Trải nghiệm tuổi thơ ảnh hưởng tới cách chúng ta yêu như thế nào?

Trải nghiệm tuổi thơ ảnh hưởng tới cách chúng ta yêu như thế nào?
Ảnh bìa: Amazon. Đồ họa: Tùy Phong / Luật Khoa.

Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao có người dễ dàng xây dựng một mối quan hệ bền vững, hạnh phúc, trong khi một số khác lại gặp vô vàn khó khăn? Tại sao những người kém may mắn trong chuyện tình cảm thường bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của các mối quan hệ độc hại?

Cuốn sách “Attached: The new science of adult attachment and how it can help you find and keep love (tạm dịch là “Hiểu về sự gắn kết: Làm thế nào để tìm kiếm và gìn giữ tình yêu?”) cung cấp một công cụ tâm lý học giúp chúng ta giải đáp các câu hỏi trên.

Các tác giả Amir Levine và Rachel Heller đưa ra nhiều ví dụ sinh động về các mối quan hệ trong thực tế nhằm giúp người đọc hiểu về thuyết gắn kết (attachment theory) trong tâm lý học. Dưới đây là hai ví dụ điển hình về mối quan hệ độc hại.

Ví dụ thứ nhất:

Greg và Tamara gặp nhau tại một bữa tiệc và hẹn hò không lâu sau đó. Ánh mắt say mê Greg dành cho Tamara khiến cô hào hứng, những lời hứa hẹn của anh khiến cô mê đắm. Greg kể anh chưa bao giờ có mối quan hệ ổn định, lâu dài, và vì một lý do nào đó, anh luôn cảm thấy chán người yêu và muốn chia tay. Dù lo lắng, nhưng Tamara đinh ninh tình yêu có thể vượt qua mọi trở ngại. Tuy nhiên, khi mối quan hệ ngày trở nên sâu sắc hơn, Greg thường từ chối hẹn hò Tamara với lý do bận việc. Điều này khiến cô trăn trở về tương lai của hai người. Cứ sau những lần đẩy Tamara ra xa, Greg lại biết cách xin lỗi và thể hiện tình yêu, khiến Tamara không thể rời xa anh. Sau một thời gian, Tamara không còn kiểm soát được cảm xúc của mình, tâm trạng thất thường và phụ thuộc vào lối hành xử của Greg.

Ví dụ thứ hai:

Cuộc hôn nhân của Georgia và Henry ngập tràn những cuộc cãi vã không hồi kết. Henry cảm thấy không bao giờ có thể đáp ứng đủ những yêu cầu, đòi hỏi của Georgia và anh cho là cô luôn đánh giá, chỉ trích anh. Trong khi đó, Georgia lại cho rằng gánh nặng của cuộc hôn nhân này đặt hết lên vai cô khi cô luôn là người khởi xướng và thực hiện mọi việc. Cô cảm thấy cô đơn và không được chồng quan tâm. Georgia gọi điện, nhắn tin cho Henry nhiều lần trong ngày, rồi chờ anh liên lạc. Điều này khiến cô không thể tập trung công việc. Còn Henry lại cảm thấy vợ mình phiền phức, đeo bám nên thường tắt điện thoại.

Hai ví dụ này có một điểm chung là trong khi một người muốn mối quan hệ trở nên gần gũi, thân mật hơn thì người kia lại cảm thấy bất an và tìm cách đẩy đối phương ra.

Theo thuyết gắn kết, Greg và Henry có kiểu gắn kết “né tránh”, còn Tamara và Georgia thuộc kiểu “lo âu”.

Lý thuyết này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ giữa trẻ em với người chăm sóc trực tiếp (thường là cha mẹ) và ảnh hưởng của nó tới những mối quan hệ sau này của trẻ.

Mối quan hệ với cha mẹ được xem là “tình yêu đầu tiên” và định hình quan niệm của trẻ về giá trị bản thân, sự kết nối, sự thân mật và tính cam kết. Từ đó đặt nền tảng cho khả năng hình thành và duy trì các mối quan hệ tình cảm trong tương lai.

Vậy có những kiểu gắn kết chính nào? Chúng có đặc điểm gì? Nguồn gốc của chúng ra sao? 

