Sư Thích Minh Đạo rời Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Chính quyền tiếp tục ngăn chặn Pháp Luân Công
Bản tin tôn giáo tháng 8/2024 có một số thông tin đáng chú ý sau.
Trương Tự Minh – Ở Hoa Kỳ, trách nhiệm hỗ trợ bên bị cáo chuẩn bị hồ sơ trước khi ra tòa là một trong các nghĩa vụ công tố viên phải thực hiện, bao gồm việc cung cấp chứng cứ gỡ tội mà cơ quan công tố có được trong quá trình điều tra. Yêu cầu này trở thành nghĩa vụ hiến định từ phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ trong án lệ Brady v. Maryland năm 1963. Tương tự vụ Miranda v. Ariozona, nó cũng được xem là một trong những phán quyết tạo ra thay đổi lớn cho tư pháp hình sự Hoa Kỳ.
Luật sư đang trình bày về chứng cứ trong một phiên tòa ở Mỹ. Ảnh: Wikipedia.
Năm 1958, bị cáo John Brady (25 tuổi) bị tòa án bang Maryland kết án phạm tội giết người cấp độ một và tuyên tử hình. Tại phiên tòa, Brady thừa nhận đã lên kế hoạch thực hiện hành vi giết người, cướp tài sản cùng bạn mình là Donald Boblit. Tuy nhiên, bị cáo khẳng định cá nhân anh ta không trực tiếp giết chết nạn nhân mà hung thủ là Boblit. Luật sư biện hộ cho Brady đề nghị tòa không xử mức án tử hình do trách nhiệm của thân chủ mình nhẹ hơn. Trước đó, trong giai đoạn tiền xét xử, luật sư của Brady có yêu cầu được cung cấp toàn bộ biên bản lời khai của Boblit. Hầu như tất cả đều được cảnh sát đáp ứng, trừ biên bản lời khai thứ 5 vào ngày 9/7/1958. Đây cũng chính là mấu chốt của toàn bộ án lệ Brady v. Maryland.
Trong lần khai thứ 5 đó, Boblit nói ban đầu đã dùng báng súng đánh vào đầu nạn nhân làm bất tỉnh rồi sau đó sẽ bắn chết đối tượng. Nhưng sợ gây tiếng động nên Brady đề nghị giết bằng cách xiết cổ. Boblit thừa nhận chính anh ta đã lấy áo xiết cổ nạn nhân đến chết rồi cùng Brady thủ tiêu xác người đàn ông xấu số trong rừng. Mặc dù lời khai của Boblit không thể giúp Brady thoát tội, nhưng nó trả lời được câu hỏi: ai đã trực tiếp thực hiện hành vi giết người? Lời đáp sẽ quyết định Brady hay Boblit là người phải chịu án tử hình.
Phiên tòa khép lại và Brady vẫn phải nhận án tử. Sau đó ít lâu, John Brady có luật sư mới. Vị này đã tìm lại biên bản ghi lại nội dung phiên tòa xét xử Boblit (Brady chọn tòa có bồi thẩm đoàn, còn Boblit chọn tòa chỉ có thẩm phán nên mỗi người được xét xử riêng). Trong đó luật sư của Brady phát hiện ra một đoạn thư ký tòa ghi nhận công tố viên đã dùng lời khai vào ngày 9/7/1958 làm bằng chứng buộc tội Boblit. Liền sau đó, ông đã yêu cầu tòa xét xử lại theo thủ tục tái thẩm dựa trên căn cứ có bằng chứng mới xuất hiện. Ban đầu tòa sơ thẩm bác yêu cầu.
