Ranh giới giữa “gây rối trật tự công cộng” và biểu tình, đấu tranh nhân quyền có mong manh không? Câu trả lời là có.
Sự thực là, gây rối trật tự vốn là một tội danh được nhiều chính quyền trên thế giới sử dụng để ngăn chặn tụ tập đông người và để kết tội các nhà bảo vệ nhân quyền. Vụ án “gây rối trật tự công cộng” của bà Bùi Thị Minh Hằng và hai người bạn vừa được Tòa án Nhân dân Tối cao xét xử phúc thẩm tại Đồng Tháp ngày 12/12/2014 cũng gây nên nhiều tranh cãi và cần có sự lý giải phần nào về ranh giới mong manh này.
Phong trào đấu tranh đòi quyền dân sự của người da đen ở Mỹ vào những năm 1960 mang đến cho chúng ta các ví dụ tiêu biểu để tham chiếu, như Martin Luther King và Rosa Parks.
Mục sư, nhà hoạt động nhân quyền Martin Luther King (1929-1968) không phải là một cái tên xa lạ với Việt Nam. Ít nhất, ai cũng có thể nói rằng ông là lãnh tụ của phong trào đấu tranh bất bạo động đòi quyền dân sự ở nước Mỹ thập niên 1960, là một nhà hùng biện tài ba, tác giả của bài diễn văn lừng danh “Tôi có một giấc mơ”.
Điều ít người biết là Martin Luther King từng nhiều lần bị cảnh sát Mỹ bắt giam – ngay cả khi ông đã nổi tiếng, xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Time, được Time chọn là nhân vật của năm, rồi được trao giải Nobel Hòa bình (năm 1964)… Tội của ông thường là “biểu tình không phép”. Một trong những lần bị bắt đáng chú ý của King là vào hôm thứ sáu, 12/4/1963, ông bị bắt cùng với Ralph Abernathy và bị nhốt 11 ngày ở Birmingham, Alabama, vì tham gia tuần hành đông người chống phân biệt chủng tộc, vi phạm luật của bang.
Martin Luther King bị hai cảnh sát da trắng bắt tại Alabama, ngày 4/9/1958. Ảnh: Chưa rõ nguồn.
Trong những ngày ngồi tù, ông đã viết “Lá thư từ ngục Birmingham” nổi tiếng, để phân tích thế nào là một đạo luật công bằng, đáp lại lời chỉ trích của một số mục sư da trắng rằng ông tổ chức biểu tình bất hợp pháp. Thư đề ngày 16/4/1963.
“Khi bị cầm tù trong nhà giam này của thành Birmingham, tôi tình cờ có được thông cáo mới đây của các bạn gọi các hoạt động hiện nay của tôi là “không khôn ngoan và không đúng thời điểm”. Hiếm khi tôi bỏ thời gian đáp lại những ý kiến phê phán công việc và quan điểm của mình. Nếu tôi định trả lời tất cả những lời chỉ trích có trên bàn, thì các thư ký của tôi sẽ chẳng còn mấy thời gian để làm gì ngoài việc thư từ qua lại hết ngày, còn tôi sẽ không còn thời gian cho những công việc có tính xây dựng hơn. Nhưng vì tôi cảm thấy các bạn là những người thật sự có thiện ý và lời phê phán của các bạn là chân thành, nên tôi muốn cố gắng trả lời các bạn…”.
“Ai đó có thể hỏi: Làm sao chúng ta có thể cổ súy cho việc vi phạm một số luật và tuân thủ một số khác?”. Câu trả lời nằm ở một thực tế là có hai loại luật: công bằng và bất công. Tôi sẽ là người đầu tiên cổ súy cho việc tuân thủ những đạo luật công bằng. Con người ta không chỉ có trách nhiệm pháp lý mà còn có cả trách nhiệm đạo đức buộc ta phải tuân thủ các đạo luật công bằng. Ngược lại, con người cũng có trách nhiệm đạo đức là phải bất tuân những luật không công bằng. Thánh Augustine nói đúng, ‘luật bất công thì không phải là luật'”.
Vậy, làm sao phân biệt hai loại luật? Martin Luther King cho rằng: “Luật nào nâng phẩm tính của con người lên là luật công bằng. Luật nào hạ thấp nhân tính là luật bất công”.
