Giới hạn của sự báng bổ – Kỳ 9: Đan Mạch và nguồn cơn của vụ Charlie Hebdo

Giới hạn của sự báng bổ – Kỳ 9: Đan Mạch và nguồn cơn của vụ Charlie Hebdo

Nam Quỳnh – Việc báo Charlie Hebdo của Pháp cho đăng các biếm họa giễu cợt đạo Hồi không được khởi đầu từ bản thân các họa sỹ biếm họa của báo này mà có thể xem là sự tiếp tục ‘phong trào’ dùng biếm họa châm biếm đạo Hồi xuất phát từ Đan Mạch. Và đến ngày 15/2/2015, đất nước này đã phải hứng chịu một vụ tấn công khủng bố nhằm vào họa sĩ tranh biếm họa Lars Vilks, người đã từng có tranh châm biếm nhà tiên tri Muhammad.

Lưu ý: Bài viết có hình ảnh gây tranh cãi về tôn giáo, đề nghị bạn đọc cân nhắc trước khi đọc bài.

150214134318-07-denmark-shooting---restricted-super-169

Ngày 14/2/2015 (giờ Đan Mạch), hai vụ nổ súng đã diễn ra ở thủ đô Copenhagen làm ít nhất 2 người chết và 5 người bị thương. Một họa sĩ từng vẽ tranh biếm họa nhà tiên tri Muhammed được cho là mục tiêu chính của các tay súng. Ảnh: CNN.

Bài viết này nằm trong loạt bài “Giới hạn của sự báng bổ” do luật sư Nam Quỳnh (Anh Quốc) gửi tới Luật Khoa tạp chí. Do tính chất thời sự của vụ tấn công xảy ra tại Đan Mạch ngày hôm nay (15/2, giờ Việt Nam), chúng tôi đăng kỳ 9 của loạt bài trước khi đăng các kỳ 6, 7, 8 để kịp thời đáp ứng nhu cầu thông tin của độc giả. 

Kỳ 1: Nhà nước phi tôn giáo và ‘nguyên tắc cơ hội’ của nước Pháp

Kỳ 2: Tranh cãi ở phòng xử án

Kỳ 3: Xúc phạm vô trách nhiệm xã hội và xúc phạm mang mục đích chính đáng

Kỳ 4: Vận động sử dụng bao cao su bằng hình Thiên Chúa

Kỳ 5: Cuộc chiến ở Tòa Nhân quyền Châu Âu (phần 1)

Năm 2005, tòa soạn nhật báo Bưu điện Jutland (Jyllands-Posten) – một trong những nhật báo có lượng người đọc lớn nhất Đan Mạch – phát hiện một vụ việc mà họ cho là rất thú vị. Số là  nhà văn, nhà báo Kåre Bluitgen viết một cuốn sách dành cho trẻ con về cuộc đời của nhà tiên tri Muhammad, người khai sinh ra đạo Hồi. Cuốn sách đơn thuần là một cuốn truyện tiểu sử danh nhân dành cho trẻ con, không có ý đồ tuyên truyền chính trị hay tôn giáo.

Ngặt một nỗi, Bluitgen tìm đỏ mắt không ra được một họa sỹ nào sẵn sàng giúp ông vẽ minh họa cho cuốn sách. Một loạt các họa sỹ từ chối ông vì họ sợ bị các tín đồ đạo Hồi cuồng tín trả thù. Việc thể hiện hay minh họa hình dạng của Muhammad (sinh năm 570 và mất năm 632) bị một số nhánh của đạo Hồi nghiêm cấm vì đụng chạm đến hình tượng thiêng liêng của họ.

Báo Bưu điện Jutland cho đăng một loạt bài tranh luận về việc người không theo đạo Hồi có phải tuân theo giáo lý đạo Hồi hay không. Theo đó, các biên tập viên báo này mời một số họa sỹ Đan Mạch gửi cho tòa soạn các tác phẩm thể hiện hình dung của riêng họ về nhà tiên tri Muhammad.

12 họa sỹ gửi các hình vẽ của họ và được Bưu điện Jutland đăng ngày 30 tháng 09 năm 2005 kèm theo lời bình của Flemming Rose, biên tập viên mảng văn hóa của báo.

