Giới hạn của sự báng bổ – Kỳ 5: Cuộc chiến ở Tòa Nhân quyền Châu Âu (phần 1)

Giới hạn của sự báng bổ – Kỳ 5: Cuộc chiến ở Tòa Nhân quyền Châu Âu (phần 1)
Một phiên xét xử của Tóa Nhân quyền châu Âu. Ảnh: elsa.org


Nam Quỳnh
– Trước khi đi sâu vào tìm hiểu vụ Charlie Hebdo , chúng ta hãy cùng lướt qua lịch sử tố tụng giải quyết mâu thuẫn giữa sự linh thiêng tôn giáo và tự do ngôn luận tại Tòa Nhân quyền châu Âu.

Lưu ý: Bài viết có hình ảnh gây tranh cãi về tôn giáo, đề nghị bạn đọc cân nhắc trước khi đọc bài.

Một phiên xét xử của Tóa Nhân quyền châu Âu. Ảnh: elsa.org

Một phiên xét xử của Tòa Nhân quyền châu Âu ở Strasbourg, Pháp. Ảnh: elsa.org

Tòa Nhân quyền châu Âu thụ lý các hồ sơ cá nhân hay tổ chức khởi kiện nhà nước vì nhà nước không bảo vệ nhân quyền trong lãnh thổ quốc gia của cá nhân hay tổ chức đó.

Bài viết này nằm trong loạt bài “Giới hạn của sự báng bổ” do luật sư Nam Quỳnh (Anh Quốc) gửi tới Luật Khoa tạp chí. 

Kỳ 1: Nhà nước phi tôn giáo và ‘nguyên tắc cơ hội’ của nước Pháp

Kỳ 2: Tranh cãi ở phòng xử án

Kỳ 3: Xúc phạm vô trách nhiệm xã hội và xúc phạm mang mục đích chính đáng

Kỳ 4: Vận động sử dụng bao cao su bằng hình Thiên Chúa

Quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt được quy ước trong điều 10, và quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo được quy ước trong điều 9 của Công ước châu Âu về Nhân quyền 1953.

Tòa Nhân quyền châu Âu có trách nhiệm áp dụng Công ước này vào vụ việc và đưa ra tiếng nói cuối cùng về việc nhân quyền của cá nhân hay nhóm người có bị vi phạm hay không và trách nhiệm của nhà nước tới đâu.

Mỗi vụ việc sẽ được giải quyết bởi hội đồng xét xử gồm 9 vị thẩm phán cao cấp từ nhiều quốc gia châu Âu. Chín vị thẩm phán này được tuyển chọn kỹ càng dựa trên thâm niên, trình độ học vấn và tư cách đạo đức. Họ không được bổ nhiệm mà được bầu vào Tòa Nhân quyền châu Âu, thông qua Hội đồng Nghị viện của Ủy hội châu Âu.

Tòa Nhân quyền châu Âu không hoạt động trên nguyên lý thế tục như hệ thống tòa án Pháp. Trong lịch sử thực tiễn xử án, tòa này đã nhiều lần xác nhận là không thể có một tiêu chuẩn chung châu Âu cho các vấn đề liên quan đến đạo đức mà tôn giáo là một trong số đó.

Hai vụ việc quan trọng cho thấy quan điểm truyền thống của Tòa Nhân quyền châu Âu trong các vụ việc có xung đột giữa sự linh thiêng tôn giáo và tự do ngôn luận đó là vụ Otto Preminger và vụ Wingrove.

Một cảnh trong phim "Das Liebeskonzil". Ảnh: ulrikeschanko.de

Một cảnh trong phim “Hội đồng tình yêu” (Das Liebeskonzil) của Viện Otto Preminger. Ảnh: ulrikeschanko.de

Năm 1994, Tòa cho phép nhà nước Áo ban lệnh cấm viện Otto Preminger trình chiếu bộ phim “Hội đồng Tình yêu” (Das Liebeskonzil) tại các rạp chiếu phim nước này. Phim có tình tiết là Chúa yêu cầu quỷ sứ cho phát tán bệnh giang mai trong cõi người để trừng phạt những tội lỗi của họ.

Trong vụ án còn lại vào năm 1996, đạo diễn điện ảnh Nigel Wingrove nổi đóa khi nghe tin bộ phim dài 19 phút “Những Viễn Ảnh Mê Ly” (Visions of Ecstasy) của ông bị Ủy ban Phân loại Phim Anh quốc (British Board of Film Classification) từ chối đóng dấu phân loại (đồng nghĩa với việc không được công chiếu tại Anh). Ủy ban Phân loại Phim Anh quốc cho Wingrove biết là quyết định của họ dựa trên đánh giá của họ là nội dung phim của ông có tính báng bổ: Phim có chi tiết một ma-sơ sống thời thế kỷ 16 có những tưởng tượng nhục dục với Chúa Jesus. Wingrove kháng án lên Tòa Nhân quyền châu Âu và Tòa đứng về phía cơ quan nhà nước Anh.

Trong cả hai vụ án trên, nội dung cả hai bộ phim đều được tòa xác nhận là đạt tiêu chuẩn phát ngôn hay biểu đạt có khả năng “gây sốc, xúc phạm và quấy rối”. Tòa giải thích là việc kiểm duyệt của cả hai nhà nước vì thế là có lý do chính đáng: “bảo vệ quyền của công dân không bị nhục mạ cảm xúc tôn giáo bởi biểu hiện ở nơi công cộng của các công dân khác”.