Lá thư của ông được coi là một tác phẩm làm rung động trái tim, một bản bào chữa tuyệt vời cho công cuộc đấu tranh bất bạo động của những người bị áp bức.
Colvin và Parks – những người phụ nữ “cứng đầu”
Phong trào đấu tranh đòi quyền dân sự ở Mỹ khởi phát từ hai “bông hồng đen” Claudette Colvin và Rosa Parks. Hai người phụ nữ này bị bắt giam từ năm 1955, nghĩa là trước cả Martin Luther King. Trong hai bà, Claudette Colvin mới là người thực sự tiên phong chống lại những luật lệ phân biệt chủng tộc.
Vào ngày 2/3/1955, Colvin, năm đó mới 16 tuổi, là người đầu tiên bị bắt vì không chịu tuân thủ quy định về chỗ ngồi dành cho người da đen trên xe buýt, cụ thể là đã không nhường chỗ cho một hành khách da trắng như luật định, bất chấp yêu cầu của tài xế.
Bị tài xế thúc ép, Colvin nổi khùng, đấm tay vào không khí và hét lên: “Đây là quyền hợp hiến của tôi!”. Cô gái liền bị lôi khỏi xe, bị cảnh sát còng tay đưa đi và bắt giam.
9 tháng sau, Rosa Parks làm nên lịch sử với một sự kiện tương tự.
(Sở dĩ vụ bất tuân dân sự của Rosa Parks xảy ra sau đó 9 tháng nhưng lại trở nên nổi tiếng trong khi Claudette Colvin rất ít được biết đến, là vì một lý do cũng có phần không tôn trọng nhân quyền: Claudette Colvin lúc đó mới 16 tuổi, lại có thai ngoài hôn thú; và các nhà lãnh đạo của phong trào đấu tranh sợ rằng nếu đẩy cô lên làm biểu tượng thì sẽ làm hỏng hình ảnh chung).
Cả Claudette Colvin lẫn Rosa Parks đều bị kết tội gây rối trật tự công cộng và vi phạm quy định của địa phương về phân biệt màu da. Cuộc đấu tranh của họ, bắt đầu từ hành vi bất tuân dân sự trên xe buýt, cuối cùng đã đưa đến việc Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, vào tháng 12/1956, ra lệnh cho Montgomery và bang Alabama phải hủy bỏ những quy định phân biệt chủng tộc trên phương tiện giao thông công cộng.
Nhưng câu chuyện về các vụ “gây rối trật tự công cộng” vẫn chưa kết thúc. Bước sang thập niên 1970, vào tháng 5/1971, hàng nghìn người dân Mỹ đổ về Washington biểu tình, làm gián đoạn hoạt động của chính quyền liên bang.
Để ngăn chặn hành động tụ tập này, Sở Cảnh sát Đô thị ban lệnh bắt tất cả những người có dấu hiệu tham gia biểu tình, bất cần biết điều đó có cơ sở hay chỉ là nghi ngờ. Việc bắt giữ, lưu hồ sơ, xử lý và truy tố những người này cũng được ưu tiên cho hưởng thủ tục nhanh gọn [fast track]. Kết quả là hàng nghìn người bị cảnh sát bắt giam.
Tuy nhiên, về sau, Tòa Tối cao ở Washington D.C. đã ra phán quyết xác định bắt người như vậy là vi hiến, đồng thời ra lệnh hủy kết tội đối với bất kỳ công dân nào bị cảnh sát bắt mà không có căn cứ khả dĩ để cho rằng họ đã gây rối trật tự công cộng.
Chống lại các đạo luật bất công
Ở đây, điều đáng chú ý là việc chính quyền Mỹ từng có một thời gian dài sử dụng tội “gây rối trật tự công cộng” để ngăn chặn biểu tình và bắt giữ các nhà hoạt động nhân quyền, hoặc thậm chí bắt những người chỉ thực thi quyền tự do tụ tập, tự do biểu đạt của họ.
