Vì sao người Mỹ cần súng và Tu chính án thứ hai?

Vì sao người Mỹ cần súng và Tu chính án thứ hai?
Súng và vũ khí phòng vệ cá nhân trở thành một phần của văn hóa đời sống và pháp lý của Hoa Kỳ. Ảnh minh họa.

Nguyễn Quốc Tấn Trung

Quyền tư hữu vũ khí của người dân Hoa Kỳ bấy lâu nay luôn là đề tài để các chính trị gia toàn thế giới, không chỉ ở Việt Nam, lấy ra làm ví dụ cho một dân tộc hung hăng và hiếu chiến. Sau vụ việc tại trường đại học cộng đồng Oregon, đã có 994 vụ xả súng chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Barack Obama (1004 ngày), tức hầu như mỗi ngày đều có 1 vụ xả súng nơi công cộng. Con số khiến người ta phải tự hỏi, điều gì khiến cho những nhà lập quốc tin rằng quyền tư hữu vũ khí là nhân quyền, một đặc trưng thú vị của Hoa Kỳ so với hầu hết phần còn lại của thế giới?

Súng và vũ khí phòng vệ cá nhân trở thành một phần của văn hóa đời sống và pháp lý của Hoa Kỳ. Ảnh minh họa.

Súng và vũ khí phòng vệ cá nhân trở thành một phần của văn hóa đời sống và pháp lý của Hoa Kỳ. Ảnh minh họa.

Quyền vũ trang có mức độ

Tu chính án thứ hai của Hiến Pháp Hoa Kỳ ghi nhận:

“Vì một lực lượng dân quân quy củ là cần thiết cho an ninh của một đất nước tự do, quyền của người dân được nắm giữ và mang vũ khí sẽ không thể bị xâm phạm.”

Hiến pháp Hoa Kỳ không có một định nghĩa đầy đủ về khái niệm “quyền vũ trang”. Xét theo thực tiễn tại thời điểm có hiệu lực, các nhà nghiên cứu tổng hợp một số loại vũ khí tồn tại như súng trường nòng trơn nạp, súng ngắn, kiếm, dao găm, cung tên và giáo. Tuy nhiên, theo thông lệ của hệ thống thông luật, “quyền vũ trang” được bao gồm những loại vũ khí bộ binh hạng nhẹ có thể mang theo bên người đi kèm đạn dược, chỉ sử dụng cho một cá nhân duy nhất và có chức năng tương đương với các trang bị cơ bản của bộ binh mặt đất.

Cách định nghĩa này sẽ dẫn chúng ta đến súng trường, súng ngắn hiện đại, súng máy tự động, súng phóng lựu, lựu đạn, pháo sáng, hơi cay… nhưng tuyệt nhiên không bao gồm các loại vũ khí có tác động “hủy diệt hàng loạt” (mass destruction) như pháo, tên lửa, bom hay vũ khí hóa học.

Mang vũ khí là quyền tự vệ cá nhân

Quyền sở hữu và trang bị vũ khí, khác hẳn với quan điểm pháp lý thông thường ở các quốc gia khác, không phải là một loại quyền đồng thuận xã hội (social contract right) mà người dân thỏa thuận trao cho nhau để hình thành.

Một tranh tuyên truyền của các nhà hoạt động duy trì quyền tư hữu vũ khí cá nhân. Theo họ, quyền sở hữu súng là nền tảng của quyền tự vệ, và quyền tự vệ là quyền con người. Ảnh: slowfacts

Một số nhà lập pháp và luật gia hiện đại của Hoa Kỳ cũng không ít lần cố gắng tranh luận sửa đổi ý nghĩa của Tu chính án thứ Hai. Họ quan niệm quyền vũ trang là một loại quyền tập thể, dành cho các tổ chức dân quân như lực lượng Phòng vệ Quốc gia (National Guard) chứ không phải là một dạng quyền cơ bản của công dân. Rõ ràng đây không phải là điều mà các nhà lập quốc Hoa Kỳ kỳ vọng khi soạn thảo. Cụ thể hơn, Tu chính án này phải được hiểu là, chính phủ liên bang không có thẩm quyền xâm phạm quyền giữ và mang vũ khí của người dân. Quyền vũ trang, được lý giải là hiện thực hóa quyền tự vệ cá nhân (self-defense), vốn là quyền tự nhiên cơ bản (fundamental natural right) phát sinh từ quyền được sống.

Trong khi một số quyền được xem là quyền đồng thuận xã hội như quyền bầu cử, quyền tư pháp mang bản chất thỏa thuận giữa các thành viên trong cộng đồng; quyền vũ trang, tương tự như quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tín ngưỡng, quyền riêng tư vốn không thể bị xâm phạm. Đây chính là căn cứ cốt lõi để quyền vũ trang nằm trong Tuyên ngôn Nhân quyền của Hiến Pháp Hoa Kỳ.