Kiểu gắn kết né tránh

Người có kiểu gắn kết né tránh (dismissive avoidant) thường đề cao tính độc lập và tự lực tự cường. Họ có thói quen đè nén cảm xúc và khó bộc lộ tình cảm cũng như con người thật của mình trong các mối quan hệ xã hội. Trong tình yêu, những người này thường khó tin tưởng đối tác và cảm thấy bị đe dọa khi tiến sâu vào mối quan hệ. Họ thường chú ý đến các khuyết điểm của nửa kia và thiếu quan tâm đến nhu cầu, cảm xúc của người yêu. Họ ghét xung đột và thường né tránh hoặc bỏ đi chứ không giải quyết vấn đề khi tranh cãi.

Một số suy nghĩ thường gặp của người có kiểu gắn kết né tránh:

  • Tính tôi không phù hợp với chuyện yêu đương, tôi sống tốt hơn khi độc thân;
  • Anh/cô ta chỉ muốn trói buộc tôi, đây không phải tình yêu đích thực;
  • Anh/cô ta quá ghen tuông, kiểm soát, phiền phức, bám dính, tôi cảm thấy nghẹt thở;
  • Khi tôi ở bên người yêu cũ, điều gây khó chịu này không bao giờ xảy ra.

Những người thuộc kiểu gắn kết né tránh thường lớn lên trong gia đình mà cha mẹ thiếu quan tâm đến cảm xúc và tình cảm của con cái. Khi trẻ thể hiện cảm xúc, nhu cầu và mong muốn của bản thân, nếu cha mẹ tỏ ra thờ ơ, lạnh nhạt, thậm chí chì chiết, la mắng thì trẻ sẽ liên kết việc mở lòng và thể hiện cảm xúc với sự hổ thẹn, tổn thương và yếu đuối. Họ lưu giữ những niềm tin tiêu cực này trong tiềm thức và áp đặt nhiều lo ngại lên đối tác và mối quan hệ yêu đương khi trưởng thành.

Kiểu gắn kết lo âu

Người có kiểu gắn kết lo âu (anxious-preoccupied) thường có lòng tự trọng thấp, khó tin tưởng người khác và nhạy cảm với những lời chỉ trích. Trong tình yêu, họ cần nhiều sự quan tâm, chăm sóc và trấn an từ đối phương. Họ sẽ trở nên cực kỳ lo lắng nếu không được đáp ứng những nhu cầu này. Họ thường thiếu tự tin, cảm thấy mình không xứng đáng với tình yêu, có thể trở nên ghen tuông và sợ bị đối phương bỏ rơi. Họ cũng có khuynh hướng đeo bám đối tác và sợ phải ở một mình.

Một số suy nghĩ thường gặp của người có kiểu gắn kết lo âu:

  • Tôi biết là anh/cô ta muốn rời bỏ tôi;
  • Nếu chia tay anh/cô ta, tôi sẽ không thể tìm được ai khác;
  • Tốt nhất là anh/cô ta phải quay về cầu xin tôi tha thứ, nếu không thì mọi thứ chấm dứt;
  • Nếu tôi đẹp và quyến rũ hơn, mọi vấn đề sẽ được giải quyết.

Về nguồn gốc, kiểu gắn kết này thường xuất phát từ tuổi thơ không được cha mẹ đáp ứng đầy đủ nhu cầu cảm xúc và sự an toàn. Trong quá trình lớn lên, trẻ có thể cảm thấy bối rối trong mối quan hệ với cha mẹ khi trong một số giai đoạn được quan tâm, nuông chiều, nhưng ở giai đoạn khác lại bị bỏ bê. Sự thiếu nhất quán này khiến trẻ cảm thấy bất an, luôn tìm kiếm sự quan tâm và chú ý từ cha mẹ.

Kiểu gắn kết an toàn

Người có kiểu gắn kết an toàn (secure attachment) là mẫu người trái ngược với hai mẫu người né tránh, lo âu và được xem là “người tình lý tưởng”. Họ cảm thấy thoải mái với sự thân mật và có khả năng truyền đạt nhu cầu của mình cũng như đáp ứng nhu cầu của đối phương một cách hiệu quả.

