- Hoàng Thảo Anh, dịch từ Listen, Economists!; Cass R. Sunstein November 10, 2016 Issue, The Future of Law and Economics: Essays in Reform and Recollection
- Kỳ trước: Luật pháp và Kinh tế – Kỳ 1: “Trường phái Chicago”
—
Kinh tế cần học tập luật pháp
Trường phái Yale cũng rất quan tâm đến hệ quả của pháp luật. Ngay khi còn là giáo sư trẻ tại Trường Luật thuộc Đại học Yale, ông Guido Calabresi – một trong những tiên phong – đã lập luận trong chuỗi bài viết và cuốn sách của mình “Chi phí của Tai nạn: Một phân tích pháp lý và kinh tế” (The Cost of Accidents: A Legal and Economic Analysis-1970), rằng tòa án nên cân nhắc cẩn thận những chi phí và lợi ích của các quy định pháp luật, và một sự hiểu biết về kinh tế có thể hỗ trợ họ.
Guido Calabresi, Thẩm phàn Tòa Phúc Thẩm Khu Vực 2, Giáo sư trường Luật Đại học Yale – Hoa Kỳ. Ảnh: Hartford Courant
Nhưng khác với Posner, Calabresi nhấn mạnh điều ngược lại: giới kinh tế có thể học hỏi từ pháp luật. Ví dụ, họ có thể học cách người ta nghĩ về sự bình đẳng, và họ cũng có thể học được rằng có những thứ không nên đem ra giao dịch ở thị trường. Vì lý do này, Calabresi tích cực sử dụng cụm từ “luật pháp và kinh tế”, để cho thấy hai lĩnh vực cần được liên kết, cân nhắc lẫn nhau.
Ở độ tuổi thập cổ lai hy (80), Calabresi lần đầu tiên xây dựng tầm nhìn về luật pháp và kinh tế trong cuốn “Tương lai của Pháp luật và Kinh tế”(The Future of Law and Economics).
Để chỉ ra luận điểm của mình, ông đã mượn lời của John Stuart Mill, một học giả tài hoa, nhưng cũng thường được biết đến như là một người phê bình gay gắt chính “anh hùng” ưa thích của mình – Jeremy Bentham.
Lý do là vì Bentham đã tiếp cận cuộc sống con người dưới góc độ một hành khách từ hành tinh khác, trang bị công cụ duy nhất là chủ nghĩa vị lợi (hay còn gọi là chủ nghĩa thực dụng: utilitarianism- ND), mà theo đó cái đúng và cái sai được xác định bởi câu hỏi liệu một hành động có mang lại cho người chịu tác động bởi nó nhiều niềm vui hơn những điều khác hay không.
Mill nghĩ rằng Bentham giống như một gã “một mắt”, một “nhà tư tưởng nửa vời”, người nhìn thấy những việc chưa ai từng thấy nhưng lại khuyết thiếu một nhận thức sâu sắc. Theo Mill, “một số loại niềm vui là đáng mơ ước và đáng giá hơn những loại khác”, và Bentham đã thất bại khi nhìn nhận về nó.
Calabresi cho rằng trường phái Chicago có nhiều nét tương đồng như vậy, theo nghĩa khuyết thiếu nhận thức sâu sắc. Họ đã thất bại khi nhìn nhận giá trị của bình đẳng và sự bảo đảm rằng, có một số thứ hoàn toàn không dùng để giao dịch.
Không giống như những nhà phê bình nổi bật khác của trường phái Chicago – như Ronald Dworkin, Calabresi là một nhà thực hành pháp luật và kinh tế tận tâm, hay nói đúng hơn là một nhà tiên phong của lĩnh vực này. Ông cũng làm việc cởi mở trong truyền thống thực dụng. Ông không cố gắng bảo vệ quan điểm rằng con người có những quyền phải được tôn trọng tuyệt đối, bất kể hệ quả của một phép tính vị lợi ra sao. (Dù ông ấy có tin tưởng điều này hay không, thì đây cũng không phải là luận điểm tranh luận của Calabresi).
