Khủng hoảng Cá: Bưng bít thông tin gây ra hỗn loạn, không triệt tiêu chúng – Kỳ 2

Khủng hoảng Cá: Bưng bít thông tin gây ra hỗn loạn, không triệt tiêu chúng – Kỳ 2

70 tấn cá chết hàng loạt bốc mùi dọc suốt 4 tỉnh duyên hải miền Trung trong một vụ bê bối về thảm hoạ môi trường khiến cho vô số ngư dân phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất không chỉ là triệu chứng của một nỗi lo về an toàn thực phẩm và môi trường, mà thực ra là một điều to lớn hơn rất nhiều: quyền được tiếp cận thông tin và quyền được cung cấp thông tin.

Bưng bít thông tin chỉ gây thêm hỗn loạn

Trước khi có thông tin về xả thải hoá chất và số tiền phạt/đền bù được tuyên bố vào tuần trước, Formosa đã gần như hoàn tất việc xây dựng một khu công nghiệp thép trị giá 10.6 tỷ Mỹ kimHà Tĩnh, một tỉnh thành nghèo nàn và nhỏ bé nằm về phía Nam của thủ đô Hà Nội, và cũng chính là nơi đầu tiên đã phát hiện cá chết hàng loạt dọc bờ biển. Khu công nghiệp đang xây dựng được xem như là một cố gắng phi thường của chính quyền tỉnh này sau rất nhiều thời gian vận động hành lang.

Cũng trong thời điểm đó, theo những đánh giá và nhận xét đầu tiên của phía truyền thông thì việc tầng tầng lớp lớp cá chết dọc bờ biển có thể là kết quả của một lần xả thải vô trách nhiệm của Formosa bằng một đường ống ngầm dưới lòng biển cách xa bờ vài dặm. Người phát ngôn cho Formosa cũng đồng thời đưa ra một tuyên bố sơ bộ với báo chí và đặt vấn đề Việt Nam hãy “chọn” giữa việc xây dựng một khu công nghiệp thép hay là tôm cá khiến cho cơn bão trên các mạng xã hội bùng nổ với người dân đồng loạt “lựa chọn” cá.

Trong cả quá trình thử thách cam go này, chính quyền Việt Nam đã ngăn chặn việc đưa tin về vụ việc khi cho rằng đây là một vấn đề “có tính chất nhạy cảm” và do đó, đã khiến cho người dân phải tìm những phương thức khác để phát tiết sự bức xúc của họ cũng như là để chia sẻ thông tin. Trang Vietnam Right Now đã viết hôm 11 tháng 6 như sau:

“Khi mà các cuộc biểu tình ôn hoà bị cấm đoán và toàn bộ truyền thông nằm trong vòng kiểm soát của chính phủ, sự bực tức của người dân đối với chính phủ trong việc xử lý thảm hoạ cá chết ở các tỉnh miền Trung đã từng bước phải phụ thuộc hoàn toàn vào mạng xã hội.”
SG_bieutinh-010516

Hình ảnh biểu tình đông đảo tại Nhà Thờ Đức Bà, thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: internet.

“Cú hích” Obama

Trong tháng Năm, vào quãng một tháng sau khi vụ cá chết bắt đầu, tác giả đã viết về chuyến viếng thăm đầu tiên của tổng thống Obama đến Việt Nam trên trang The WorldPost cũng như viết cho Lowy Institute của Úc – một viện nghiên cứu chính sách đối ngoại ở Sydney. Nhà lãnh đạo của nước Mỹ nhận được sự chào đón cuồng nhiệt và đã khiến sự bức xúc trong quần chúng về vụ cá chết lập tức bốc hơi ngay tại một thời điểm đáng lẽ có thể gây ra sự khó xử thật sự cho chính phủ Việt Nam. Điều đó đã khiến cho đất nước này đột ngột nhận được một cú hích tích cực về mặt truyền thông. Buổi ăn tối với bún chả của tổng thống Obama – một món ăn bao gồm thịt heo nướng và bún – trở thành tít nổi bật trong ngày. “Người dân đã để việc lựa chọn cá được nghỉ ngơi một lúc, nhưng ngay cả tổng thống Mỹ cũng không thể nào là thứ khiến người ta xao lãng được vụ việc này suốt đời,” tác giả đã viết như thế trên trang blog Lowy’s Interpreter.

biahanoi_JVVB

Tổng thống Obama tại Hà Nội. Ảnh: Kiều Oanh / Thanh Niên

Quả đúng như thế, vào ngày 5 tháng 6, biểu tình của người dân và việc bắt bớ đối phó từ chính quyền nóng trở lại. Phạm Đoan Trang, một nhà hoạt động lâu năm xuất thân là nhà báo, đã tường thuật chi tiết chuỗi sự kiện trong một email gửi đến một nhóm các nhà báo và học giả. Trang là một trong số những nhà hoạt động xã hội được mời gặp gỡ Obama trong chuyến thăm Việt Nam, nhưng cô đã bị cản trở khi chiếc xe chở cô âm thầm từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội đã bị công an chặn giữ. Cô đã cho biết sau chuyến thăm của Obama, số lượng người tham gia biểu tình có thưa thớt đi, có khi số lượng công an còn đông hơn cả người biểu tình. Cô cũng cho biết thêm là rất nhiều người tham gia biểu tình đã bị bắt đi, đánh đập và thẩm vấn bởi lực lượng công an và an ninh, là những kẻ mà cô so sánh là đã sử dụng các chiêu thức của Xô Viết cũ.

Báo chí tự phát có tốt hay không?

Những vụ tai tiếng về môi trường những năm trước đây là chất liệu cho những bài báo rất có sức thuyết phục, nhưng khi sự đàm luận lan đến xã hội dân sự và thế giới mạng xã hội, cũng như khi mối quan tâm đến các vấn đề môi trường gia tăng, thái độ của chính quyền đối với chúng cũng thay đổi. Và một vấn đề vốn phi chính trị trước đây cho những nhà báo trong lĩnh vực phóng sự điều tra, thì nay lại có một nền tảng chính trị vững chắc hơn khi con số những nhà hoạt động trẻ đang gia tăng cộng với sự hiện diện của một nỗi bất an chung về ô nhiễm và an toàn thực phẩm trong dân chúng.

Luong Nguyen An Dien, một nhà báo Việt Nam vừa hoàn thành 1 khoá tu nghiệp ngắn hạn về chuyên ngành báo chí tại Đại học Columbia đã nói với tác giả:

“Hiện nay mạng xã hội đã sinh sôi nảy nở tại Việt Nam, và chính quyền ngày càng cảnh giác đến cảm nghĩ của quần chúng. Đối với phía chính quyền, bất kỳ vấn đề nào cũng có thể bị chính trị hoá. Vụ cá chết chỉ là một ví dụ mà thôi.”

Bỏ qua việc đàn áp từ chính quyền, phóng viên vẫn thường xuyên đưa những tin tức nhạy cảm cho đến khi nào chủ đề đó trở nên quá nổi tiếng trên mạng xã hội. Khía cạnh truyền thông trên mạng xã hội của báo chí có thể bị ảnh hưởng của sự xuyên tạc: những điều không trung thực có thể lan truyền trên thế giới blog mà không chịu sự kiểm soát của bất kỳ tiêu chuẩn biên tập nào. Ngay cả như thế, việc đưa tin (trên mạng) vẫn được xem là trung thực hơn là những gì được đăng chính thức trên báo chính quy nhà nước, là nơi mà sự kiểm duyệt và thanh lọc thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông hầu như là luôn luôn hiện diện.

