‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc0:00/212.281× Được xuất bản vào
Có một thiếu sót lớn vẫn còn tồn tại trong nghiên cứu lịch sử hay nghiên cứu chính trị về Việt Nam. Đó là không có một nghiên cứu sâu rộng mang tính học thuật và khách quan về quá trình hình thành và phát triển của tư tưởng cộng sản trong nội bộ chính đảng Cộng sản Việt Nam từ trước tới nay.
Cuốn sách “Cuộc Cách mạng Cộng sản của Việt Nam: Sức mạnh và Giới hạn của Tư tưởng” (Vietnam’s Communist Revolution: The Power and Limits of Ideology), vừa được Nhà xuất bản Đại học Cambridge ra mắt năm ngoái, là một trong những nỗ lực đáng biểu dương để khắc phục thiếu sót nói trên.
Tác giả Vũ Tường, giáo sư chính trị học của Đại học Oregon (Mỹ), trong khuôn khổ 337 trang của cuốn sách, đã giúp người đọc có một cái nhìn toàn diện, nhưng không kém phần chi tiết, về quá trình phát triển của tư tưởng cộng sản tại Việt Nam. Ông nghiên cứu quá trình này từ khi nó còn là một trào lưu, một phong trào những năm 1920 cho đến khi biến thành tư tưởng chính trị chủ đạo của một đảng chính trị đang làm cách mạng, và sau đó là của một chính quyền quốc gia tồn tại suốt từ những năm 1940 đến nay.
Trong và sau cách mạng năm 1945, cũng như trong và sau chiến tranh Việt Nam, khi các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam ra quyết định thì những yếu tố nào đã tác động nhiều nhất đến họ?
Nhiều tác giả là những nhà nghiên cứu người Mỹ có xu hướng đặt nặng vai trò của Hoa Kỳ và các nước cộng sản đàn anh của Việt Nam là Liên Xô và Trung Quốc.
Theo đó, các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam có phần là những chính trị gia thực dụng, thuần túy phản ứng lại các động thái và chính sách của chính phủ Hoa Kỳ; hay có phần là những đệ tử giáo lý chăm chăm nghe theo các bậc đàn anh cộng sản hay ít nhiều chịu phụ thuộc vào các bậc đàn anh đó.
Một số nhà nhiên cứu khác thì đặt nặng tư tưởng ái quốc, dân tộc; góp phần dẫn đến một luồng ý kiến cho rằng những nhà cách mạng đầu tiên của Việt Nam “miễn cưỡng” chọn chủ nghĩa cộng sản làm công cụ để giải phóng đất nước, dân tộc. Và theo đó, lịch sử có thể đã khác nếu như Hoa Kỳ hay bất kỳ một thế lực phi cộng sản nào đã dang tay giúp đỡ các nhà cách mạng Việt Nam sớm hơn.
Đi ngược lại hai luồng ý kiến trên, tác giả Vũ Tường cho rằng cả những nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam thời kỳ đầu và những nhà lãnh đạo chính cống cộng sản sau này đều đã thật sự chủ động và độc lập trong việc xây dựng tư tưởng cộng sản tại Việt Nam và tận dụng tư tưởng này làm một công cụ chính trị.
Tác giả cho rằng tư tưởng cộng sản đã đóng ba vai trò chính trị đặc biệt quan trọng trong việc dẫn dắt tư duy của những nhà cách mạng cộng sản Việt Nam.
Thứ nhất, tư tưởng cộng sản là kim chỉ nan, là la bàn. Những người cộng sản Việt Nam làm cách mạng không chỉ muốn giải phóng dân tộc, họ thật sự trông cậy vào tư tưởng cộng sản để xác định một viễn cảnh tương lai cho đất nước mình: một viễn cảnh xã hội chủ nghĩa theo mô hình Xô Viết.
Thứ hai, tư tưởng cộng sản là keo sơn gắn kết cả nội bộ đảng và góp phần liên kết đảng với các chính quyền và các phong trào có chung tư tưởng trên thế giới.
Thứ ba, tư tưởng cộng sản là một công cụ cốt yếu để xây dựng một “chính quyền nhà nước có sự gắn kết” (a cohesive state). Trên lý thuyết, một chính quyền có sự gắn kết như thế có khả năng điều hành đất nước hiệu quả.
Giáo sư chính trị học Vũ Tường – Đại học Oregon (Mỹ). Ảnh: BBC.
Theo phân tích của tác giả, trong cả ba vai trò trên, tư tưởng cộng sản đều đã là một con dao hai lưỡi, giúp thì có, mà hại thì cũng nhiều.
“Tư tưởng cộng sản như la bàn” giúp những người cộng sản hoạch định chính sách một cách có hệ thống, có định hướng rõ rệt vốn là những yếu tố đặc biệt cần thiết trong điều kiện chiến tranh ngặt nghèo. Tuy nhiên, thói cứng nhắc giáo điều, khăng khăng tin vào tính bất khả sai lầm của chiếc la bàn lại khiến nhiều quyết định quân sự và ngoại giao của những người cộng sản trở nên có hại hơn là có lợi trong rất nhiều thời điểm lịch sử.
