2 năm nhìn lại Cuộc Cách Mạng Dù ở Hồng Kông: Bệ phóng cho những nhà lập pháp trẻ tuổi

2 năm nhìn lại Cuộc Cách Mạng Dù ở Hồng Kông: Bệ phóng cho những nhà lập pháp trẻ tuổi

Hong Kong đang kỷ niệm 2 năm kể từ ngày phong trào đấu tranh dân chủ “Cách mạng Dù” nổ ra vào tháng 9 năm 2014. Rất trùng hợp, đây cũng chính là thời điểm mà một số những nhà hoạt động nổi trội lúc ấy đang chuẩn bị cho việc nhậm chức lần đầu của họ, khi Viện Lập Pháp Hong Kong (Legislative Council – Legco) bắt đầu khoá mới vào thứ Bảy, 1 tháng 10, 2016.

Có ít nhất 5 nhà lập pháp vừa đắc cử vào đầu tháng 9, 2016 đã ra mặt công khai ủng hộ cho quyền tự chủ của đặc khu Hong Kong, thông qua việc đòi hỏi ly khai với Bắc Kinh, khi mà mối lo ngại ngày càng gia tăng trong người dân về việc chính quyền Trung Quốc hiện đang thắt chặt việc kiểm soát khu thuộc địa cũ của Anh Quốc.

Bài viết xin được giới thiệu ba khuôn mặt “nổi dậy” tiêu biểu từ phong trào đấu tranh dân chủ.

Nhà Lập Pháp Trẻ Tuổi Nhất: Nathan Law

Ăn nói nhỏ nhẹ và luôn xuất hiện với cặp kính cận gọng đen, chàng thanh niên 23 tuổi, Nathan Law, là nhà lập pháp trẻ tuổi nhất trong lịch sử đặc khu Hong Kong và anh đang kêu gọi cho quyền tự chủ của thành phố này.

qwqweqweq

Photo: Trên facebook của Nathan Law.

Nathan Law được công chúng biết đến khi anh trở thành một trong những lãnh đạo sinh viên vào thời điểm các cuộc biểu tình hàng loạt của Phong trào Dù Vàng nổ ra vào năm 2014, bên cạnh Joshua Wong, người bạn và cũng là đồng minh chính trị tuổi teen của anh.

Từ đó đến nay, Law và Wong sát cánh bên nhau, cũng như đã đồng sáng lập ra đảng chính trị với tên gọi Demosisto, vận động người dân Hong Kong hãy tự chọn mô hình nhà nước cho mình, kể cả việc đòi hỏi độc lập cho đặc khu hành chính này.

Mặc dù con đường chính trị của anh thăng hoa rất nhanh và toả sáng như một cơn mưa sao băng, Law vẫn cho rằng anh vốn không có kế hoạch tham gia chính trị.

Sinh ra ở Trung Hoa Đại Lục trong một gia đình lao động, anh và gia đình đã chuyển đến sinh sống tại Hong Kong khi Law được sáu tuổi.

Lúc nhỏ, Law đã có suy nghĩ trở thành một nhà báo hoặc là một diễn viên, nhưng anh cho biết bố mẹ anh đã dạy anh cần phải đặt mục tiêu “cơm áo gạo tiền” lên đầu – cùng với việc tổ chức một gia đình riêng cho bản thân nữa.

Tuy nhiên, tại một buổi hội thảo của trường mà anh theo học và trong một tích tắc khai minh, mọi việc đã thay đổi đối với Law.

fsdfsdfsdfsdf

Liu Xiaobo. Ảnh: HKFP.

Law nhớ rằng lúc ấy, một vị giáo viên tại trường trung học của anh (mà theo anh, trường trung học này là một ngôi trường thiên về ủng hộ chính quyền Bắc Kinh) đã phê phán ông Liu Xiaobo (Lưu Hiểu Ba) – một nhà bất đồng chính kiến đang ngồi tù ở Trung Quốc – trước rất nhiều học sinh sau khi tin tức về ông Liu Xiaobo đoạt giải Nobel Hoà Bình năm 2010 được công bố.

Ông Liu Xiaobo đã bị chính quyền Bắc Kinh cấm không được phép nhận giải.

“Điều đó làm tôi rất khó chịu,” Law trả lời phỏng vấn của Agence France-Presse (AFP).

“Đây là kiểu chính quyền gì mà lại ngăn cản người dân không được phép rời khỏi một đất nước? Nó đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều về quyền lực và về chính trị.”

