Ai đang tiêu tiền thuế vào việc bảo vệ trẻ em?

Ai đang tiêu tiền thuế vào việc bảo vệ trẻ em?

Các vụ xâm hại tình dục trẻ em gần đây là dịp để chúng ta nhìn lại xem tiền thuế của người dân đang được sử dụng vào việc bảo vệ trẻ em như thế nào.

Luật Khoa liệt kê một số cơ quan, tổ chức nhận tiền từ người dân để làm việc về vấn đề trẻ em. Dĩ nhiên, người dân hoàn toàn có quyền đòi hỏi trách nhiệm của họ trong những vụ xâm hại tình dục trẻ em gần đây cũng như trong tương lai.

Danh sách này không bao gồm các cơ quan công an, viện kiểm sát, vốn cũng có trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em khỏi các loại tội phạm, mà chỉ đề cập đến những cơ quan, tổ chức trực tiếp liên quan đến vấn đề trẻ em.

1. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

Tổng dự toán chi ngân sách năm 2017: 32.016.760 triệu đồng.

Ông Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Ảnh: Dân Trí.

Một trong 28 nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ này là quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực trẻ em.

Cụ thể, Bộ LĐ-TB-XH chịu trách nhiệm điều phối việc thực hiện quyền trẻ em; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan, hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em và việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Bộ này cũng là đơn vị chủ trì, phối hợp thực hiện Tháng hành động vì trẻ em, chương trình, kế hoạch về trẻ em thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ cũng như Quản lý, sử dụng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.

2. Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội)

Ngân sách: Chưa rõ.

Ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em. Ảnh: TTXVN.

Cục Trẻ em là cơ quan phụ trách thực hiện các nhiệm vụ, quyền bạn của Bộ LĐ-TB-XH về trẻ em.

Trong số các nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Cục này chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các quy định của Nhà nước, của Bộ về công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em; tham gia hướng dẫn quản lý Quỹ Bảo trợ Trẻ em ở địa phương.

Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em, Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em, Diễn đàn trẻ em, Tháng hành động vì trẻ em, Tết Trung thu cho trẻ em nằm trong phạm vi quản lý của Cục này.

3. Quỹ Bảo trợ Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội)

Ngân sách từ tháng 8/2007 đến hết 2014: 3.110 tỷ đồng (bao gồm ngân sách nhà nước, viện trợ quốc tế và các nguồn huy động khác).

Ông Hoàng Văn Tiến – Giám đốc Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam. Ảnh: NFVC.org.vn.Quỹ này

được thành lập năm 1992, sau khi Việt Nam phê chuẩn Công ước Quyền trẻ em năm 1990.

Theo Luật Bảo vệ Trẻ em 2016, Quỹ Bảo trợ Trẻ em có mục đích “vận động sự đóng góp tự nguyện của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài, viện trợ quốc tế và hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.”

Theo website của Quỹ, kể từ khi được thành lập, Quỹ đã huy động được 5.000 tỷ đồng và hỗ trợ cho 30 triệu lượt trẻ em. Các hoạt động của Quỹ xoay quanh việc trợ giúp nhân đạo như hỗ trợ phẫu thuật, mua xe lăn, xây trường lớp, cấp học bổng.

Luật Khoa không có thông tin nào về hoạt động của Quỹ liên quan đến việc hỗ trợ cho trẻ bị xâm hại tình dục hay các hình thức xâm hại khác. Đây là điều cử tri có thể chất vấn về mục đích sử dụng ngân sách của Quỹ.

4. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Ngân sách: Chưa rõ.

Ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn.

Uỷ ban này hiện có 26 uỷ viên, do ông Phan Thanh Bình – đại biểu TP. Hồ Chí Minh làm chủ nhiệm.

Chức năng của Uỷ ban này cũng nằm trong số các chức năng của Quốc hội: lập hiến, lập pháp, giám sát việc thực hiện hiến pháp và pháp luật, và quyết định các vấn đề quan trọng.

Theo đó, Uỷ ban hoàn toàn có thẩm quyền tiếp nhận các thông tin về vi phạm quyền trẻ em, tiến hành các hoạt động điều tra độc lập thông qua các đoàn giám sát và yêu cầu các cơ quan chính phủ giải trình. Các phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và kỳ họp của Quốc hội là cơ hội để các vị uỷ viên của uỷ ban này chất vấn các quan chức chính phủ.

Trong một thể chế dân chủ, lá phiếu của người dân sẽ quyết định việc họ có được bầu tiếp trong nhiệm kỳ tới hay không. Cử tri có quyền liên hệ với các đại biểu này, yêu cầu họ lên tiếng, điều tra về các vụ xâm hại trẻ em. Cử tri còn có thể trực tiếp chất vấn các đại biểu này trong các cuộc tiếp xúc cử tri tại khu dân cư.

5. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

Dự toán ngân sách năm 2017: 356 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Long Hải – Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Đội Trung ương. Ảnh: doanthanhnien.vn.

Tuy là một tổ chức chính trị và nằm ngoài bộ máy nhà nước, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh hàng năm nhận hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để duy trì bộ máy và hoạt động.

Riêng Trung ương Đoàn (tức là bộ máy của Đoàn ở cấp trung ương, chưa tính bộ máy ở địa phương) dự kiến nhận được 356 tỷ đồng từ ngân sách trong năm 2017.

Đoàn Thanh niên có Ban Công tác Thiếu nhi, phụ trách việc “nghiên cứu, đề xuất các nghị quyết, chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh để tham mưu cho Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Bí thư Trung ương Đoàn triển khai thực hiện trong công tác Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, phong trào thiếu niên, nhi đồng và công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng và xây dựng Đội TNTP Hồ Chí Minh”.

6. Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh

Ngân sách: Chưa rõ.

Đội TNTP Hồ Chí Minh là một tổ chức do Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập năm 1941, hiện nay do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phụ trách.

Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương hiện nay là ông Nguyễn Long Hải, người cũng đồng thời nằm trong Ban Bí thư Trung ương Đoàn.

Ngân sách hoạt động của Đội có một phần đến từ ngân sách nhà nước. Luật Khoa không có thông tin chính xác về tỉ lệ và số tiền cụ thể mà ngân sách nhà nước rót cho tổ chức này.

Điều lệ của Đội TNTP HCM quy định quyền của đội viên như sau:

“Được Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Điều lệ Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.”

Hầu hết trẻ em trong độ tuổi đi học đều là đội viên hoặc đoàn viên, do đó, về lý thuyết, họ hoàn toàn có quyền yêu cầu hai tổ chức này bảo vệ quyền lợi của mình.

* Nguồn số liệu ngân sách: Bộ Tài chính

* Đính chính: Khi đăng bài lần đầu, Luật Khoa đã nhầm ảnh ông Hoàng Văn Tiến với một uỷ viên khác của Quỹ Bảo trợ Trẻ em. Xin cáo lỗi cùng nhân vật và bạn đọc. 

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.