Năm 1963, vụ việc được đưa ra Tối cao Pháp viện xét xử. Kết quả, Brady được xét xử lại để định lại tội danh và hình phạt dành cho người đàn ông này. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý không nằm trong kết quả vụ án mà ở lập luận của Tòa trong phán quyết, bởi nó cung cấp một giá trị án lệ quan trọng cho tư pháp Hoa Kỳ. Cụ thể, Tối cao Pháp viện cho rằng “việc cơ quan công tố che dấu chứng cứ mà bên bị buộc tội cho là cần thiết khi cơ quan này được yêu cầu là sự vi phạm nguyên tắc tố tụng công bằng, cho dù chứng cứ đó liên quan đến việc xác định có tội hay xác định mức hình phạt, bất kể cơ quan công tố đã hành động trung thực hay cố tình.[1]” Tố tụng công bằng – due process – là cụm từ được nhắc đến trong Tu chính án thứ 5 và 14 trong Hiến pháp Mỹ, vì vậy từ đó trách nhiệm cung cấp mọi chứng cứ theo yêu cầu của bên bị buộc tội trở thành một nghĩa vụ hiến định đối với cơ quan công tố.
Sau phán quyết Brady v. Maryland, Tối cao Pháp viện tiếp tục mở rộng các quy định liên quan đến vấn đề bằng chứng gỡ tội qua các án lệ tiếp sau đó. Chẳng hạn, theo phán quyết Brady, cơ quan công tố được hiểu chỉ có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ gỡ tội khi bên bị buộc tội yêu cầu. Nhưng án lệ United States v. Agurs[2] năm 1976 đã thay đổi quy định này, với phán quyết “cơ quan công tố buộc phải cung cấp các chứng cứ có lợi cho bên bị buộc tội bất kể có được yêu cầu hay không [3]”.
Năm 1995, Tòa này tiếp tục mở rộng nghĩa vụ của bên công tố trong vụ Kyles v. Whitley. Theo đó, “công tố viên có nghĩa vụ buộc phải biết các bằng chứng có lợi cho bên bị buộc tội mà các chủ thể khác đại diện cho nhà nước đã biết đến, bao gồm cảnh sát.[4]” Điều này có nghĩa không thể miễn trừ nghĩa vụ đối với công tố viên khi người này không cung cấp bằng chứng gỡ tội cho bị cáo với lý do không biết đến các bằng chứng đó, cho dù việc không biết đến đó là bất khả kháng. Do vậy, thậm chí khi cơ quan công tố không thể cung cấp bằng chứng có lợi cho bên bị buộc tội vì một nguyên nhân khách quan nào đó từ phía cảnh sát, theo phán quyết Kyles của Tối cao Pháp viện, đó vẫn là một vi phạm nghĩa vụ Brady.
Trở lại với vụ án của Nguyễn Văn Chưởng, nếu luật sư Hoàng Văn Quánh có quyền yêu cầu viện kiểm sát xem xét và đưa vào hồ sơ vụ án các tình tiết có giá trị làm bằng chứng có lợi cho thân chủ mình, hẳn ông đã có nhiều lợi thế hơn trong quá trình tranh tụng trước tòa. Tương tự, các đơn kháng cáo và đề nghị giám đốc thẩm sau đó hẳn cũng sẽ có sức thuyết phục hơn với những chứng cứ gỡ tội được ghi nhận trực tiếp trong hồ sơ vụ án.
Việc quy định rõ các nghĩa vụ liên quan đến chứng cứ gỡ tội của cơ quan điều tra và viện kiểm sát không chỉ là sự cụ thể hóa nguyên tắc xác định sự thật vụ án một cách khách quan. Nó còn là sự cân bằng và nhắc nhở cần thiết đối với tâm lý “đấu tranh phòng chống và không bỏ sót tội phạm” vốn có tự nhiên ở cơ quan điều tra và viện kiểm sát, một định hướng nếu bị lạm dụng rất dễ dẫn đến án oan sai. Trong bối cảnh tình trạng án oan đang là vấn nạn của tư pháp hình sự Việt Nam, mong rằng chế định chứng cứ sẽ có những cải thiện đáng kể ở dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi, mà cụ thể là nghĩa vụ thu thập, cung cấp chứng cứ gỡ tội của cơ quan điều tra và viện kiểm sát. Đó cũng là biểu hiện cần có của xu thế hội nhập với pháp luật thế giới trong tiến trình cải cách tư pháp đang được tiến hành.