Luật gia Esther Janssen (Đại học Amsterdam, Hà Lan) ghi chú là luận điểm này chịu nhiều búa rìu của các luật gia vì họ cho là Tòa Nhân quyền châu Âu đã trao cho nhà nước quyền ban phát cho những người theo tôn giáo được một quyền vô điều kiện là không bao giờ phải chịu sự xâm phạm đến những cảm xúc tôn giáo của họ.

Điều 9 Công ước châu Âu về Nhân quyền 1953 quy định là:

“1. Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo; những quyền này bao gồm việc được tự do thay đổi tôn giáo và tín ngưỡng, tự do thể hiện tôn giáo hay tín ngưỡng của họ dù là một mình hay trong cộng đồng với những người khác, ở nơi công cộng hay riêng tư, việc được tự do thể hiện tôn giáo hay đức tin qua cầu nguyện, truyền giảng, thực hành hay tuân thủ giáo lý.

2. Quyền tự do thể hiện tôn giáo hay tín ngưỡng chỉ phải chịu những giới hạn theo đúng quy định luật pháp và cần thiết phải có trong một xã hội dân chủ vì lợi ích an ninh và trật tự xã hội, nhằm bảo vệ sức khỏe hay đạo đức, hay cho sự tôn trọng quyền và tự do của những người khác”.

Những học giả vốn chỉ trích quan điểm truyền thống của Tòa Nhân quyền châu Âu trong các vụ Otto Preminger và Wingrove cho là nội dung điều 9 không hề nhắc đến “quyền không bị nhục mạ cảm xúc tôn giáo bởi biểu hiện ở nơi công cộng của các công dân khác” và theo đó lập luận trong hai vụ Otto Preminger và Wingrove của Tòa Nhân quyền Châu Âu không có cơ sở: Bản thân các tín đồ cho dù cảm thấy bị xúc phạm bởi hành vi tự do ngôn luận đến đâu đi nữa thì vẫn được tự do thực hành tôn giáo của họ mà không gặp trở ngại gì từ nhà nước hay số người dân khác không theo tôn giáo. Những học giả này cho rằng chỉ khi nào hành vi tự do ngôn luận khiến cho người theo tôn giáo phải chịu giới hạn, kiểm soát trong việc thực hành giáo lý và thể hiện đức tin của mình thì khi đó hành vi tự do ngôn luận mới phải bị kiểm soát.

VisionsOfEcstasy03

Là một bộ phim ngắn, thuộc thể loại phim nghệ thuật (art house movie), “Những Viễn Ảnh Mê Ly” (Visions of Ecstasy) có một số cảnh nóng miêu tả những tưởng tượng nhục dục của một ma-sơ với Chúa Jesus trên thánh giá. Ảnh: diaboliquemagazine.com

Trái với những chỉ trích nói trên, hoàn toàn có thể lập luận là Tòa Nhân quyền Châu Âu có cơ sở để áp đặt “quyền của công dân không bị nhục mạ cảm xúc tôn giáo bởi biểu hiện ở nơi công cộng của các công dân khác” bằng cách giải thích là quyền này nằm trong nhóm “quyền của người khác” cần phải được bảo vệ – một trong những giới hạn của quyền tự do ngôn luận được quy định tại khoản 2 điều 10 Công ước châu Âu về Nhân quyền 1953:

“2.Việc thực thi những quyền tự do này có kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm, vì thế những quyền tự do này phải chịu ràng buộc bởi các hình thức, điều kiện, giới hạn và hình phạt theo đúng quy định luật pháp và cần thiết phải có trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc phòng, giữ gìn lãnh thổ và an ninh xã hội, nhằm ngăn ngừa loạn lạc hay tội phạm, nhằm bảo vệ sức khỏe hay đạo đức, nhằm bảo vệ danh tiếng và quyền của người khác, nhằm ngăn ngừa sự tiết lộ thông tin riêng tư và nhằm duy trì uy quyền và sự vô tư của nền tư pháp.”

Có hai cách diễn dịch “quyền của người khác” có thể được chọn lựa ở đây:

– “quyền của người khác” là tất cả những quyền tự nhiên các thành viên khác trong xã hội, không chỉ bao gồm những quyền có trong Công ước châu Âu về Nhân quyền 1953.

– “quyền của người khác” chỉ bao gồm những quyền có trong Công ước châu Âu về Nhân quyền 1953.

Tòa Nhân quyền Châu Âu có thể dựa trên cách diễn dịch thứ nhất thay vì cách diễn dịch thứ hai để đưa ra quyết định của họ mở rộng phạm vi bảo vệ sang những quyền không được nhắc đến trong Công ước 1953 bao gồm “quyền của công dân không bị nhục mạ cảm xúc tôn giáo bởi biểu hiện trong công cộng của các công dân khác”.

Năm 2012, Ủy ban Phân loại Phim Anh quốc cuối cùng đã đồng ý cho bộ phim “Những Viễn Ảnh Mê Ly”  được phép lưu hành với chứng chỉ 18, đồng nghĩa với việc cấm khán giả dưới 18 tuổi xem.

Kỳ tới: Cuộc chiến ở Tòa Nhân quyền Châu Âu (phần 2)

Tài liệu tham khảo:Limits to Expression on Religion in France, Esther Janssen, Agama & Religiusitas

di

Eropa, Journal of European Studies, Volume V –

nr

. 1, 2009, p. 22-45. The Danish Cartoons Row:

Re-drawing

the Limits of the Right to Freedom of Expression?, Aurel Sari, Law School, University of Exeter, Finnish Yearbook of International Law, Vol. 16, pp. 365-398, 2005 . 

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.