Nhưng ông trân trọng pháp luật, xem nó như là một kho báu của trí tuệ xã hội sau bao khó khăn mới có được, và theo ông, các nhà kinh tế học nên đối xử với pháp luật như thế. Calabresi phản đối việc họ không tiếp cận các quy định pháp luật với sự tôn trọng thỏa đáng, cũng như họ thất bại trong việc đối xử với pháp luật như một sản phẩm của sự thấu đáo và kinh nghiệm.
Theo Calabresi, thông qua pháp chế, các quy định và các bản án của tòa, luật pháp có thể định hình giá trị của chúng ta, đôi lúc bằng cách thúc đẩy các nguyên tắc chống phân biệt đối xử, đôi lúc bằng cách hạn chế ô nhiễm, và đôi lúc thông qua khuyến khích chia sẻ kinh nghiệm (Ví dụ: đưa ra cơ hội tham quan các công viên và viện bảo tàng miễn phí cho mọi người).
Tất nhiên là Calabresi không phủ nhận việc pháp luật có thể không hoàn toàn thành công khi định hình các giá trị. Khi vụ Brown v. Board of Education diễn ra năm 1954, các đạo luật dân quyền đã được ban hành sau đó một thập kỷ, nhưng nạn phân biệt chủng tộc thì chắc chắn vẫn còn hiện hữu.
Ưu tiên và các giá trị của con người
Quan điểm duy nhất của Calabresi là chúng ta sẽ không thể hiểu được một số mục tiêu quan trọng nhất của hệ thống pháp luật nếu chúng ta không thấy được rằng những ưu tiên và giá trị của con người có thể thay đổi – đôi khi là một sản phẩm của chính hệ thống pháp luật đó.
Ngược lại, trường phái Chicago thường có xu hướng xem các ưu tiên của con người là cố định, thậm chí là vốn có, vì thế chúng không phải là sản phẩm của pháp luật và cũng không thể thay đổi bởi pháp luật. Nói rộng ra, Calabresi khẳng định rằng tất cả chúng ta đạt được nhiều thứ từ việc nghiên cứu kỹ lưỡng những gì luật pháp có thể thực hiện.
Ví dụ chính mà Calabresi đưa ra gồm có “hàng hóa khuyến dụng” (Merit goods)[1], loại hàng hóa mà theo ông là dưới sự đồng thuận của xã hội, không nên đem ra giao dịch ở bất kỳ thị trường nào. Trong khi đó, trường phái Chicago hoài nghi mọi ý kiến về hạn chế các giao dịch. Đối với một số mặt hàng, chẳng hạn như “cuộc sống”, người ta phản đối việc định giá nó. Cuộc sống của một con người có giá trị bao nhiêu? 5.000.000 USD? 20.000.000 USD?
Một tranh vẽ phản đối việc xác định giá trị mạng sống của con người. Ảnh: Photshopmaniac
Theo Calabresi, nếu tòa án định cho “cuộc sống” một cái giá, con người sẽ không bao giờ thỏa mãn, bởi họ sẽ thêm vào đó “cái giá ngoại tinh thần” (external moral costs). Chẳng hạn như cảm giác phẫn nộ sẽ trỗi dậy bên trong những ai tin rằng sự định giá như vậy là sai lầm nghiêm trọng về đạo đức.
Đúng là trong trường hợp một hành vi sai lầm gây chết người, tòa án có thể tuyên cho thành viên của gia đình có người chết một khoản bồi thường cho mất mát xảy ra.
Nhưng Calabresi cho rằng điều này hoàn toàn khác với việc xem cái chết trên “có giá” bằng một khoản tiền nhất định. Ông khẳng định rằng nếu một người bị thương hoặc bị chết trong một tai nạn, hệ thống trách nhiệm ngoài hợp đồng “không nói rằng nó đã định giá cuộc sống (bị xâm phạm) hay sự an toàn (bị tước đi)”. Thay vào đó, “hệ thống này tập trung vào việc bồi thường cho nạn nhân, khắc phục thiệt hại” hoặc “khôi phục lại trạng thái trước tai nạn cho nạn nhân”.
Với một số loại hàng hóa khác, chúng ta không thể phản đối trả giá cho chúng, nhưng hầu hết mọi người – không như một số thành viên của trường phái Chicago – không muốn sử dụng thị trường để giao dịch. Bởi làm điều đó sẽ đảm bảo rằng sự phân phối của họ bị chi phối bởi mức độ giàu có của người dân (Hãy nhớ lại việc mua bán thận).