Tài liệu tham khảo:
– John H. Langbein và Lloyd L. Weinreb, Continental Criminal Procedure: “Myth” and Reality, The Yale Law Journal (tháng 7/1978)
– Maitri “Mike” Klinkosum và Brad Bannon, Brady v. Maryland and Its Legacy – Forging a Path for Disclosure, The North Carolina State Bar Journal (2006)
– Lisa M. Kurcias, Prosecutor’s Duty to Disclose Exculpatory Evidence, Fordham Law Review (2000)
– Ali Lombardo, The Grand Jury and Exculpatory Evidence: Should the Prosecutor Be Required to Disclose Exculpatory Evidence to the Grand Jury, Cleveland State University Law Review (2000)
– Donald A. Dripps, Against Police Interrogation and Privilege against Self-incrimination, Journal of Criminal Law and Criminology, Northwestern University, School of Law (1988)
Chú thích:
[1] Nguyên văn tiếng Anh: “Suppression by the prosecution of evidence favorable to an accused upon request violates due process where the evidence is material to either guilt or to punishment, irrespective of the good faith or bad faith of the prosecution.”
[2] Linda Agurs bị truy tố về hành vi giết người cấp độ 2 sau khi James Sewell bị đâm bằng dao đến chết vào buổi chiều ngày 24/9/1971. Cơ quan công tố dựa chủ yếu vào tình tiết Agurs là một phụ nữ hành nghề mại dâm, Sewell và bị cáo theo thỏa thuận đã đến một nhà nghỉ để thực hiện việc “mua bán”. Công tố viên tham gia vụ án lập luận trong khi Sewell đang ở phòng tắm, Agurs đã lục lọi quần áo của vị khách hàng với ý định ăn cắp tiền. Chẳng may Sewell phát hiện, vì vậy Agurs đã lấy con dao nhỏ trong đống quần áo rồi đâm chết Sewell.
Tại phiên tòa, Agurs đã không thể thuyết phục bồi thẩm đoàn rằng cô chỉ hành động tự vệ. Khoảng một tháng sau khi có bản án, luật sư của Agurs phát hiện ra Sewell từng có tiền sử phạm tội hành hung và sở hữu vũ khí nguy hiểm. Với Agurs, đây là thông tin quan trọng, bởi tiền sử phạm tội của Sewell sẽ là bằng chứng cho thấy xu hướng bạo lực của người đàn ông này, từ đó có thể củng cố cho lý do tự vệ cô đưa ra.
Trước đó, cơ quan công tố đã không cho Agurs và luật sư của cô biết về quá khứ phạm tội của Sewell. Trong lần xét xử sau, đại diện bên công tố cho rằng do luật sư bào chữa đã không yêu cầu họ cung cấp lý lịch tư pháp của Sewell nên cơ quan công tố không có nghĩa vụ phải thực hiện. Khi vụ án đến Tối cao Pháp viện, các thẩm phán của Tòa không đồng ý với lý do đó bằng lập luận: dựa trên tinh thần của nguyên tắc tố tụng công bằng từ án lệ Brady, việc bên bị buộc tội không yêu cầu cơ quan công tố cung cấp chứng cứ mình mong muốn không có nghĩa cơ quan này được giải trừ nghĩa vụ cung cấp chứng cứ có lợi cho bên bị buộc tội. Nói cách khác, cơ quan công tố phải công khai các chứng cứ gỡ tội bất kể bên bị buộc tội có yêu cầu hay không.
[3] Nguyên văn tiếng Anh: “the prosecution must disclose such evidence regardless of whether the defense has asked for it.”
[4] Nguyên văn tiếng Anh: “prosecutor has a duty to learn of any favorable evidence known to the others acting on the government’s behalf in the case, including the police.”