TED Talks – Giám sát công cộng và “nhà tù tròn khép kín”

TED Talks – Giám sát công cộng và “nhà tù tròn khép kín”

Nguyễn Hoài An (dịch)

Quyền riêng tư là mong muốn phổ quát và mang tính bản năng. Nó không đơn giản là một cử động phản xạ như uống nước hay hít thở khí trời. Khi chúng ta ở trong trạng thái có thể bị giám sát, hành vi của chúng ta thay đổi mạnh mẽ. Phổ hành vi mà chúng ta cân nhắc thực hiện khi nghĩ mình bị theo dõi thu hẹp đáng kể. Chúng ta trở thành người tù của chính tâm trí mình.

Large Man Looking At Co-Worker With A Magnifying Glass --- Image by © Images.com/Corbis

Giám sát đại trà – công cụ biến con người thành tù nhân của tâm trí

Thực tế này trong bản tính con người đã được thừa nhận trong văn chương, các nghiên cứu khoa học xã hội, tôn giáo và gần như mọi lĩnh vực học thuật. Có hàng chục nghiên cứu tâm lý đã chỉ ra rằng khi một người biết mình có thể bị theo dõi, người đó trở nên phục tùng và quy thuận hơn hẳn. Ở con người, nỗi xấu hổ là một động cơ mạnh mẽ, và khao khát né tránh nó cũng vậy. Đó là lý do tại sao nhiều người, khi ở trong tình trạng bị theo dõi, lại mất đi sự tự chủ, thường đưa ra những quyết định đáp ứng kỳ vọng của người khác hay thuận theo những giáo điều chính thống của xã hội.

Nhận thức này đã được Jeremy Bentham, một triết gia thế kỷ XVIII khai thác triệt để khi giải quyết một vấn đề quan trọng mà thời kỳ công nghiệp đặt ra: các tổ chức trở nên cồng kềnh và tập trung đến độ không còn đủ khả năng giám sát, và do đó kiểm soát từng thành viên như trước. Giải pháp của Jeremy Bentham là xây dựng một kiến trúc quây tròn.

Theo dự định ban đầu, kiến trúc này sẽ được sử dụng trong các nhà tù, cho nên nó được gọi là nhà tù tròn. Đặc trưng cơ bản nhất của kiến trúc nhà tù này là tòa tháp lớn nằm ở trung tâm. Dù không thể quan sát tất cả các tù nhân cùng một lúc, song từ ngọn tháp này, các giám thị có thể quan sát một tù nhân bất kỳ bất kể giờ giấc nào. Và điểm quan trọng trong thiết kế này là các tù nhân không nhìn được vào bên trong tháp, vì vậy, họ không bao giờ biết được mình có đang bị theo dõi hay không. Điều này đồng nghĩa với việc các tù nhân sẽ phải giả định rằng mình bị theo dõi bất kể lúc nào, và theo vị triết gia, đó sẽ là viên hành pháp tối thượng, buộc tù nhân nhất nhất phải phục tùng.

Presidio-modelo2

Một trong các trại giam thuộc nhà tù Presidio Modelo, Cuba, 2005. Ảnh: Wikipedia.

Triết gia người Pháp thế kỷ XX Michel Foucault nhận ra phạm vi ứng dụng rộng hơn của mô hình này. Không chỉ dùng cho nhà tù, mô hình này còn có thể áp dụng cho bất kỳ tổ chức nào muốn kiểm soát hành vi của con người: trường sở, bệnh viện, nhà máy. Theo Foucault, cái khung tâm lý – hành động mà Bentham phát hiện ra chính là một phương tiện kiểm soát xã hội quan trọng cho các xã hội Tây phương hiện đại. Từ đây, người ta không còn cần đến những công cụ áp chế công khai như trừng phạt, bỏ tù hay thủ tiêu những người bất đồng chính kiến nữa. Giám sát đại trà đã tạo ra một nhà tù vi tế hơn nhiều trong tâm trí con người. Nó là phương tiện giúp thúc đẩy sự quy phục các quy chuẩn hay giáo điều xã hội hiệu quả hơn nhiều so với vũ lực.

Tác phẩm văn học hình tượng nhất về quyền riêng tư và sự giám sát là cuốn tiểu thuyết 1984 của nhà văn George Orwell. Trên thực tế, bất kỳ khi nào bạn nêu tên cuốn tiểu thuyết này ra trong một cuộc thảo luận về vấn đề giám sát đại trà, mọi người sẽ ngay lập tức nói nó không phải là ví dụ minh họa phù hợp. Họ sẽ buông một câu “À, trong 1984, có những chiếc màn hình giám sát ở nhà mọi người, mọi người bị theo dõi bất kể lúc nào, và nó chẳng liên quan gì đến tình trạng giám sát mà chúng ta đang đối mặt ngày nay.” Đây là kiểu hiểu nhầm cơ bản lời cảnh báo mà Orwell đưa ra trong cuốn 1984.

Orwell không cảnh báo về kiểu giám sát theo dõi mọi người mọi lúc mọi nơi, mà cảnh báo về tình trạng mọi người nhận thức rõ nguy cơ bản thân có thể bị giám sát bất kỳ lúc nào. Winston Smith, người kể truyện của Orwell, đã mô tả hệ thống giám sát đó như sau: “Tất nhiên chẳng có cách nào để ta biết mình có đang bị theo dõi và một lúc bất kỳ nào đó hay không.” Anh nói tiếp: “Dù thế nào thì chắc chắn là họ có thể cắm dây theo dõi ta bất cứ lúc nào họ muốn. Ta buộc phải sống, và quả thực đã sống, với thói quen đã trở thành bản năng, cùng giả định rằng mọi âm thanh mà ta phát ra đều bị nghe lén, và trừ khi ta ở trong tối, còn nếu không mọi cử động của ta đều bị theo sát.”

Các tôn giáo theo hệ phái Abraham cũng đặt định rằng có một đấng vô hình, toàn trí, bằng sự toàn năng của mình, luôn theo dõi mọi sự chúng ta làm. Điều đó có nghĩa là chúng ta chẳng bao giờ có nổi một giây phút riêng tư. Luôn có một lực lượng tối hậu buộc ta phải thi hành những mệnh lệnh của nó.

Điều mà tất cả những sản phẩm có vẻ như không dính dáng gì tới nhau này công nhận là xã hội mà trong đó con người có thể bị giám sát bất kể lúc nào là một xã hội nuôi dưỡng sự tuân thủ, phục tùng và quy thuận. Bởi vậy, mọi nền chuyên chế, từ công khai nhất tới tinh vi nhất, đều bám vào hệ thống đó. Nói khác đi, và thậm chí còn quan trọng hơn là chính quyền riêng tư, khả năng đi tới một nơi mà chúng ta có thể suy nghĩ, lập luận, tương tác và nói mà không gặp phải ánh mắt phán xét của người khác là chỗ cho sự sáng tạo, khám phá và bất đồng trú ngụ. Vì thế, khi chúng ta cho phép một xã hội như thế tồn tại, chúng ta đã cho phép cái cốt yếu nơi sự tự do của con người bị xâm phạm nghiêm trọng.

Còn tiếp

 Nguồn bài viết

Lược dịch từ bài nói chuyện Why Privacy Matters?

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.