Việc Hiến Pháp Hoa Kỳ xác định quyền vũ trang là một loại quyền tự nhiên cơ bản chứ không phải một loại quyền đồng thuận xã hội, trong ngữ cảnh pháp lý Hoa Kỳ tạo nên khác biệt đặc trưng vô cùng quan trọng. Công dân Hoa Kỳ được phép giữ và trang bị vũ khí tại những nơi, vào những tình huống mà họ thấy cần thiết, và chỉ bị giới hạn hoặc tạm thời vô hiệu hóa theo một trình tự hay theo trường hợp luật định.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc, nhà chức trách Hoa Kỳ được phép loại trừ một số khí tài hoặc một số vị trí trọng yếu nhất định có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Tuy nhiên, họ không được phép “giải giáp”, hoặc “tước” hoàn toàn vũ khí của người dân, vốn sẽ dẫn đến sự vi phạm quyền tự vệ của công dân (xét theo lý thuyết). Đây cũng chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những khó khăn mà các nhà lập pháp gặp phải khi cố gắng giải quyết tận gốc các vụ xả súng nghiêm trọng gần đây.

Thuốc trị độc tài

Chúng ta cần nhớ rằng khi Hiến Pháp Hoa Kỳ ra đời, có ba vấn đề quan trọng nhất đối với các nhà lập quốc.

Một là, Hoa Kỳ chỉ vừa giành được độc lập từ Vương Quốc Anh. Sức mạnh của chính phủ liên bang bị giới hạn – thậm chí từng lo ngại có thể bị giải tán, nhưng đồng thời cũng phải giải quyết các vấn đề chính trị mới nảy sinh của một quốc gia non trẻ. Tình hình tài chính của chính phủ liên bang rõ ràng không khá hơn là mấy. Duy trì một đội quân thường trực đông đảo cùng với nguồn khí tài cần thiết để bảo đảm sức mạnh quân sự quốc gia nếu quân đội của Vương Quốc Anh trở lại là rất khó khăn và dường như không thể thực hiện. Cho phép sự tồn tại của một lực lượng dân quân đông đảo, tự vũ trang và yêu nước có lẽ là một phương pháp giải quyết tình thế khả dĩ, khá tương tự với chính sách “ngụ binh ư nông” thời nhà Trần của Việt Nam.

Thứ hai, cho dù chính phủ liên bang Hoa Kỳ đủ khả năng duy trì một hệ thống quân đội như thế, không thể không kể đến sự đấu tranh giữa học giả ủng hộ thuyết liên bang (federalist) và các học giả chống thuyết liên bang (anti-federalist). Các học giả chống thuyết liên bang lập luận rằng trao quyền kiểm soát hoàn toàn và duy nhất khí tài quân sự cũng như quân đội cho chính phủ liên bang; triệt tiêu sự tồn tại của lực lượng dân quân sẽ lấy đi phương tiện chủ yếu của tiểu bang chống lại sự áp bức và lạm quyền của liên bang.

Thứ ba, và quan trọng nhất, là nỗi lo sợ về một chế độ độc tài và toàn trị. Nỗi lo vốn trở thành sự ám ảnh thường trực đối với các nhà lập quốc của Hoa Kỳ. Điều này có thể nhìn thấy từ cách họ trao quyền kiểm soát và đối trọng lẫn nhau giữa nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp, hay cách họ lo lắng về phạm vi quyền lực và mô hình tổ chức của chính phủ liên bang. Vì vậy, không có gì bất ngờ khi đa phần các nhà lập quốc Hoa Kỳ đều ngại ngùng đối với việc trao toàn quyền thành lập và kiểm soát quân đội cho chính phủ như cách mà các quốc gia Cựu Lục Địa vẫn thường làm.

Tượng đài “Minutemen” – được dùng để gọi lực lượng dân quân tự lập và tự vũ trang tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Anh. Đây cũng được xem là biểu tượng hóa của Tu chính án thứ 2. Ảnh: Wikipedia.

Song từ thực tế của cuộc chiến tranh giành độc lập mà nhân dân Hoa Kỳ đã trải qua, họ cũng nhận thấy rằng, việc chỉ dựa vào nguồn dân quân tự do mang lại những rủi ro rất lớn. Học giả Alexander Hamilton phân tích, hệ thống dân quân sẽ không thể nào là một giải pháp thay thế phù hợp và đầy đủ cho một quân đội quốc gia chính quy và thường trực. Điều này dẫn đến những trở ngại cho Hội Nghị Lập Hiến (Constitutional Convention) cho dù hội đồng tìm được tiếng nói chung về việc trao cho chính phủ quyền thành lập và duy trì quân đội, cả kể trong thời bình. Quyết định này được cho rằng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tự do của công dân Hoa Kỳ, đặc biệt khi bản dự thảo Hiến Pháp đã quy định các tiểu bang không được phép duy trì quân đội riêng mà không có sự chấp thuận của Thượng Viện.

