Ai nuôi ta ăn học?
Tuần qua, phát ngôn của một học sinh 16 tuổi, học lớp 12 Anh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất
Vào hôm 18/5/2017, trong dịp kỷ niệm 37 năm cuộc thảm sát Gwangju ở Hàn Quốc, Quỹ Tưởng niệm Ngày 18/5 (May 18 Memorial Foundation) đã trao giải thưởng Nhân quyền Gwangju 2017 cho một sinh viên luật 25 tuổi người Thailand, Jatupat Boonpattaraksa.
Jatupat Boonpattaraksa cũng là người trẻ tuổi nhất được vinh danh trong lịch sử 17 năm của giải thưởng nhân quyền và dân chủ cao quý này của Châu Á.
Jatupat thường được biết đến qua tên gọi thân mật là Pai, hay “Pai Dao Din”. Dao Din là một tổ chức xã hội dân sự do Pai cùng các bạn của mình, là những sinh viên tại trường Đại học Khon Kaen ở vùng Đông Bắc Thailand, thành lập. Mục tiêu của Dao Din là đấu tranh đòi hỏi dân chủ tại Thailand, sau khi chính quyền quân đội (military junta) nắm quyền kiểm soát đất nước vào ngày 24/5/2014.
Liên tục từ những năm 2014 và 2015, các sinh viên thuộc nhóm Dao Din và các tổ chức sinh viên khác của Thailand đã có nhiều hoạt động phản đối chế độ độc tài của các tướng lãnh quân đội cầm quyền.
Nổi bật nhất là chiến dịch phản đối chính quyền với kiểu chào ba ngón tay từ bộ phim The Hunger’s Game.
14 thanh niên biểu tình chống chế độ quân phiệt tại Khon Kaen. Ảnh: Thailand Chatter Forum
Chính vì những hoạt động này mà Pai Dao Din cùng 13 nhà hoạt động sinh viên khác trong liên minh Phong trào Dân chủ Mới (New Democracy Movement – NDM) đã bị bắt vào tháng 6/2015, khi biểu tình phản đối chính quyền quân đội giới hạn các quyền căn bản của người dân Thailand.
Từ đó đến nay, Pai Dao Din đã nhiều lần bị bắt với các tội danh khác nhau vì những hoạt động đòi hỏi dân chủ ở Thailand.
Trao đổi với Luật Khoa tạp chí, cha của Pai Dao Din, ông Vibul Boonpatararaksa cho biết: “Pai hiện đang đối mặt với 5 tội danh khác nhau vì những hoạt động của mình. Nhưng tội danh nặng nề nhất mà anh đang bị cáo buộc là tội phỉ báng hoàng gia (lèse-majesté) và có thể sẽ bị kết án tối đa là 15 năm tù giam.”
Tuy nhiên, cha của anh cũng cho biết thêm, Pai Dao Din sẵn sàng đối mặt với mức án cao nhất chứ không chịu nhận tội để xin khoan hồng và giảm án. Có cùng quan điểm với tù nhân chính trị Anh Ba Sàm của Việt Nam, Pai Dao Din muốn vụ án của mình có thể giúp công chúng hiểu rõ hơn về sự bất cập cũng như những sai trái của quy trình tố tụng hình sự dưới sự quản lý của quân đội Thailand.
Pai Dao Din bị bắt vào ngày 3/12/2016 sau khi chia sẻ lại một bài viết từ BBC về vị vua mới của Thailand, Vajiralongkorn, trên trang Facebook cá nhân của mình. Điều đáng nói ở đây, Pai Dao Din vốn chỉ là một trong hơn 2000 người đã chia sẻ bài viết đó của BBC tại Thailand. Thế nhưng, duy nhất một mình anh bị bắt giam và bị cáo buộc tội phỉ báng hoàng gia.
