Con tin của tin tức
Năm 1850, Paul Julius Reuter dùng chim bồ câu để chuyển tin tức từ Đức sang Bỉ. Sáng kiến này
Nguyễn Hoài An (Dịch)
Chỉ trong chưa đầy ¼ thế kỷ từ năm 1991 đến năm 2013, số đất bị trưng thu ở Trung Quốc và số nông dân mất đất đã lên tới con số gây choáng váng. Gần 100 triệu mẫu đất nông nghiệp đã bị chính quyền Trung Quốc chiếm dụng dưới đủ các chiêu bài. Số đất bị cướp đi rồi cho thuê lại này mang về cho chính quyền hàng nghìn tỉ Nhân dân tệ, song cũng đồng thời đẩy khoảng 130 triệu người vào cảnh mất đất, không kế sinh nhai. Cao trào rào đất cướp ruộng trên diện rộng với tốc độ chóng vánh và đi kèm với các biện pháp cưỡng chế bạo lực đã tạo nên một cuộc tích lũy tư bản nguyên thủy vô tiền khoáng hậu trong lịch sử đương đại.
Những con số biết nói
Chỉ trong hơn 20 năm (1991-2013), các cuộc quây đất để trưng thu ở Trung Quốc đã đưa tới những con số giật mình.
Có 83,35 triệu mẫu đất[1] (tức 5,56 triệu hecta) đất nông nghiệp có thể canh tác đã bị chiếm dụng và trưng thu theo các chương trình “triệt thôn tịnh cư” (đô thị hóa, xóa bỏ làng kiểu cũ, thay bằng các khu nhà tập trung), “ba tập trung”, “chuyển đổi mục đích sử dụng đất”, v.v… Nếu tính thêm diện tích đất nông nghiệp đã bị chiếm dụng trước đó, có ít nhất 150 triệu mẫu (tức 10 triệu hecta) đất đã bị chiếm dụng và chuyển thành đất thuộc sở hữu nhà nước.
Nếu tính tỉ lệ dựa theo tuyên bố chính quyền trưng thu “chưa tới 0,7 mẫu đất canh tác trên bình quân đầu người” (hay nói cách khác, với mỗi mẫu đất canh tác bị chiếm dụng, lại có 1,43 người nông dân bị mất đất), từ năm 1991 đến năm 2002, có 62,3 triệu nông dân đã mất trắng đất. Và mỗi năm lại có thêm 5,19 triệu người nông dân bị tước đất ga nhập đội ngũ này. Tính toán chính xác hơn (theo tỉ lệ trưng thu 0,61 mẫu đất trên đầu người, trong đó với mỗi mẫu đất trưng thu có 1,64 nông dân mất đất), thì số nông dân mất đất trong giai đoạn 2003-2013 là 65,14 triệu người với mức tăng trung bình hàng năm là 5,9 triệu người. Như vậy, tổng cộng trong hai giai đoạn, số nông dân bị mất sạch đất là 127,45 triệu người. Nếu tính cả số nông dân bị mất đất do chương trình “chiếm thay thế cho thuê” đất canh tác, số nông dân mất đất trong toàn bộ giai đoạn này lên tới 130 triệu người.
Cùng với hàng trăm triệu người dân mất đất là hàng triệu ngôi làng đương nhiên bị xóa sổ. Ước tính, có từ 1,4 đến 1,5 triệu ngôi làng, tức khoảng 33,3-35,7% ngôi làng ở Trung Quốc, đã bị xóa bỏ. Trong năm 1990, ở Trung Quốc có khoảng 4,2 triệu “ngôi làng tự nhiên”, nhưng đến năm 2006, con số này giảm xuống còn chưa đầy 3,3 triệu ngôi làng, và cuối năm 2013, số ngôi làng tự nhiên ở Trung Quốc chỉ còn lại là 2,7-2,8 triệu. Riêng trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến năm 2013, tốc độ xóa bỏ làng tự nhiên đã lên đến 80.000 ngôi làng mỗi năm. Việc xóa bỏ các ngôi làng tự nhiên diễn ra mạnh nhất là ở các khu vực ven biển và khu vực ngoại vi các thành phố quy mô lớn và vừa. Ví dụ, ở quận Kunshan, tỉnh Jiangsu, một trong “100 quận xuất sắc nhất” Trung Quốc, trong giai đoạn chuyển đổi từ đơn vị hành chính là quận lên thành phố tự trị (1989-2010), đã có 61% ngôi làng tự nhiên bị xóa sổ, trong đó nổi bật là thị trấn Huaqiao có 342 ngôi làng tự nhiên năm 1994, nhưng đến năm 2010, nơi đây chỉ còn lại 10 ngôi làng tự nhiên để “bảo tồn”.
