Nhập tịch Hoa Kỳ: Có liên hệ với đảng cộng sản cũng có thể bị cấm

Nhập tịch Hoa Kỳ: Có liên hệ với đảng cộng sản cũng có thể bị cấm

Vi Katerina Tran

Theo pháp luật Hoa Kỳ, không chỉ đảng viên cộng sản, mà những người từng làm việc cho chính quyền cộng sản hoặc là sỹ quan quân đội cộng sản cũng có thể không được nhập tịch vào nước này. Tuy vậy, nếu mối liên hệ của họ với đảng cộng sản được chứng minh không phải là “mối liên hệ có ý nghĩa” (meaningful association), cơ hội trở thành công dân Hoa Kỳ vẫn còn đó.

Hoa Kỳ – vùng đất hứa của những người di cư…không theo chủ nghĩa cộng sản?

Đạo luật Di trú và Quốc tịch (Immigration and Nationality Act (INA) chương 313(a)(2), [8 U.S.C. 1424] nêu rõ những người là thành viên hay có liên hệ với bất kỳ đảng cộng sản hay đảng độc tài nào, hay những tổ chức ngoại vi của các đảng phái đó (trong trường hợp Việt Nam có thể hiểu bao hàm cả Đoàn Thanh Niên, Hội Phụ Nữ hay Mặt Trận Tổ Quốc?), sẽ không được phép nhập quốc tịch Hoa Kỳ. Chương 313(a)(3) cũng không cho phép những người chủ trương ủng hộ cho những học thuyết của chủ nghĩa cộng sản về kinh tế, quốc tế và chính phủ hay là thành viên hoặc có sự liên hệ với bất kỳ tổ chức nào với những chủ trương như thế, được nhập tịch.

Điều gây thắc mắc với nhiều người có lẽ là một định nghĩa chính xác cho khái niệm “mối liên hệ” trong đạo luật này. Vậy trong luật di trú Hoa Kỳ, những hành vi hay mối quan hệ nào cấu thành định nghĩa “mối liên hệ” với đảng cộng sản và sẽ có thể khiến một người bị từ chối nhập tịch?

Theo cẩm nang của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về đối ngoại, chương 9 về những quy định cấp thị thực (U.S. Department of State Foreign Affairs Manual, Volume 9-Visas, 9 FAM 40.34 N3.4), định nghĩa về một tổ chức có “liên hệ” với đảng cộng sản để có thể dẫn đến việc cấm nhập cảnh hay nhập tịch theo Đạo luật Di trú và Quốc tịch là một “tổ chức có liên quan với, hoặc có sự gắn bó chặt chẽ với một đảng phái hoặc hội đoàn bị cấm (dưới đạo luật này), bao gồm bất kỳ phân khu, tổ chức phụ, chi nhánh, hay nhánh phụ nào có quan hệ gần gũi thông qua những bằng chứng hoặc sự thúc đẩy những chủ tâm và mục đích của những hội đoàn hay đảng phái đó, hoặc thể hiện một quan hệ hợp tác để thực hiện những chủ tâm và mục đích của những tổ chức hay đảng phái đó.”

Theo chương 101(e) của Đạo luật Di trú và Quốc tịch, “mối liên hệ” còn có thể định nghĩa bằng những hành động “trao tặng, cho vay hoặc những hứa hẹn ủng hộ bằng tiền bạc hay những thứ có giá trị khác dưới bất kỳ mục đích gì cho những tổ chức bị cấm” tuy đây không phải là định nghĩa duy nhất có giá trị pháp lý. Sự liên hệ với đảng cộng sản đòi hỏi một hành động thực tế. Một suy nghĩ đơn thuần, một sự đồng cảm hay thiện chí với những lý tưởng của đảng cộng sản hoặc một đảng độc tài khác không được xem là một sự liên hệ với tổ chức đó trừ phi nó được thể hiện thành những hành động thực tiễn và tự nguyện như cung cấp; tài trợ, tiền bạc, hoặc những tài sản có giá trị.