Pai Dao Din, gia đình anh, cũng như giới hoạt động nhân quyền, dân chủ trong khu vực và quốc tế đều cho rằng chính quyền quân đội chỉ mượn cớ để trấn áp quyền tự do ngôn luận của Pai, và dùng vụ án của anh để gửi một lời cảnh cáo đến các nhà hoạt động sinh viên khác.
Vào ngày 4/12/2016, anh được tòa chấp nhận cho phép tại ngoại hầu tra với số tiền bảo lãnh là 400,000 Baht (khoảng 270 triệu đồng). Tuy nhiên, phía cảnh sát Thailand ngay lập tức đã cáo buộc anh có hành vi khinh miệt tòa án vì một status anh đăng tải trên Facebook sau khi được trả tự do. Do đó, lệnh tại ngoại hầu tra của Pai bị thu hồi và anh bị bắt giam trở lại vào ngày 22/12/2016.
Trong gần sáu tháng qua, tòa án đã nhiều lần từ chối các yêu cầu được tại ngoại hầu tra từ phía Pai Dao Din và các luật sư của anh mà không hề có cơ sở pháp lý. Các luật sư cho rằng, sở dĩ chính quyền sẵn sàng vi phạm luật tố tụng hình sự là vì họ muốn ngăn cản Pai Dao Din tiếp xúc với họ để bàn thảo kế hoạch bào chữa.
Cha của Pai Dao Din cho biết, mỗi cuộc gặp của anh và luật sư đều bị cảnh sát và quản giáo trại giam nghe lén. Pai cũng đã tuyệt thực nhiều lần để phản đối những sai phạm của chính quyền.
Pai Dao Din và cha mẹ tại tòa ngày 24/8/2016, sau khi được tạm thả. Ảnh: prachatai.org
Cha mẹ của Pai Dao Din, là ông Vibul Boonpatararaksa cùng vợ là bà Prim Boonpatararaksa, đã sang Gwangju, Hàn Quốc nhận giải thưởng Nhân quyền Gwangju 2017 thay cho anh.
Trước ngày trao giải hai hôm, vào ngày 16/5/2017, Đại sứ quán Thailand tại Hàn Quốc đã gửi thư cho Chủ tịch Quỹ Tưởng niệm Ngày 18 tháng 5. Trong thư có nhiều lời lẽ cáo buộc Pai Dao Din là “thành phần tội phạm, chống phá chế độ”, và vì vậy anh không xứng đáng với giải thưởng Nhân quyền Gwangju 2017.
Ngay lập tức, ngày 17/5/2017, cha mẹ của Pai Dao Din đã gửi kiến nghị đến Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thailand, Nukun Sihsobhon, yêu cầu Đại sứ quán Thailand phải chính thức và công khai xin lỗi Pai Dao Din và gia đình anh.
Lý do ông bà Boonpatararaksa đưa ra là, Pai Dao Din vốn chưa hề bị kết án, nên theo nguyên tắc suy đoán vô tội (presumption of innocence) thì việc tuyên bố anh là một tên tội phạm của Đại sứ Thailand tại Hàn Quốc là hành vi vu khống và phỉ báng anh.
Qua trao đổi, Luật Khoa tạp chí được biết cả hai ông bà Boonpatararaksa đều là luật sư nhân quyền tại Thailand. Họ cũng đã từng là những nhà hoạt động sinh viên chống độc tài từ thập niên 1970.
Vì vậy, không như nhiều nhà hoạt động trẻ tuổi khác, Pai Dao Din không hề gặp sự phản đối từ phía gia đình khi bắt đầu con đường đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền. Cha mẹ anh không những ủng hộ việc anh làm mà họ còn là luật sư đại diện cho Pai và các bạn thuộc tổ chức Dao Din của anh.
Ông bà Boonpatararaksa còn cho biết, họ sang Gwangju nhận giải thưởng cho con trai của mình một phần là vì họ muốn gặp gỡ những nhà hoạt động trẻ tuổi khác ở Châu Á cùng tham dự buổi tưởng niệm thảm sát Gwangju.
