“Luật Pháp” – Khi đọc sách luật là cả một niềm vui

“Luật Pháp” – Khi đọc sách luật là cả một niềm vui

Nguyễn Quốc Tấn Trung

Các thuật ngữ được hiểu theo ý nghĩa xác định trong bản dịch Luật Pháp của dịch giả Phạm Nguyên Trường, Nhà Xuất Bản Tri Thức.

Lời giới thiệu của Giáo sư Walter E. William

Cảm nhận đầu

Với cái tên có nội hàm rộng lớn Luật Pháp (The Law – theo bản dịch tiếng anh hay La loi – theo bản gốc tiếng Pháp) – vốn có thể bao hàm cả một bề dày lịch sử pháp triển luật học hay sự phong phú của nhiều trường phái triết học và lý luận pháp lý, có lẽ nhiều người sẽ bất ngờ bởi sự nhỏ gọn kỳ lạ Luật Pháp đến từ tác gia Frédéric Bastiat. Nhưng những người dành thời gian đọc tác phẩm sẽ càng bất ngờ hơn bởi sự thú vị mà Luật Pháp đem đến. Bastiat, xuyên suốt tác phẩm, thay vì vật lộn với nguồn gốc và những tính chất tranh cãi của pháp luật, ông chỉ tập trung trả lời một vấn đề – Làm thế nào để pháp luật không bị tha hóa? Và đặt ra lời cảnh báo về một xã hội giả tưởng có thể áp đặt trong tương lai – nơi mà pháp luật bị tha hóa một cách chính thức và hợp pháp.

Luật Pháp cũng không phải là một tác phẩm dày đặc ngôn ngữ hàn lâm như các tác phẩm cùng thế kỷ của Adam Smith, John Stuart Mill hay David Ricardo…Bastiat, trước tiên với phong thái đanh thép không khoan nhượng, bổ trợ bởi giọng văn dịch dí dỏm, tượng hình nhưng cô đọng của Phạm Nguyên Trường, sẽ khiến người đọc tìm trở lại, không phải vì chưa thông suốt tác phẩm, mà vì hứng thú với quá nhiều giá trị tồn đọng còn có thể khám phá và gắn kết với thực tại xã hội hiện nay.

luatphap-sachkhaitam

Ba quyền tự nhiên và nền pháp luật hoàn hảo

Bastiat bắt đầu với một khẳng định chắc nịch về thể dạng hoàn hảo nhất của pháp luật. Đó là nơi mà pháp luật chỉ được sử dụng nhằm bảo vệ ba quyền cơ bản nhất – con người, quyền tự do và quyền tài sản. Dù liên hệ quyền tự nhiên với một hình thái truyền thống là Chúa Trời ban cho (do ảnh hưởng bởi niềm tin tôn giáo của mình), Bastiat vẫn có một lập luận khó có thể lý tính hơn về lý do của giới hạn quyền lực này. Bởi con người chỉ được ban quyền lực để bảo vệ các lợi ích tự nhiên của mình, một tập hợp các nhóm người thành cộng đồng chỉ có thể đồng thuận tạo nên một hình thức pháp luật giới hạn ở mức bảo vệ các lợi ích đó, chứ không thể dùng để xâm phạm quyền lợi của các cá nhân khác – dựa trên chủ nghĩa số đông. Trên cơ sở này, ông khẳng định rằng một chính phủ được tạo lập dựa trên luật pháp như thế sẽ là một chính phủ gần như hoàn hảo. Cách tiếp cận đơn giản của Bastiat từ thế kỷ 19 có vẻ dễ tiếp cận và rõ ràng hơn rất nhiều so với nhiều học giả đương đại khi giải thích tính chính danh của các hoạt động nhà nước như “hành động tập thể” (collective action) hoặc “sự thất bại của thị trường” (market failure).

