Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp; Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam trên Biển Đông
Các sự kiện nổi bật: * Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp về Việt Nam chịu án.
Nam Quỳnh – Kiện tụng dân sự liên quan đến quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt tại Pháp thường được bắt đầu bởi các tổ chức hội đoàn tôn giáo và các nhóm lợi ích tôn giáo lớn. Một số chuyên gia cho rằng, trong các nhóm này, nhóm Do Thái thường là nhóm chịu nhiều áp lực dư luận nhất, tiếp theo sau là các nhóm Hồi giáo.
Lưu ý: Bài viết có hình ảnh gây tranh cãi về tôn giáo, đề nghị bạn đọc cân nhắc trước khi đọc bài.
Tòa thượng thẩm Pháp. Ảnh: alarabiya.net
Bài viết này nằm trong loạt bài “Giới hạn của sự báng bổ” do luật sư Nam Quỳnh (Anh Quốc) gửi tới Luật Khoa tạp chí.
Kỳ 1: Nhà nước phi tôn giáo và ‘nguyên tắc cơ hội’ của nước Pháp
Tương tự như tại Anh từ nửa sau thế kỷ 20, khi tinh thần thế tục đã ăn sâu vào hệ thống tòa án và nhà nước và bản thân tôn giáo không còn mang ý nghĩa cốt yếu cho sự tồn vong chế độ, nhiệm vụ bảo vệ cho sự linh thiêng của tôn giáo tại Pháp được ‘xã hội hóa’ sâu rộng. Trong 9 vụ án đình đám nhất được xử gần đây nhất, có đến sáu vụ là vụ kiện dân sự, trong khi chỉ có ba vụ là hình sự.
Chúng ta có thể khám phá cái cách mà các tòa án tại Pháp cân bằng giữa chủ nghĩa tự do và sự linh thiêng của tôn giáo thông qua các nghiên cứu của luật gia Esther Janssen.
Xúc phạm tôn giáo bằng phát ngôn
Janssen so sánh hai vụ kiện phát ngôn phỉ báng tôn giáo cho thấy sự chú tâm của tòa án Pháp vào nội dung trọng tâm và đối tượng được nhắm đến của phát ngôn trong việc xem xét khi nào thì phát ngôn công kích một tôn giáo có thể được xem là không thể được chấp nhận trong một xã hội dân chủ.
Năm 2002, Tòa sơ thẩm Paris thụ lý đơn kiện nhà văn Michel Houellebecq sau phát ngôn của ông trong một cuộc phỏng vấn trên tạp chí Lire: “Tôn giáo ngu xuẩn nhất vẫn là đạo Hồi. Hãy đọc kinh Quran để thấy là nó mục ruỗng.” (‘La religion la plus con, c’est quand même l’islam. Quand on lit le Coran, on est effondré.’). Tòa sơ thẩm Paris cho rằng phát ngôn này không phải là một phát ngôn mang tính phân biệt chủng tộc chống lại đạo Hồi, đồng thời cũng không phải là một phát ngôn xách động thù hận tôn giáo hay sắc tộc chống lại đạo Hồi. Có vẻ Houellebecq chỉ bình phẩm về đạo Hồi chứ không đả động gì đến các tín đồ đạo Hồi.
Năm 2007, Tòa thượng thẩm – tòa án cao cấp nhất tại Pháp lại cho rằng những lời sau đây của diễn viên hài Dieudonné trên tập san Lyon Capitale cấu thành vi phạm giới hạn tự do ngôn luận: “Bọn Do Thái là một lũ tà giáo, một đám bịp bợm. Đặc biệt nghiêm trọng vì chúng là lũ tà giáo bịp bợm đầu tiên trong lịch sử.” (‘Les juifs, c’est une secte, une escroquerie. C’est une des plus graves parce que c’est la première.’) Phát ngôn này của Dieudonné không thể được xem là một ý kiến phê phán chính đáng và không thể chấp nhận được trong tranh luận công đồng về tôn giáo vì nó là một lời nhục mạ công kích chính nhóm người theo đạo Do Thái dựa trên tôn giáo của họ.
Xúc phạm bằng lạm dụng biểu tượng tôn giáo truyền thống
Năm 1996, bộ phim ‘Quần chúng chống Larry Flynt’ (‘People vs. Larry Flynt’) của đạo diễn Milos Forman ra rạp. Bộ phim được quảng bá tại Pháp cũng như nhiều quốc gia khác bằng một mẫu áp phích với hình ảnh diễn viên Woody Harrelson (trong vai trùm sản xuất phim khiêu dâm Larry Flynt) che đúng phần hạ bộ bằng lá cờ Mỹ, ưỡn người giang tay trong tư thế tương tự như hình tượng chúa Jesus trên thập giá. Vấn đề là phông nền cho Harrelson lại là hình ảnh phóng to phần thân dưới của một người phụ nữ mặc quần bikini.