Họ tin rằng nếu Pai biết được anh còn có những người bạn trong khu vực cùng sát cánh trong công cuộc đấu tranh cho dân chủ tại Thailand thì anh sẽ cảm thấy những việc mình làm rất có ý nghĩa.
Sau khi tham dự buổi tưởng niệm thảm sát Gwangju, các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền trẻ tuổi thuộc Mạng lưới Dân chủ Châu Á (Asia Democracy Network) và một số sinh viên của Đại học SungKongHoe, Hàn Quốc, đã cùng đứng tên trong một bản kiến nghị gửi đến chính quyền Thailand, yêu cầu trả tự do cho Pai Dao Din.
Chất sinh viên của Pai Dao Din (áo đen, đeo kính) thể hiện ngay cả khi anh mới được tạm thả theo thủ tục bảo lãnh tại ngoại. Ảnh: Prachathai.
Pai Dao Din sẽ ra tòa vào mùa thu 2017 cho vụ án phỉ báng hoàng gia. Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân quyền quốc tế đều đã có thư chính thức gửi đến chính phủ Thailand lên án hành vi bắt giữ Pai Dao Din.
Tuy Pai đã bị bắt giam, nhưng tinh thần của anh vẫn đồng hành cùng các nhà hoạt động sinh viên tại Thailand, đặc biệt là các sinh viên luật và các luật sư nhân quyền trẻ, trong đó có tổ chức Thai Lawyers for Human Rights (TLHR). TLHR được thành lập năm 2014, chỉ 2 ngày sau khi quân đội tiếp quản chính phủ.
Trước việc chính quyền quân đội gia tăng đàn áp, các luật sư nhân quyền của TLHR vẫn tiếp tục công việc bảo vệ nhân quyền, đại diện cho những nhà hoạt động, và phản đối những hành vi sai trái của chính phủ. Họ đã có mặt thay Pai Dao Din tại Gwangju để gặp gỡ kết nối với các tổ chức cùng hoạt động về nhân quyền và dân chủ khác trong khu vực.
Giải thưởng Nhân quyền Gwangju được Quỹ Tưởng niệm Ngày 18/5 của Hàn Quốc thành lập để vinh danh những cá nhân hay đoàn thể, tổ chức đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền, của Hàn Quốc và cả của nước ngoài, có cùng tinh thần của những người đã ngã xuống vì dân chủ trong cuộc nổi dậy ở Gwangju năm 1980. Trong số những người đã từng được vinh danh có nhiều nhà đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền nổi tiếng tại Châu Á, như bà Aung San Suu Kyi của Miến Điện (2004) và ông Sushil Pyakurel của Nepal (2010). Vào năm 2016, giải thưởng Nhân quyền Gwangju đã đồng được trao cho bác sỹ Nguyễn Đan Quế của Việt Nam và Phong trào đòi hỏi bầu cử minh bạch Bersih của Malaysia. Bác sỹ Nguyễn Đan Quế là một trong những nhà hoạt động dân chủ đối lập nổi tiếng nhất của Việt Nam. Bác sỹ Quế từng giữ chức giám đốc điều hành Bệnh viện Chợ Rẫy trước năm 1975 và tiếp tục sau đó một năm, cho đến khi ông bị bãi chức vì đã lên tiếng phản đối các chính sách bất cập về y tế của chính quyền. Ông đã bị bắt giam nhiều lần từ năm 1978 đến nay và bị buộc tội chống chính quyền. Hiện nay, ông vẫn bị chính quyền Việt Nam quản chế và vì thế, ông đã không thể đến Gwangju năm ngoái để nhận giải thưởng. Năm nay, Tổng thống tân nhiệm của Hàn Quốc Moon Jae-in cũng đến tham dự buổi tưởng niệm thảm sát Gwangju vào ngày 18/5/2017 với 10.000 người tham gia, trong đó có cha mẹ của Pai Dao Din, Quỹ Tưởng niệm ngày 18/5, và các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền trẻ ở Châu Á. |
Tài liệu tham khảo: