Chủ nghĩa nào là điểm đến cuối cùng của nhân loại?
Chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang tuần này xin giới thiệu quyển sách "The End of History and
Nguyễn Quốc Tấn Trung
Cuộc “bầu cử dân chủ” phổ thông cấp địa phương đầu tiên kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un lên nắm quyền đang diễn ra hiện nay sắp sửa hoàn thành. Cuộc bầu cử sẽ được tổ chức để lựa chọn các vị trí quản lý và hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành và quận huyện – một sự kiện tốt để chúng ta có thể hiểu thêm về đời sống chính trị tại Bắc Triều Tiên. Vậy, phương thức bầu cử của quốc gia bí ẩn nhất thế giới này diễn ra như thế nào?
Thực tế mà nói, Kim Jong Un vẫn là “người thừa kế” của quốc gia; Đảng Lao Động Triều Tiên vẫn là tổ chức cầm quyền tối cao của nhà nước. Nhưng cũng cần phải làm rõ rằng, Bắc Triều Tiêu là một nhà nước độc tài toàn trị (cụ thể hơn là mang bản chất gia đình trị – ND), không có nghĩa là nhà nước Bắc Triều Tiên có thể hoạt động trôi chảy mà không cần đến một cấu trúc chính trị nhất định.
Không chỉ có một đảng!
Điều này có thể khiến nhiều người bất ngờ, nhưng hệ thống đảng phái chính trị tại Bắc Triều Tiên khá phong phú, theo đó chia nhau số lượng ghế trong Hội Đồng Nhân Dân Tối Cao Triều Tiên bao gồm: Đảng Lao Động Triều Tiên, Đảng Dân Chủ Xã Hội Triều Tiên, Thanh Hữu Thiên Đạo Đảng, Đảng Liên Hiệp Nhân Dân Triều Tiên Tại Nhật Bản và một số đảng phái độc lập khác. Tất cả các Đảng tồn tại trong hệ thống chính trị tập hợp lại và được gọi chung là Mặt Trận Dân Chủ Thống Nhất Dân Tộc và trở thành bộ phận chính trị kiểm soát Triều Tiên.
Tuy vậy, các đảng phái khác ngoài Đảng Lao Động thật sự không có nhiều vai trò thực quyền trong quá trình bầu cử bởi hầu hết đều nằm dưới sự chỉ đạo của Đảng Lao Động Triều Tiên trong Mặt Trận Dân Chủ Thống Nhất Dân Tộc. Thông tin của các đảng phái này đều không được phép công bố rộng rãi cho dân chúng; chúng cũng không được phép có điều lệ riêng và chỉ hoạt động theo hướng dẫn của Đảng Lao Động; nếu chưa kể đến một số đảng còn bị thanh trừng nặng nề đến mức không còn bất kỳ chi bộ địa phương nào, dù có một thời kỳ lịch sử trước đó sở hữu số lượng đảng viên thậm chí lớn hơn về quy mô khi so với Đảng Lao Động mà ví dụ cụ thể là Thanh Hữu Thiên Đạo Đảng – một đảng phái pha trộn tính chất chính trị và tôn giáo Thiên Đạo đặc trưng của người Triều Tiên.
Với cơ cấu chính trị này, có thể thấy sự tồn tại đa dạng của các đảng không làm khác đi tình hình bầu cử chính trị tại Triều Tiên. Các đợt hiệp thương của Mặt Trận Dân Chủ Thống Nhất Dân Tộc đề cử ứng viên vốn chỉ theo ý muốn và tính toán của duy nhất một đảng. Một trong những minh chứng cụ thể là số ghế của các đảng trong Hội Đồng Nhân Dân Tối Cao Triều Tiên hầu như không đổi theo thời gian với sự thống trị số ghế Hội Đồng Nhân Dân Tối Cao không bất ngờ thuộc về Đảng Lao Động Triều Tiên.
Nhà nước quân chủ trá hình
Dù là cấp độ trung ương hay địa phương, cấu trúc và hình thức nhà nước lý tưởng của Triều Tiên không khác Trung Quốc hay một số nhà nước độc đảng khác.
Ở trung ương, Hội Đồng Nhân Dân Tối Cao được xem là cơ quyền quyền lực nhà nước tối cao tại Triều Tiên với 687 đại diện, thực hành quyền lập pháp. Trong trường hợp giao thời hoặc Hội Đồng Nhân Dân Tối Cao không được triệu tập (mà thường luôn là như vậy – ND), một chính thể có tên gọi là Chủ tịch đoàn của cơ quan này cũng được phép thực hành quyền lập pháp. Điều này khiến cho Hội Đồng Nhân Dân Tối Cao thường mang ý nghĩa biểu trưng và hình thức chứ không thể có tác động nào đến quyền hành của các nhà lãnh tụ. Tất nhiên, Chủ tịch đoàn được lựa chọn một cách kỹ lưỡng và trung thành tuyệt đối với lãnh tụ Kim, được cho là có thẩm quyền quyết định đối với mọi quyết định chính trị. Thêm vào đó là Nội các – là cơ quan quản lý hành chính trực thuộc Hội Đồng Nhân Dân Tối Cao, thực hành quyền giải quyết các vấn đề quản lý nhà nước, hình thành từ và chịu trách nhiệm trước Hội Đồng Nhân Dân Tối Cao.
