Tổ chức dân sự - lời giải cho bài toán cứu trợ trong thiên tai
Trước cảnh thiên tai lũ lụt đang diễn ra ở miền Bắc, người dân cả nước đang tìm nhiều cách
Gần đây, cuộc thảo luận xoay quanh vấn đề cải cách giáo dục đại học Việt Nam có tiếng nói rất đáng chú ý từ Neal Koblitz, giáo sư toán tại Đại học Washington. Trong bài viết được đăng trên tạp chí Tia Sáng, giáo sư Neal Koblitz phê phán bộ máy quản trị cồng kềnh, học phí đắt đỏ cũng như tình trạng lạm phát điểm tại các đại học Hoa Kỳ. Từ đó, ông khuyến nghị Việt Nam nên thận trọng trong việc “nhập khẩu” các yếu tố của hệ thống quản trị đại học và quản lý chất lượng từ mô hình Mỹ. [1]
Tôi trân trọng tấm lòng cũng như những lời khuyên chân thành mà giáo sư Koblitz dành cho Việt Nam. Nền giáo dục Mỹ quả thực không thiếu thứ để phê phán. Tuy nhiên, là người có may mắn thụ hưởng môi trường đại học ở cả Việt Nam và Mỹ, tôi cho rằng có ít nhất hai điểm cực kỳ cốt lõi Việt Nam nên học từ quốc gia này.
Học từ Hoa Kỳ vốn dĩ đã là chuyện nhàm tai. Ai mà chẳng học được gì đó từ quốc gia hùng mạnh và phát triển nhất thế giới? Vậy khi nhân tiện có những thảo luận phê phán mô hình Hoa Kỳ, tôi thấy cần phải nói lại về những thứ căn cốt của giáo dục họ có mà chúng ta gần như hoàn toàn không có.
Nhưng trước hết, tôi muốn kể một trải nghiệm đặc biệt của tôi trong thời gian học tập và nghiên cứu ở Mỹ. Đó là thời điểm xảy ra vụ bạo loạn ở Quốc hội ngày 6/1/2021, do nhóm người ủng hộ Tổng thống Donald Trump tiến hành.
Sự việc này gây rúng động không chỉ nền chính trị Hoa Kỳ mà cả trong cộng đồng giảng viên và sinh viên của các trường đại học. Các cuộc thảo luận trong các lớp luật và chính trị tại thời điểm đó đều xoay quanh sự kiện này. Các bài tập hàng tuần cũng nhanh chóng được thay đổi, yêu cầu sinh viên suy nghĩ về “hiện tượng Trump”, nguyên nhân của vụ bạo loạn cũng như tác động của nó đến tương lai của nền dân chủ.
Nghĩ về Việt Nam, tôi hiếm khi thấy những sự kiện được xem là nóng và quan trọng như tranh chấp đất đai tại Đồng Tâm, thảm họa môi trường Formosa hay gần đây là vụ án ngân hàng SCB được thảo luận trên giảng đường.
Lý do gì các trường đại học của Mỹ làm được điều đó mà Việt Nam không, hay là chưa làm được?
Đây là hai lý do chính mà tôi có thể nghĩ tới.
Có lẽ điểm khác biệt lớn nhất giữa mô hình Hoa Kỳ và Việt Nam là những cái tròng trên cổ các trường đại học.
Ở nước ta, Bộ Giáo dục & Đào tạo can thiệp sâu vào công tác quản lý của các trường, từ việc ban hành chương trình khung của các ngành học cho đến việc công nhận hiệu trưởng của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ. [2]