Đối với những loại hàng hóa này, chúng ta từ chối thị trường hóa bởi chúng ta quan ngại về bình đẳng kinh tế. Cần phải thấy được rằng Calabresi không cố gắng thể hiện lập trường về bất bình đẳng hay chỉ ra làm cách nào để giảm bớt điều đó trong cuốn sách của mình.
Những mối quan tâm của ông rất cụ thể. Trong khi bất bình đẳng phổ biến khắp nơi, chắc chắn chúng ta không muốn cho phép thị trường phân phối một số hàng hóa nhất định. Calabresi cho rằng những hàng hóa này bao gồm quyền có được bộ phận cơ thể, nghĩa vụ quân sự, và quyền gây ảnh hưởng tới bầu cử thông qua việc xây dựng các chiến dịch tranh cử. Chúng cũng có thể là quyền tiếp cận tối thiểu giáo dục, chăm sóc y tế, và bảo vệ môi trường.
Calabresi nhấn mạnh rằng phần lớn người dân có cùng phản ứng đối với những hàng hóa nêu trên. Cụ thể, người ta cảm thấy những thứ đó không phải là thứ mà người giàu có được (hoặc tránh) chỉ đơn giản vì họ giàu, hoặc người nghèo nên được hướng dẫn để từ bỏ (hoặc cam chịu) chỉ vì họ nghèo khó.
Calabresi hứng thú với thực tế đơn giản của phản ứng này hơn là tìm cách chứng minh nó. Trong khi Posner (trường phái Chicago) ưa chuộng sử dụng thị trường, Calabresi nhấn mạnh rằng, đưa những hàng hóa này vào thị trường sẽ chỉ nói với “phần còn lại của chúng ta (chỉ bộ phận người nghèo, yếu thế trong xã hội – ND) về sự bất bình đẳng trong phân phối của cải, một cái gì đó khiến ta đau đớn khi nghe thấy theo nghĩa đen”. Con người “cảm thấy tốt hơn nếu một số hàng hóa được làm ra để phục vụ cho những ai “cần” chúng, bất kể giàu nghèo và bất kể họ có đem chúng đi trao đổi để trở nên giàu có hơn’.
Calabresi lưu ý rằng luật pháp tôn vinh những “thái độ thấu đáo” này, và ông nghĩ rằng làm vậy là đúng đắn. Tác gia như Posner, ông gợi ý, có thể thể hiện việc tôn trọng chúng thông qua các phán quyết về những gì pháp luật nên làm.
Xã hội đã chấp nhận những phương án thay thế phi thị trường để phân phối hàng hóa khuyến dụng, chẳng hạn như xổ số (đối với nghĩa vụ quân sự), hệ thống phân bổ (đối với bộ phận cơ thể), trợ cấp kinh tế (dành cho giáo dục và chăm sóc y tế), và các mệnh lệnh hành chính – đối với không khí sạch. Giới kinh tế đã không xét đến việc một số người ưa chuộng thị trường, trong khi số khác thì thích các mệnh lệnh kinh tế (chẳng hạn như những điều lệnh nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường).
Khi phê bình giới kinh tế ở điểm này, Calabresi đã lập luận trong những cuộc thảo luận của mình rằng, họ nên sẵn sàng ủng hộ một số thị hiếu hơn số khác. Có thể hiểu rõ hơn bằng một giả thuyết có vẻ vô thưởng vô phạt: thà thừa còn hơn thiếu (more is usually better than less).
Nếu thế, thì xã hội nên trau dồi “bất kỳ thị hiếu hoặc giá trị nào làm tăng ham muốn đối với những thứ đang được cung cấp phổ biến trong xã hội đó – những thứ không hiếm lạ”. Ví dụ, nếu một thành phố có một công viên đẹp và rộng lớn, nó cần khuyến khích người dân quan tâm ghé thăm công viên đó.
