Tại sao Tối cao Pháp viện Mỹ sẽ không giới hạn quyền súng ống?

Tại sao Tối cao Pháp viện Mỹ sẽ không giới hạn quyền súng ống?

Tu chính án thứ Hai (bảo vệ quyền tư hữu vũ khí bao gồm súng ống của người dân Hoa Kỳ – ND) đã luôn được các nhánh lập pháp và hành pháp của chính phủ Mỹ bảo vệ mạnh mẽ – chúng ta đừng mong rằng Tối cao Pháp viện các nhiệm kỳ tới sẽ thay đổi điều đó.

Vấn đề súng ống chính là ‘vấn đề phá thai’ của thế kỷ mới. Trong các cuộc chiến tranh giành việc bổ nhiệm thẩm phán vào Tối cao Pháp viện của những năm 80 và 90, đôi khi có vẻ rằng câu hỏi có liên quan duy nhất là vị thẩm phán mới sẽ bầu chọn ra sao về các vấn đề quyền sinh đẻ. Vị ứng cử viên thẩm phán này liệu có dùng là phiếu của mình để ủng hộ án lệ Roe v Wade, quyết định pháp lý gây tranh cãi về quyền lựa chọn phá thai của nữ giới, hay sẽ bác án lệ này? Cho dù các thẩm phán Tối cao Pháp viện phải bầu chọn trong hàng nghìn vấn đề khác nhau, có thể thông cảm với việc một nhà quan sát nghi ngờ rằng vấn đề nạo phá thai mới là thứ duy nhất nằm trong nghị trình làm việc của Tối cao Pháp viện.

Trong các phiên đối chất liên quan đến việc bổ nhiệm thẩm phán Tối cao Pháp viện sắp tới, bất kể ứng cử viên sẽ là Merrick Garland hay một ai khác được đề cử bởi Tổng thống Hillary Clinton hay Tổng thống Donald Trump, vấn đề quyền tư hữu súng ống sẽ đóng vai trò mà vấn đề nạo phá thai từng có. Các câu hỏi về việc ứng cử viên sẽ xử lý các vụ việc liên quan đến Tu chính án thứ Hai như thế nào chắc chắn sẽ là một phần rất lớn của các phiên đối chất này – cho dù vị thẩm phán sắp tới không có nhiều khả năng là sẽ tạo ra thay đối lớn trong luật hiến pháp liên quan đến vấn đề kiểm soát súng ống ở Mỹ.

Vấn đề súng ống sẽ được ưu tiên trong các phiên chất vấn bổ nhiệm bởi vì có quyết định năm 2008 của Tối cao Pháp viện trong vụ việc Quận Columbia kiện Heller (District of Columbia v. Heller), án lệ mang tính bước ngoặt với ý kiến chính của tòa được chắp bút bởi vị thẩm phán vừa qua đời Antonin Scalia. Án lệ này là án lệ đầu tiên khẳng định rằng Tu chính án thứ Hai đảm bảo quyền cá nhân sở hữu súng. Trước đó, vấn đề súng ống chủ yếu là một vấn đề chính trị – vốn phải để cho các cơ quan lập pháp giải quyết mà không cần nhiều giám sát tư pháp. Bây giờ thì vấn đề súng ống một cách rất rõ ràng đã trở thành một vấn đề luật hiến pháp, có nghĩa là các thẩm phán, chứ không phải các nhà làm luật do dân bầu, sẽ là những người có tiếng nói cuối cùng.

(AP Photo/Jose Luis Magana, File)
Trong bức hình chụp ngày 26/6/2008 này, một nhóm những người ủng hộ quyền tư hữu súng ống tại Mỹ dương biểu ngữ bên ngoài Tối cao Pháp viện Mỹ tại thủ đô Washington sau khi tòa tuyên bố người dân Mỹ có quyền hiến định được giữ súng tại nhà cho mục đích tự vệ. Các luật sư hình sự bình luận rằng quyết định này của tòa có nghĩa là các luật liên bang dùng để ngăn không cho những người đã bị kết án hình sự hay kết án tội bạo hành gia đình sở hữu vũ khí đều được xem là vi hiến chừng nào mà các vũ khí còn được sử dụng cho mục đích tự vệ. (Ảnh: Jose Luis Magana – AP)

Án lệ Heller là một quyết định có tỷ lệ 5 phiếu thuận so với 4 phiếu chống. Nếu thẩm phán Scalia không bỏ phiếu ủng hộ thì đã không có nhóm đa số 5 ý kiến ủng hộ quyền cá nhân dựa trên diễn dịch Tu chính án thứ Hai.

Hiệp hội Súng trường Quốc gia – NRA (National Rifle Association – tổ chức phi lợi nhuận chuyên vận động cho việc bảo vệ quyền tư hữu súng ống tại Mỹ – ND) tranh luận rằng nếu như Scalia được thay thế bởi Garland hay bất kỳ thẩm phán có khuynh hướng tự do (liberal) hay ôn hòa (moderate) nào khác, án lệ Heller có thể bị bác bỏ và quyền giữ và mang súng đạn có thể trở thành lịch sử.

Dĩ nhiên, NRA cứ mỗi bốn năm một lần lại công bố các cảnh báo đáng lo ngại về sự chấm dứt các quyền súng ống tại Mỹ. Dù vậy, cho dù đã có hai nhiệm kỳ làm thổng thống với hai lần được bổ nhiệm thẩm phán vào Tối cao Pháp viện, Tổng thống Obama vẫn phải chứng kiến việc hiện nay có khoảng 320 triệu khẩu súng trên toàn nước Mỹ. Cho dù NRA đã lên tiếng cáo buộc chính phủ Obama có một kế hoạch “10 điều nhằm thay đổi Tu chính án thứ Hai”, quyền súng ống tại Mỹ vẫn tồn tại mạnh mẽ, và việc mua bán súng vẫn đang ở mức cao trong lịch sử.

Ở phần lớn các bang, NRA đã gây sức ép tạo ra được các đạo luật có lợi cho quyền súng ống tới mức bây giờ nhóm vận động này phải quay qua thúc đẩy sự hiện diện của súng tại một số ít những nơi còn sót lại vẫn còn loại trừ súng đạn, như nhà trẻ hay nhà thờ. Thành tích gây sức ép lập pháp ấn tượng của NRA làm nổi bật một lý do tại sao quyền súng ống sẽ không bị ảnh hưởng nhiều cho dù có thêm một thẩm phán như Garland. Quyền tư hữu súng đạn đã luôn được các nhánh lập pháp và hành pháp của Hoa Kỳ bảo vệ một cách mạnh mẽ và thành công.

Rất lâu trước khi Tối cao Pháp viện can thiệp bằng án lệ Heller, người dân tuân thủ pháp luật tại Mỹ đã có khả năng giữ súng tại nhà cho việc tự phòng vệ (trừ các cư dân tại thủ đô Washington nơi có luật giới hạn sở hữu súng – các luật này bị án lệ Heller bác bỏ).

Ở phần lớn các bang của Mỹ, việc xin được giấy phép mang súng nơi công cộng khá dễ dàng, và ngày càng nhiều bang đang thông qua luật cho phép mang súng nơi công cộng mà không cần giấy phép gì cả. Ngay cả khi án lệ Heller bị bác, các đạo luật của các tiểu bang và các đạo luật của liên bang cho phép việc tiếp cận súng ống dễ dàng sẽ vẫn có hiệu lực. Chúng ta đừng mong đợi các nhà làm luật đã thông qua luật “Súng Mọi Nơi” của bang Georgia sẽ bất ngờ thay đổi ý kiến chỉ vì án lệ Heller bị bác.

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì việc án lệ Heller bị bác cũng  có rất ít khả năng xảy ra. Có một số án lệ đình đám có thể bị một Tối cao Pháp viện theo khuynh hướng tự do bác bỏ, ví dụ như các án lệ Citizens United hay Shelby County. Tuy nhiên, Heller sẽ không nằm trong số đó. Cho dù không hề nghi ngờ gì là có nhiều thẩm phán trong Tối cao Pháp viện cho rằng Heller là một quyết định sai lầm, các thẩm phán này có rất ít lý do để bác quyết định này và có rất nhiều lý do để duy trì nó.

Heller là một quyết định hẹp vốn không hề thay đổi một cách căn cơ chế độ luật súng ống ở Mỹ. Tòa tuyên rằng các cá nhân có quyền có súng ngắn tại nhà. Nhưng chỉ có hai thành phố tại Mỹ là Washington và Chicago là có luật cấm sở hữu súng ngắn (Chicago trước đây chỉ cho người dân sở hữu súng dài để tự vệ). Hoàn toàn không có bang nào có luật cấm này. Trong tám năm từ án lệ Heller, đã có hàng trăm các vụ kiện tụng nhằm thách thức gần như tất cả các thể loại luật quản lý súng ống. Chỉ một số ít các luật này là bị vô hiệu hóa.

Ngay cả các thẩm phán thuộc thiểu số bất đồng trong quyết định Heller bây giờ hiểu rằng quyết định này đã chẳng hề trở thành một rào cản cho việc sử dụng luật pháp để quản lý súng ống một cách hiệu quả. Tất cả các luật kiểm soát súng ống hàng đầu – quy định phổ biến về việc kiểm tra lý lịch (universal background checks), việc cấm các vũ khí có khả năng gây sát thương lớn (assault-weapons bans) và giới hạn băng đạn có lượng đạn cao (restrictions on high-capacity magazines) – đều đã sống sót qua các thử thách pháp lý từ khi có án lệ Heller. Tại sao các thẩm phán ủng hộ việc kiểm soát súng lại chọn việc bác bỏ một án lệ vốn không hề ngăn cản các nhà làm luật quản lý súng ống?

Bên cạnh đó, có lý do rất mạnh mẽ cho việc không bác bỏ Heller. Việc bác bỏ Heller chỉ châm ngòi cho một phong trào chống đối mạnh mẽ tới mức nó khiến cho phong trào đòi bác án lệ Roe v Wade trông chỉ như một sân trường học náo nhiệt.

NRA sẽ đẩy mạnh việc có thêm một tu chính án biến quyền súng ống thành quyền thiêng liêng và nhiều khả năng sẽ có ngôn ngữ pháp lý, giống như các tu chính án gần đây nhất, khiến cho việc giới hạn súng đạn trở nên khó khăn hơn. Cho dù phần lớn các đề xuất tu chính án thay đổi hiến pháp đều khá là viển vông, chính trị súng ống tại Mỹ đang ở một mức độ mà trong đó 38 bang có thể cùng thông qua một Tu chính án thứ Hai mới mạnh mẽ hơn chỉ trong chốc lát.

NRA đã gây sức ép tạo ra được các đạo luật có lợi cho quyền súng ống tới mức bây giờ nhóm vận động này phải quay qua thúc đẩy sự hiện diện của súng tại một số ít những nơi còn sót lại vẫn còn loại trừ súng đạn, như nhà trẻ hay nhà thờ

Các thẩm phán hiểu điều đó, và các nhà vận động quản lý súng cũng vậy. Nhiều nhà vận động đã nói với tôi họ sẽ không đòi hỏi Tối cao Pháp viện bác bỏ án lệ Heller ngay cả khi một thẩm phán theo khuynh hướng tự do được bổ nhiệm thay thế Scalia.

Trong tháng Ba vừa rồi, các thẩm phán theo khuynh hướng tự do đã công khai ủng hộ án lệ Heller trong một vụ việc từ bang Massachusetts liên quan đến việc cấm súng phóng điện (stun guns). Các cấp tòa tại bang Massachusetts đã ủng hộ lệnh cấm và giải thích rằng án lệ Heller không áp dụng được vì khác biệt dữ kiện. Tối cao Pháp viện nhất trí tuyên rằng các tòa Massachusetts đã sai và án lệ Heller phải được áp dụng tương tự và các thẩm phán tại bang này theo đó phải xem xét lại việc cấm súng phóng điện dựa trên một sự hiểu biết rõ ràng hơn về các phạm vi bảo vệ của án lệ Heller. Nếu các thẩm phán theo khuynh hướng tự do nóng lòng muốn bác Heller, họ đã có thể đơn giản là ủng hộ việc cấm súng phóng điện.

Việc các thẩm phán theo khuynh hướng tự do nhiều khả năng sẽ làm là từ chối việc mở rộng mạnh phạm vi bảo vệ của án lệ Heller. Họ sẽ không diễn giải Tu chính án thứ Hai để ngăn cản việc cấm các súng trường gây sát thương lớn, hay để bác bỏ các luật lệ theo khuynh hướng “quản lý một phần” (“may-issue”) chỉ cho phép những ai có lý do chính đáng mới được mang súng nơi công cộng.  Theo đó, Tối cao Pháp viện sẽ vẫn đạt được kết quả đã có khi thẩm phán Scalia còn sống: từ chối xem xét lại các quyết định của tòa dưới ủng hộ việc cấm các súng trường gây sát thương lớn, và các luật theo khuynh hướng “quản lý một phần”. Thế là… “vũ như cẫn”.

Cho dù có một thẩm phán mới theo khuynh hướng bảo thủ (conservative), ví dụ một người được Trump bổ nhiệm, thì cũng không thay đổi gì nhiều. Thẩm phán đó sẽ thay thế Scalia, người vốn cùng với thẩm phán Clarence Thomas đã luôn sẵn sàng diễn giải Heller một cách rộng rãi. Một thẩm phán, ví dụ thẩm phán Ted Cruz, sẽ phải đối mặt với cùng vấn đề mà Scalia đã phải đối mặt, đó là các thẩm phán có khuynh hướng ôn hòa như Anthony Kennedy và có thể là Chánh án John Roberts. Có lẽ một hoặc cả hai thẩm phán này chính là lý do Tối cao Pháp viện vẫn chưa mở rộng diễn giải Tu chính án thứ Hai. Nhiều khả năng họ chính là lý do cho việc Tối cao Pháp viện  vẫn cho phép việc cấm vũ khí gây sát thương lớn và các luật lệ “quản lý một phần”.

Dù gì, các thượng nghị sỹ chắc sẽ rất chăm chú vào án lệ Heller bởi vì vấn đề súng ống khá là quan trọng với cử tri của cả hai bên. Đảng Cộng hòa biết rằng đấu tranh bảo vệ án lệ Heller, bất kể các giới hạn của án lệ này, là một chính sách đúng và có ích cho việc gây quỹ của đảng. Các thành viên Đảng Dân chủ cũng cảm thấy tương tự, có điều họ quan tâm đến việc gìn giữ khả năng quản lý súng ống của chính quyền hơn.

Vì thế, cho dù có nhiều thứ để bàn cãi liên quan đến Tu chính án thứ Hai trong các phiên đối chất bổ nhiệm thẩm phán Tối cao Pháp viện sắp tới – nếu như thật sự có những phiên đối chất này – thì bí mật bẩn thỉu nho nhỏ về án lệ Heller chính là nó chẳng có ý nghĩa quan trọng mấy. Quyền súng ống tại Mỹ vẫn luôn, và đã như vậy trong một khoảng thời gian dài, được bảo vệ bởi sự can thiệp chính trị mạnh bạo của NRA, chứ không phải bởi việc các tòa án diễn dịch Tu chính án thứ Hai.

Nhân sự của Tối cao Pháp viện có thể thay đổi, nhưng quyền súng ống, vốn là một phần của truyền thống và văn hóa chính trị Hoa Kỳ, sẽ rất ít khả năng bị ảnh hưởng mạnh.

Bài viết này là một phần của loạt bài “Chấp nhận bổ nhiệm thẩm phán: cuộc chiến về hiến pháp” (Confirmations: The Battle Over the Constitution) trong khuôn khổ hợp tác với Trung tâm Hiến pháp Quốc gia.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.