Vụ nổ súng Copenhagen: Cách phản ứng định nghĩa chúng ta là ai

Vụ nổ súng Copenhagen: Cách phản ứng định nghĩa chúng ta là ai

Trương Tự Minh (dịch) – Nếu muốn có tiến triển tích cực, nhóm cần đối thoại nên là hàng triệu tín đồ đạo Hồi, những người không đồng tình với việc giết người nhưng cũng không muốn các bức biếm họa xuất hiện trên mặt báo.

copenhagen-coffee-shop

Vết đạn chi chít trên cửa kính của quán cafe bị tấn công. Ảnh: latimes.

Chiều tối hôm 14/2 vừa qua, một đạo diễn phim 55 tuổi đã bị bắn chết và ba cảnh sát bị thương sau vụ xả súng tại một quán café ở Copenhagen, Đan Mạch. Địa điểm diễn ra sự việc cũng là nơi một buổi tọa đàm về nghệ thuật đang diễn ra. Lấy chủ đề “Nghệ thuật, sự phỉ báng và tự do biểu đạt”, sự kiện được tổ chức nhằm thảo luận về giới hạn của tự do ngôn luận trong nghệ thuật sau cuộc thảm sát tại tòa báo Charlie vào tháng Một ở Paris. Buổi tọa đàm còn có sự tham gia của Lars Vilks, họa sĩ biếm họa người Thụy Điển hiện đang là mục tiêu ám sát của các phần tử Hồi giáo cực đoan sau bức tranh châm biếm tiên tri Muhammad đầy tranh cãi do ông vẽ hồi năm 2007. Cuộc tấn công cũng được cho là nhắm vào vị họa sĩ 69 tuổi này.

Bài liên quan: 

Giới hạn của sự báng bổ – Kỳ 9: Đan Mạch và nguồn cơn của vụ Charlie Hebdo

Chỉ cách vài tiếng sau đó, một vụ nổ súng khác tiếp tục diễn ra bên ngoài một nhà nguyện của người Do Thái ở Copenhagen, làm thêm một người chết và hai cảnh sát bị thương. Thủ phạm được xác định cho cả hai vụ tấn công là một nam thanh niên 22 tuổi người Đan Mạch gốc Ả-rập. Đến 5h sáng ngày 15/2, thanh niên này đã bị cảnh sát bắn chết trong lúc truy đuổi.

Khi mà vụ xả súng ở tòa soạn Charlie Hebdo vẫn còn chưa nguôi ngoai, châu Âu lại một lần nữa rúng động vì đòn giáng mạnh ở Đan Mạch. Số người tử vong càng tăng lên, người ta sẽ phải đặt câu hỏi về giới hạn của tự do biểu đạt liên quan đến tôn giáo. Trong một xã hội tự do, có thể bạn sẽ không bị pháp luật trừng phạt hay cấm đoán vì một tác phẩm nghệ thuật xúc phạm tôn giáo người khác. Nhưng điều đó không thể ngăn việc bạn hay tệ hơn là những người không liên quan bị cướp đi mạng sống. Liệu tự do nói chung, và tự do ngôn luận nói riêng, có gắn với những trách nhiệm đi kèm? Bài viết dưới đây của cây xã luận Hugh Muir trên tờ The Guardian sẽ góp một câu trả lời cho câu hỏi trên.

***

Nhà báo Hugh Muir, cây xã luận của tờ The Guardian (Anh). Ảnh: The Guardian.

Sẽ là không tưởng khi bất cứ ai có mặt có thể thuật lại những gì đã diễn ra ở Copenhagen hôm qua (14/2, giờ địa phương) bằng một giọng kể bình thường, thế mà Helle Merete Brix (sáng lập viên Ủy ban Lars Vilks – ND) đã làm như vậy. Trả lời BBC Radio 5 Live sáng nay, Brix nói: “Có một tiếng động lớn vang lên. Tôi tưởng người ta làm rơi cái gì đó.” Sau đó đài này cho phát lại đoạn ghi âm của buổi tọa đàm – một sự kiện do Merete Brix làm chủ tọa nhằm kỷ niệm ngày Salman Rushdie (nhà văn người Anh gốc Ấn từng bị đe dọa giết chết vì tác phẩm gây tranh cãi đối với cộng đồng người Hồi giáo vào năm 1988 – ND) nhận án lệnh truy sát từ lãnh tụ tối cao của Iran. Rồi bỗng nhiên một tiếng động lớn vang lên ở phía ngoài, theo sau là tiếng đạn nã nghe lạnh gáy, kéo dài liên hồi tưởng chừng không dứt. Không cần phải nói thì ai cũng hiểu đã có một cuộc thảm sát xảy ra.

Rất nhanh sau đó, Merete Brix cùng nhân vật được cho là đối tượng tấn công chính, họa sĩ biếm họa người Thụy Điển Lars Vilks, được hộ tống đến khu vực an toàn của tòa nhà và ẩn náu ở đấy trong 30 phút. Hai người đã nắm tay và cố gắng kể chuyện cười cho nhau nghe. Đó là một thái độ chấp nhận nghịch cảnh có thể sẽ cần thiết trong những tháng sắp tới.

Hai sự việc xảy ra vừa qua ở Đan Mạch, bản thân chúng đã là những cú sốc lớn: những người ủng hộ việc cho đăng hình ảnh châm biếm nhà tiên tri Muhammad trên báo bị tấn công, và ngay sau đó là âm mưu tấn công bất thành một nhà nguyện của người Do Thái, nơi mà một nhân viên an ninh đứng gác bên ngoài đã bị bắn vào đầu và chết.

Thế nhưng gây ngạc nhiên không kém còn là suy nghĩ rằng 6 tuần sau cuộc thảm sát ở tòa báo Charlie Hebdo, chúng ta đang trở lại nhịp sống bình thường. Hãy nhìn lại các diễn biến thời gian gần đây: những cuộc tấn công bất ngờ, đầy bạo lực và nhuốm màu quân phiệt vào không gian suy tưởng và học thuật, cùng với đó là sự xuất hiện của những tay súng khó phát hiện – ở Paris chủ mưu là một nhóm kín và nhỏ; ở Đan Mạch, đến lúc này các bằng chứng cho thấy đó là một tay súng đơn lẻ. Rồi sẽ có thêm nữa những hậu quả xảy ra, đòi hỏi vấn đề an ninh cần được tăng cường và ứng phó tốt hơn ở những sự kiện tương tự buổi tọa đàm tối thứ Bảy vừa qua. Chất lượng và tính đa nguyên của những thảo luận, trao đổi như vậy sẽ bị giảm xuống, tuy nhiên điều quan trọng cần đảm bảo là các hoạt động này tiếp tục diễn ra với sự tham gia và phát biểu một cách tự do từ tất cả các bên.

Lars Vilks

Họa sĩ biếm họa người Thụy Điển Lars Vilks, người tham dự cuộc hội luận ở quán cafe bị tấn công, được cho là mục tiêu chính của kẻ khủng bố. Hồi năm 2007, ông gây nên sóng gió lớn khi cho đăng bức biếm họa miêu tả nhà tiên tri Muhammad của đạo Hội dưới hình hài một con chó. Ảnh: NBC News.

Việc đảm bảo an toàn tốt hơn cho cộng đồng người Do Thái cũng là một yêu cầu cấp thiết. Theo sau sự kiện đẫm máu ở tòa soạn báo Charlie Hebdo, an ninh đã được siết chặt xung quanh các nhà nguyện và nơi sinh hoạt cộng đồng. Có thể cảm nhận không khí căng thẳng đang lên cao ở khắp châu Âu, cũng như ở ngay trong nước (Anh quốc – ND) những tháng gần đây. Khi cuộc khủng hoảng vẫn chưa kết thúc, cần phải đảm bảo sinh hoạt thường ngày và các hoạt động tôn giáo của cộng đồng người Do Thái không trở thành mục tiêu tấn công. Nếu thật sự một xu hướng dùng tới việc đổ máu để thể hiện sự bất đồng chính kiến đang được hình thành, nó phải được ngăn chặn bằng tinh thần đoàn kết và quyết tâm của tất cả mọi cộng đồng, tương tự khi đối phó với tội phạm xuất phát từ lòng thù hận (hate crimes).

Chúng ta hiện đang ở trong vùng nguy hiểm. Hành vi giết người hàng loạt để chống đối chính trị không thể có lý do biện minh. Cái cần phải bảo vệ là tự do ngôn luận, một điều kiện mang tính pháp lý lẫn đạo đức trong một xã hội tự do. Dẫu vậy vẫn có những nghĩa vụ khác đặt ra cho những ai mong muốn sống trong hòa bình và hòa hợp. Sau những gì đã xảy ra ở Paris và Đan Mạch, chúng ta cần phải cẩn trọng với sự cám dỗ trong việc cho đăng các bức tranh biếm họa nhằm mục đích khích bác – cho dù đó là điều có thể hiểu được – nếu ý định của việc làm này chỉ nhằm chứng tỏ chúng ta có thể làm như vậy. Tự do ngôn luận luôn đi kèm với các nghĩa vụ của nó.

copenhagen-coffee-shop-2

Một người đàn ông Đan Mạch cắm cờ gần khu vực hiện trường vụ nổ súng. Ảnh: latimes.

Nói như vậy với tôi mang nặng ý nghĩa đạo đức. Tuy nhiên ở đây cũng có một vấn đề thực tiễn cần xem xét. Với những người cổ súy bạo lực thì sẽ không bao giờ có chuyện thương thảo. Nếu muốn có tiến triển tích cực, nhóm cần đối thoại nên là hàng triệu tín đồ đạo Hồi, những người không đồng tình với việc giết người nhưng cũng không muốn các bức biếm họa xuất hiện trên mặt báo. Chúng ta không thể đối thoại trong một thời điểm và bầu không khí đầy rẫy sự khích bác. Đối thoại không phải là hành động của sự yếu đuối. Chọn lựa đến từ sự mạnh mẽ không nhất thiết là làm cái khả thi, mà là làm điều đúng đắn.

Dịch từ: Our response to the Copenhagen attacks will define us (The Guardian)

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.