Phú Lâm - đảo lớn nhất ở Hoàng Sa - bây giờ ra sao?
💡Bài dành riêng cho độc giả trả phí. Cho đến nay, nhiều người dân Việt Nam vẫn nghĩ có quân
Bạch Thị Nhã Nam
Với TPP, chỉ nhà đầu tư nước ngoài mới kiện chính phủ được. Không chuẩn bị sẵn đội ngũ chuyên gia và luật sư giỏi về thương mại quốc tế, chính phủ Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ thua kiện và mất trắng nhiều triệu đô-la. Không những thế, doanh nghiệp trong nước sẽ phải chịu trận vì những chính sách đầu tư bất bình đẳng mà doanh nghiệp nước ngoài ép chính phủ Việt Nam phải ban hành.
Kỳ 1Công ty nước ngoài kiện chính phủ và hiểm họa từ các hiệp định thương mại tự doCơ chế khởi kiện của TPP không mới nhưng dễ bị kiện hơn
Đối với Việt Nam, cho đến nay, trong hơn 60 hiệp định về khuyến khích và bảo đảm đầu tư (BIT) hay trong những hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước và khu vực, các hiệp định này đều có quy định về cơ chế ISDS.
Theo đó, cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ nước nhận đầu tư với các nhà đầu tư nước ngoài được quy định rất khác nhau nhưng đều cho phép các nhà đầu tư nước ngoài, nếu thương lượng bất thành, được quyền khởi kiện Chính phủ ra các tổ chức trọng tài quốc tế. Vì vậy, cơ chế ISDS trong hiệp định TPP không phải điều gì mới mẻ đối với Việt Nam, tuy nhiên sẽ là thách thức lớn đối với quốc gia đang phát triển như Việt Nam với xu hướng là nước nhập khẩu vốn đầu tư hơn là nước xuất khẩu vốn đầu tư ra nước ngoài.
Thực hiện hiệp định TPP sẽ tạo ra áp lực lớn đối với tiến trình cải cách chính sách và tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam. Ngoài cam kết gỡ bỏ hàng rào thuế quan ra, TPP còn bao gồm rất nhiều những cam kết liên quan đến việc thay đổi chính sách và thị trường.
Với cơ chế ISDS, để giải quyết tranh chấp, các nhà đầu tư nước ngoài có thể gây sức ép tới các Chính phủ khi ban hành hoặc thực thi các chính sách và quy định về các vấn đề như bảo vệ môi trường, xã hội và sức khỏe người dân… Trong khi đó, việc ban hành và thực thi các chính sách, quy định của pháp luật Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng các tiêu chuẩn hội nhập quốc tế.
Trong năm 2014, theo số liệu thống kê của UNTACD, có 37 quốc gia và nền kinh tế đã thông qua 63 chính sách mới tác động đến nguồn vốn đầu tư nước ngoài tại quốc gia mình. Trong số các chính sách và biện pháp đó, có 47 chính sách liên quan đến việc tự do hóa, khuyến khích và bảo hộ đầu tư trong khi có 9 chính sách đưa ra những quy định hạn chế đầu tư nước ngoài, các chính sách tự do hóa và khuyến khích đầu tư đã có sự gia tăng đáng kể từ tỉ lệ 73% vào năm 2013 đến 84% năm 2014.[1]
Các cơ chế ISDS mà Việt Nam từng cam kết với các đối tác trước đây hẹp hơn, chặt chẽ hơn so với các quy định trong Hiệp định TPP. Ví dụ, trong các cam kết trước đó, chủ thể có quyền đi kiện chỉ bao gồm nhà đầu tư đã có dự án đầu tư tại Việt Nam, cơ quan bị kiện chỉ bao gồm các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, chuẩn áp dụng là pháp luật Việt Nam và Hiệp định bảo hộ và khuyến khích đầu tư (BITs) có liên quan.
Với TPP, Việt Nam đứng trước nguy cơ bị kiện nhiều hơn do cơ chế đi kiện thông thoáng, dễ dàng hơn, không đòi hỏi các bước tham vấn bắt buộc trước đó, không yêu cầu phải có chấp thuận bằng văn bản về việc kiện từ phía cơ quan Nhà nước bị kiện, vấn đề có thể bị kiện rộng hơn.
