Hộ khẩu và chính sách cưỡng ép một con tại Trung Quốc: Người hay gia cầm?

Hộ khẩu và chính sách cưỡng ép một con tại Trung Quốc: Người hay gia cầm?

Vi Katerina Tran (dịch)

Đôi khi, tại một số quốc gia, quyền con người bị xâm phạm nghiêm trọng đến mức, họ xem đó là lẽ dĩ nhiên, và tập sống chung với nó.

Các học sinh tiểu học đang nghỉ ngơi tại một ký túc xá dành riêng cho con em của các công nhân nhập cư không có hộ khẩu tại nơi họ làm việc. Ảnh: Reuters/Jason Lee

Khi người sống không được công nhận

Cô ấy sinh ở Beijing (Bắc Kinh) và đã sống ở đó cả đời mình. Nhưng, như cả triệu người đã sinh ra trong sự vi phạm chính sách một con (one-child policy) ở Trung Quốc, chính quyền chưa bao giờ công nhận sự hiện diện của Li Xue trên cõi đời này.

Cô không có quyền được đến trường, chưa bao giờ được chăm sóc y tế, và không thể đi làm một cách chính thức. Không có được giấy khai sinh hay thẻ căn cước, cô là một đứa trẻ trong “danh sách đen”, một kẻ xa lạ ngay trong chính đất nước của mình – không thể đăng ký thẻ thư viện công, không thể kết hôn hợp pháp hay ngay cả đi tàu hỏa cũng không được phép.

“Tôi đã được sinh ra ở đây, nhưng tôi không hề có bất kỳ quyền lợi hợp pháp gì của một công dân Trung Quốc,” cô cho biết. “Tôi làm bất cứ điều gì, tôi đều gặp cản trở và gặp khó khăn. Không có gì ở Trung Quốc chứng minh được sự hiện hữu của tôi.” Vào cuối tuần trước, nhà cầm quyền Trung Quốc thông báo chấm dứt chính sách mỗi gia đình chỉ có thể có một con, vốn gây nhiều tranh cãi trong suốt hơn ba thập niên vừa qua. Giờ đây, các gia đình ở Trung Quốc sẽ được cho phép có hai con.

Với những phương pháp thực thi chính sách khá tàn nhẫn như cưỡng bức phá thai hay triệt sản, chính sách này đã để lại những hệ lụy di căn đầy phức tạp.

Hộ khẩu – cánh tay nối dài của chính phủ toàn trị

Cha mẹ của cô Li đã có một người con gái trước khi sinh cô – người con đó đã được sinh ra với giấy tờ hợp pháp – sau đó họ đã dùng ngày nghỉ thương tật dài hạn từ công việc làm công nhân ở nhà máy, khi mẹ của cô sơ ý có thai lần thứ hai. Cha mẹ cô vốn không muốn có thêm đứa con thứ hai, cô Li kể, nhưng sức khỏe của mẹ cô quá yếu nên không thể bỏ đi thai nhi.

Những gia đình vi “phạm chính sách một con” phải chịu đóng phạt phí “bảo trì xã hội” để hợp thức hóa những đứa con của họ và để chúng có được “hộ khẩu”, một giấy tờ đăng ký gia đình quan trọng nhất của Nhà Nước Trung Quốc vì địa chỉ cư trú của một cá nhân là căn cứ quan trọng nhất để công dân được thực hiện các quyền lợi cơ bản của chính mình (làm việc, sinh sống, mua bảo hiểm…).

Chính quyền đã định giá vi phạm của bố mẹ cô Li với giá phí năm nghìn yuan – một con số khổng lồ khi họ chỉ sống với khoản trợ cấp 100 yuan mỗi tháng và đó là trước khi mẹ cô bị nhà máy cho nghỉ việc sau khi họ biết thông tin bà sinh đứa con thứ hai.

Ở tuổi 22, cô Li đã luôn sống trong một hệ thống hành chính của cõi âm.

Cô bắt đầu nhận thức được cô không giống những đứa trẻ khác từ lúc sáu tuổi, khi bọn trẻ hàng xóm được đến truờng đi học và nghe lời bố mẹ chúng để xua đuổi cô.

“Tôi bắt đầu nhìn thấy cuộc đời mình hoàn toàn khác biệt với những người xung quanh tôi, và đó là vì tôi đã không có hộ khẩu,” cô nói với AFP.

Mẹ của cô, bà Bai Xiuling nói thêm: “Con bé thường khóc và bảo với tôi, “Mẹ ơi, con chỉ muốn được đi học thôi!’”, nhưng thật không có cách nào để làm được.

“Chúng tôi đã phải đi van xin những người hàng xóm từng viên thuốc những khi con bé đau ốm.”

