch giả Nguyễn Chí Thuật ra đời năm 2018. Cuốn sách được chia làm ba phần: Ngai vàng, Đi Đi và Sụp đổ. Để viết cuốn sách này, tác giả đã phỏng vấn những người đã tai nghe mắt thấy những điều ở hoàng cung của vị hoàng đế độc tài.
Hoàng đế Haile Selassie - vị hoàng đế cuối cùng của Ethiopia - là người luôn cố tỏ ra đứng vững theo nghĩa đen, khi mà “mỗi bước đi của ngài là một cuộc chiến giữa sự liêu xiêu, loạng choạng và danh dự". Ấy vậy mà vị hoàng đế phải gắng gượng trong từng bước đi ấy lại ham thăm thú nước ngoài. Tình hình đất nước càng nguy nan ông càng đi nước ngoài hăng say, đến nỗi công việc chính của hoàng cung là chuẩn bị cho những chuyến công du của ngài.
Ở chốn hoàng cung ấy, chỉ hoàng đế được quyền đặt câu hỏi và điều ngược lại chỉ có thể xảy ra khi có một cuộc cách mạng.
Đó là người luôn chú trọng những báo cáo miệng vào buổi sáng của các quan. Do Hoàng đế ít học và từ thuở thiếu thời đã giữ chức vụ cao sang và không có thời gian đọc, nên giờ đối với ngài thì văn bản in dường như không tồn tại. Hoàng đế Haile Selassie cho rằng các bản báo cáo sớm ấy vô cùng quan trọng bởi “đêm là khoảng thời gian rất nguy hiểm để phát sinh các âm mưu đen tối".
Việc nghe báo cáo bằng miệng chẳng có giấy trắng mực đen ấy cũng giúp cho ngài có thể đổ lỗi cho bất cứ vị quan nào là họ báo cáo sai. Quan lại chỉ được phép báo cáo những thứ mà theo Hoàng đế cần được báo cáo. Không những thế, Hoàng đế không bao giờ viết và cũng không ký bất cứ thứ gì vì đã có vị quan chuyên trách ghi chép với quyền lực dưới một người và trên vạn người. Viên quan ấy phải có tài đoán vì vua nói không những rất nhỏ mà còn “không rõ ràng và luôn tối nghĩa”, “vừa cụt lủn vừa mù mờ" để truyền tải cho các quan dưới quyền. Nếu mọi sự ổn thỏa thì người ta sẽ cho rằng Hoàng đế anh minh chọn người có tài thao lược. Nếu nhân dân bất mãn thì mọi thứ sẽ bị đổ lên đầu vị quan ghi chép kia.
Ngoài ra, Hoàng đế còn có một vị quan tai mắt có vai trò giám sát cảnh sát. Cảnh sát luôn sống trong môi trường ngột ngạt và cạnh tranh với cơ quan phản gián hoàng gia và cơ quan thu thập thông tin. Vua luôn trách họ nếu họ không báo tin kịp thời hay báo chậm hơn đối thủ (vì vua sẽ nghĩ họ đang bỏ thời gian toan tính âm mưu). Nếu như sự im lặng khiến Hoàng đế phản cảm thì việc nói liên tục cũng khiến ngài ngán ngẩm. Ông chỉ nghe và chẳng bao giờ bình luận, nhưng ông có thể lấy mạng họ trong tích tắc.
Hoàng đế hiếm khi đặt câu hỏi vì ngài cần thông tin “tươi nguyên” và rất sợ rằng nếu ngài đặt câu hỏi thì các quan chức sẽ chỉ đưa ra những thông tin ngài muốn nghe. Và thực ra, trong đống thông tin mà ngài ghi nhớ rất tốt ấy, chẳng có mấy điều quan trọng, vì chủ yếu là quan đấu tố lẫn nhau. Tất cả những người xung quanh ngài đều “gục đầu trên gối nhưng giấu kín con dao trong lòng".
Theo lời của vị quan ghi chép, đức vua cũng là người đầu tiên đưa ô-tô vào Ethiopia và sở hữu 27 chiếc. Ngài đã từng suýt mất mạng vì đã đưa về quê hương chiếc máy bay đầu tiên từ châu Âu. Hoàng đế thiết triều ở lâu đài cũ, nghỉ ngơi ở cung điện mới, và hàng sáng sẽ đi ô-tô qua lại giữa hai nơi.
Người dân đói khổ, mù chữ, nợ đầm đìa vì thuê người làm đơn kiện hộ, chỉ biết trông chờ vào khoảnh khắc ngắn ngủi này để ra đường kêu oan. Nhưng nhà vua lại ra lệnh đường phải thông thoáng nên rồi họ bị đuổi đi.
Và còn một đám đông nữa chỉ mong được ngài nhớ mặt, biết tên: chính là đám quan lại chờ được diện kiến Hoàng đế. Chính Hoàng đế cũng từng là một thành viên của cái đám lâu nhâu ấy, và rồi được chọn làm người kế vị ở tuổi 24 vào năm 1930, vì là “người kín đáo, khôn ngoan và biết ngậm miệng”, không lộ mình quá sớm và không thể hiện tham vọng quyền lực lộ liễu.
Hoàng đế ra lệnh thủ đô châu Phi, thành phố Addis Ababa, phải hoành tráng, nhưng việc xây dựng có vẻ như chẳng bao giờ chấm dứt.