Bên cạnh đó, cơ chế này cũng gây ra những quan ngại khác như việc bị nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng, như dùng cơ chế ISDS để gây sức ép buộc các cơ quan quản lý Nhà nước của nước nhận đầu tư thông qua chính sách có lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, vì vậy cơ chế này có khả năng gây ra sự bất bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài (do chỉ nhà đầu tư nước ngoài được quyền kiện Nhà nước).
Việt Nam đã là bị đơn bị các nhà đầu tư khởi kiện trong một số các tranh chấp, nhưng do tính riêng tư của trọng tài, nên thông tin về những vụ việc này rất hạn chế. Có thể kể ra, vụ Trịnh Vĩnh Bình kiện Chính phủ Việt Nam năm 2007; vụ South Fork năm 2010 (với kết quả có lợi cho Việt Nam), vụ kiện của nhà đầu tư Pháp DialAsie đối với Chính phủ Việt Nam vào 2011. Các vụ kiện này liên quan đến nội dung thu hồi giấy phép dự án đầu tư, và tiêu chuẩn đối xử công bằng và thỏa đáng với nhà đầu tư nước ngoài (vụ South Fork năm 2010), quy định pháp luật đầu tư và tiêu chuẩn đối xử với nhà đầu tư (vụ kiện của nhà đầu tư Pháp DialAsie 2011) và các nội dung khác.
Không chuẩn bị tốt, sẽ thua
Những việc làm cần thiết của Việt Nam là cần phải nhìn nhận thấy nguy cơ gia tăng tranh chấp về đầu tư giữa Chính phủ Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài, và những giải pháp trong việc phòng ngừa các tranh chấp phát sinh, cũng như việc chuẩn bị đầy đủ của Việt Nam trước các khả năng bị khởi kiện bởi các nhà đầu tư nước ngoài trước các thiết chế tài phán quốc tế.
Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 04/2014/QĐ-TTg ngày 14 tháng 1 năm 2014 về quy chế phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế. Theo Quy chế này, tranh chấp phát sinh từ việc Nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ, Nhà nước Việt Nam hoặc cơ quan nhà nước, tổ chức được cơ quan nhà nước ủy quyền quản lý nhà nước, thì cơ quan chủ trì và Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế nhanh chóng, đồng bộ, và kịp thời.
Việt Nam cũng cần chuẩn bị đội ngũ chuyên gia, luật sư nắm được quy định của các tổ chức trọng tài quốc tế về thủ tục và quy trình giải quyết tranh chấp tại trọng tài. Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp về thương mại quốc tế bằng trọng tài cho thấy rằng việc thiếu sự hiểu biết dẫn đến những sai sót không đáng có về thủ tục trọng tài có thể đẩy Chính phủ vào rủi ro do thua kiện.
Ngoài ra, Việt Nam cần nỗ lực trong việc ngăn ngừa tranh chấp phát sinh, nâng cao nhận thức nguy cơ bị khởi kiện đối với các cơ quan Nhà nước, và các cán bộ phụ trách lĩnh vực đầu tư nước ngoài tại địa phương. Việc phòng ngừa tranh chấp có thể phát sinh ngay từ các bước ban đầu là rất quan trọng như tuân thủ đúng quy trình thủ tục cấp phép, thẩm định, giải thích rõ ràng các chính sách ưu đãi của địa phương và pháp luật Việt Nam, và tinh thần hợp tác tốt để giải quyết tranh chấp với các nhà đầu tư nước ngoài khi có hiểu lầm phát sinh.
Với những nỗ lực và chuẩn bị trên trên, hi vọng rằng quá trình thực hiện Hiệp định TPP sẽ giảm thiểu đi nhiều khó khăn cho Việt Nam trước nguy cơ bị khởi kiện bởi các nhà đầu tư nước ngoài.
* Tác giả Bạch Thị Nhã Nam hiện là Thạc sĩ, giảng viên Khoa Luật, trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Tài liệu tham khảo:
[1] Theo Dữ liệu quan sát các chính sách đầu tư (Investment Policy Monitor Database), số liệu công bố của UNTACD 2015.