Thư cuối tuần - 14/9/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Nguyễn Hoài An – Được chẩn đoán rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) và rối loạn lưỡng cực sau thời gian dài tham chiến tại Việt Nam, song cựu binh 66 tuổi, Andrew Brannan đã không thoát khỏi bản án tử hình. Ông trở thành tử tù đầu tiên bị thi hành án ở Mỹ trong năm 2015 sau khi Tối cao Pháp viện nước này từ chối thụ lý đơn của luật sư biện hộ, vốn lập luận rằng với di chứng chiến tranh đó, Brannan nên được miễn án tử.
Bài liên quan:
Án tử hình – cuộc giằng co của nước Mỹ (phần 1)
Án tử hình – cuộc giằng co của nước Mỹ (phần 2)
Án tử hình – các lập luận ủng hộ
Án tử hình – các lập luận phản đối (phần 1)
Án tử hình – các lập luận phản đối (phần 2)
Andrew Brannan trong chiến tranh Việt Nam. Ảnh: US News.
Andrew Brannan bị kết án năm 2000 sau khi xả súng giết chết phó quận trưởng cảnh sát Kyle Dinkheller năm 1998. Theo đoạn băng video từ camera trên xe cảnh sát, Brannan đã thách thức viên sĩ quan 22 tuổi này khi bị dừng xe vì chạy quá tốc độ. Người đàn ông này nhảy múa, chửi thề, và thách thức viên sĩ quan bắn mình, rồi xông vào ẩu đả. Đỉnh điểm là lúc Brannan lôi súng ra và bắn ít nhất 9 phát vào người viên sĩ quan.
Các luật sư của Brannan đã đưa ra nhiều lý lẽ biện hộ cho hành vi của ông. Trong các luận điểm được nêu ra, họ đề cập đến việc chính chính phủ Mỹ đã biến những cựu binh như Andrew Brannan thành ra con người như thế. Họ đã được huấn luyện thành những người lính thiện chiến và chịu những sang chấn tâm lý nặng nề do chiến tranh, và do đó, họ cần phải được miễn trừ khỏi hình phạt cao nhất là tử hình.
Trong đơn xin ân xá cho Brannan, các luật sư đặt ra câu hỏi: Có đúng đắn không khi thi hành án tử hình đối với một cựu binh bị thương tổn tinh thần, và hành vi bạo lực của ông ta là hệ quả trực tiếp của những sang chấn tinh thần khi phục vụ quân ngũ.
“Việc Andrew Brannan và những cựu binh sẵn sàng chấp nhận, và thực tế là đã phải chịu đựng sự tàn phá cả về tinh thần lẫn thể chất gây ra bởi chiến tranh, đã khiến cho họ trở thành một nhóm những người đáng được miễn trừ khỏi bản án tử hình”.
Trong đơn xin ân xá, các luật sư biện hộ cho Brannan cho rằng bồi thẩm đoàn không nắm được toàn bộ các chi tiết về quá trình phục vụ quân ngũ và các tổn thương tinh thần của Brannan. Andrew Brannan đăng ký tòng quân năm 1968, và tham gia chiến trường Việt Nam trong những năm 1970. Ông đã được tặng thưởng hai huân chương tuyên dương và một Huân chương Sao Đồng. Năm 1984, Brannan được các bác sĩ trong Hội đồng Cựu chiến binh chẩn đoán mắc chứng rối loạn stress sau sang chấn (PTSD). Năm 1990, tình trạng của Brannan được xác định là suy yếu tới mức độ thương tổn 100%. Mười năm sau, Brannan tiếp tục được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lưỡng cực.
Andrew Brannan bị kết án tử hình năm 2000, hai năm sau khi gây án. Năm 2003, ông làm đơn kháng án. Tuy nhiên, thẩm phán tòa án bang đã bác đơn của ông và cho rằng các luật sư không đưa ra được chứng cứ biện hộ đầy đủ về tình trạng sức khỏe tinh thần của Brannan. Đơn xin ân xá của Brannan đã bị bác vào đêm thứ Hai, ngày 12/01/2015, và chiều thứ Ba Tòa án Tối cao bang Georgia tiếp tục bác đơn xin hoãn thi hành án với 6 phiếu thuận trong tổng số 7 thẩm phán (một thẩm phán vắng mặt). Hy vọng còn lại duy nhất của Brannan cũng bị Tối cao Pháp viện khước từ không lâu sau đó.
Andrew Brannan trong phiên tòa năm 2000. Ảnh: Telegraph.
Brannan bị tiêm thuốc độc vào 8:33 tối thứ Ba ngày 13/01/2015 (tức 8:33 sáng ngày 14/01/2015 giờ Việt Nam).
Joe Loveland, luật sư của Brannan cho biết ông thất vọng với quyết định này. Phát biểu với đài NBC, ông cho biết: “Cái chết của phó quận trưởng cảnh sát Kyle Dinkheller là một bi kịch đáng buồn. Nhưng việc thi hành án tử hình một cựu binh 66 tuổi, từng tham chiến tại Việt Nam, chưa từng có tiền sự, và tinh thần không ổn định vào thời điểm phạm tội chỉ làm cho bi kịch thêm kinh khủng hơn.”