Cũng chính những suy nghĩ đó đã hướng Law vào việc tham gia chính trị qua các phong trào sinh viên khi học đại học, trước khi ánh hào quang của Phong Trào Dù Vàng bao trùm lấy anh và biến anh trở thành một trong những gương mặt biểu tượng của nó.

Anh đã đọc diễn văn trước hàng nghìn người, kêu gọi cho một cuộc bầu cử tự do thật sự đối với vị trí lãnh đạo cao cấp của Hong Kong – đây cũng là một yêu cầu mà nhà cầm quyền Bắc Kinh kịch liệt phản đối.

qwedsdfsd

Nathan Law. Ảnh: InMedia.

Hiện tại, Law vẫn thường xuyên đọc các bài vở liên quan đến môn Văn hoá học tại đại học của mình, nhưng anh đã bảo lưu việc học một năm để có thể tập trung thời gian cho những trách nhiệm mới.

Trong thời gian rảnh rỗi hiếm hoi, Law thích chơi các trò chơi điện tử và đá bóng. Law cho biết anh không hề cảm thấy lo lắng hay bối rối với công việc mới của mình.

“Nếu một người thích điện ảnh, nó có thể là cả cuộc đời của anh ấy … Đối với tôi, chính trị và các vấn đề xã hội chính là khát vọng cuộc sống,” Law tuyên bố.

Nhà Hoạt Động Bảo Vệ Môi Trường: Eddie Chu

Eddie Chu được biết đến nhiều nhất với tư cách một nhà hoạt động môi trường, mà đặc biệt là trong việc chống lại các dự án dỡ bỏ các công trình có giá trị văn hoá lịch sử cũng như việc cưỡng chế các hộ dân nhằm vào việc mở đường cho các dự án phát triển.

Năm nay Eddie Chu 38 tuổi và gần đây, anh đã định hình lại bản tiểu sử chính trị cho bản thân, bắt đầu bằng việc kêu gọi quyền tự chủ của Hong Kong, bao gồm cả cơ hội đòi hỏi độc lập cho đặc khu này.

sdasdas

Eddie Chu trong đêm bầu cử. Ảnh: Stanley Leung/HKFP.

Anh Chu còn tuyên chiến với những điều mờ ám liên quan đến chính trị tại các vùng nông thôn qua việc đấu tranh cho quyền lợi của những người nông dân mất nhà mất đất, những nạn nhân trực tiếp của các công trình xây dựng.

Chiến thuật của Eddie Chu có vẻ là một công thức chiến thắng – Chu đã có được 80.000 phiếu bầu vào Viện Lập Pháp Đặc Khu vào đầu tháng 9 2016, là số phiếu cao nhất mà một ứng cử viên có thể nhận được thông qua bầu cử trực tiếp từ khu vực cử tri.

Nhưng chiến thắng của Eddie Chu đã phải trả bằng một giá rất đắt. Anh, cùng vợ và đứa con 4 tuổi không thể trở lại nhà để sống mà phải chịu sự bảo vệ của nhân viên cảnh sát vì anh đã nhận được những lời đe dọa đến tính mạng.

“Cuộc sống của tôi hoàn toàn bị xáo trộn … Tôi đã không nghĩ đến việc những thứ ấy (những lời đe doạ đến tính mạng) có thể đến với tôi như thế, một cách rất nhanh chóng nhưng rất nặng nề,” Chu đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn do AFP thực hiện gần đây dưới sự bảo vệ của hai nhân viên cảnh sát ở một quán cà phê nằm trên những con đường khuất sau thành phố.

Nhưng đặc khu Hong Kong đang đối mặt với “thời khắc quan trọng,” anh nói tiếp, và vì thế anh cảm thấy mình có nghĩa vụ phải tham gia cùng.

“Nếu chúng ta cùng im lặng và lùi bước thì Hong Kong sẽ trở nên tồi tệ hơn.”

Sinh ra và lớn lên ở Hong Kong, cha của anh Eddie Chu là một người thợ may và anh đã theo học ở một trường Công giáo trước khi theo học chuyên ngành tiếng Anh tại đại học. Sau đó, anh trở thành một phóng viên cho một tờ báo địa phương trước khi sang Trung Đông để làm phóng viên tự do.

Sau khi trở về Hong Kong, anh trở thành một nhà hoạt động “xanh”, đấu tranh bảo vệ môi trường và trở nên nổi tiếng khi là người lãnh đạo của các cuộc biểu tình chống lại việc dỡ bỏ bến cảng Hoàng Hậu, vốn là một nơi được xem là có giá trị lịch sử đối với người dân Hong Kong, vào năm 2007.