Ngoài các gương mặt tiêu biểu Martin Luther King, Rosa Parks, Claudette Colvin, rất nhiều nhà hoạt động đã bị bắt, bị truy tố về tội “gây rối trật tự công cộng”, vì những hành động như: mua đồ ăn tại các nhà hàng chỉ dành cho người da trắng, ngồi vào ghế dành cho hành khách da trắng trên xe buýt, và biểu tình đòi quyền bỏ phiếu.
Trong “Lá thư từ ngục Birmingham”, Martin Luther King viết:
“Đôi khi, một đạo luật trên danh nghĩa có vẻ công bằng nhưng khi thực thi lại là bất công. Chẳng hạn, tôi đã bị buộc tội tuần hành không giấy phép. Cũng không sai nếu như có một quy định yêu cầu hoạt động tuần hành phải được cấp phép. Nhưng quy định đó sẽ trở thành bất công khi nó được sử dụng để duy trì sự phân biệt đối xử và tước bỏ của công dân quyền tụ tập và biểu tình ôn hòa theo Tu Chính Án số 1”.
Martin Luther King sau song sắt buồng giam ở hạt Jefferson, Birmingham, bang Alabama, tháng 10/1967. Ảnh: Bettman/Corbis.
Vị lãnh tụ của phong trào đấu tranh bất bạo động nhấn mạnh: “Tôi hy vọng các bạn có thể nhìn thấy sự khác biệt mà tôi cố chỉ ra ở đây. Tôi không cổ súy cho việc trốn tránh hay thách thức pháp luật theo bất kỳ nghĩa nào, và những người điên cuồng phân biệt chủng tộc cũng vậy. [Bởi vì] Như thế sẽ dẫn đến tình trạng vô chính phủ. Ai muốn phá vỡ một đạo luật bất công, thì phải làm điều đó một cách công khai, với tình yêu thương và tinh thần sẵn sàng đón nhận hình phạt. Tôi cho rằng một cá nhân đã dám vi phạm một đạo luật mà lương tâm anh ta cho là bất công, và chấp nhận ngồi tù để đánh thức lương tâm của cả cộng đồng về sự bất công đó, thực ra, chính là đang thể hiện sự tôn trọng cao nhất của anh ta đối với pháp luật”.
Ngày 4/4/1968, Martin Luther King bị ám sát. Bạo loạn bùng nổ ở 130 thành phố của nước Mỹ, khiến 20.000 người bị bắt. Nhưng những cuộc tuần hành do ông tổ chức, những bài diễn văn, bài viết ông để lại, và cả cái chết của ông, đều đã trở thành những cột mốc trong lịch sử cuộc đấu tranh vì quyền con người trên thế giới.
Tội “gây rối trật tự công cộng” còn có thể được gọi bằng một số tên khác như “phá vỡ sự bình yên” [disturbing the peace, breach of the peace], “hành xử mất trật tự” [disorderly conduct], “gây phiền nhiễu ở nơi công cộng” [public nuisance]. Dù cách gọi khác nhau nhưng nói chung nó được hiểu là hành động phá rối một trật tự phù hợp ở không gian công cộng. Hành động đó có thể là gây ồn ào bằng cách đánh hoặc dọa đánh người khác, tạo âm thanh lớn một cách bất hợp lý (kể cả mở nhạc lớn), dùng những ngôn từ hoặc cử chỉ xúc phạm nơi tôn nghiêm. Tuy nhiên, xác định tiếng ồn và/hoặc âm thanh lên tới mức nào thì bị coi là gây rối là một việc làm mang tính chủ quan cao và cũng tùy luật pháp mỗi quốc gia.
Mặc dù vậy, gây rối trật tự công cộng nhìn chung vẫn được coi là một vi phạm nhỏ; người vi phạm thường bị phạt tiền hoặc tù giam trong một thời gian rất ngắn (vài ngày, không đến mức vài tháng hay 2-3 năm). Ở hầu hết các nước thuộc khối Thịnh vượng Chung, người vi phạm không bị lưu hồ sơ đối với hành vi này, nghĩa là không tồn tại câu “đã có tiền sự/ tiền án về tội gây rối trật tự công cộng”.
Tổng hợp từ America’s Library và Wikipedia, các mục từ “Rosa Parks”, “Claudette Colvin”, “Disturbing the peace”