‘Vết sẹo và cái đầu hói’ - một quyển tiểu thuyết bàn về trí thức và quyền lực
‘Vết sẹo và cái đầu hói’ - một quyển tiểu thuyết bàn về trí thức và quyền lực0:00/335.
Mùa xuân Ả Rập dù đạt được một phần những mục tiêu mà người dân nơi này hướng đến, nó cũng để lại hệ quả nghiêm trọng. Trước tiên là một cuộc nội chiến đẫm máu tại Syria với nguyên thủ còn đương nhiệm – Tổng thống Bashar Assad. Ai Cập thành công trong việc lật đổ Hosni Mubarak nhưng để lại một quốc gia đầy biến cố vốn có thể chuyển hóa thành chính phủ toàn quyền quân phiệt. Tuy nhiên, cuộc tháo chạy của Tổng thống Ben Ali khỏi Tunisia, quốc gia đầu tiên bắt đầu chuỗi đấu tranh Mùa xuân Ả Rập, lại để lại một kết quả hứa hẹn và tươi đẹp.
Những thành tựu tại Tunisia bất ngờ và thành công đến mức, bốn tổ chức trụ cột thành lập nên Bộ tứ Đối thoại Quốc gia đã được trao giải Nobel Hòa Bình năm 2015 vì những đóng góp quyết định của họ trong việc xây dựng thành công một nền dân chủ đa nguyên tại Tunisia sau Cách mạng hoa nhài. Bốn tổ chức này bao gồm: Tổng liên đoàn lao động Tunisia; Tổng liên đoàn công nghiệp, thương mại và thủ công mỹ nghệ Tunisia; Liên đoàn nhân quyền Tunisia và hiển nhiên, Hiệp hội Luật sư Tunisia. Giới Luật sư Tunisia trở thành nhân tố không thể thiếu ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc Cách mạng và tiếp tục là nguồn động lực chính để hoàn thiện một chính quyền dân chủ thực thụ hậu Cách mạng. Họ đã làm điều đó như thế nào?
Hoàng Thảo Anh (dịch)
Trích nghiên cứu “The Role of Lawyers as Transitional Actors in Tunisia” của dự án Conflict and Transition
Tựa đề và cách phân đoạn chương sách cho từng kỳ để đăng trên LKTC là của Ban Biên tập Luật Khoa tạp chí.
————-
Báo cáo này được thực hiện với mục đích cung cấp một cái nhìn tổng quan về vai trò của giới luật sư Tunisia trong tiến trình phát triển và các giai đoạn của cuộc Cách mạng 2010-2011 (Còn được gọi là Cách mạng Hoa Nhài); đồng thời hướng tới làm rõ những đóng góp của luật sư Tunisia trong quá trình chuyển tiếp, phát triển thành quả của Cách mạng bao gồm cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống vào tháng 11 và tháng 12 năm 2014.
Không ngoài dự đoán, chưa thời điểm nào trong quá trình chuyển tiếp, giới luật sư Tunisia có thể thống nhất về tư tưởng và phương pháp hoạt động như như một tổ chức quy củ. Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa là việc huy động tập hợp khổng lồ các đoàn thể luật sư đang ngày càng nhân rộng trong và sau cuộc Cách mạng sẽ giúp tái đánh giá cơ bản và khẳng định lại vị thế của họ trong đời sống xã hội Tunisia, từ cách họ tự nhìn nhận bản thân cho đến quan điểm tiếp nhận của công chúng.
Xem xét từ những hoạt động tuyên truyền cơ sở cho đến hoạt động cải cách lập pháp và thể chế, báo cáo hướng tới làm sáng tỏ những động lực mang lại sự thay đổi cốt lõi trong thái độ xã hội Tunisia đối với giới luật sư. Bản báo cáo cũng đi sâu vào những cuộc thảo luận và phân tích về các vấn đề được đồng thuận hoặc gây chia rẽ sâu sắc những luật sư cánh tả, luật sư trung lập và luật sư Hồi giáo; đồng thời với một số tái cơ cấu then chốt trong ngành. Nội dung các phân tích cũng sẽ làm rõ một số biến cố của cuộc Cách mạng và giai đoạn Chuyển tiếp sau đó.
Vai trò không thể thiếu của giới luật sư trong nền chính trị Tunisia hậu thuộc địa
Những tiếng thét mừng chiến thắng nổi tiếng “Ben Ali hrad” (Ben Ali đã bỏ trốn) vang lên khắp đường phố Tunisia vào ngày 14 tháng 01 năm 2011 của người dân Tunisia cũng là một cách thích hợp để giới luật sư của quốc gia này ăn mừng chiến thắng riêng của họ.
Từ khi còn là thuộc địa Pháp, lực lượng luật sư đã trở thành đầu tàu trong đời sống chính trị và xã hội ở Tunisia. Tầm ảnh hưởng của họ đã lan rộng từ việc có mặt trong bộ máy nhà nước (Tổng thống mới nhất của nền tân Cộng hòa tại Tunisia cũng là một luật sư) cho đến việc tạo ra những tác động chính trị, xã hội trên toàn quốc thông qua các “luật sư chính nghĩa” (cause lawyer).
Trong lịch sử Tunisia, Habib Bourguiba[1] được xem là luật sư và cũng là chính khách nổi tiếng nhất. Ông là người đã lãnh đạo phong trào dân tộc, giải phóng Tunisia khỏi ách thuộc địa của Pháp và trở thành vị Tổng thống đầu tiên của đất nước này. Dù được ghi nhận với nhiều bước phát triển tích cực trong lĩnh vực giáo dục công, y tế và quyền phụ nữ, nhưng những nỗ lực ít ỏi của ông đối với các vấn đề tự do chính trị và dân sự đã mở đường cho một cuộc đảo chính không đổ máu của Ben Ali vào ngày 7 tháng 11 năm 1987
Nhưng trong suốt 23 năm cầm quyền, mối quan hệ của Ben Ali với giới luật sư có thể xem như một chuỗi những cố gắng thất bại nhằm ngăn cản họ phát triển các đoàn thể chính trị đối lập hoặc có thể chống lại chế độ của ông ta. Có ý kiến cho rằng, một trong những yêu cầu cốt lõi của chế độ Ali là “cắt lưỡi luật sư nào muốn khua môi múa mép chống lại chính phủ”[2], theo câu chữ của Napoleon. Sự đàn áp của ông ta đối với giới luật sư cuối cùng đã phản tác dụng và thực tế đã khiến chốn pháp đình trở thành chính trường.
Theo Gobé và Ayari, nhiều luật sư xem việc ủng hộ cho chế độ của Ali chứa đựng “một sự khước từ các giá trị nền tảng”[3]. Tuy nhiên, một số đã công khai ủng hộ và tham gia vào các tổ chức như EL Khaliyya (chi bộ)[4]. Tổ chức này được lập ra dưới thời cựu Tổng thống Bourguiba, với mục tiêu chống lại và hạn chế quyền lực của Tổng liên đoàn Lao động Tunisia (UGTT). Đảng Dân chủ lập hiến (Democratic Constitutional Rally – RCD ) của Ben Ali nhấn mạnh rằng tổ chức này đơn giản là một mạng lưới của các nhóm chuyên môn với mục đích cho phép giới luật sư cùng những thành phần khác làm việc với nhau vì lợi ích chung. Người ta có một cái nhìn không mấy tốt đẹp với El Khaliyya vì tin rằng ý đồ của Ben Ali là giảm bớt sự ảnh hưởng của những ngành nghề không có tính trung thành với chính phủ như ngành luật. Theo nhiều luật sư, các thành viên El Khaliyya cấu kết với nhau để đảm bảo những cá nhân có khả năng đối nghịch sẽ không được bầu vào hội đồng của Liên đoàn luật sư hoặc ban chỉ đạo của Hiệp hội luật sư trẻ Tunisia (AJTA)
Giới luật sư và cuộc Cách mạng
Quá trình chính trị hóa ngành luật được đẩy mạnh vào những năm 2000 thể hiện qua “Phong trào cho Nhân quyền và Tự do 18 tháng 10” (khởi xướng từ vụ bắt giữ lãnh đạo luật sư nhân quyền, Mohammed Abbou vào tháng 3 năm 2005), đây cũng là phản ứng trước thềm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh thế giới về Xã hội Thông tin vào tháng 11 năm 2005 (được tổ chức tại Tunis, Tunisia). Hội nghị này là một nỗ lực của Ben Ali, nhằm vẽ ra sự khoan dung của chế độ ông ta với tự do ngôn luận và từ đó lôi kéo các luật sư thuộc các hệ tư tưởng khác nhau. Để chống lại sách lược của Ali, giới luật sư đã tìm cách hướng tiêu điểm tới sự thật là ngành tư pháp đã bị sử dụng như một công cụ để đàn áp, có nhiệm vụ đặc biệt là làm cho những ai dám thách thức chế độ phải câm lặng. Những căng thẳng giữa giới luật sư với bộ máy tư pháp dồn nén theo thời gian và đã bùng nổ 9 năm sau đó trong cuộc khủng hoảng tháng 2 năm 2014.