Theo thống kê chính thức thì dân số Trung Quốc đã đạt mức 1,37 tỷ người vào cuối năm ngoái, và theo cuộc điều tra dân số năm 2010 thì các dữ liệu cho biết có 13 triệu “trẻ em trong danh sách đen” như cô Li – một con số còn lớn hơn cả dân số cả Portugal (Bồ Đào Nha).

Đấu tranh trong vô vọng

Chị gái của cô Li, Li Bin, lớn hơn cô 8 tuổi, đã dạy cô đọc và viết. Nhưng trong khi các bạn cùng tuổi được cắp sách đến trường, Li đã tháp tùng cha mẹ cô đi đến khắp các ban ngành của chính phủ, những nơi mà họ đã trông mong rằng sẽ có người chịu xem xét đến đơn yêu cầu của họ.

“Chúng tôi đã đi không biết bao nhiêu lần. Hầu như là mỗi ngày, bỏ mặc thời tiết, nắng mưa, có khi hai lần một ngày,” bà Bai, 59 tuổi, kể lại.

Ngay tại trái tim của Trung Quốc, quảng trường Tiananmen (Thiên An Môn), cô Li đã từng giơ cao 1 tấm bảng “tôi muốn được đến trường.”

“Không cần biết là chúng tôi đã đi kêu nài ở đâu, chúng tôi luôn bị bỏ ngoài tai” cô nói, ngay cả các đơn kiện dân sự cũng vô vọng như thế.

Nhưng những nỗ lực của họ không phải là không gây được sự chú ý từ phía chính quyền. Gia đình cô Li cho biết họ đã chịu sự theo dõi của công an cả một thập niên qua, kể cả vài lần cha mẹ của cô đã bị họ đánh đập – với một lần đặc biệt nghiêm trọng khiến cả hai ông bà nằm liệt giường hai tháng.

Khi bố của cô Li qua đời vào tháng 11 năm ngoái, công an mặc thường phục đã đứng canh trước cổng bệnh viện.

“Bố con bé luôn dạy nó đừng tuyệt vọng. Ông ta đã mở trừng mắt khi lâm chung,” bà Bai nói trong nước mắt. “Làm sao mà ông ta có thể yên nghỉ được cơ chứ? Dĩ nhiên là không thể nào.”

Việc thực thi chính sách kế hoạch hóa gia đình vốn không hề nhất quán trên toàn Trung Quốc, và có một số địa phương cho biết họ sẽ cấp hộ khẩu cho những cá nhân mà cha mẹ họ đã không nộp phí phạt.

Khi được liên hệ bởi AFP, một người đàn ông ở đồn cảnh sát địa phương nơi gia đình họ Li cư trú đã cho biết: “Nếu cô ta đến gặp chúng tôi, chúng tôi sẽ cấp hộ khẩu cho cô ấy.”

Nhưng cô Li thì không tin tưởng như thế: “Trong 22 năm qua, tôi đã nhìn quá rõ cái cách mà chính quyền này sẽ hứa hẹn thế này thế kia hay nói rằng chính sách, thủ tục gì đó có thay đổi, trong khi thực tế là chẳng có gì thực sự thay đổi cả.”

Mẹ cô nói thêm: “Chúng tôi là những kẻ yếu thế, và họ là kẻ mạnh.”

Cả gia đình cô Li sống chung với nhau trong một ngôi nhà 2 phòng không có nhà vệ sinh ở Beijing.

Chị của cô, Li Bin, bỏ học lúc 16 tuổi để làm việc kiếm tiền phụ giúp gia đình, bằng những công việc ở quán ăn nhanh KFC và sau đó là ở một công ty điện.

Những áp lực cuộc sống đã gây đổ vỡ cho cuộc hôn nhân của chính cô, nhưng cô Li Bin không hề oán trách em gái mình. Cô cho rằng “không một công ty chính thức và hợp pháp nào sẽ mướn một người không có thẻ căn cước.”

“Cả nhà rất cưng chiều em Li Xue bởi vì chúng tôi đều cảm thấy rằng em nó đã bị thiệt thòi quá nhiều, cô Li Bin nói. “Chúng tôi chỉ muốn em nó được cảm giác ấm áp khi ở nhà bởi vì không cách nào nó có thể có được cảm giác đó ở xã hội ngoài kia.”

Hiện thời, Li Xua đã kiếm được việc làm ở một nhà hàng chấp nhận bỏ qua việc cô không có giấy tờ hợp pháp.

“Lần đầu tiên trong đời, tôi có thể được đánh giá bằng khả năng của mình – những kỹ năng của tôi chứ không phải là tình trạng (hộ tịch) của tôi – và đó là một cảm giác tuyệt vời, cô cho biết.

Nhưng cô cũng nói thêm: “Công việc này chỉ là tạm thời. Tương lai ư? Tôi thật không thể nào tưởng tượng nổi.”

Nguồn bài viết

An administrative netherworld: The dark lives of China’s ‘black children’

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.