Chiến tranh Biên giới Việt - Trung và “Những mùa xuân con không về”

Chiến tranh Biên giới Việt - Trung và “Những mùa xuân con không về”
Bìa sách: NXB Trẻ. Đồ hoạ: Tuỳ Phong / Luật Khoa.

Ngày 17/02/1979, Chiến tranh Biên giới Việt - Trung nổ ra, trải dài ở sáu tỉnh: Lai Châu, Hoàng Liên Sơn (mà ngày nay là Lào Cai và Yên Bái), Hà Tuyên (giờ là Hà Giang và Tuyên Quang), Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh. Cuộc chiến diễn ra vài tuần sau khi quân đội Việt Nam góp phần hỗ trợ giải phóng thủ đô Phnom Pênh của Campuchia. Cuộc chiến đẫm máu ấy không chỉ cướp đi sinh mạng của nhiều người, đặc biệt là những thanh niên ở khắp cả nước, mà còn tước đoạt vẻ đẹp tự nhiên của miền sơn cước biên giới. 

Cuốn sách “Những mùa xuân con không về “của Nhà xuất bản Trẻ được xuất bản năm 2019 nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc. Đó là một tập hợp hiếm hoi những bài thơ và văn xuôi về cuộc chiến này của nhiều nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ, trong đó có những tên tuổi lớn như nhà thơ Chế Lan Viên, nhà văn Bảo Ninh, nhà thơ Xuân Quỳnh, nhà biên kịch Lưu Quang Vũ, đạo diễn Đặng Nhật Minh hay nhạc sĩ Trần Tiến, v.v. Đó là những câu chuyện nhỏ của những người trực tiếp hoặc không trực tiếp tham chiến. Nhiều tác giả trong số đó “lớn lên, đến trường, làm đồng, làm vườn, chăn bò, chăn dê giúp bố mẹ trong tiếng đạn pháo đì đùng liên miên". 

Vào thời kỳ đầu của cuộc chiến, những ngôn từ căm phẫn tràn ngập trên mặt trận truyền thông. Thậm chí trong Hiến pháp 1980, người ta còn lên án Trung Quốc là “bọn bá quyền” và chỉ xóa bỏ điều này khi hai nước bình thường hóa quan hệ.

Theo lời kể của em ruột Lưu Quang Vũ là Lưu Khánh Thơ, cả hai vợ chồng Xuân Quỳnh và Quang Vũ cùng có mặt ở chiến trường Lạng Sơn. Cả hai người tình nguyện đến nơi nguy hiểm để công tác. Riêng nhà thơ Xuân Quỳnh tự nguyện làm hậu cần lo cơm nước cho cả đoàn. Đó cũng là nguồn cảm hứng của hai bài thơ “Viết ở Lạng Sơn” (Lưu Quang Vũ) và “Bài hát ru em bé trên đường chạy giặc” (Xuân Quỳnh).

Còn ký ức của đạo diễn Đặng Nhật Minh là một thành phố êm đềm trở thành một đống đổ nát, và đã trở thành bối cảnh của bộ phim “Thị xã trong tầm tay" của ông. Bộ phim dựa trên truyện ngắn của chính ông, nói về sự phản bội của người láng giềng, và cả sự phản bội của chính con người trong nước, chỉ vì những gì họ học được từ Trung Quốc như chủ nghĩa lý lịch.

Cuộc chiến diễn ra trong bối cảnh đất nước đang ở đỉnh điểm của những năm bao cấp “mòn mỏi đi vì nghèo túng và trì trệ", “tin tức cũng như thể là bị ngăn sông cấm chợ, các thứ đài báo thông tấn triệt để kín miệng", theo lời nhà văn Bảo Ninh. Những lời bộc bạch của ông khiến độc giả không khỏi chạnh lòng. Bản thân ông cũng “lặng thinh” với cuộc chiến trên những trang giấy, như thể “tôi là một kẻ cầu an và hoàn toàn vô cảm, nhẫn tâm dửng dưng, nhẫn tâm bỏ qua, bẵng quên đi máu xương của biết bao đồng đội đồng bào đã ngã xuống trong mùa đông bão tố ấy và trong những năm trường gian nguy đầy đau thương ấy của Tổ quốc".

Một thực tế được nhấn mạnh nhiều lần trong cuốn sách đó là cuộc chiến biên giới kéo dài tới cả một thập niên sau đó, đặc biệt là ở vùng Vị Xuyên, Hà Giang, và chỉ chấm dứt năm 1991 khi hai nước bình thường hóa quan hệ. Cũng trong quãng thời gian ấy, Chiến tranh Biên giới Tây Nam cũng nổ ra, và đất nước bị cấm vận, khiến cuộc sống khắp nơi đều chật vật, nhất là những năm trước Đổi mới. Người dân hoàn toàn bị bất ngờ. Như lời của nhà văn Mã A Lềnh, cuộc chiến ấy là “trò nghịch của bạo chúa”, là “thảm cảnh nồi da nấu thịt”. 

Chiến tranh diễn ra ở một trong những vùng có điều kiện vật chất thiếu thốn nhất cả nước là vùng miền núi phía Bắc. Cuộc sống bị đảo lộn, thậm chí chỉ đủ nước để ăn uống chứ chẳng có để tắm giặt. Ấy vậy mà người dân vẫn nhường bộ đội, chăm sóc họ để họ chuyên tâm chiến đấu. Cuốn sách nhắc tới sự tham gia của đồng bào các sắc tộc thiểu số, nói về nỗi đau của những con người vẫn chịu đau ngay cả khi chiến tranh đã kết thúc. Có những gia đình có người bị lính bên kia biên giới giết hại nhưng quên đi nỗi đau của bản thân mà tận tình chăm lo cho bộ đội đến chiến đấu. 

Với nhiều gia đình, cuộc chiến ấy vẫn còn đó. “Nhiều hài cốt đã được tìm thấy trong suốt những năm qua, nhưng cũng còn rất nhiều, hàng nghìn, chưa tìm thấy được. Họ đang nằm đâu đó, trên cao, trong đất đá, cỏ cây, nghe gió thổi và nhìn mây bay” (lời nhà báo Lâm Hà). Và nhiều người mẹ đã không còn thấy con họ trở về.  

Lại có cả những người được gọi là “công binh phương Tiến", chuyên liều lĩnh đi gom đạn pháo để bán phế liệu mưu sinh, chẳng có dụng cụ hỗ trợ, không có kiến thức và kinh nghiệm và rồi tàn phế đến hết cuộc đời vì tai nạn. Kiểm soát được điều này ở một vùng dân cư thưa thớt và đói nghèo là một điều vô cùng khó khăn. Bởi thế mà nhiều tai nạn đã xảy ra, và những tai nạn ấy rất ít khi được nói đến. 

Nhiều tác giả đã có sự tri ân đặc biệt tới những người phụ nữ ở hậu phương, những người vất vả ở lại trông nom mẹ già, con trẻ để những người chồng, người cha đi chiến đấu.

Đó là một cuốn sách đầy nỗi ám ảnh và nỗi đau của những người viết, mà có một vài trong số đó vừa cầm súng vừa cầm bút. Cuốn sách là một tác phẩm hiếm hoi kể về cuộc chiến đẫm máu qua con mắt của những người trí thức Việt Nam, những người cảm thấy bất lực vì họ biết mà không thể nào viết về nhiều sự kiện lịch sử. Đó là một nỗ lực phá tan sự im lặng kéo dài hàng thập niên vì nạn kiểm duyệt. Cũng may rằng chúng ta vẫn còn có những trang văn lưu giữ lại lịch sử của quần chúng.


Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.