Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp; Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam trên Biển Đông
Các sự kiện nổi bật: * Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp về Việt Nam chịu án.
Nguyễn Hoài An (dịch) – Những ngày cuối tuần qua, các trang mạng xã hội ở Thổ Nhĩ Kỳ tràn ngập hình ảnh những người đàn ông mặc váy ngắn với dòng hashtag #ozgecanicinminietekgiy (mặc váy vì Ozgecan). Chuyện đàn ông xuống đường, tham gia đấu tranh cho quyền của phụ nữ không hiếm, nhưng đàn ông mặc váy xuống đường rồi chụp hình lại là một câu chuyện khác, đặc biệt là ở một đất nước còn nhiều tư tưởng thủ cựu như Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuộc biểu tình không chỉ diễn ra trên mạng xã hội mà còn được tiến hành ở cả hai thành phố lớn của Thổ Nhĩ Kỳ là Istanbul và thủ đô Ankara. Đây là một trong những cuộc biểu tình sau cái chết gây chấn động của cô gái 20 tuổi Ozgecan Aslan.
Ngày 11 tháng 2 vừa qua, Aslan đã bị quấy rối và giết hại khi cô lên một chiếc xe buýt vắng người sau cuộc đi chơi với bạn bè. Kẻ tấn công cô là tài xế xe buýt, tên này thừa nhận đã giết, xẻ, rồi sau đó đốt và vứt xác Aslan xuống sông để phi tang.
Luật sư và nhà hoạt động xã hội nổi tiếng người Thổ Nhĩ Kỳ Hulya Gulbahar cho biết phong trào biểu tình bằng váy ngắn đã gây được nhiều ảnh hưởng, đây là lần đầu tiên phong trào đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ được ủng hộ rộng khắp như vậy ở đất nước này.
Cũng theo lời Gulbahar, từ lâu phong trào đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ ở Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng truyền tải tới xã hội thông điệp “Chiếc váy của tôi không phải là cái cớ để anh cưỡng bức hay quấy rối tôi”. Tuy nhiên, thông điệp này không được lắng nghe. Với cuộc biểu tình của những người đàn ông mặc váy ngắn cuối tuần qua, thông điệp này một lần nữa lại được truyền tải và đã tạo được những hiệu ứng nhất định.
“Cuộc biểu tình đã cho thấy váy ngắn không phải là cái cớ để cưỡng bức phụ nữ” – Gullbahar nhận xét.
Bình đẳng giới – thực tế đáng buồn ở Thổ Nhĩ Kỳ
Trong những năm trở lại đây, quyền bình đẳng cho phụ nữ là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Là một đất nước của những thái cực, xã hội Thổ Nhĩ Kỳ tồn tại sự bất bình đẳng sâu sắc giữa nam và nữ giới. Điều này thậm chí được người đứng đầu nhà nước Thổ Nhĩ Kỹ không ngại ngần khẳng định trong một hội nghị về phụ nữ và công lý được tổ chức hồi tháng 11 năm 2014. Trong bài phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông RecepTayyip Erdogan, thẳng thừng tuyên bố: “Chúng ta không thể coi nam nữ như nhau. Chuyện đó trái tự nhiên”.
Ngoài phát biểu của người đứng đầu nhà nước, các số liệu thống kê ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho thấy một thực tế đáng buồn. Trong tuyên bố chung cuối tuần trước, đại diện Tổ chức Phụ nữ Liên Hợp Quốc và tổ chức UNFPA cho biết: “Từ năm 2008 đến nay, tình trạng bạo lực với phụ nữ ở Thổ Nhĩ Kỳ không cải thiện nhiều, bạo lực với phụ nữ vẫn lan tràn; cứ 5 phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ thì có 2 người bị bạo lực tình dục và bạo lực thể chất”.
Trong một phát biểu khác, Yasemin Yucel, Phó chủ tịch chi nhánh Liên hiệp Nhân sự Giáo dục ở Tarsus, cho biết có ít nhất 5 phụ nữ bị giết hại mỗi ngày.
Xã hội cần thay đổi quan niệm
Với những gì đang diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, Gulbanar cho rằng cái cần thay đổi đầu tiên chính là quan niệm của chính quyền. Bình đẳng cho phụ nữ sẽ vẫn là chuyện không tưởng khi những người nắm quyền hành điều hành đất nước ngày ngày truyền đi thông điệp: Không có chuyện nam nữ bình đẳng, phụ nữ là tặng vật của Thượng Đế dành cho cánh đàn ông.
Andrew Finkel, một nhà báo ở Istanbul, cho biết cái chết của Aslan đã làm dấy lên nhiều phản ứng khác nhau nơi người dân Thổ Nhĩ Kỳ, nó cho thấy cả sự chia rẽ và đoàn kết. Trên hết, nó khiến nhiều người phải xét lại quan điểm chính trị của mình.
“Ở một xã hội như Thổ Nhĩ Kỳ, luôn có sự phân cực rất lớn giữa những người ủng hộ và những người phản đối chính phủ – tuyết sẽ không rơi nếu không có ý nghĩa chính trị nào và mọi người không phân chia thành các nhóm chính trị khác nhau”.
Cũng theo Frikle, việc ngày càng nhiều phụ nữ gia nhập lực lượng lao động là một xuất phát điểm tốt cho tiến trình bình đẳng giới. “Các khoản tiết kiệm cá nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ rất thấp vì mỗi hộ gia đình thường không có quá một nguồn thu nhập. Nhu cầu phụ nữ đi làm đã hình thành. Và khi có thêm nhiều phụ nữ có việc làm, người ta sẽ phải thay đổi những quy tắc xã hội vật hóa và kỳ thị phụ nữ”.
Có thể thấy đòi bình quyền cho phụ nữ ở Thổ Nhĩ Kỳ là cả một tiến trình lâu dài, động chạm đến nhiều vấn đề sâu rộng, song như những gì thể hiện hiện nay, cuộc biểu tình bằng váy ngắn của những người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ đã góp phần tạo ra những ảnh hưởng nhất định. Họ đã giúp nâng cao nhận thức trong cộng đồng và thách thức mọi người xét lại quan điểm của mình.” Nói như Gulbahar: “Cuộc biểu tình bằng váy ngắn tuy nhỏ nhưng tôi cho rằng nó có ý nghĩa biểu trưng rất cao”. Đến đàn ông cũng phải kinh khiếp trước tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và không thể không lên tiếng, và thật vui khi điều đó được thể hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ, một xã hội khét tiếng trọng nam khinh nữ.
Chuyện ở một nơi khác: Tháng 9/2011, tại Indonesia, hàng chục phụ nữ đã mặc váy ngắn xuống đường biểu tình sau khi có một chính trị gia phát biểu rằng nữ giới nên ăn mặc kín đáo hơn để tránh bị cưỡng hiếp. Người biểu tình sử dụng hai biểu ngữ chính: “Đừng nói chúng tôi phải ăn mặc như thế nào, hãy bảo chúng đừng cưỡng bức nữa” và “Cơ thể của tôi không khiêu dâm, mà chính là cái đầu óc bẩn thỉu của các vị”.
Lược dịch từ Men support women’s rights in Turkey… by wearing miniskirts