Đọc 'Phải sống' của Dư Hoa: Ai đau khổ như Phú Quý?
Người viết đã từng giới thiệu tiểu thuyết Huynh Đệ của nhà văn Dư Hoa. Nhưng đây không phải là
Mượn cuộc đời của một thiếu nữ có số phận trầm luân để nói về những mặt trái của xã hội Việt Nam.
Có lẽ ai trong chúng ta cũng từng nghe đến ông Nguyễn Ngọc Ngạn - người dẫn chương trình nổi tiếng của Paris By Night hoặc biết tới ông qua vai trò tác giả, giọng đọc của nhiều truyện ma.
Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, tài năng của nhà văn quê Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội) còn thể hiện qua danh sách hàng loạt các truyện ngắn, tiểu thuyết tình cảm. Các tác phẩm đó phản ánh hiện thực xã hội. Có nhiều quyển nói về những mâu thuẫn của chế độ cộng sản và những buồn vui của đời sống hải ngoại. [1]
Với chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang tối thứ ba tuần này, Luật Khoa tạp chí xin giới thiệu tới bạn đọc truyện dài “Hồng Nhan” của Nguyễn Ngọc Ngạn. Theo quan sát của người viết, thông thường, sách của ông xuất bản xong mới chuyển sang dạng sách nói. Tuy nhiên, với truyện dài “Hồng Nhan", người viết chưa tìm ra được thông tin liệu tác phẩm này đã xuất bản sách giấy hay chưa. Người viết đang điểm nội dung tác phẩm qua hình thức sách nói.
Truyện dài “Hồng nhan" lấy bối cảnh Việt Nam những năm đầu thế kỷ 21. Nội dung truyện xoay quanh cuộc đời đa truân của Hồng - một thiếu nữ đẹp con nhà nghèo.
Mở đầu tác phẩm, Nguyễn Ngọc Ngạn kể câu chuyện của cô Linh - một con chiên ngoan đạo - vô tình bắt được cái chai thủy tinh ngoài bờ biển. Sau này, khi đem nó về, cô mới phát hiện mình được trao quyền năng thấy rõ tương lai của một người nếu người đó cầm cổ chai lên.
Biết chuyện, nhân vật chính trong truyện là cô Hồng, cùng bạn trai tên Toản đến tìm gặp cô Linh. Hai người tò mò muốn biết sau này có lấy nhau được hay không.
Nhưng hai người tá hỏa khi nghe cô Linh nói, cô nhìn thấy hình ảnh Hồng mặc váy cưới đứng giữa nghĩa trang, đằng sau là năm chiếc quan tài. Điều này đồng nghĩa với việc hễ Hồng lấy ai thì người đó đều phải chết yểu. Cô Linh khuyên Hồng kiếp này không nên lấy chồng.
Tuy nhiên, Hồng và Toản lại đang yêu nhau say đắm, nên theo tâm lý thông thường là không nghe theo lời cảnh báo của cô Linh.
Dịp nọ, hai người đi nghỉ mát tại Vũng Tàu. Nhưng tai họa ập đến, buổi sáng sau đêm ân ái, Toản bị chết đuối. Đó là một ngày mưa gió bão bùng ngoài bãi biển. Cái chết của Toản gây sốc cho Hồng vì anh là một huấn luyện viên bơi lội.
Lúc này, Hồng nhận ra không cần phải cưới xin, chỉ cần chung đụng thể xác là người đàn ông của cô phải đón nhận cái chết.
Sau một thời gian nằm vật tại nhà day dứt, đau khổ vì cái chết của người yêu, Hồng gặp Đán - một Việt kiều Mỹ mới về nước. Hai người sớm phát triển mối quan hệ yêu đương. Cuối cùng Đán bày tỏ chân tình và ngỏ lời muốn cưới Hồng.
Lúc này Hồng như đứng giữa ngã ba đường. Hồng sẽ từ chối Đán vì không muốn Đán phải nhận cái chết? Tìm cách đi cầu cạnh thầy pháp thay đổi vận mệnh? Hay thậm chí tàn nhẫn hơn là Hồng sẽ tìm ai đó ngủ với mình cho tới khi nào đủ năm chiếc quan tài?
Lúc này, nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn thật sự đã đẩy câu chuyện kịch tính và hấp dẫn hết mức có thể. Người nghe sách nói sẽ bị lôi cuốn nghe thêm hoài, bởi muốn biết cuối cùng Hồng có lấy được Đán hay không.
Hiện tại, các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn chưa từng được xuất bản tại Việt Nam. Tuy nhiên, bạn đọc có thể thưởng thức truyện dài “Hồng Nhan" bằng audiobook do Trung tâm Thúy Nga sản xuất và phát hành, qua sự diễn đọc của chính tác giả và kịch sĩ Hồng Đào tại đây. [2]
Với quan niệm là một nhà văn phải luôn luôn trăn trở chứ đừng chỉ viết suông, Nguyễn Ngọc Ngạn khéo léo lồng ghép những mặt tối của xã hội Việt Nam đương thời bằng các nhân vật đi qua cuộc đời Hồng. [3]
Qua tác phẩm, sẽ thấy được một thiếu gia con của trung tá công an, cậy thế bố luôn tỏ ra hống hách, coi phụ nữ như đồ chơi. Sau một bữa tiệc sinh nhật, anh này đã cưỡng hiếp Hồng.
Hay sẽ biết về một thầy pháp với vỏ bọc đạo mạo hiểu biết về thế giới tâm linh nhưng đầu óc rỗng tuếch, luôn chủ tâm lừa đảo, trục lợi thân xác những phụ nữ trẻ đẹp, nhẹ dạ cả tin.
Người nghe thấy thêm một vị quan chức luôn tỏ ra ngoan ngoãn, phục tùng sếp là “đảng viên lâu năm”, “mua bằng để tiến thân” nhưng đã dám “nẫng tay trên” đàn anh khi cơn dục vọng nổi lên.
Và chắc chắn thính giả sẽ có cơ hội cảm nghiệm thêm về xã hội Việt Nam đương đại. Trong một xã hội đầy bất ổn, công ăn việc làm không phải dễ kiếm, những thanh niên con nhà nghèo phải hạ mình đi làm “trai bao”, phục vụ các bà muốn hồi xuân.
Trong truyện, mẹ Hồng, giống như nhiều người nghèo tại xã hội Việt Nam, ngày đêm vất vả lao động vẫn không đủ tiền cho con ăn học, luôn tỏ ra khúm núm với những người thuộc tầng lớp giàu có.
Người mẹ ấy đã không ngần ngại vun vén cho cuộc hôn nhân giữa con gái và chàng rể Việt kiều để hai mẹ con bà sẽ có tương lai sáng sủa hơn.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.