Ai nuôi ta ăn học?
Tuần qua, phát ngôn của một học sinh 16 tuổi, học lớp 12 Anh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất
“Đây là một trò hề!”
Breivik đã chiến thắng. Kẻ sát nhân máu lạnh đã thắng kiện chính phủ Nauy. Một phòng giam ba buồng, máy play station 2, máy tính, cơ hội học đại học về khoa học chính trị, tất cả những điều đó vẫn chưa đủ với Breivik, kẻ đang thụ án 21 năm vì thảm sát 77 người. Hắn cáo buộc chính phủ Nauy đã biệt giam hắn, khiến hắn cảm thấy như bị tra tấn, xúc phạm nhân phẩm, vô nhân đạo. Hắn không thể chịu được cảnh biệt giam.
Hắn kiện ra tòa, và hắn đã chiến thắng.
Cả thế giới nhíu mày khi thấy tòa án Nauy chấp nhận đơn kiện của hắn và ra phán quyết rằng tòa Nauy đã xâm phạm nhân quyền khi biệt giam hắn. Trời ơi, chuyện gì đang xảy ra vậy. Chẳng lẽ sau bao nhiêu điều hắn làm, và sau bao nhiêu điều Nauy đã làm để “đáp trả” vẫn còn là chưa đủ hay sao?
Lisbeth Royneland, chị gái của một nạn nhân của Breivik, thất thanh kêu lên: “Thật kinh khủng, đây là một trò hề!” [1]. Nhiều người khác hiểu được phản ứng của cô. Nhân đạo với kẻ sát nhân đã khó chấp nhận, lần này khác gì hắn đang tống tiền Nauy?
Nhưng anh Bjorn Ihler lại suy nghĩ theo hướng ngược lại. May mắn sống sót dưới làn đạn của Breivik, lẽ ra anh Ihler phải rất căm thù Breivik nhưng anh lại khá bình thản trước phán quyết của tòa Nauy. “Vũ khí của chúng ta chống lại sự cực đoan chính là nhân đạo.” anh tweet và sau đó cho rằng: “Những gì Breivik gây ra là phi nhân tính… nhưng nó không cho phép chúng ta đối xử với kẻ khác như cách hắn muốn.” [2]
Ihler đã gặp nhiều rắc rối vì quan điểm này như chính anh đề cập trong tweet của mình.
Cuộc đối đầu giữa các diễn ngôn
Cũng như cách đây 5 năm khi Breivik bị phán quyết án tù 21 năm, tương đối nhẹ cho 77 sinh mạng hắn đã cướp, phán quyết lần này của tòa án Nauy cũng gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, khác với 5 năm trước khi tòa án không có sự lựa chọn nào khác vì pháp luật quy định khá rõ ràng về án tù tối đa mà Breivik phải chịu, lần này, cái mà tòa án dựa vào lại là điều 3 của Công ước Nhân quyền Châu Âu (ECHR), một điều luật khá lỏng lẻo.
Điều 3 của ECHR quy định rằng về việc chống tra tấn: “không ai phải chịu tra tấn hoặc những hình phạt hay đối xử có tính vô nhân đạo (inhumane) hay xúc phạm (degrading).” Nghe sơ qua thì có vẻ không liên quan lắm với điều kiện nhà tù của Breivik. Nhưng y và luật sư của y lại có một diễn ngôn khác. Không phủ nhận điều kiện vật chất nơi y đang bị giam cầm, Breivik đánh động nhiều vào khía cạnh tinh thần không được đảm bảo. Y xoáy sâu vào hoàn cảnh biệt giam của y, vào chuyện y không được tiếp xúc với các bạn tù khác, hay không có ai thăm thân trừ mẹ của y cách đây 2 năm. Nói tóm lại, y cáo buộc chính quyền Nauy đang cố gắng giết dần giết mòn y bằng cách biệt lập y.
Và y đã có lý.
Biệt giam là một hình thức giam giữ khá phổ biến trên thế giới nhưng cũng chịu nhiều chỉ trích nhất. Không có một định nghĩa phổ quát về biệt giam, nhưng theo vị Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn Juan E. Mendez thì biệt giam là khi một ai đó bị cô lập bắt buộc với người khác (trừ lính gác) hơn 22 tiếng trong một ngày [3] và các hình thức biệt giam kéo dài (trên 15 ngày liên tục) hoặc vô thời hạn phải bị nghiêm cấm và xem như một hình thức tra tấn. Với việc Breivik cho rằng y bị chính quyền Nauy cô lập khỏi bạn tù khác trong suốt ba năm trời vừa qua, chính quyền Nauy đã vi phạm vào điều 3 của ECHR vì đã áp dụng một hình phạt phi nhân tính đối với hắn.
Diễn ngôn của hắn bị chính phủ Nauy đáp trả bằng tranh biện bảo vệ trật tự công, trong đó họ cho rằng việc biệt giam hắn là nhằm để bảo vệ chính bản thân hắn khỏi sự tấn công của bạn tù, xét vì hành vi của hắn bị cả xã hội Nauy lên án. Nó đồng thời cũng là một cách để cách ly hắn khỏi bạn tù, không cho hắn tiêm nhiễm các quan điểm quốc xã, cực đoan cho các bạn tù. Chính phủ cũng khẳng định tuy biệt giam nhưng hắn cũng được giao lưu với thế giới bên ngoài thông qua khóa học từ xa (không nối mạng) hay việc thi đấu cờ vua với tình nguyện viên, hoặc việc làm quen với tù nhân nữ khác bằng điện thoại…
Vụ kiện của Breivik bỗng dưng trở thành một cuộc đấu tranh giữa các quan điểm pháp lý chứ không đơn thuần là việc tội ác và trừng phạt nữa. Người ta chứng kiến hai bên, một kẻ giết người bị xã hội lên án, và chính quyền nhân đạo Nauy, tranh cãi một cách công bằng, ngang hàng, trên cơ sở pháp luật trước một vị quan tòa công minh, không thiên vị. Đỉnh cao của nhà nước pháp quyền có lẽ không ở đâu thể hiện rõ nét hơn những phiên tòa như thế này.
Nauy sẽ làm gì tiếp theo ?
Breivik đã thắng. Vị quan tòa đã vượt qua những rào cản về oán hận, dư luận khi bà tuyên bố rằng quyền không bị tra tấn và chịu những hình phạt hay đối xử phi nhân đạo và xúc phạm là một giá trị nền tảng cho xã hội dân chủ và áp dụng cho cả những kẻ sát nhân, những tên khủng bố. Một lần nữa, bằng phán quyết này, nền tư pháp Nauy đã tuyên bố rằng họ chấp nhận quyền con người được áp dụng bình đẳng với cả những kẻ giết người ghê tởm như Breivik.
Bản án cũng gợi mở thêm những tranh luận tiếp theo về thế nào là biệt giam, về chống tra tấn và đối xử bất nhân. Một kết luận thế giới có thể rút ra rằng xã hội càng văn minh thì tiêu chuẩn về đối xử công bằng sẽ càng vượt ra xa khỏi những điều mang tính chất vật chất (như buồng giam hiện đại, trang thiết bị tốt) để tiến gần đến những chuẩn mực mang tính tinh thần.
Theo phán quyết, chính quyền Nauy sẽ phải chi trả toàn bộ phí luật sư cho Breivik là khoảng 41.000 USD và phải thiết lập một cộng đồng để cùng sống với Breivik.
Tác giả Lê Nguyễn Duy Hậu sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Ông là một luật gia, nghiên cứu độc lập về các vấn đề quyền con người, quyền công dân theo các công ước, chuẩn mực phổ quát. |
Nguồn tài liệu
[1] [2] Anders Breivik, killer of 77, convinced a Norwegian court his human rights were violated, Yanna Wang, 21/04/2016, The Washintong Post
[3] Solitary confinement should be banned in most cases, UN expert says, UN News Central