Edmund Burke – Đại Biểu Quốc Hội: Độc lập năng lực hay phục tùng số đông?

Edmund Burke – Đại Biểu Quốc Hội: Độc lập năng lực hay phục tùng số đông?

Luật Khoa tạp chí

Edmund Burke có một tầm nhìn hoàn toàn khác lạ về vai trò và sự độc lập của một người dân biểu.

6a00d8341cbf9a53ef017c351be4bd970b-800wiEdmund Burke (1729-1797) là một chính khách và nhà triết học chính trị người Ai-len. Ông chuyển tới sống tại Anh và hoạt động chính trị tại đây nhiều năm trong vai trò một nghị viên Hạ nghị viện Anh. Burke nổi tiếng vì vừa là một nhà hùng biện giỏi, vừa là một cây viết chính trị cừ khôi. Ông đứng về phía chính quyền non trẻ của Mỹ trong cuộc chiến giành quyền độc lập từ mẫu quốc Anh năm 1776, nhưng lại lên tiếng cực lực phản đối cuộc cách mạng tư sản Pháp năm 1789. Các triết lý và tư tưởng chính trị của ông đều được các triết gia đời sau ca ngợi, cho dù là họ theo trường phái bảo thủ hay tự do.

Bài Diễn Thuyết trước cử tri thành phố Bristol ngày 03 tháng 11 năm 1774

[Burke phát biểu tiếp theo sau một diễn giả khác cũng là một đại biểu được bầu chọn. Người này nói rằng một người được cử tri bầu chọn làm đại diện thì phải tuân thủ mọi chỉ dẫn điều hành của các cử tri đã bầu cho người đó.]

“Tôi xin thứ lỗi là tôi không thể không nói vài lời về một vấn đề mà người bạn đồng nghiệp đáng kính của tôi có động đến. Tôi cứ mong là vấn đề này sẽ được cho qua vì bản thân tôi không rảnh rỗi để bàn về nó. Nhưng vì bạn đồng nghiệp của tôi đã nghĩ là cần phải nói về nó, tôi nợ các quý vị ở đây một lời giải thích về những ưu tư của tôi trong vấn đề này.

Bạn tôi nói với quý vị rằng “vấn đề chỉ đạo đã dấy lên nhiều cãi vã và một sự không thoải mái trong thành phố;” và ông ta thể hiện (nếu cách tôi hiểu là đúng) là ông ta ủng hộ thẩm quyền áp đặt của các chỉ đạo [từ cử tri].

Quý vị ạ, chắc chắn là phải rất hạnh phúc, rất vinh quang cho một người đại biểu khi anh ta có thể có một sự đoàn kết chặt chẽ nhất, một sự thư từ qua lại gần gũi nhất, và một sự giao tiếp cởi mở nhất với những cử tri của anh ta.  Các mong muốn của họ phải có một sức nặng lớn với anh ta; ý kiến của họ phải được tôn trọng; và với sự vụ của họ anh ta phải chú tâm hết sức. Nghĩa vụ của anh ta là phải hy sinh nghỉ ngơi, lạc thú, khoan khoái của bản thân mình cho cử tri; và trên hết trong mọi hoàn cảnh, anh ta phải đặt lợi ích của họ lên trên lợi ích của chính mình.

Nhưng anh ta không nên phải vì quý vị, vì bất kỳ người hay nhóm người nào mà phải hy sinh chính kiến không bị thành kiến vẩn đục, năng lực phán đoán chín chắn và lương tâm sáng tỏ của chính anh ta.

Những thứ này không phải do quý vị ban cho anh ta, hay do luật hay hiến pháp trao cho. Đấng Tạo Hoá giao phó cho anh ta những phẩm chất này để anh ta đối diện với những lạm dụng mà anh ta phải gánh chịu.

Đại biểu của quý vị phải cống hiến không chỉ sự cần cù, mà còn cả năng lực phán đoán của chính anh ta. Và nếu anh ta hy sinh năng lực phán đoán đó để tuân theo chính kiến của quý vị, thì anh ta không phải là phục vụ mà chính là phản bội quý vị. 

Đồng nghiệp đáng kính của tôi nói rằng ý chí của ông ta hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của quý vị. Việc đó tự nó không có gì sai trái. Nếu việc quản lý chính quyền chỉ bao gồm việc xem xét xem ý chí của ai phải hơn thì không nghi ngờ gì nữa, chính ý chí của quý vị mới là tối thượng. Nhưng việc quản lý chính quyền và lập pháp là những công việc đòi hỏi lý trí và khả năng phán xét, chứ không chỉ là sự phục tùng; và có lý trí chút nào không khi mọi thứ được định đoạt trước khi thảo luận? Có lý trí chút nào không khi một nhóm người nào đó bàn thảo trong khi một nhóm người khác mới ra quyết định? Và có lý trí chút nào không khi những người đưa ra kết luận là những kẻ đang ở cách những người lắng nghe tranh luận đến ba trăm dặm?

Đưa ra một chính kiến là quyền của tất cả mọi người. Chính kiến của cử tri là một chính kiến có sức nặng, đáng tôn trọng, phải luôn được người đại biểu hồ hởi lắng nghe, và phải luôn được người đại biểu xem xét một cách nghiêm chỉnh nhất. Nhưng việc áp đặt thông qua những chỉ đạo và chỉ thị ràng buộc một người đại biểu, bắt anh ta phải mù quáng tuân theo, bầu theo, và tranh luận theo một hướng nhất định nào đấy khi nó đi ngược lại những phán xét có tính thuyết phục nhất từ chính khả năng phán đoán và lương tâm của anh ta,– Việc đó hoàn toàn không có trong luật lệ của đất nước này, mà nó đến từ một hiểu nhầm căn cơ nhất về toàn bộ trật tự và tinh thần chung của hiến pháp chúng ta.

Quốc Hội không phải là một đại hội của các sứ giả từ những nhóm lợi ích khác nhau và đối nghịch nhau, nơi các sứ giả này phải bảo vệ quyền lợi của nhóm lợi ích của họ trong thế chống lại các sứ giả khác. Quốc Hội là một hội nghị thảo luận của một đất nước với chỉ một lợi ích duy nhất đó là lợi ích chung của tất cả. Đó là không phải là nơi của những mục đích và thành kiến địa phương, mà là nơi của cái tốt đẹp chung đến từ lý trí chung của tất cả.

Quý vị đúng là đã chọn một đại biểu, nhưng khi quý vị chọn anh ta rồi, anh ta không còn là một đại biểu của Bristol nữa, mà là một đại biểu quốc hội. Nếu như các cử tri của người đại biểu có quyền lợi, hoặc hình thành vội vã một chính kiến hoàn toàn đi ngược lại lợi ích của toàn bộ đất nước, thì người đại biểu đó phải tránh xa việc khẳng định những quyền lợi và chính kiến đó.

Tôi xin quý vị tha thứ vì đã nói quá nhiều về vấn đề này. Tôi đã bị lôi kéo một cách không mong muốn vào việc thảo luận nó; nhưng tôi sẽ luôn giao tiếp với quý vị bằng một sự thẳng thắn đầy tôn trọng. Tôi, người bạn trung thành, người đầy tớ tận tuỵ của quý vị, sẽ từ nay cho đến cuối đời là một kẻ xu nịnh mà quý vị không bao giờ muốn có”./.

Tài liệu tham khảo

Bản tiếng Anh bài diễn thuyết Tiểu Sử Edmund BurkeTuyển tập các tác phẩm của Burke (tiếng Anh)

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.