Các con số trên cho thấy phần nào tốc độ chóng vánh và tính chất tàn bạo của phong trào trưng thu đất ở Trung Quốc: trong chưa đầy ¼ thế kỷ, số nông dân mất đất và số ngôi làng tự nhiên bị xóa sổ đã vượt xa khỏi mọi ước đoán.
Đẩy người nông dân vào những khu tập trung
Chính quyền Trung Quốc sử dụng nhiều chiêu bài khác nhau khi tiến hành trưng thu và chiếm dụng đất canh tác. Cụ thể, từ giữa những năm 1990, đô thị hóa trở thành một chiêu bài quan trọng bảo hộ cho công cuộc trưng thu. Trong một nghiên cứu thống kê so sánh cho giai đoạn 2000-2012, “diện tích dành riêng cho xây dựng” của các thị tứ và thành phố đã tăng 89%, từ 53.774 km vuông lên 101.446 km vuông, còn diện tích đất dành riêng cho xây dựng ở các thành phố tự trị tăng 103%. Khi đô thị hóa trở thành chiến lược quốc gia, ở nhiều thành phố, việc xây dựng các khu đô thị mới khiến phong trào quây đất canh tác để trưng thu diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết: chỉ riêng trong năm 2012-2013, đã có 24 thành phố tự trị và thủ phủ tỉnh lị đề xuất kế hoạch xây dựng những khu đô thị mới, ước tính sẽ chiếm dụng 4.600 km vuông đất.
Bộ chiêu bài quan trọng khác, được triển khai rộng khắp các khu vực nông thôn trong mười năm đầu của thế kỷ XXI gồm “ba tập trung” “triệt thôn tịnh cư” và “điều chỉnh mục đích sử dụng đất xây dựng đô thị – nông thôn”. Dưới sức ép của các chương trình này, người nông dân bị đẩy khỏi các ngôi làng tự nhiên và ép sống ở các khu nhà cao tầng tập trung. Cụ thể, theo kế hoạch “ba tập trung” của tỉnh Jiangsu, 250.000 ngôi làng tự nhiên sẽ bị biến thành 40.000 tổ hợp nhà ở. Tương tự, thị trấn Jiepai ở thành phố Danyang (Jiangsu) cũng lên kế hoạch tiến hành một cuộc chuyển đổi toàn diện, tái thiết 178 “ngôi làng tự nhiên” với 14.500 nông dân thành một “Làng Jiepai kiểu mới” – biến đây thành “khu sinh hoạt tập trung cho nông dân lớn nhất tỉnh Jiangsu”.
Ngoài ra, có những bằng chứng cho thấy những chính sách có danh nghĩa “làm thay da đổi thịt đất và tăng cường hiệu quả kinh tế sử dụng đất” trên thực tế chỉ phục vụ ý đồ lợi ích của Bộ Đất đai Tài nguyên là “tạo ra những lỗ hổng trong các thành phố tự trị địa phương”: khi diện tích đất được sử dụng cho các công trình xây dựng nông thôn giảm, diện tích đất cho các công trình đô thị sẽ tăng, và cách chủ yếu để thu hẹp diện tích đất cho các công trình nông thôn là buộc nông dân bỏ đất. Như một vị quan chức đã tuyên bố sẽ bỏ ra 3-5 năm xóa sổ các ngôi làng vì “việc đưa 1 triệu nông dân sống ở các khu nhà cao tầng sẽ giải phóng được 700.000 mẫu đất” có thể dùng làm đất xây dựng.
“Nếu không cưỡng chế, sẽ không có nước Trung Quốc mới”?
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, các cuộc rào đất để trưng thu ở Trung Quốc thường diễn ra đơn phương từ phía chính quyền. Người dân không được tham khảo ý kiến, chứ chưa nói đến việc hỏi xin sự đồng ý. Các khoản tiền đền bù không đáng kể, với phần thiệt thuộc về người dân, và việc thanh toán đền bù thường chậm trễ. Vì lẽ đó, các cuộc trưng thu đất ở Trung Quốc có hai đặc trưng nổi bật: sự cưỡng chế từ phía chính quyền và sự kháng cự từ phía người nông dân.