Cũng trong cẩm nang của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, những ví dụ sau đã được đơn cử và dùng để giải thích về những trường hợp mà sự liên hệ với đảng cộng sản sẽ có thể hoặc không thể là lý dó để từ chối đơn xin nhập cảnh hoặc xin nhập tịch:

1. Nhân viên chính phủ ở các nước cộng sản hoặc một nhà nước mà chế độ cộng sản cầm quyền:

Theo điều luật liên bang 22 CFR 40.34 (c), những ai tình nguyện phục vụ với một tư cách chính trị sẽ bị cho là có sự liên hệ với đảng phái chính trị hay tổ chức nắm quyền trong thời gian phục vụ. Công tác trong một chức vụ có trách nhiệm với nhà nước cộng sản hoặc một đất nước bị cai trị bởi chế độ cộng sản, thông thường là một lý do để từ chối nhập cảnh và nhập tịch theo Đạo luật Di trú và Quốc tịch, chương 212(a)(3)(D). Tuy nhiên, sự giả định cho việc từ chối này có thể được bác bỏ bằng những chứng từ đáng tin cậy nhằm cho phép hồ sơ đó được cứu xét theo diện miễn trừ.  Công chức, viên chức thông thường của một nhà nước cộng sản hay một nhà nước mà chế độ cộng sản cầm quyền, bao gồm cả những người làm việc trong lãnh vực thông tin và truyền thông, không bị giả định là thuộc diện bị từ chối nhập cảnh/nhập tịch theo luật di trú.

Một trong những cách có thể giúp quyết định xem chức vụ của một người trong một thể chế có thuộc diện bị từ chối nhập cảnh/nhập tịch hay không là căn cứ vào loại hộ chiếu mà họ nắm giữ với quốc gia đó. Khi một người được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu đặc biệt, hay hộ chiếu công vụ, điều đó tăng khả năng họ là đảng viên đảng cộng sản hoặc có sự liên hệ mật thiết (với đảng Cộng Sản) nhưng không nhất thiết là tuyệt đối chính xác và do đó cần phải điều tra kỹ lưỡng và rõ ràng hơn nữa.

2. Tham gia lực lượng Quân đội của nhà nước cộng sản hoặc một nhà nước mà chế độ cộng sản cầm quyền:

Theo điều luật liên bang 22 CFR 40.34(b), việc đơn thuần phục vụ trong quân đội, dù tình nguyện hay không, cho bất kỳ đất nước nào sẽ không bị xem là tạo dựng hay thiết lập một mối liên hệ với một tổ chức bị cấm đoán và sẽ không phải là lý do từ chối nhập cảnh hay nhập tịch Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tiếp tục phục vụ trong quân đội và thăng chức lên những chức vụ cao cấp, chẳng hạn như hàng ngũ sĩ quan, có thể được cho là công tác trong hàng ngũ quân đội với tư cách chính trị và là lý do để từ chối nhập tịch theo INA 212(a)(3)(D).

Đạo luật Di trú năm 1990 (Immigration Act of 1990) đã bãi bỏ điều quy định người muốn nhập tịch phải có hành động tích cực phản đối chủ nghĩa cộng sản nhằm được miễn trừ việc bị từ chối vì lý do tham gia hay liên hệ với đảng cộng sản. Ngày nay, người xin nhập cảnh hay nhập tịch Hoa Kỳ chỉ cần dùng bằng chứng với đủ độ tin cậy để cho thấy họ đã thoát ly quan hệ với đảng cộng sản trong một thời gian đủ dài theo luật định của chương 212(a)(3)(D) và chương 313(a) của Đạo luật Di trú và Quốc tịch.