“Tư tưởng như keo sơn” giúp giữ vững đoàn kết nội bộ và kêu gọi trợ giúp quốc tế. Nhưng cũng chính các bất đồng tư tưởng bên trong bản thân hệ thống tư tưởng cộng sản Marx-Lenin, và bất đồng tư tưởng giữa hai quốc gia cộng sản đàn anh Trung Quốc và Liên Xô, khiến cho những người cộng sản Việt Nam khốn khổ nhiều lần.
“Tư tưởng như công cụ xây dựng nhà nước” chỉ có ích cho bản thân những người cộng sản cầm quyền, trong khi nhiều lần gây hại cho dân chúng qua những chính sách kinh tế thảm họa, vốn làm đình trệ đất nước trong nhiều mặt.
Một thế mạnh nghiên cứu mà tác giả Vũ Tường thể hiện rõ ràng nhất trong cuốn sách, có lẽ nằm ở việc ông là một người Việt Nam, đã sống dưới chế độ cai trị của những người cộng sản tại Việt Nam từ khi còn nhỏ cho đến khi học hết đại học.
Các kiến thức, kỹ năng nghiên cứu và phân tích chính trị học hiện đại mà tác giả Vũ Tường xây dựng được qua nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy trong môi trường học thuật Mỹ giúp cho các nghiên cứu trong cuốn sách trở nên bài bản, chắc chắn, và khách quan, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế về nghiên cứu chính trị học.
Chính cái tai nghe hiểu bản ngữ, mức độ am hiểu văn hóa bản xứ, và những gắn kết, trải nghiệm thực tế lâu năm đã giúp cho tác giả Vũ Tường có một thế mạnh vượt trội hơn so với những nhà nghiên cứu cùng đề tài vốn không phải người Việt Nam, hay chưa có nhiều năm sống và nghiên cứu tại Việt Nam.
Thế mạnh này đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển tải được đầy đủ nhất nội dung các bằng chứng sử liệu Việt ngữ thành các phân tích và đánh giá trong nghiên cứu của cuốn sách.
Nhưng có lẽ điểm yếu của cuốn sách lại đến từ chính những nguồn bằng chứng sử liệu ấy.
Ba nguồn bằng chứng sử liệu Việt ngữ được tác giả sử dụng là: bộ 54 tập văn kiện đảng do đảng Cộng sản Việt Nam xuất bản từ 1998 đến 2007; nhiều báo chí chính thống, tạp chí, sách xuất bản trong nước; và nhiều nhật ký riêng, hồi ký của các quan chức, nhà báo, hay nhân vật cộng sản đã được xuất bản cả trong và ngoài nước.
Nguồn tài liệu văn kiện đảng này đã được chính đảng Cộng sản chọn lọc, hiệu đính, và xuất bản một cách có chủ đích. Tác giả hoàn toàn nhìn nhận được việc này và có cảnh giác khi sử dụng sử liệu.
Tuy nhiên, vẫn phải nhìn nhận là tính khả tín của nguồn sử liệu văn kiện đảng này vẫn phụ thuộc khá nhiều vào kỹ năng chắt lọc và kinh nghiệm của người nghiên cứu, cũng như lòng tin của người nghiên cứu vào “cái tâm” của những biên tập viên và quan chức cộng sản có liên quan đến quá trình xuất bản công khai bộ văn kiện đảng này.
Các nguồn báo chí chính thống và sách vở trong nước không tránh khỏi ảnh hưởng kiểm duyệt và tuyên truyền của đảng Cộng sản; trong khi các nguồn nhật ký, hồi ký thì không tránh khỏi ảnh hưởng từ yếu tố chủ quan và mong muốn cá nhân của chính mỗi người viết.
Tác giả đã đối chiếu cẩn thận giữa các nguồn để giúp đưa đến những nhận định có cơ sở nhất. Tuy nhiên, công việc đối chiếu rất nhiều nguồn tư liệu này khó mà có thể được làm một cách hoàn hảo và trọn vẹn nhất chỉ bởi một nhà nghiên cứu.
Cho dù có cảm thấy luận điểm của tác giả Vũ Tường thuyết phục hay không, người đọc nào cũng sẽ thu nhận được lợi ích từ nhiều nội dung trong cuốn sách này.
Cuốn sách giúp người đọc hiểu biết thêm về phương pháp phân tích nghiên cứu lịch sử và chính trị, trong bối cảnh cụ thể là mổ xẻ tư tưởng qua các thời kỳ của đảng Cộng sản Việt Nam, một đảng phái vẫn luôn phải chịu một số phận tương tự như những người sáng lập ra nó: hoặc là được tuyên truyền tô hồng đỏ thắm, hoặc là bị chỉ trích xỉ vả bôi đen, thay vì được nghiên cứu khách quan và công tâm.
Cuốn sách cũng mang lại những chỉ dẫn đầy giá trị về ngành khoa học chính trị Việt Nam, một ngành học rất cần có thêm nhiều người học và thêm nhiều chuyên gia nghiên cứu.
Phần cảm tạ đầu cuốn sách đọc nghe như một trang Who’s Who tổng hợp các tên tuổi, cả giới học giả lẫn không học giả, mà bất kỳ ai nghiên cứu chính trị Việt Nam phải biết đến và theo dõi.
Còn phần thư mục cuối cuốn sách, ghi lại tất cả các nguồn tư liệu học thuật mà tác giả đã sử dụng, có lẽ nên là điểm bắt đầu cho mỗi nhà khoa học chính trị Việt Nam tương lai.
Xem thêm: