Chủ nghĩa nào là điểm đến cuối cùng của nhân loại?
Chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang tuần này xin giới thiệu quyển sách "The End of History and
Trường Đại Học Fulbright – một bước tiến quan trọng của giáo dục đại học của Việt Nam, đang gây nên nhiều tranh cãi sau khi Thượng Nghị Sĩ Bob Kerrey được lựa chọn trở thành Chủ tịch Quỹ Tín thác của ngôi trường này. Ông Kerrey từng tham gia chiến tranh Việt Nam và bị cáo buộc đã ra lệnh cho lính nổ súng trong vụ thảm sát thường dân tại Thạnh Phong, Bến Tre, Việt Nam. Hãy tạm nén lại cảm giác “yêu nước thương nòi” để nhìn lại vấn đề tội ác chiến tranh bằng góc độ pháp lý.
Nguồn gốc của ngành luật công pháp quốc tế mới
Khái niệm “tội ác chiến tranh” là một khái niệm công pháp mới được hình thành trong hơn nửa thế kỷ trở lại đây. Trong Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai (WW2) – cuộc chiến thảm khốc nhất mà nhân loại từng trải qua, hàng triệu người Do Thái đã bị Đức Quốc Xã giết hại; theo đó là sự ngược đãi thể chất, sức khỏe, nhân phẩm con người trầm trọng đối với công dân và tù nhân mà chính quyền Quân Phiệt tại Nhật thực hiện. Sau cuộc chiến, các quốc gia Đồng Minh, lần đầu tiên sử dụng đến khái niệm “tội ác chiến tranh” để truy tố những người mà họ cho là thủ phạm của những tội ác này.
Ngày 20.11.1945, một chuỗi các phiên tòa đầu tiên xét xử tội phạm chiến tranh Đức Quốc Xã chính thức được tổ chức bởi tòa quân sự của Hoa Kỳ, Pháp và Liên Xô tại Nuremberg, Đức (còn được biết đến với tên gọi ngắn “Nuremberg Trials”). Ở đây, 24 quan chức Đức Quốc Xã bị truy tố và 12 người bị kết án tử hình bằng hình thức treo cổ. Quy trình tương tự diễn ra tại Nhật Bản vào năm 1948 để xử các chỉ huy quân đội Nhà Nước Quân Phiệt Nhật.
Căn cứ pháp lý cho các phiên tòa nói trên được ghi nhận trong Thỏa Thuận London (London Agreement), ký kết vào tháng 8.1945 bởi Hoa Kỳ, Anh, Liên Xô và chính phủ lâm thời Cộng Hòa Pháp. Tại thời điểm đó, các nhà lãnh đạo phe đồng minh đã đồng ý với nhau rằng tội ác do các quan chức phe Trục gây ra đã vượt quá xa khỏi giới hạn địa lý của từng quốc gia hay vùng lãnh thổ. Vì vậy, các phiên tòa hình sự quốc tế mới là cơ quan thích hợp để xử lý những tội danh này. Lần lượt, 19 quốc gia tham chiến hoặc chịu ảnh hưởng của WW2 cũng đã ký vào Thỏa Thuận này.
Nhìn chung, Thỏa Thuận London và chuỗi các phiên tòa Nuremberg Trials là nền tảng cơ bản nhất cho hệ thống pháp luật quốc tế và các phiên xét xử, điều trần tại Tòa Hague ngày nay.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, nhiều quốc gia không hẳn đã chấp thuận hoàn toàn dựa trên thẩm quyền và phán xét của tòa án quốc tế. Nếu họ cảm thấy công lý không được thực thi, chính quyền của quốc gia đó sẽ tự “ra tay” – dù bản chất pháp lý của những hành động này đôi khi không thể lý giải trong môi trường công pháp quốc tế. Vụ việc nổi tiếng nhất diễn ra vào năm 1960, sau khi Adolf Eichmann – một nhân vật cấp cao trong bộ máy chính quyền Đức Quốc Xã, bị mật vụ Israel bắt cóc khi đang tị nạn tại Argentina và cuối cùng nhận án tử hình bởi tòa án Israel.
Nền tảng, ngành luật và cơ quan tài phán
Nội hàm quan trọng nhất của khái niệm pháp lý của tội ác chiến tranh là ý tưởng rằng một cá nhân có thể phải chịu trách nhiệm hình sự cho những hành vi và hành động của quốc gia hoặc quân nhân của một quốc gia.
Văn bản pháp luật chính yếu điều chỉnh các vấn đề liên quan đến tội ác chiến tranh bao gồm Hiệp Định Geneva thứ tư (Geneva 1949), văn bản pháp luật rộng và cổ điển hơn là Hiệp Định (IV) – Luật và Tập Quán Chiến Tranh đất liền (Convention (IV) – Laws and Custom of War on land), và, trong trường hợp của Cộng Hòa Liên Bang Xã Hội Chủ Nghĩa Yugoslavia (bao gồm sáu nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa: Slovenia, Croatia, Bosnia, Herzegovina, Serbia, Montenegro và Macedonia; ngày nay thường được biết đến với tên gọi “former Yugoslavia”), thì còn bao gồm cả Quy Chế Của Tòa Hình Sự Quốc Tế về tội ác chiến tranh tại Yugoslavia (ICTY); và được ghi nhận chi tiết nhất trong Quy Chế Của Tòa Hình Sự Quốc Tế Hague (The Statute of the International Criminal Court – ICC).
Trong đó, Điều 147 Hiệp Định Geneva 1949 định nghĩa “tội ác chiến tranh” là: “thưc hiện hành vi giết hại, tra tấn hoặc đối xử vô nhân đạo với những thường dân được bảo vệ bởi Hiệp Định này;… cố ý gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho thân thể và sức khỏe; trục xuất, trao đổi, giam giữ trái pháp luật thường dân;…ép buộc thường dân phục dịch trong lực lượng quân sự đối nghịch quốc tịch hoặc cố tình tước đoạt quyền được xét xử công bằng họ;… sử dụng thường dân làm con tin; gây nên thiệt hại về tài sản hoặc chiếm đoạt tài sản của thường dân vượt quá tính chất quân sự cần thiết, những hoạt động tương tự nhưng bất hợp pháp và bừa bãi.”
Đây được xem là định nghĩa căn bản và cần nhớ nhất khi nhắc đến khái niệm “tội ác chiến tranh” và được các quốc gia trên thế giới công nhận không tranh cãi. Quy Chế của ICCt còn ghi nhận rất cụ thể những hành vi bị xem là vi phạm nghiêm trọng như “lựa chọn hoặc biến các nhân viên y tế, chức sắc tôn giáo, đơn vị cứu thương hoặc hàng hóa cứu trợ trở thành mục tiêu tấn công”.
Tuy nhiên, mặc cho những lời kêu gọi của các tổ chức nhân quyền quốc tế, một cơ quan tài phán thống nhất xét xử tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người vẫn còn là một câu chuyện xa vời.
Ngoài một số Tòa Hình Sự Quốc Tế thành lập cho các vụ việc tại Yugoslavia, Tanzania… Tòa Hình Sự Quốc Tế vẫn còn phụ thuộc vào việc các quốc gia có chấp nhận trở thành một thành viên và chịu sự điều chỉnh của Tòa này hay không. Trong khi đó, dù Hoa Kỳ là một trong những quốc gia sáng lập của Geneva 1949, họ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ, những thế lực quân sự lớn nhất thế giới đều từ chối trở thành thành viên Tòa Hình Sự Quốc Tế.
“Bên thắng cuộc” và bản chất chiến tranh
Trước tiên cần cân nhắc yếu tố “Bên thắng cuộc” trong việc xét xử tội ác chiến tranh. Khác với các mối quan hệ xã hội nội tại bên trong một quốc gia được điều chỉnh một cách công bằng và ngang nhau, trước nay các phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh đều được tiến hành và áp dụng bởi những “bên thắng cuộc”.
Điều này có thể thấy rõ ngay sau WWII, khi mà chỉ có phe Đồng Minh và Xô Viết được đặc quyền thành lập tòa án xét xử những thành viên của phe Trục. Điều này không đồng nghĩa với khẳng định rằng quân đội Đồng Minh và Hồng Quân chỉ toàn những vị thánh và chưa bao giờ gây ra tội ác chiến tranh, hoặc ít nhất, vi phạm các tập quán chiến tranh được thừa nhận. Nó chỉ đơn giản vì họ là những người chiến thắng.
Ví dụ cụ thể của vấn đề này là Vụ Thảm Sát Rừng Katyn (Katyn Forest Massarce) tại Ba Lan. Theo đó, chính các báo cáo tiết lộ từ chính quyền Xô Viết ghi nhận có tới hơn 22.000 người Ba Lan bị xử bắn sau khi bắt giữ bởi NKVD – cảnh sát mật vụ của Xô Viết, với phê chuẩn của lãnh đạo Xô Viết Joseph Stalin vào tháng 4 và tháng 5 năm 1940. Trong số các nạn nhân, ước tính có khoảng 8.000 người thuộc lực lượng vệ binh Ba Lan, số còn lại bị kết luận là “địa chủ, tư bản và tài phiệt”. Dù vậy, không một lãnh đạo hay quan chức quân sự nào của Liên Xô bị buộc tội.
Chúng ta cũng có thể kể đến hai quả bom nguyên tử mà Hoa Kỳ dành cho Hiroshima và Nagasaki; tại sao các quan chức Hoa Kỳ, hay đỉnh điểm là Tổng Thống Truman không hề bị đả động tới bởi các Tòa Án quốc tế. Loại trừ yếu tố bên thắng cuộc và quan điểm cho rằng hai quả bom nguyên tử là cách tốt nhất để kêu gọi Nhật Bản đầu hàng thay vì hai bên phải chịu thêm quá nhiều thiệt hại nếu một cuộc đổ bộ diễn ra, chúng ta lại nhìn thấy bản chất của chiến tranh. Nhật Bản có thể kiện Hoa Kỳ ra một tòa hình sự quốc tế, nhưng nó sẽ chỉ khiến họ chịu thêm áp lực từ các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á mà họ đã xâm lược với hàng loạt bằng chứng về sự tàn bạo và các tội ác chiến tranh mà quân đội chính quyền Quân Phiệt Nhật đã thực hiện. Đó là một câu chuyện không có điểm dừng.
Bob Kerrey và câu chuyện Việt Nam
Cuộc chiến Việt Nam kết thúc khi Hoa Kỳ rút quân theo Hiệp Định Paris 1973 và Chính Quyền Bắc Việt Nam thống nhất thành công miền Nam Việt Nam. Tuy vậy, điều này không giúp bên nào chiếm được vị thế thượng đẳng trong bàn đàm phán như sau WWII, và vì vậy, không bên nào đủ khả năng đưa bên còn lại ra một tòa án hình sự quốc tế.
Thượng Nghị Sĩ Bob Kerey, dù ở bất cứ lập luận nào, cũng đã thừa nhận hành vi ra lệnh xả súng của mình tại Thạnh Phong lúc ông còn là một trung úy 25 tuổi; xét theo khía cạnh pháp luật quốc tế hay tâm trí người Việt Nam, chúng ta không thể quên được hành vi tội ác này.
Tuy nhiên, như đã nói về bản chất chiến tranh, ngay cả người Việt Nam còn khó giải thích với nhau về câu chuyện đánh bom khách sạn Caravelle Sài Gòn, triển lãm tại Công Trường Lam Sơn hay đỉnh điểm là thiệt hại nhân mạng của thường dân tại Huế, Sài Gòn và hàng loạt các tỉnh thành miền Nam trong Tết Mậu Thân 1968 – những trận đánh vốn vi phạm hoàn toàn các khoản của Điều 3 của Quy Chế ICTY (Tấn công, pháo kích, bắn phá, với bất kỳ hình thức nào, các thị trấn, làng mạc, nhà ở khu vực dân sự) hay Quy định về các yếu tố tội ác chiến tranh – Elements of Crimes for the International Criminal Court (Lấy dân chúng, công dân riêng lẻ không tham gia trực tiếp vào xung đột quân sự làm mục tiêu tấn công).
Rõ ràng, sự đối chọi “tội ác chiến tranh” giữa các bên trong xung đột là cần thiết để mang lại công lý cho những người đã mất. Nhưng cũng tại một thời điểm nào đó, cách tốt nhất để giải quyết là sự hòa giải và chân thành, khi mà pháp luật quốc tế đã không còn tác dụng. Điều quan trọng của những người còn sống hôm nay là nhìn nhận lại bài học quá khứ và xây dựng một thế giới không còn xung đột.
Tài liệu tham khảo:
Toàn văn Hiệp Định Geneva thứ tư, ngày 12 tháng 8 năm 1949
Toàn văn Quy chế Tòa Hình Sự Quốc Tế ICTY
Bob Kerrey, war criminal?, tác giả Melinda Henneberger, WashingtonPost, 2012