Định nghĩa về “mối liên hệ có ý nghĩa” theo Án lệnh tòa án:

Tòa án Hoa Kỳ đã đặt ra một định nghĩa về “mối liên hệ có ý nghĩa” (meaningful association) thông qua án lệnh Rowoldt v. Perfetto, 355 U.S. 115 (U.S. 1957) để tạo ra một sự miễn trừ cho những người có thể bị từ chối nhập tịch vì là đảng viên hay có liên hệ với đảng cộng sản. Theo đó, sự liên hệ với đảng cộng sản chỉ bị xem là yếu tố để từ chối nhập tịch hay để trục xuất một người khi nó là một “mối liên hệ có ý nghĩa.”

Án lệnh Rowoldt được phán quyết trong thời kỳ đỉnh cao của cuộc Chiến tranh lạnh (Cold War) giữa khối Xô viết và chủ nghĩa tư bản mà đại diện cho nó chính là Hoa Kỳ. Vào thập niên 1950, để tăng cường an ninh quốc gia và tìm cách khống chế sự phát sinh của chủ nghĩa xã hội (socialism) và chủ nghĩa cộng sản (communism) ở Mỹ, đạo luật An ninh Quốc gia của năm 1950 (Internal Security Act of 1950) còn gọi là đạo luật Kiểm soát những hành động chống phá năm 1950 (Subversive Activities Control Act of 1950) hay là đạo luật McCarran – vì đạo luật này được bảo trợ bởi Thượng nghị sĩ Pat McCarran (McCarran Act), đã được lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ thông qua trước sự phản đối và phủ quyết của tổng thống Harry Truman. Một cách vắn tắt, đạo luật này cho phép chính phủ Hoa Kỳ theo dõi và điều tra hoạt động của những người cộng sản ở Mỹ, cũng như nghiêm cấm người cộng sản trở thành công dân Hoa Kỳ. Nhiều đảng viên đảng cộng sản đã phải đối diện với những án lệnh tước quyền công dân và các lệnh trục xuất. Charles Rowoldt là một trong số đó.

Charles Rowoldt là một công dân Đức thường trú tại Mỹ. Rowoldt đã bị trục xuất vì đã tham gia đảng cộng sản Hoa Kỳ chiếu theo quy định của đạo luật An ninh Quốc gia năm 1950. Rowoldt thừa nhận anh ta đã tham gia đảng cộng sản Hoa Kỳ trong vòng 1 năm và làm nhân viên tại một hiệu sách của những người cộng sản. Tuy nhiên Rowoldt lập luận rằng anh không nên bị trục xuất vì anh ta tham gia đảng cộng sản cho “sự sống còn của bản thân” và để có được “cơm ăn áo mặc” cũng như “để có một chỗ ở ổn định” mà thôi. Đạo luật An ninh Quốc gia năm 1950 có dành một điều miễn trừ cho những ai tham gia đảng cộng sản vì lý do công ăn việc làm hay vì để được cung cấp thực phẩm. Tuy Rowoldt đã bị cả hai tòa sơ thẩm và phúc thẩm ra quyết định trục xuất, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã lật lại bản án của anh sau khi đồng ý khai thẩm. Đạo luật An Ninh Quốc gia 1950 cho đến nay cũng đã bị bãi bỏ vì bị tuyên phán là vi hiến.

Án lệnh Rowoldt mang tính bước ngoặc lịch sử vì nó tạo ra thêm một dạng miễn trừ cho những người bị từ chối nhập tịch, nếu họ có thể chứng minh được là họ không hề có một sự cam kết với những lý tưởng hay những đề cương chính trị của chủ nghĩa cộng sản. Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã phán quyết rằng, một người chỉ bị xem là có quan hệ với đảng cộng sản khi (chính phủ Mỹ) chứng minh được họ đã xác lập một mối liên hệ có ý nghĩa với đảng và không thể mặc nhiên cho rằng chỉ vì một người từng là đảng viên hay là một người có liên hệ với đảng cộng sản thì đủ để tạo ra cơ sở cho lý do từ chối nhập tịch (hay trục xuất họ) nếu sự liên hệ đó không có những mối liên can mật thiết về chính trị.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.