Dân biểu nổi tiếng James Madison buộc phải lên tiếng về vấn đề này. Ông cho rằng, do cấu trúc nhà nước Hoa Kỳ được xây dựng theo hướng kiểm soát lẫn nhau thay vì sự thống trị của hành pháp, khả năng chính phủ có thể dùng quân đội để áp bức là rất thấp. Thêm vào đó cũng cần lưu ý điểm khác biệt cơ bản của nhân dân Hoa Kỳ và tình thế của các quốc gia tại Châu Âu: công dân Hoa Kỳ sẽ được quyền sở hữu vũ khí và vũ trang, nhờ đó không thể bị khuất phục bởi một chính phủ chuyên quyền cho dù chính phủ đó có cố gắng làm như vậy. Trong ấn phẩm Người liên bang Số 46 (Federalist No. 46), ông viết:

Cùng với lợi thế của quyền được trang bị vũ khí, điều mà hiếm công dân nào của hầu hết các quốc gia khác có được, sự tồn tại của một chính quyền địa phương (subordinate government – ý chỉ chính quyền tiểu bang – NV) gần gũi với người dân và do chính công dân địa phương đó bầu ra giúp tạo nên rào cản chống lại bất kỳ tham vọng tiếm quyền nhân dân của các cá nhân, cơ quan nắm giữ quyền lực nhà nước. Lấy ví dụ từ các vương quốc ở Cựu Lục Địa, dù với một hệ thống quân đội chính quy đông đảo và được nuôi dưỡng bởi một nguồn lực xã hội khổng lồ, họ vẫn không hề an tâm để cho người dân có vũ khí.

Lincoln cũng ủng hộ tuyệt đối

Rõ ràng hầu hết các chính trị gia, các nhà hoạt động thời kỳ lập quốc của Hoa Kỳ đều ủng hộ quyền vũ trang được ghi nhận trong Tu chính án thứ Hai. Với tư tưởng tự do của những người đi tìm vùng đất mới và nỗi lo về một chế độ độc tài, các công dân Hoa Kỳ hình thành một văn hóa pháp lý đặc trưng về sự cần thiết của súng và các trang bị vũ khí.

Quyền sở hữu này, khơi nguồn từ những nhà lập quốc, có thể được xem là rào chắn cuối cùng đối với sự độc tài và sự xâm lược từ bên ngoài, nếu tất cả hệ thống pháp lý mà các nhà lập quốc kỳ công xây dựng cũng như quân đội Hoa Kỳ thất bại.

“Làm sao một quốc gia có thể bảo tồn sự tự do của nó nếu những kẻ cầm quyền không được nhắc nhở rằng nhân dân của họ luôn duy trì được tinh thần phản kháng? Hãy để nhân dân nắm giữ vũ khí” – Thư của Thomas Jefferson gửi cho James Madison ngày 20 tháng 12 năm 1787.

Nhà hoạt động cải cách xã hội Frederick Douglass ghi nhận quyền tư hữu vũ khí như là chân thứ ba của chiếc kiềng tạo nên sự tự do của công dân Hoa Kỳ, ông nhấn mạnh:

“Sự tự do của công dân Hoa Kỳ phụ thuộc vào thùng phiếu (ballot-box), bồi thẩm đoàn (jury-box) và túi thuốc súng (cartridge-box); thiếu một trong những điều đó, không tầng lớp nhân dân Hoa Kỳ nào có thể tồn tại và thịnh vượng trên đất đước này”

Abraham Lincoln, vị tổng thống nổi tiếng trong lịch sử Hoa Kỳ cũng là một người ủng hộ sự tồn tại của quyền tư hữu vũ khí và bạo động nếu cần thiết. Ông kêu gọi:

“Nếu có những kẻ cho rằng họ “thượng đẳng” so với bạn, không hề biết rằng bạn tự do, hãy cầm gươm và súng lên để dạy cho họ điều đó”.
Abraham Lincoln – vị tổng thống thứ 16 danh tiếng của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ

Thậm chí, Noah Webster, người được mệnh danh là “Cha đẻ của nền giáo dục và hàn lâm Hoa Kỳ” cũng không ngại ngùng thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của mình đối với quyền sở hữu vũ khí của người dân:

“Trước khi một đội quân thường trực có thể được dùng để cai trị, người dân sẽ bị tước đi vũ khí; như họ đã phải làm tại hầu hết các vương quốc Châu Âu”.

Chúng ta có thể hiểu được vì sao một bộ phận người dân Hoa Kỳ rất coi trọng quyền sở hữu vũ khí, chúng ta cũng có thể hiểu vì sao các nhà lập quốc xem nó như một quyền tự nhiên của con người. Nhưng thực trạng lạm dụng loại vũ khí nguy hiểm như súng để thực hiện những vụ giết người hàng loạt gần đây rõ ràng đặt nặng trách nhiệm lên chính phủ Hoa Kỳ phải có những điều chỉnh pháp lý phù hợp đối với quyền này.

Tài liệu tham khảo:

The Second Amendment and the Inalienable Right to Self-Defense
Second Amendment to the United States Constitution
Legal Theory of the Right to Keep and Bear Arms
Gun Quotations of the Founding Fathers

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.