Theo kết quả khảo sát tại 17 tỉnh và 662 thị tứ, khoảng 17,6% số người được phỏng vấn có đất bị trưng thu cho biết chính phủ đã dùng đến các biện phép cưỡng chế khi trưng thu đất. Một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thuộc Hội đồng Nhà nước tiến hành ở 39 ngôi làng thuộc các tỉnh Jiangsu, Shanding, Sichuan và Beijing cho thấy tại 36% làng có đất bị trưng thu, bạo lực đã nổ ra. Dựa trên kết quả thu được từ hai nghiên cứu này, ta có thể ước đoán số lượng các vụ cưỡng chế sử dụng bạo lực khi có hàng vạn ngôi làng bị xóa sổ, hàng triệu nông dân bị tước quyền sử dụng đất.
Bạo lực trong phong trào trưng thu đất diễn ra một cách có tổ chức với sự tham gia của lực lượng công an, cảnh sát. Ngay cả trong một chiến dịch nhỏ, cũng có hàng trăm công an được huy động để trấn áp những “phần tử cứng đầu”. Ở các chiến dịch lớn, số lượng công an được huy động có thể lên đến hàng ngàn người. Nhiều chiến dịch quây đất để trưng thu diễn ra vào buổi đêm, hoặc lúc rạng sáng, và những hành vi diễn ra trong các chiến dịch kiểu này dễ làm người ta liên tưởng đến khung cảnh thường thấy trong Chiến tranh Thế giới II khi phát xít [Nhật] tràn vào làng.
Các cuộc quây đất cũng có sự tham gia sâu của các băng đảng xã hội đen. Các băng đảng này có thể hoạt động một mình, hoặc kết hợp lực lượng với chính quyền. Sự liên hiệp giữa băng đảng xã hội đen và chính quyền trong các cuộc trưng thu đất không còn là điều cấm kỵ đối với các quan chức địa phương; trên thực tế, chính quyền địa phương còn mong chờ sự hỗ trợ và tận dụng ảnh hưởng của các băng đảng để trưng thu nhanh gọn.
Với việc chính quyền sử dụng các biện pháp bạo lực để cưỡng chế trưng thu đất, nhiều vụ việc đáng tiếc đã xảy ra, đáng buồn nhất là những trường hợp người dân quyên sinh giữ đất. Khi tiến trình quây đất lên cao trào, hình thức kháng cự cực đoan này cũng lên tới đỉnh điểm. Tính riêng trong năm 2010, đã có 10 vụ quyên sinh giữ đất. Riêng ở tỉnh Jiangsu, từ năm 2003 đến nay, số vụ quyên sinh giữ đất là 15 vụ. Ngoài ra, các chương trình trưng thu đất và tái định cư cũng dẫn tới nhiều cuộc biểu tình lôi kéo được sự tham gia của đông đảo quần chủng. Nếu như năm 1993 chỉ có 2.000-4.000 cuộc biểu tình lôi kéo được số đông quần chúng tham gia, thì 10 năm sau đó, con số này đã tăng lên 14.000-26.000 cuộc. Riêng trong năm 2011 có khoảng 45.000-83.000 cuộc biểu tình – trong đó xung đột bạo lực đã nổ ra ở hàng ngàn cuộc biểu tình với số người thiệt mạng lên đến hàng ngàn.
Những vụ đối đầu tần suất cao trên quy mô lớn và khuynh hướng đàn áp có tính chất bạo lực của chính quyền địa phương có liên quan trực tiếp với nhau. Chẳng hạn, cựu bí thư đảng ủy thành phố Kunming, đã huy động hơn 1.000 cảnh sát có vũ trang và xe bọc thép tới đàn áp các cuộc nổi dậy của nông dân ở quận Jinning. Nhiều chiến dịch cưỡng chế trưng thu huy động cả xe cứu hỏa và xe cứu thương, cho thấy chính quyền đã chuẩn bị sẵn phương án cưỡng chế bạo lực và công nhận các hệ quả của nó là chi phí cần thiết và không thể tránh khỏi – đúng như tinh thần của câu nói “nếu không cưỡng chế, sẽ không có nước Trung Quốc mới.”
Một điểm khác cần lưu ý là xu hướng bạo lực của các quan chức chính quyền góp phần trực tiếp vào hành vi bạo lực của lực lượng thực thi. Trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2013, có ít nhất 20 nông dân mất đất đã bỏ mạng dưới các cỗ máy trưng thu. Có vẻ như người dân vẫn hy vọng họ có thể chặn được những chiếc máy ủi, máy xúc, song chiến dịch loại bỏ các “phần tử cứng đầu” đơn giản là chẳng đếm xỉa gì đến hy vọng này.
Theo Land grabs in contemporary China
[1] Lưu ý: 1 mẫu đất Trung Quốc tương đương với 667m2, trong khi 1 mẫu đất ở Việt Nam vào khoảng 3.600m2.