Dẫu vậy, Bastiat công nhận rằng pháp luật lại là công cụ đắc lực nhất cho bạo lực và cướp bóc trong suốt chiều dài lịch sử. Ông có nhiều lý giải về bản chất thực tế của hiện tượng, song thứ ấn tượng nhất đối với người đọc có lẽ lại là cách mà nhiều cuộc đấu tranh diễn ra. Thay vì giải quyết triệt để vấn nạn cướp bóc bằng pháp luật, nhiều nhóm cách mạng đấu tranh chỉ để được tham gia vào quá trình ban hành pháp luật và cướp bóc hợp pháp.

Nói cách khác, nguồn gốc và xuất xứ của một nhóm công dân hay giai tầng xã hội chưa bao giờ là bảo đảm cho việc họ mong muốn chấm dứt một nền pháp luật cướp bóc. Và khi mà đại đa số người dân của một đất nước đấu tranh chỉ vì họ mong muốn tham gia vào quá trình cướp bóc – đó là lúc mà dân tộc chọn sai con đường, và sự cướp bóc ba quyền tự nhiên trở thành “chính đáng”.

Một sai lầm cố hữu nữa mà nhiều chính quyền phạm phải, theo Bastiat, chính là mục đích mà họ sử dụng pháp luật. Với cái cớ “tổ chức, chỉnh đốn, bảo vệ hay khuyến khích”, thứ luật pháp cho phép tước đoạt phi lý những tài sản được tích lũy một cách hợp lý của con người không làm được gì hơn là tạo ra xung đột và thù hận trong xã hội, nơi mọi thành phần, mọi giai cấp chỉ muốn tham gia nắm giữ pháp luật “cướp bóc” hơn là hạn chế nó.

Sự hấp dẫn của các hình thái của “cướp bóc hợp pháp”

Bastiat dành nhiều trang trong tác phẩm để bàn về pháp luật trong chủ nghĩa xã hội nguyên bản được rao giảng suốt thế kỷ 19. Bastiat không ngần ngại gọi thuế quan, chủ nghĩa bảo hộ, tiền trợ cấp, thưởng, thuế lũy tiến, trường công lập, cứu trợ, quyền có phương tiện lao động hay chương trình vay không trả lãi… của chính phủ đơn giản chỉ là những tên gọi khác nhau của “cướp bóc hợp pháp”.

Tuyên bố này có thể sẽ khiến nhiều người trong môi trường hiện đại bất ngờ, nhưng theo người viết nó chính là một trong các trụ cột chính của chủ nghĩa tự do cá nhân (libertarianism), vốn cho rằng một quy trình tái phân bổ tài sản trong xã hội chỉ nên được thực hiện trên cơ sở đảm bảo cơ hội cho từng cá nhân – mà không phải là sự ban phát lợi lộc, từ đó bảo toàn năng lực phát triển và động lực làm việc cho toàn xã hội.

BastiatVSMarx

Tồn tại sự khác biệt cơ bản giữa luồng tư tưởng của hai học giả danh tiếng. Ảnh minh họa

Nhưng đó cũng chính là điều tạo nên sự hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội, nơi mà mọi thứ được tuyên truyền gần như là miễn phí. Luật pháp bị đem ra làm phép thử cho lằn ranh của Công bằng và Bác ái. Không chỉ mong muốn Luật pháp cân bằng và bảo đảm một xã hội nơi mà công dân được tự do sử dụng năng lực của mình để tự hoàn thiện về sức khỏe, trí tuệ và đạo đức; những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội còn áp đặt nhiệm vụ trực tiếp mở rộng phúc lợi, giáo dục và đạo đức cho pháp luật. Theo Bastiat, đây chính là nơi mà họ tự mâu thuẫn với nhau, khi mà hai hướng đi của pháp luật này là hoàn toàn khác biệt. Pháp luật không thể vừa mang lại tự do, vừa cho mình quyền tiến sâu vào mọi mặt của đời sống với danh nghĩa “tiến bộ”.Trên thực tế, Bastiat khẳng định lòng bác ái, không bao giờ tách khỏi tinh thần tự nguyện. Khi pháp luật vượt qua nhiệm vụ hoàn hảo của nó để yêu cầu lòng bác ái thì đó chính là cướp bóc hợp pháp – có mặt ở cả ba hệ thống: chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Bastiat làm rõ vấn đề này hơn với hàng loạt ví dụ cụ thể. Thay vì giữ nguyên tính phủ định của pháp luật – thể hiện ở đặc trưng hạn chế bất công; luật pháp ngày nay bị biến thành công cụ để khẳng định các giá trị bằng bạo lực – về tài sản, tôn giáo, hay tín ngưỡng. Những chính trị gia nhìn ra sự “bất bình đẳng” trong những văn phòng xa cách của mình để tiến tới quyết định phải “tái phân bổ tài sản xã hội”. Những người sử dụng lòng từ thiện của mình để xót xa rằng “Có những người không có tiền” để rồi sử dụng pháp luật như là công cụ của quá trình cào bằng. Hay những nhà hoạt động phê phán xã hội “thiếu đạo đức” hoặc “thiếu niềm tin tôn giáo” để rồi trông đợi vào việc sử dụng bạo lực nhằm phục hồi đạo đức xã hội?

