Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp; Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam trên Biển Đông
Các sự kiện nổi bật: * Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp về Việt Nam chịu án.
Nam Quỳnh
Kỳ trước: “Bám đuôi” Đại Biểu Quốc Hội bằng Internet – Kỳ 1: Việt Nam
Trong bài trước, người viết kết luận rằng công cụ internet không hiệu quả trong việc giám sát hoạt động đại biểu quốc hội tại Việt Nam.
Trong bài này, người viết sẽ làm điều tương tự sử dụng các công cụ internet tại Anh quốc.
Như thường lệ, người viết bắt đầu bằng google. Đánh vào thanh tìm kiếm “Find your MP” (Tìm MP của bạn. MP là member of parliament – thành viên quốc hội), người viết tìm được hai trang web cung cấp thông tin chi tiết và có giao diện dễ đọc nhất:
Trong khi trang của Quốc hội Anh do Nhà nước Anh mở và quản lý, trang TheyWorkForYou do một tổ chức từ thiện phi lợi nhuận là mySociety thiết lập và điều hành. Tổ chức mySociety do một nhóm trí thức người Anh gầy dựng từ năm 2003 và hoạt động dựa vào tiền tài trợ và quyên góp từ cộng đồng.
1. Danh tính đại biểu
Tại Anh, địa chỉ nhà bao giờ cũng đi kèm Post Code là Mã Bưu Điện riêng biệt cho từng khu phố trên khắp cả nước.
Cả hai trang của Quốc hội Anh và TWFY đều cho phép người dùng tìm ra đại biểu quốc hội từ thông tin mã bưu điện. Người dùng chỉ cần nhập mã này vào thanh tìm kiếm có sẵn trên hai trang web này. Người viết không cần phải lần mò như khi tìm đại biểu quốc hội khu vực quận mình tại Việt Nam.
Dùng mã bưu điện của địa chỉ cá nhân, người viết có thể xác định ngay sau khi nhập vị đại biểu quốc hội đại diện cho khu vực người viết sống: Hạ nghị viên Anh bà Diane Abbott, thành viên Công đảng (Labour Party), đại diện khu vực Bắc Hackney và Stoke Newington.
Đập ngay vào mắt người tìm là các thông tin liên lạc bao gồm số điện thoại, email (tên người khác – có lẽ là trợ lý của bà Abbott), website và cả trang Twitter của bà Abbott. Địa chỉ cá nhân của bà Abbott không được tiết lộ, cả trên trang của quốc hội và trang TWFY.
Trang TWFY còn đi xa hơn, chỉ cần một cú nhấp chuột vào ngay chữ “Send A Message” (Gửi Thư) phía dưới tên bà Abbott, người viết có thể lập tức viết một thông điệp gửi thẳng cho văn phòng bà Abbott trên giao diện sẵn có của TWFY (người gửi thông điệp bắt buộc phải khai tên họ và địa chỉ đầy đủ).
Bên góc phải, người viết còn có thể tìm ngay tất cả những bài phát biểu tại quốc hội của bà Abbott bằng công cụ tìm kiếm có sẵn.
2. Thông tin cá nhân đại biểu
Cả hai trang quốc hội và TWFY đều không kê khai đầy đủ các chi tiết cá nhân cơ bản tới mức như trang của quốc hội Việt Nam. Hai trang này chỉ ghi đầy đủ chức vụ hiện nay và quá trình công tác của bà Diane Abbott từ trước tới nay. Tuy cả hai trang đều không cho biết “Chương Trình Hành Động” mà bà Abbott đã đưa ra khi tranh cử hạ viện năm ngoái, cả hai trang đều rất chú ý đến các mối quan tâm mang tính cương lĩnh của bà Abbott.
Trang quốc hội ghi ngắn gọn là bà Abbott quan tâm đến doanh nghiệp nhỏ, giáo dục, các nước Châu Phi và Jamaica:
Trang TWFY chi tiết hơn, ghi chú một loạt các vấn đề chính sách mà bà Abbott quan tâm trong đó có y tế, sức khỏe tâm thần và người tị nạn:
3. Thành tích và hoạt động tại quốc hội của đại biểu
Phần này có thể nói là những phần mà trang TWFY trình bày chi tiết nhất về người đại biểu quốc hội. TWFT thể hiện tính năng vượt trội trong việc trình bày thông tin có tính hệ thống và đi vào vấn đề hơn trang của quốc hội Anh nhiều.
Trong khi trang quốc hội chỉ kê khai theo thứ tự thời gian từ trước tới nay các câu hỏi bà Abbott đã hỏi và các đề nghị đã được bà ủng hộ tại quốc hội, trang TWFY tổng hợp tất cả phiếu bầu từ trước tới nay của bà Abbott lại và trình bày về hoạt động quốc hội của bà Abbott dựa theo việc phân chia các nhóm chính sách/vấn đề quan trọng kèm theo phân tích vị trí cá nhân của bà Abbott trong việc ủng hộ hay phản đối các chính sách quan trọng:
Trên đây TWFY cho hay bà Abbott thường bỏ phiếu giống các đại biểu cùng Công đảng trong phần lớn các vấn đề chính sách, tuy nhiên bà khác họ vài chỗ quan trọng: ví dụ, bà đã luôn bỏ phiếu chống việc Anh quốc tham gia cuộc chiến Iraq trong khi phần đông các thành viên Công đảng (đảng nắm quyền khi Anh quốc tham gia cuộc chiến Iraq với Mỹ năm 2003) bỏ phiếu ủng hộ việc tham chiến.
Trong phần phân tích chi tiết về việc bỏ phiếu của bà Abbott, TWFY phân chia các chính sách thành các nhóm vấn đề khác nhau: các vấn đề xã hội, ngoại giao và quốc phòng, phúc lợi và trợ cấp, thuế và lao động, doanh nghiệp và kinh tế, y tế, giáo dục, cải cách hiến pháp, các vấn đề nội vụ, môi trường và nhóm các vấn đề nhỏ khác.
Cử tri trong khu vực bà Abbott đại diện có thể dựa vào các phân nhóm này của TWFY để ngay lập tức nhận ra ngay là bà có “hợp cạ” với họ trong các vấn đề chính trị mà họ quan tâm hay không.
Ví dụ, nếu người viết là một người quan tâm đến môi trường và sẽ chỉ bầu cho một ứng cử viên đại biểu quốc hội có tư tưởng bảo vệ môi trường giống người viết thì người viết sẽ tìm hiểu ngay xem bà Abbott có phải là một ứng cử viên như thế không.
Trên đây TWFY cho biết bà Abbott thường bỏ phiếu ủng hộ các biện pháp ngăn ngừa thay đổi khí hậu (tốt), thường bỏ phiếu chống việc giảm thuế lên nhiên liệu xe hơi (ok), luôn luôn chống việc bán tài nguyên rừng Anh quốc cho tư nhân (rất tốt), thường bỏ phiếu cho các chính sách hỗ trợ các biện pháp tạo ra năng lượng ít khí thải carbon (quá tốt) v.v.
Vậy là bà Abbott đủ thân thiện với môi trường và đủ hiệu quả tại quốc hội để người viết, nếu có đi bầu, cũng sẽ bỏ phiếu cho bà Abbott để bà tiếp tục làm người đại diện cho quyền lợi và các mối quan tâm của người viết trên bình diện quốc gia.
Tiếc là ở Anh quốc chưa có vấn đề cá chết hàng loạt gần một nhà máy công nghiệp nặng, không biết nếu có thì bà Abbott sẽ bỏ phiếu thế nào?
Không chỉ ghi nhận các phiếu bầu, TWFY còn tổng hợp các thống kê từ hoạt động tại quốc hội của bà Abbott để đưa ra những con số làm định lượng cho hoạt động của bà:
Tổng cộng năm ngoái bà Abbott đã lên tiếng trong 32 cuộc tranh luận trên quốc hội, ngang mức trung bình tại quốc hội Anh Muốn biết bà Abbott đã nói những gì, người viết chỉ cần nhấn vào đường link ngay bên cạnh thống kê. Bà đã nhận được 55 câu hỏi qua thư từ từ công chúng và bà trung bình mất 2-3 tuần để trả lời câu hỏi. Ngôn ngữ trong các bài phát biểu của bà có thể được hiểu bởi những người dân tầm tuổi 18-19 v.v.
Những con số biết nói này cho thấy hoạt động quốc hội của một đại biểu tại Anh sống động và đa dạng đến thế nào, thay vì chỉ là những bài phát biểu chung chung lâu lâu được báo chí nhắc tới theo những cách lẻ tẻ không hệ thống, giật gân gây sốc hay bằng vài tấm hình đại biểu ngủ gục.
Ở đây có sẵn thế mạnh của hệ thống Báo cáo Hansard “ghi nhận nguyên văn (verbatim) (nhưng không chắc chắn phải đúng từng câu chữ (word-by-word), vốn có thể có các chỉnh sửa về ngữ pháp, chấm phẩy câu…, miễn là nội dung trình bày không bị biến đổi) những phiên chất vấn, tranh biện và đóng góp của mọi đại biểu.”.
Trong thời đại kỹ thuật số, Hansard còn được trợ giúp bởi truyền thông đại chúng: trang tin quốc gia BBC giành hẳn một kênh cho việc truyền hình trực tiếp các phiên họp của hạ viện Anh.
Công việc của TWFY là nghiền ngẫm nghiên cứu các báo cáo Hansard và truyền hình trực tiếp này để thống kê đầy đủ các phiếu bầu và nắm rõ nội dung hoạt động của các đại biểu quốc hội rồi trình bày mạch lạc và dễ hiểu lại cho công chúng Anh quốc.
4. Hướng đi khả dĩ cho Việt Nam
Như tác giả Nguyễn Quốc Tấn Trung đã ghi nhận trong bài Từ báo cáo Hansard đến minh bạch thông tin Quốc Hội Việt Nam, dù chưa có tên gọi chính thức, quốc hội Việt Nam đã có các hình thức công khai minh bạch thông tin qua trang web của quốc hội cho phép “người dân có thể truy cập vào từng kỳ họp, xem chương trình họp, tổng hợp nội dung chất vấn và các ý kiến bổ sung cho mỗi dự thảo luật.” Dù chưa chi tiết bằng Hansard, đây là một khởi đầu đầy hứa hẹn.
Bên cạnh đó, việc truyền hình trực tiếp và ghi hình lại các phiên họp quốc hội tại Việt Nam cũng không còn là thứ gì đó xa vời.
Giới báo chí có mặt tại quốc hội cũng là một kênh thông tin quan trọng, đặc biệt khi họ đưa tin một cách công tâm và có chiều sâu.
Vấn đề ở đây không phải là không có thông tin công khai từ quốc hội, mà là thông tin hiện có chưa được tổng hợp, phân tích và trình bày theo những cách khéo léo và tiện lợi nhất cho việc tham gia giám sát đại biểu quốc hội của người dân Việt Nam, như cách mà TheyWorkForYou.com đã làm cho người Anh.
Việc hình thành và vận hành một trang web HọLàmViệcChoBạn.com tại Việt Nam không phải là một việc khó với sự hiện diện của một lực lượng lao động trẻ có kỹ năng vi tính, tinh thần khởi nghiệp và sự dấn thân vì các vấn đề xã hội.
Thật sự là một nhóm các bạn trẻ trên facebook đã manh nha các hoạt động tổng hợp thống kê từ thông tin quốc hội với các mục tiêu vừa nâng cao minh bạch thông tin vừa kiếm được lợi nhuận từ những tổng hợp và thống kê họ có thể làm ra được.
Một trang web độc lập phi lợi nhuận (không phải do chính phủ lập) cũng vừa mới có mặt gần đây là trang Dân Biểu do một nhóm cử tri trẻ lập ra. Người dùng trang Dân Biểu có thể tìm kiếm số lần phát biểu của Đại biểu Quốc hội theo tên hoặc địa phương ứng cử, xem toàn văn nội dung các phát biểu của một Đại biểu tại trang Thông tin chi tiết của từng Đại biểu, và cho điểm đóng góp của Đại biểu.
Đây đều là những bước khởi đầu đáng mong đợi tuy nhiên người viết có thiển nghĩ thế này: nếu có thể làm việc này một cách chắc chắn thì nên có một hình thức cơ quan từ thiện phi lợi nhuận, hoạt động từ quyên góp cộng đồng chuyên tâm làm và duy trì công việc này vì tinh thần bảo đảm dân chủ và tự do thông tin như tổ chức từ thiện mySociety của Anh, thay vì bị các quan tâm lợi nhuận làm phân tán.
-/-
*Đính Chính
: Bài viết này đầu tiên không ghi rõ rằng trang Dân Biểu là một trang phi lợi nhuận. Việc này dễ gây hiểu lầm cho người đọc sau khi người viết đã nói đến việc một nhóm bạn trẻ muốn kiếm được lợi nhuận từ khai thác thông tin quốc hội trong đoạn văn trước đấy. Các thành viên sáng lập trang Dân Biểu đã xác nhận với BBT Luật Khoa rằng trang web của họ thật sự là một trang web phi lợi nhuận độc lập với chính phủ. Người viết chân thành xin lỗi nếu đã gây hiểu lầm.