“Con người có thể thích nghi với bất cứ điều gì nếu họ đạt đến một mức độ tuân phục phù hợp”. Thậm chí, vị hoàng đế độc tài được người dân cung kính và hy sinh vô bờ bến. Nhân dân nhiệt tình tấn công bọn phản vua. Người ta cho rằng bạo loạn là bất kính với vua. Tất cả hùa vào tấn công, không cần súng đạn, săn đuổi bọn phản trắc. Nhà văn mô tả người dân dường như mang ơn một chế độ hủy diệt họ.
Hoàng đế không mảy may quan tâm đến người dân nhưng tâm đắc với quân đội và ưu ái cảnh sát. Lực lượng an ninh tăng đáng kể trong những năm trước khi chế độ sụp đổ. Họ hiện hữu ở khắp nơi, “thôi thì tai mắt mọc từ dưới đất lên, được gắn vào các bức vách, lơ lửng trên không trung, treo trên các nắm tay cửa ra vào, rình rập trong các cơ quan, lảng vảng trong đám đông, đặt ở các cổng chào, quanh quẩn trong các chợ”.
Cả dân tộc trở thành một môi trường đa ngôn ngữ, với sự thuần thục cao mà không cần đào tạo hay tài liệu gì. Người ta sẽ điều chỉnh mức độ sử dụng ngôn ngữ theo vấn đề, mối quan hệ với người đối diện, xem cần phô ra hay giấu biệt đi. Nhưng ngôn ngữ chung có lẽ là sự nín nhịn, nhún nhường được rèn luyện từ khi còn ấu thơ.
Mọi thứ của vị Hoàng đế khả kính là phô trương, hình thức, mà chính người dân dần dà cũng quen và ưa chuộng. Khi người ăn xin đến nhận bố thí những món ăn ngon của Hoàng đế, người bắn súng cối có nhiệm vụ bắn lên trời hàng loạt viên đạn giấy nhiều màu, để rồi từ trên cao rơi xuống thành một chiếc khăn sặc sỡ in hình Hoàng đế.
Người dân bị dị ứng với những sự chỉ trích của thế giới bên ngoài. Họ thích khen, và chỉ muốn người khác khen mình và rồi chỉ tin vào truyền thông tích cực trong nước, mặc dù thứ truyền thông ấy chỉ trung thành với Hoàng đế khả kính của họ. Chính Hoàng đế, trớ trêu thay, lại là người đã ra lệnh in ít báo thôi để dân ít đọc và ít tư duy, như thế sẽ khó có khả năng dẫn đến mâu thuẫn nội bộ. Và ít nhiều thì họ giống như những vị lãnh đạo của họ, chỉ muốn các nhà báo nước ngoài ở lại thủ đô Addis Ababa để giấu tiệt đi những cảnh đói nghèo ở những nơi khác tại Ethiopia. Nhưng với họ, chuyện chết đói đã trở thành chuyện bình thường và tầm thường đến mức nó không đáng trở thành tin sốt dẻo nữa. Các quan chức ít công du vì sợ bị mất ghế, vì ngoài đường nhiều cướp bóc.
Duy trì sự đói nghèo là một cách để tạo ra sự ổn định giả tạo dưới chế độ độc tài. “Bắt nhịn đói có cái lợi là kẻ đói luôn luôn chỉ có một ý nghĩ duy nhất trong đầu là mẩu bánh mì, và toàn bộ sức lực của anh ta tập trung vào chuyện kiếm được mẩu bánh đó, vì thế anh ta không còn đầu óc và ý chí đâu mà đi tìm thú vui trong sự hấp dẫn của việc không tuân thủ".
Thế lực thù địch hay kẻ thù nguy hiểm có thể làm đảo lộn xã hội, trong con mắt của nhà vua hay của cả những người dân bình thường, “không phải là những người có quá đầy đủ mọi thứ hay chẳng có bất cứ thứ gì”, mà là “lũ người mỗi thứ có một ít mà thôi" - “lực lượng hay đòi hỏi và sẵn sàng xông pha lên phía trước”.
Hoàng đế khi nhân từ đã cho phép truyền thông bên ngoài đưa tin về nạn đói. Nhưng người dân đói không phải vì không có lương thực, mà là vì nông sản họ làm ra bị các ông chủ rao giá ngất ngưởng, họ vì không mua nổi mà chết dần chết mòn. Con đường tất yếu khi có đói nghèo triền miên là kêu gọi lòng hảo tâm từ nước ngoài.
Mặc dù cuốn sách có tên là “Hoàng đế” nhưng từ đầu chí cuối nhà độc tài ấy không hề xuất hiện mà chỉ hiện ra qua lời kể của những bề tôi. Một chế độ độc tài không phải do một người, mà do nhiều người tạo thành, cổ xúy và duy trì. Những đám quần thần và những người dưới quyền khác cũng có thể chấp nhận, hợp sức, dung túng để tạo ra một chế độ độc tài. Nhà văn Ryszard Kapuściński đã phỏng vấn nhiều người, từ người bắn súng cối của Hoàng đế cho đến cận thần phụ trách ghi chép. Ngòi bút châm biếm thâm thúy ở chính những phóng sự, nơi người dân được tự kể ra câu chuyện của mình với rất ít những lời dẫn của tác giả.
Nhưng chính vì sự dối trá ngự trị cả xã hội, mà người dân trở nên đa nghi, ngay cả với những điều nhỏ nhất. Người ta không còn lòng tin với đồng loại và với đồng bào, bởi tất cả mọi người đã bình thường hóa sự giả dối, thậm chí sự lừa dối ở chế độ độc tài đa phần còn chiến thắng cả sự thật.
Sách do Nhà xuất bản Lao Động ấn hành.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.