Áp phích quảng cáo phim ‘People vs. Larry Flynt’. Ảnh: tmdb.org
Khi tấm áp phích Larry Flynt bắt đầu được trưng trên các bức tường công cộng, tổ chức Thiên Chúa giáo AGRIF đâm đơn khởi kiện nhà sản xuất phim.
Cả hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm của Pháp trong vụ AGRIF kiện Colombia Tristar Films (AGRIF t. Colombia Tristar Films) năm 1997 đều phán quyết có lợi cho nhà làm phim Mỹ. Các quan tòa phúc thẩm bình luận là chi tiết lá cờ Mỹ và biểu hiện vui tươi trên khuôn mặt Harrelson không thực sự làm người xem nhớ tới hình ảnh bị tra tấn trên thập giá của chúa Jesus, vốn là biểu tượng truyền thống của đạo Thiên Chúa.
Quan tòa cũng nhắc tới việc Giáo hội Pháp không đả động gì đến áp phích quảng cáo phim này để ủng hộ cho ý kiến của họ là, ngay trong mắt Giáo hội Pháp, thực sự áp phích quảng cáo này không cấu thành một biểu hiện xúc phạm Thiên Chúa giáo làm tổn thương người theo đạo này.
Năm 2002, AGRIF lại một lần nữa đưa một tấm áp phích khác phim ra tòa. Bộ phim ‘Amen’ của đạo diễn Costa-Gavras sử dụng một tấm áp phích có hình ảnh một hình tượng nửa giống thánh giá của Thiên Chúa giáo, nửa giống biểu tượng chữ vạn của Phát xít Đức. Trên áp phích cũng có hình ảnh hai diễn viên, một người mặc đồng phục sỹ quan Phát xít, một người mặc áo với cổ áo cha xứ đặc trưng. AGRIF cho là việc đánh đồng biểu tượng này biểu hiện một sự xúc phạm tới đạo Thiên Chúa vốn chẳng muốn dính dáng gì tới chủ nghĩa Phát xít.
Áp phích quảng cáo phim Amen của đạo diễn Amen Costa Gavras. Ảnh: portfolio.lesoir.be
Bên bào chữa cho hãng phim cãi là thiết kế áp phích phim biểu hiện đề tài chính của phim đó là nhằm công kích sự im lặng ngây ngô thụ động, thậm chí có khuynh hướng hưởng ứng đáng sợ mà một số cá nhân và cộng đồng Thiên Chúa giáo đã dành cho những tội ác chống lại loài người của Phát xít Đức trong Thế chiến thứ Hai. Việc dấy lên tranh luận về những động thái được xem là tội lỗi này là một đóng góp có ích cho công luận về vấn đề tôn giáo và giá trị của tôn giáo.
Thẩm phán của vụ việc đã từ chối cả hai cách diễn giải của bên nguyên và bên bị rồi áp đặt diễn giải riêng của ông: hình tượng của tấm áp phích là biểu hiện một nỗ lực hoán đổi biểu tượng chữ vạn (tượng trưng cho chủ nghĩa toàn trị) thành biểu tượng thánh giá (trượng trưng cho lòng nhân đạo). Diễn giải này cho phép quan tòa quyết định là hình ảnh của tấm áp phích không xúc phạm đức tin của những người theo Thiên Chúa giáo.
Quyết định này chịu nhiều công kích của giới luật gia Pháp. Nhiều học giả cho là thẩm phán đã đi quá xa khi áp đặt một diễn giải mang tính cá nhân lên hình ảnh tấm áp phích, trong khi ông chỉ cần làm một việc tối thiểu là xác nhận tính trừu tượng nghệ thuật của nội dung tấm áp phích khiến nó có thể được diễn giải theo nhiều cách, và vì thế những người theo đạo Thiên Chúa không thể áp đặt rằng tấm áp phích đó chỉ có đúng một cách diễn giải mang tính xúc phạm đức tin của họ.
***
Kỳ tời: Xúc phạm vô trách nhiệm xã hội và xúc phạm mang mục đích chính đáng
Tài liệu tham khảo:Limits to Expression on Religion in France, Esther Janssen, Agama & Religiusitasdi
Eropa, Journal of European Studies, Volume V –nr
. 1, 2009, p. 22-45. The Danish Cartoons Row:Re-drawing
the Limits of the Right to Freedom of Expression?, Aurel Sari, Law School, University of Exeter, Finnish Yearbook of International Law, Vol. 16, pp. 365-398, 2005 .