Đó là một yêu cầu hấp dẫn, nhưng Calabresi có thể phải thận trọng hơn ở đây. Có thể việc tăng cường thị hiếu đối với nhiều mặt hàng được cung ứng phổ biến là không nên; khi xét đến các sản phẩm kẹo nhiều calo, khoai tây chiên hay phim khiêu dâm bạo lực. Lập luận của Calabresi sẽ có ý nghĩa hơn nếu hiểu rằng chúng ta cần thúc đẩy thị hiếu về những mặt hàng dễ tiếp cận, nhưng sẽ không thể làm thế nếu cho một lý do độc lập, như đạo đức hay tương tự, chống lại việc quảng bá chúng.
Pháp luật như là nền tảng lý luận
Calabresi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của “khát vọng sáng tạo”, bởi nhiều lợi ích của xã hội được tạo ra từ khát vọng đó. Ông chỉ ra giá trị của “các hoạt động nghệ thuật không chính thức” mà thông qua đó nhiều người có thể trở nên sáng tạo, thậm chí dù cho họ không có tài năng đặc biệt. Ví dụ như tham gia dàn hợp ca ở địa phương, hát karaoke, làm thủ công mỹ nghệ, và nấu ăn tại nhà.
Ông đặc biệt lo lắng khi việc nuôi dạy con ngày càng mất đi giá trị, khiến mong muốn tham gia vào các hoạt động sáng tạo của con người ngày càng bị xói mòn. Ông cho rằng xã hội nên cân nhắc kỹ lưỡng về “những điều luật khuyến khích mong muốn tham gia vào quá trình nuôi dạy con cái”. Nghỉ nuôi con được trả lương là một ví dụ.
Calabresi rất thuyết phục khi lập luận rằng giới kinh tế (và phần còn lại của chúng ta) có thể học hỏi nhiều từ những nghiên cứu thận trọng về những gì mà hệ thống pháp luật hiện đang làm, chẳng hạn như trong việc cung cấp không gian công cộng như công viên và viện bảo tàng.
Một lý do nữa là pháp luật phải giải quyết nhiều sự việc cụ thể, điều có thể buộc người ta phải đánh giá lại bất kỳ lý thuyết trừu tượng nào. Ví dụ, bạn có thể nghĩ rằng có một quyền tự do ngôn luận tuyệt đối, nhưng khi bạn gặp phải vụ việc có các mối đe dọa, khai man, hối lộ, quảng cáo sai sự thật, và tống tiền, thì bạn có thể chấm dứt suy nghĩ này với nhiều hiểu biết tinh tế hơn về những ngôn luận nào được và không được bảo vệ. Và Calabresi đã đúng khi đề nghị luật pháp nên đi theo những hướng đi có thể gây bối rối cho thành viên của trường phái Chicago.
Ví dụ, trong vụ Bang Ohio kiện Bộ Nội vụ (Ohio v. Department of Interior) nổi tiếng, tòa án liên bang đã bác bỏ yêu cầu từ phía chính phủ: đòi hạn chế khoản bồi thường thiệt hại đối với một nguồn tài nguyên thiên nhiên (khu vực hoang sơ là nơi sinh sống của động vật biển) xuống giá trị thị trường của loại tài nguyên đó.
Giá trị của môi trường sống của hải cẩu và bản thân loài này không thể được xác định bằng giá thị trường. Ảnh minh họa.
Theo quan điểm của tòa, giá trị thực sự của những tài nguyên này không thể định hình bởi giá trị thị trường thuần túy. Giá trị mà “môi trường cư ngụ của hải cẩu và chim biển” mang lại không thể dùng “giá trị thị trường của một tấm da hải cẩu để cân đo”.
Nếu bạn quan tâm đến loài hải cẩu, bạn sẽ thấy rằng đây là kết luận có tính thuyết phục. Ngay cả khi hải cẩu không liên quan đến bạn, bạn cũng có thể đồng ý rằng giá trị của một tài nguyên thiên nhiên quý không tương đương với số tiền mà người ta sẽ đồng ý chi trả cho nó.
Còn tiếp
Chú giải của người dịch
[1] Hàng hoá khuyến dụng (merit goods) là một loại hàng hoá công cộng mà người ta cho rằng ai cũng cần được tiêu dùng, bất kể thu nhập của họ là bao nhiêu, chẳng hạn giáo dục tiểu học, tiêm chủng, nước sạch…