Nhưng phải cho đến khi tận mắt chứng kiến sự thất bại của Phong trào Dù Vàng trong việc đòi hỏi sự nhượng bộ từ phía chính quyền để có thay đổi chính trị thì Eddie Chu mới thực sự quyết tâm thách thức lại căn nguyên của cơ cấu chính phủ ở Hong Kong.

“Đến cuối cùng, chúng ta phải đối mặt với vấn đề cốt lõi và đó chính là hệ thống chính trị,” anh Chu cho biết.

Với bề ngoài dẻo dai và làn da rám nắng, anh Chu điều hành một nông trại nhỏ trồng trọt hữu cơ ở khu nông thôn Địa hạt Mới, mặc dù hiện nay, những người bạn của anh đang giúp anh quản lý nó vì anh không có đủ thời gian.

“Chúng tôi đang bước vào vụ mùa thứ hai trong năm và tôi hy vọng là tôi sẽ có thời gian khi mùa thu hoạch bắt đầu vào tháng 11 này,” anh chia sẻ.

Nhà Hoạt Động Đòi Độc Lập: Yau Wai-ching

Năm năm trước, một trong những nhà lập pháp mới tinh của Hong Kong, Yau Wai-ching, hầu như không có bất kỳ hứng thú gì với chính trị.

Nhưng hiện nay thì cô đã trở thành một trong những nhà lập pháp nổi bật nhất cho phong trào ủng hộ độc lập cho Hong Kong qua việc chấp nhận cả phương pháp ly khai với Trung Quốc như là một giải pháp sống còn cho đặc khu.

qweqweqweqweqwd

Yau Wai-ching (trái) và Kwong Po-yin. Ảnh: Stand News.

Nữ chính trị gia 25 tuổi cho biết thời khắc “thức tỉnh” cho nhận thức chính trị của cô đã đến khi các mối quan ngại về sự biến mất của các quyền tự do ở đặc khu trong những năm vừa qua ngày càng gia tăng.

Những cuộc biểu tình rầm rộ chống lại việc mang chủ nghĩa yêu nước cực đoan của Trung Quốc vào các giảng đường ở Hong Kong đã châm ngòi cho mối quan tâm về chính trị của cô.

Hàng trăm nghìn người đã biểu tình chống lại điều đó và đã khiến cho chính quyền đặc khu Hong Kong phải dẹp bỏ ý định.

“Tôi đã có cảm giác rằng một nền giáo dục ‘tẩy não’ không còn cách xa chúng tôi bao nhiêu nữa và nó rất có thể sẽ xảy ra ở Hong Kong,” Yau cho biết.

Nhưng phải đến khi Phong trào Dù Vàng bùng nổ trên diện rộng ở Hong Kong, với rất nhiều cuộc biểu tình vào năm 2014 thì cô Yau mới trực tiếp tham gia.

Cô cho biết là đã cùng với hàng vạn người biểu tình trên các con đường ở Hong Kong, và khi phong trào không thể đạt được sự thay đổi chính trị mà họ đòi hỏi, cô đã quyết định sẽ tham gia chính trị một cách toàn thời gian.

Cô Yau cho biết thêm là cha mẹ cô có lo lắng về quyết định của con gái họ, tuy nhiên cô lại tự cảm thấy đây là việc đáng để mạo hiểm.

“Tôi không muốn bỏ phí đi cơ hội mà động lượng (của phong trào này) đã tạo ra – Tôi cảm thấy rằng nếu tôi muốn khuyến khích người khác tham gia thì tôi phải là người bước đi đầu tiên,” cô đã trả lời AFP như thế.

Là con gái của hai nhân viên chính phủ đã nghỉ hưu, Yau cho biết cô đã đươc sinh ra và lớn lên trong thành phố Hong Kong với một cuộc sống sung túc, đầy đủ nên những suy tư về chính trị vốn chưa bao giờ là những thứ khiến cho cô quan tâm lúc còn nhỏ tuổi.

Nhưng bây giờ thì cô lại đấu tranh đẩy mạnh cho việc đòi hỏi độc lập cho Hong Kong vì đó là điều sẽ khiến cho đời sống của người dân nơi đây tốt đẹp hơn khi nó cho phép họ dành được quyền quyết định cho những vấn đề tối quan trọng đối với họ.

“Độc lập chắc chắn là một giải pháp,” cô nói.

“Độc lập sẽ cho phép chúng ta suy nghĩ làm cách nào để thay đổi những hoàn cảnh không ưng ý, bao gồm cả những vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống sinh nhai của người dân mà vẫn chưa được giải quyết, hoặc những dự án xa xỉ mà chính phủ đã cố ép buộc để được thông qua”./.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.