Thay vì nhìn vào cơ chế có thể tạo đủ điều kiện khuyến khích các cá nhân tự mình cố gắng và đạt đến thành tựu tương thích với năng lực và trách nhiệm của mình, pháp luật trở thành một công cụ vạn năng trong mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa, tương ứng với việc bạo lực được áp đặt gần như ở mọi phương diện của cuộc sống.

Những người muốn nhào nặn nhân loại và sự trỗi dậy của chính phủ gia trưởng

Những thứ kể trên chính là tiền đề của một chính phủ toàn trị và gia trưởng.

Ông cũng chỉ ra một điểm trái khoáy mà người theo học thuyết tập thể và chủ nghĩa xã hội thường rơi vào. Họ dùng sự bình đẳng, và bác ái làm công cụ cho học thuyết chính trị của mình, nhưng họ lại tự phân mình vào một nhóm thượng đẳng so với toàn bộ nhóm dân cư còn lại.

Những người xã hội chủ nghĩa – theo Bastiat – tự cho mình là chúa trời, coi dân chúng như vật liệu thô, xếp những con người bằng xương bằng thịt vào giai cấp, giai tầng, nhóm, chuỗi, trung tâm, đội biến thể, đội sản xuất khác nhau…Họ dùng pháp luật như thể họ là những người khai sáng con đường cho nhân loại, tự tạo nên một xã hội như mơ trong đầu óc của họ bất kể khả năng phi lý của những học thuyết đó. Khi con người, tự do, quyền tài sản chỉ là những cấu thành, nguyên liệu để thể hiện trí thông minh của những nhà lập pháp thượng đẳng – có thể đoán trước tương lai nhân loại hay định hướng xã hội, đó có còn là bình quyền? Sự phát triển của xã hội loài người khác nào vật thí nghiệm (Và con người thật sự đã phải trả giá cho hàng triệu nhân mạng cho những học thuyết chính trị như thế).

Với cách lập luận trên, không khó để nhận ra bằng cách này hay cách khác, những học giả chủ nghĩa xã hội sẽ tìm đến một mô hình nhà nước chuyên chế – chỉ nơi đó nhân dân mới bị xem như những con cờ thụ động không hiểu họ muốn gì, không có tâm trạng hay tình cảm – và chính quyền sẽ là người quán xuyến đạo đức, thúc đẩy kinh tế hay quyết định giáo dục.

Bastiat

Đồng thời với nguyên tắc này, pháp luật thay vì ủng hộ, trở thành một lực lượng khiếp sợ tự do. Pháp luật xã hội chủ nghĩa sẽ rao giảng rằng tự do giáo dục là không an toàn, vì nó có thể dạy cho con em những tư tưởng và quan niệm nằm ngoài phạm vi cho phép của chính quyền. Hay bằng cách nào đó, họ cũng cho rằng quyền tự do lập hội là một quyền tự do không đích thực, không thể hiện được quyền lực cộng đồng và gán cho những người này mác “chủ nghĩa cá nhân”.

Bastiat có lẽ có một bình luận đáng suy ngẫm nhất để nhận xét về tương lai thực tế của pháp luật trong thứ chủ nghĩa mới đang trỗi dậy:

“[Luật pháp lúc đó] là bãi chiến trường cho trí tưởng tượng vào lòng tham của tất cả mọi người”

Các vấn đề gặp phải với luận điểm của Bastiat

Dẫu vậy, không phải điểm nào người viết cũng hoàn toàn đồng ý với tác gia Bastiat.

Một trong số đó là về vấn đề phổ thông đầu phiếu. Điểm đặc biệt trong lối suy nghĩ của Bastiat là ông cho rằng các tranh cãi về quy mô bầu cử, quyền bầu cử hay dùng luận điểm năng lực để hạn chế một số thành viên xã hội tham gia bầu cử (kể cả phụ nữ) là vô dụng và không cần thiết. Ông lý giải nếu luật pháp thật sự chỉ được giới hạn bởi mục đích tự nhiên của nó, sự tham gia của các nhóm thiểu số chẳng phải là một vấn đề đáng kể nữa. Bởi nếu pháp luật làm đúng phận sự của mình, các nhóm hội chính trị có cần thiết phải đấu tranh để có mặt trong tiến trình lập pháp hay không? Lập luận của ông dù thoạt nghe có phần hợp lý, nhưng trong thực tiễn áp dụng có lẽ sẽ có nhiều lỗ hổng phát sinh. Pháp luật – như ông nói – sẽ bị thống trị bởi những nhóm đang nắm quyền lực chính trị. Sự tham gia của nhiều nhóm thiểu số hoặc hiệp hội chính trị khác nhau trong tiến trình bầu cử cũng chính là cách bảo đảm sự tồn tại của nền pháp luật hoàn hảo mà ông hướng tới với cơ chế kiểm tra – giám sát quyền lực chính trị. Trông chờ vào một nhóm chính trị có nền tảng kinh tế khác biệt và không cùng tư tưởng chỉ gây ra nhiều hỗn loạn trong nội bộ đời sống chính trị hơn mà thôi.

Hay Bastiat cũng có lúc quá lời về hệ thống giáo dục công cộng miễn phí hay các chế độ hỗ trợ đời sống nhất định khi cho rằng chúng không đóng góp bất cứ thứ gì cho xã hội ngoài tăng cường quyền lực chính phủ và sự cướp bóc hợp pháp. Điều này đã được chứng minh trong xã hội hiện đại là chưa hợp lý, bởi một hệ thống giáo dục công cộng đủ mạnh sẽ tạo điều kiện cho nhiều thành viên yếu thế trong xã hội phát huy được hết năng lực và trách nhiệm của mình.

Lời kết

Những người vừa tìm hiểu về chủ nghĩa tự do nguyên thủy có lẽ sẽ có cảm giác khó chịu với Luật Pháp của Bastiat. Giọng văn, cũng như luận điểm của Bastiat thể hiện thái độ cực đoan giai đoạn đầu của những học giả theo trường phái tự do – nhưng nó là lời cảnh báo tâm huyết của ông về một tương lai của luật pháp rất không đáng mong đợi. Đây cũng là một trong những nền tảng của những nhà tự do hiện đại và trường phái tân cổ điển.

Khi mà chủ nghĩa toàn trị, hay phiên bản rút gọn của những nhà nước hùng mạnh ngày càng thu thập thêm nhiều quyền lực khổng lồ nhân danh lợi ích xã hội và quyền lợi nhân dân đang lan rộng, kể cả những quốc gia tự do phương Tây; đọc lại Luật Pháp của Frédéric Bastiat có lẽ là cách tốt nhất để cảnh tỉnh bản thân, và là cách nhân loại tự cảnh tỉnh mình.

Luật Pháp của tác gia Frédéric Bastiat được dịch bởi Phạm Nguyên Trường, nằm trong bộ Tủ Sách Tinh Hoa của Nhà Xuất Bản Tri Thức. Hiện sách vẫn đang được phân phối trên toàn quốc.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.