Mỗi họa sỹ có một phong cách và hình dung khác nhau, nhưng tinh thần chung của phần nhiều trong các hình vẽ này là hài hước, bông lơn và châm biếm.

Hai hình vẽ gây tranh cãi nhiều nhất trong số này là:

– Một hình vẽ một người râu dài đầu đội khăn xếp đứng trên một đám mây giơ tay ngăn cản một nhóm người được vẽ như những kẻ đánh bom khủng bố. Người râu dài đội khăn nói: “Dừng lại, dừng lại, chúng tôi hết trinh nữ rồi!” (hình 1). (Theo đạo Hồi, những người tử vì đạo sẽ được tưởng thưởng 72 trinh nữ trên thiên đàng)

islamic_cartoon_6

Hình 1. Nguồn: moonbattery.com

– Một hình vẽ một người râu dài đội khăn xếp nhưng khăn xếp của nhân vật được vẽ giống hình trái bom với dây kíp nổ đang cháy và hoa văn trang trí theo phong cách Hồi giáo (hình 2)

islm_cartoon_7

Hình 2. Nguồn: strike-the-root.com

Báo Bưu điện Jutland giải thích là việc xuất bản những hình vẽ này nhằm ‘đóng góp cho cuộc tranh luận về sự tự kiểm duyệt của giới nhà báo, nhà văn và nghệ sỹ”.

Trong phần lời bình của mình, Flemming Rose tranh luận là một số tín đồ đạo Hồi từ chối sự tồn tại của xã hội thế tục hiện đại. Những tín đồ này đòi có một vị trí đặc biệt, đòi phải có sự quan tâm đặc biệt dành cho những cảm xúc tôn giáo của họ. Thái độ này không thích hợp với một xã hội dân chủ thế tục tôn trọng tự do ngôn luận, nơi mọi cá nhân đều phải sẵn sàng hứng chịu sự khinh rẻ, nhạo báng và giễu cợt.

Loạt hình biếm họa của báo Bưu điện Jutland lập tức gặp phải cơn thịnh nộ của các cộng đồng Hồi giáo trên toàn thế giới. Cơ quan công quyền Đan Mạch cho điều tra hình sự báo này nhưng kết luận là không có cơ sở cho việc truy tố hình sự. Sự từ chối can dự của nhà nước Đan Mạch dẫn tới biểu tình bao vây các sứ quán Đan Mạch và tẩy chay hàng hoá Đan Mạch tại nhiều nước Ả Rập.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 12 năm 2005, Tổng biên tập báo Bưu điện Jutland, ông Carsten Juste, bảo vệ quyết định đăng loạt hình biếm hoạ của báo mình. Ông giải thích rằng loạt hình này là một phần của một chiến dịch báo chí đàng hoàng với mục đích điều tra hiện tượng tự kiểm duyệt tại Đan Mạch. Ông thẳng thừng từ chối cáo buộc là ý định của báo Bưu điện Jutland khi đăng loạt hình này là nhằm khiêu khích hay nhục mạ tín đồ Hồi giáo. Juste từ chối xin lỗi vì đã quyết định cho đăng loạt hình này.

Tháng 01 năm 2006, Tổng biên tập Juste đưa ra lời cáo lỗi là đã làm cộng đồng Hồi giáo cảm thấy bị xúc phạm, nhưng ông từ chối xin lỗi vì quyết định cho đăng loạt hình.

Tại các nước phương Tây, hàng loạt các báo và tạp chí thể hiện sự ủng hộ báo Bưu điện Jutland bằng cách cho đăng lại các hình biếm hoạ Hồi giáo của họ.

Tại Pháp, Tổng biên tập báo Nước Pháp Buổi Chiều (France soir) quyết định cho đăng loạt hình biếm họa này và chấp nhận từ chức trước sức ép của phe phản đối.

Năm 2007, báo Charlie Hebdo vào cuộc. Charlie Hebdo xuất bản một tập san đặc biệt không chỉ đăng lại các hình biếm họa của Bưu điện Jutland mà còn đăng thêm các hình biếm họa Hồi giáo từ các họa sỹ biếm họa Pháp.

Và đó là điểm khởi đầu cho những rắc rối của Charlie Hebdo, với hàng loạt vụ kiện và hai vụ tấn công khủng bố.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.