Trong quần chúng nhân dân cũng xảy ra các biến cố khiến các cuộc biểu tình được tổ chức bởi các “luật sư chính nghĩa” trở nên ngày càng phổ biến và trở thành những cuộc đối đầu thực thụ. Năm 2008, sự kiện Lòng chảo Khai khoáng ở Gafsa, tây nam Tunisia ghi nhận một lượng lớn công nhân và học sinh công khai đối lập với chế độ, và được coi là tiên phong cho cuộc Cách mạng tháng 1 năm 2011. Tiếp đó, các vụ xét xử bất công 38 lãnh đạo hiệp hội thương mại (trade union) và những người biểu tình đã đánh dấu sự khởi đầu cho cái kết của Ben Ali. Không dừng lại ở đó, số lượng các luật sư hoạt động xã hội bắt đầu gia tăng: họ đại diện cho nhân dân và đồng thời cùng hành động với nhân dân (trong các chiến dịch kêu gọi, các cuộc biểu tình).
Giới luật sư và quá trình chuyển tiếp
Những giai đoạn chuyển tiếp khác nhau sau cách mạng (2011-2014) đã đưa các luật sư hoạt động xã hội (activist lawyers) vào chính trường. Họ trực tiếp tham gia vào những diễn biến chính trị quan trọng, đặc biệt là trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến quốc gia (NCA) vào tháng 10 năm 2011. Giới luật sư cũng tập trung đảm nhận các vị trí khác nhau thuộc các ủy ban được thành lập bởi chính quyền lâm thời trong năm 2011. Ngoài phạm vi chính phủ, “Nhóm 25 luật sư” đã gây được sự chú ý nhờ hiệu quả vận động không mệt mỏi chống tham nhũng và những nỗ lực đương đầu, giải quyết tàn dư tham nhũng nặng nề mà chế độ Ben Ali để lại.
Lần đầu tiên trong lịch sử Tunisia, cuộc bầu cử tháng 10 năm 2011 đã mang lại quyền lực cho một đảng Hồi giáo – Ennahda (Đảng Phục hưng ). Cùng với phái thế tục, Ettakatol (Đảng Dân Chủ Lao động và Tự do), và Quốc hội Cộng hòa, họ xây dựng một liên minh được biết đến với cái tên “troika”. Sau các cuộc bầu cử đầu tiên sau cách mạng, những điều kiện kinh tế- xã hội ở Tunisia trở nên xấu đi và các mối đe dọa khủng bố tăng cao (đáng chú ý nhất là vào năm 2013 với 2 vụ ám sát chính trị thành công).
Để giải quyết khủng hoảng đang ngày một tăng, Bộ tứ Đối thoại Quốc gia đại diện cho các tổ chức trụ cột của đất nước đã được thiết lập, trong đó có Liên đoàn Luật sư. Cuộc đối thoại này nhằm mục đích tìm kiếm sự đồng thuận về gương mặt đại diện cho quốc gia để lãnh đạo và bổ nhiệm một chính phủ kỹ trị trong vòng 3 tuần. Bốn tuần tiếp đó sẽ được dành để hoàn thành dự thảo hiến pháp, quyết định thành phần cơ quan bầu cử cao cấp[5], và luật bầu cử.
Trong suốt thời gian này, giới luật sư, một lần nữa, đóng vai trò tích cực tham gia hoàn thiện chính sách như, vận động hành lang để nêu bật thực trạng và chống nạn tra tấn, cũng như soạn thảo dự luật giúp thúc đẩy tiến trình chuyển tiếp tư pháp. Trọng tâm của giới chuyên môn trong giai đoạn này đồng thời cũng là việc chống lại những gì được xem là xâm phạm vào sự độc lập trong hoạt động của họ vốn có thể ảnh hưởng nặng nề đến thể chế Tunisia sau này. Những cố gắng đã được đền đáp vào tháng 1 năm 2014 khi Điều 105 của hiến pháp Tunisia quy định rằng ngành luật là một “ngành nghề có tính tự do độc lập, góp phần bảo vệ nhân quyền và tự do” và rằng “ giới luật sư được hưởng sự đảm bảo về mặt pháp lý để được bảo vệ và cho phép họ thực hiện đầy đủ chức năng của mình”.
Còn tiếp
Chú giải của người dịch
[1] Habib Bourguiba là một chính khách Tunisia, người từng là Tổng thống đầu tiên của Tunisia từ năm 1957 đến năm 1987. Sau khi làm việc như một luật sư ở Pháp vào năm 1920, ông trở lại Tunisia và bắt đầu trở nên tích cực hơn trong phong trào dân tộc của đất nước – theo Wikipedia
[2] Nguyên văn: ‘cut out the tongue of a lawyer who would wag it against the government’. Letters of Napoleon I – How He Dealt with Political Conspirators’ The New York Times (NewYork, 14 November 1865).
[3] Eric Gobé & Michaël Béchir Ayari, ‘Les Avocats dans la Tunisie de Ben Ali: Une Profession Politisée?’ (2007) 3 L’Année du Maghreb
[4] Nguyên văn “the cell”
[5] Nguyên văn “High Instance for Election”, người dịch hiểu là cơ quan “The Independent High Authority for Elections” của Tunisia – https://en.wikipedia.org/wiki/Independent_High_Authority_for_Elections