Dù vậy, quyền lực mà các cơ quan nói trên có được, cơ bản vẫn chỉ là ghi nhận trong Hiến Pháp. Hội Đồng An Ninh Quốc Gia – với chức vụ Chủ tịch thứ nhất luôn thuộc về các lãnh tụ nhà họ Kim mới được xem là cơ quan thực sự thực thi quyền hành tối thượng của nhà nước Triều Tiên.
Đối với các cơ quan trung ương kể trên, người dân Bắc Triều Tiên có nghĩa vụ bầu ra các đại diện cho Hội Đồng Nhân Dân Tối Cao.
Còn ở cấp độ địa phương, chúng ta có hai bộ máy quen thuộc là Hội đồng nhân dân địa phương, Ủy Ban nhân dân địa phương và cũng do người dân trực tiếp bầu.
Thùng phiếu riêng cho những ai bỏ phiếu chống
Nếu đến đây, bạn đọc nghi ngờ về một cuộc bầu cử dân chủ tồn tại tại Triều Tiên, bạn suy đoán chính xác. Một điều rất chắc chắn trong cơ chế bầu cử của Bắc Triều Tiên, những người được gọi là “cử tri”, không có quá nhiều lựa chọn – hoặc cũng có thể nói là không có lựa chọn nào khác, khi ngay cả các cơ quan được thành lập thông qua con đường bầu cử vốn đã không có thực quyền.
Việc bầu các đại diện nhân dân thuộc Hội Đồng Nhân Dân Tối Cao được thực hiện trên cơ sở địa giới hành chính, tức mỗi địa giới hành chính sẽ bầu ra một đại diện; trong khi đó, bầu các đại diện cho hội đồng nhân dân địa phương sẽ phụ thuộc vào số dân của đơn vị hành chính. Tuy nhiên, bất kể bầu Hội Đồng Nhân Dân Tối Cao hay địa phương hay Ủy ban nhân dân, họ đều được Mặt Trận Dân Chủ Giải Phóng Dân Tộc chọn “giúp” duy nhất một ứng cử viên tương ứng với địa phương nơi họ đang sống. Cuộc bầu cử được tối giản xuống còn câu trả lời Đồng ý hoặc Không Đồng ý. Cử tri đương nhiên có quyền bỏ phiếu “Không đồng ý”, ngoại trừ việc bỏ phiếu “Không đồng ý” đồng nghĩa với hành động nguy hiểm cho xã hội và có thể bị gán tội phản quốc. Thậm chí, để đảm bảo những số liệu đẹp như mơ cho các cuộc bầu cử, sẽ không có bất kỳ tiêu chuẩn bảo mật nào được đặt ra tại điểm bầu cử, tức nhà cầm quyền và mọi người đều sẽ biết ai bỏ phiếu chống khi những người muốn bỏ phiếu chống buộc phải bỏ phiếu vào một thùng phiếu riêng biệt.
Bằng cách này, cử tri Bắc Triều Tiên (tất cả công dân trên 17 tuổi) có trách nhiệm tán thành tất cả các ứng cử viên mà Đảng Lao Động đưa ra, trong khi, Kim Jong Un, theo truyền thống lãnh đạo truyền lại, vốn đã lựa chọn sẵn các quan chức cấp cao để phò tá mình trong Chủ tịch đoàn.
Nhìn vào thực tế, “bầu cử” là một cách miêu tả vô cùng hào phóng đối với tiến trình diễn ra, bởi nhà họ Kim có thể sửa đổi toàn bộ cấu trúc và nhân sự của mọi Hội Đồng Nhân Dân cũng như thay đổi toàn bộ Hiến Pháp ở mọi thời điểm.
Vậy vì sao lại cần tổ chức bầu cử?
Những người Triều Tiên tị nạn chính trị hoặc những người đào thoát cáo buộc các cuộc bầu cử hình thức này đơn thuần chỉ là một phương pháp điều tra dân số, kiểm soát thái độ chính trị định kỳ và loại trừ mầm mống phản động.
Theo tờ Telegraph, cử tri Triều Tiên phải đăng ký tham gia bầu cử một tháng trước khi bắt đầu bầu cử chính thức. Ủy ban giám sát bầu cử địa phương cũng sẽ được thành lập và kiểm tra danh sách cử tri, đối chiếu với hệ thống đăng ký thường trú và hộ khẩu. Bằng cách này, những thành phần chống đối hay đào tẩu thường được phát hiện ra. Nhiều trường hợp, những người đào tẩu sang Trung Quốc buộc phải tìm cách trở về Triều Tiên mỗi đợt bầu cử để tránh trường hợp bị phát hiện và những trả đũa mà chính phủ Triều Tiên có thể đặt ra cho gia đình hoặc người liên quan đến họ.
Nhiều chuyên gia nhận định rằng, các cuộc bầu cử gần đây cũng giúp Kim Jong Un thanh lọc lại giới “thượng lưu” Bình Nhưỡng và tạo điều kiện tốt nhất cho việc kiểm soát quyền lực mới nổi của mình. Đợt bầu cử trung ương diễn ra vào năm 2014 thành công tốt đẹp với số cử tri đi bầu và mức chấp thuận đạt 100%. Lần bầu cử địa phương lần này cũng “hy vọng” có con số ấn tượng tương tự như vậy.
Tài liệu tham khảo:
North Korea Elections: A Sham Worth Studying
Super fair and democratic elections are getting under way in North Korea
North Korea To Hold Local Elections In July, First Under Kim Jong Un
There Are Elections in North Korea and Here’s How They Work
How North Korea’s elections work