Sự trỗi dậy của các tổ chức dân sự vì môi trường

Những tổ chức môi trường đã bắt đầu hình thành trên mạng xã hội ở Việt Nam từ năm 2009, khi các hội nhóm khác nhau đã đứng cùng chiến tuyến và đồng chỉ trích những kế hoạch khai thác mỏ bauxite của chính phủ ở khu vực hiểm yếu tại Tây Nguyên. Khi được biết đây là những dự án của nhà đầu tư Trung Quốc, người dân lại càng giận dữ hơn. Họ đã lập ra một chiến dịch trên Facebook khiến cho chính quyền bị bất ngờ không kịp trở tay và trang Facebook đó đã liên tục bị gián đoạn vì bị chặn (mặc dù chính phủ không có cách nào “cấm”) một thời gian. Cùng năm, Uỷ ban bảo vệ các nhà báo xếp Việt Nam vào danh sách “10 nước tệ hại nhất cho 1 blogger,” sau khi một blogger nữ đã bị bắt giữ khi đưa tin về tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Những năm trở lại đây, những nhà hoạt động trẻ có những hoạt động cụ thể hơn là việc chỉ trích chính quyền suôn. Khi chính quyền Hà Nội thông báo là họ sẽ chặt hàng nghìn cây cổ thụ tuyệt đẹp của thành phố – đồng thời là những loại cây gỗ hiếm quý – những bạn trẻ đã thành lập nhóm trên mạng và sau đó xuống đường biểu tình. Một số cuộc biểu tình nhanh chóng gặp phải bạo lực.

Dien, người bạn nhà báo Việt Nam, kể lại một vụ bê bối về môi trường trước đây có yếu tố Đài Loan, rằng năm 2008, một công ty sản xuất bột ngọt – Vedan – đã khiến cho 10 kilô mét dọc theo sông Thị Vải ở Đồng Nai trở thành một vùng sinh thái bị “huỷ diệt” toàn bộ. Dân chúng đã nổi giận và câu chuyện liên tục được báo chí Việt Nam khai thác – nhưng ngoài ra, hầu như chẳng có một cuộc biểu tình nào và cũng chẳng có gì được tổ chức trên mạng xã hội.

“Vào thời điểm vụ việc Vedan, mục tiêu của việc báo chí đưa tin là để kín đáo dấy lên một câu chuyện to lớn hơn – tại sao một công ty bột ngọt khổng lồ lại có thể trót lọt qua mặt pháp luật trong một thời gian rất dài. Kết quả của vụ việc Vedan không thể đưa ra một kết luận như mong đợi: đến cuối cùng, câu chuyện lại tập trung vào việc Vedan đã chịu bồi thường cho những người nông dân bị ảnh hưởng vì họ lo sợ mặt hàng của họ sẽ bị tẩy chay,” Dien cho biết.

Dien cũng có viết về vấn đề môi trường ở Việt Nam. Cộng tác với Vietnam Express, anh đã đặt câu hỏi tại sao Monsanto, một công ty phải chịu trách nhiệm về chất độc màu da cam, lại được chào đón trở lại ở Việt Nam sau khi chất độc đó đã gây ra việc phát quang trên diện rộng khiến cho các thế hệ tương lai ở Việt Nam phải đối mặt với mối nguy cơ gặp phải những dị tật bẩm sinh.

Chủ đề này chưa nhận được sự quan tâm với tầm cỡ của vụ bê bối cá chết hàng loạt, mà một trong những lý do chính là không có sự ảnh hưởng trực tiếp: chẳng có hàng tấn cá chết nào. Việc người dân có tổ chức những phong trào cho những mối nguy hại không ở trước mắt thì còn tuỳ. Tuy nhiên, khi vấn đề an toàn thực phẩm trở thành một mối ám ảnh mạnh mẽ, phong trào đấu tranh vì môi trường sẽ bắt đầu lớn mạnh. Và, quyền tự do để viết bài về nó có thể sẽ bị suy giảm – ít ra là ngay lúc này./.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.