Những người này tin rằng đối phương yêu thương và mong muốn đáp ứng nhu cầu của mình, họ cũng không quá lo lắng việc đánh mất tình yêu của đối phương. Nhiều nghiên cứu chỉ ra những người có kiểu gắn kết này có mức độ hài lòng về mối quan hệ cao hơn so với những người có các kiểu gắn kết khác. Họ cũng ít gặp phải các vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần (như stress, lo âu, trầm cảm…) hơn nhóm khác.

Kiểu gắn kết tích cực này thường là kết quả của một tuổi thơ êm đẹp, được cha mẹ yêu thương và đáp ứng đầy đủ các nhu cầu vật chất và tinh thần. Những người này thường tự tin, lạc quan, có cảm giác an yên, tin tưởng vào người chăm sóc mình cũng như những người xung quanh. [1]

***

Theo tác giả cuốn sách, hơn 50% dân số thế giới có kiểu gắn kết an toàn. Gần 50% còn lại có kiểu gắn kết bất an, trong đó 20% có kiểu gắn kết lo âu, 25% có kiểu gắn kết né tránh.

Phần còn lại, khoảng từ 3 - 5%, rơi vào loại thứ tư ít phổ biến hơn là gắn kết lo âu - né tránh (fearful-avoidant/disorganized attachment). [2]

Đối với kiểu người bất an, lựa chọn được đối tác có kiểu gắn kết an toàn là cách tốt nhất để xây dựng một mối quan hệ lành mạnh và lâu dài. Người có kiểu gắn kết an toàn có thể thấu hiểu, yêu thương và giúp kiểu người lo âu cảm thấy yên lòng, họ cũng có thể cho kiểu người né tránh sự tự do và không gian riêng để phát triển.

Nhưng trớ trêu thay, thực tế những người có kiểu gắn kết lo âu lại thường kết đôi với những người né tránh, tạo nên “bẫy lo âu - né tránh” (the anxious - avoidant trap) như hai ví dụ nêu ở đầu bài viết. Tại sao lại có hiện tượng này? Nếu đã lỡ rơi vào bẫy này thì làm thế nào để cải thiện mối quan hệ? Lý tưởng hơn, có cách nào để giúp những người bất an trở nên an yên hơn khi yêu không? Liệu một người bất an có thể thay đổi kiểu gắn kết của mình theo hướng tích cực không?

Nếu bạn tò mò về đáp án, cuốn sách của hai tác giả Amir Levine và Rachel Heller có thể giúp bạn tìm kiếm câu trả lời.

***

Góc khám phá:


Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.

Chú thích

  1.  Theo các tác giả Amir Levine và Rachel Heller, gen cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định kiểu gắn kết của một người. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, những cặp sinh đôi cùng trứng (chia sẻ 100% bộ gen) thì có khả năng có cùng kiểu gắn kết hơn những cặp sinh đôi khác trứng (chỉ chia sẻ 50% bộ gen). Ngoài ra, lịch sử tình trường cũng có ảnh hưởng đáng kể. Ví dụ, sau khi trải qua một biến cố lớn trong chuyện tình cảm hoặc một mối quan hệ độc hại, một người có kiểu gắn kết an toàn có thể trở nên bất an và phát triển các đặc điểm của kiểu gắn kết né tránh hoặc lo âu như một cơ chế phòng vệ.
  2. Người có kiểu gắn kết lo âu–né tránh (fearful–avoidant) mang đặc điểm của cả kiểu gắn kết lo âu và né tránh. Họ mong muốn một mối quan hệ gần gũi, thân mật, nhưng đồng thời cũng sợ hãi, lo lắng về sự gắn bó sâu sắc. Sự tự mâu thuẫn này dẫn đến thái độ lúc nóng lúc lạnh trong tình yêu. Họ thường khó tin tưởng vào người khác, thiếu tự tin vào bản thân, lo sợ bị tổn thương, bị bỏ rơi và bị người yêu phản bội. Họ có thể muốn mở lòng và chia sẻ cảm xúc nhưng cũng có thể cảm thấy sợ hãi về điều đó, tránh né và rút lui khi cảm thấy không an toàn.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.