Thurgood Marshall, thẩm phán da màu đầu tiên của Tối cao Pháp viện Mỹ

Thurgood Marshall, thẩm phán da màu đầu tiên của Tối cao Pháp viện Mỹ
Thẩm phán Thurgood Marshall (Ảnh: tes.com)

Ngày này (30/8) cách đây 50 năm, Thurgood Marshall, một luật sư người Mỹ gốc Phi đấu tranh vì dân quyền, đã được bổ nhiệm vào Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.

Thurgood Marshall là vị thẩm phán da màu đầu tiên của Tối cao Pháp viện trong lịch sử 228 năm tồn tại của tòa án cao nhất nước Mỹ này. Nước Mỹ phải đợi thêm 42 năm sau, mới có được một vị thẩm phán da màu thứ hai. Bà Sonia Sotomayor mới chỉ được bổ nhiệm gần đây, vào năm 2009.

Sinh ra và lớn lên trong thời đại mà người da màu tại Hoa Kỳ đang đứng lên đấu tranh giành quyền bình đẳng bằng các cuộc bạo động hay biểu tình, Marshall đã chọn cho mình một cách đấu tranh riêng ít ồn ào hơn nhưng cũng không kém phần gian khổ: đấu tranh nhân quyền bằng con đường luật pháp.

Con đường đó cuối cùng đã đưa ông đến tòa án cao nhất nước Mỹ như thế nào?

Bích họa Lincoln ban hành Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ năm 1863, và một gia đình da đen tại Mỹ năm 1907 (Nguồn ảnh: Columbia State Library; aeon.com/Library of Congress)

Cuộc đấu tranh giải phóng nô lệ của nước Mỹ đã kết thúc một cách bi tráng bằng chiến thắng năm 1865 của vị Tổng thống giải phóng nô lệ Abraham Lincoln trước các bang miền Nam đòi giữ nô lệ trong cuộc Nội chiến Mỹ.

Tuy nhiên, người da màu ở Mỹ giành được tự do, nhưng chưa giành được bình đẳng. Họ vẫn bị xem là những công dân hạng hai, hạng ba, thậm chí thấp hơn, trên chính đất nước của mình. Sự bất bình đẳng vì phân biệt chủng tộc vẫn cuốn đa số người da màu vào một vòng xoáy của nghèo khó và chậm phát triển trong rất nhiều năm sau Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ.

Một bồn nước chia ra hai bên, một cho người da trắng, một cho người da màu tại một khách sạn ở Mỹ (ảnh dưới). Phía trên, hai lớp học khác biệt: một của trẻ con da trắng (trái) và một của trẻ con da màu (phải). (Ảnh: pbs.com; Wheaton Academy US History; Mondadori Archive/Getty)

Bất bình đẳng chủng tộc tại nước Mỹ những năm đầu thế kỷ 20 không chỉ là một hiện tượng xã hội tự phát. Tình trạng phân biệt chủng tộc (racial segregation) diễn ra sâu rộng một cách có hệ thống, và phần lớn là do áp đặt của chính những người da trắng vốn nắm các quyền chính trị và ưu thế kinh tế trong xã hội Mỹ.

Người da màu không được phép tiếp cận các dịch vụ dành riêng cho người da trắng. Đồng thời có một cách biệt lớn về chất lượng dịch vụ cho người da trắng và người da màu. Người da màu dĩ nhiên không được hưởng những đầu tư chất lượng như của người da trắng, bao gồm cả trong mặt giáo dục công cộng.

Trẻ em da màu Mỹ phải học trong các trường công tồi tàn, thiếu thốn sách vở và giáo viên giỏi. Trong khi đó, trường công cho trẻ da trắng (cũng được vận hành bằng tiền thuế của người dân Mỹ vốn bao gồm cả đóng góp của người da màu) thì chất lượng, khang trang sạch sẽ và đầy đủ cơ sở vật chất.

Thurgood khi còn bé (ảnh giữa) và ông bà Marshall. Bên dưới, thành phố Baltimore đầu thế kỷ 20. (Nguồn ảnh: historyinphotos.blogspot.ca; Sách Thurgood Marshall của Lisa Aldred & Heather Lehr Wagner, Series Black Americans of Achievement)

Chú bé Thoroughgood (tên khai sinh của Thurgood, nghĩa là Hoàn Thiện, Hoàn Hảo) ra đời ngày 2/7/1908 trong một bối cảnh xã hội như vậy. Cậu sinh ra tại khu người da đen, ở tách biệt với khu người da trắng trong cùng thành phố Baltimore, bang Maryland.

Gia đình Marshall không giàu có gì. Ông William Marshall, cha của Thurgood, là một công nhân hỏa xa. Còn mẹ cậu, bà Norma Marshall, là một giáo viên tiểu học. Nhưng ngay từ khi chú bé Thurgood ra đời, cha mẹ cậu đã luôn dành cho cậu những chăm sóc và kỳ vọng tốt nhất.

Ông William học không hết tiểu học, nhưng là một con người sắc sảo. Ông thích theo dõi tin tức về các phiên tòa xử án trên báo chí. William là người đầu tiên dạy chú bé Thurgood tranh luận logic, cãi lý dùng chứng cứ đàng hoàng thay vì cãi cùn, và cũng là người đầu tiên dạy chú bé Thurgood không chấp nhận tình trạng phân biệt chủng tộc của nước Mỹ.

Bà Norma là một cô giáo tiểu học biết chơi piano, nghiêm khắc và có cá tính mạnh mẽ nhưng luôn hòa nhã. Bà rèn chú bé hiếu động Thurgood học hành tới nơi tới chốn và mong chú bé sẽ trở thành một nha sỹ.

Cậu học sinh trung học Thurgood Marshall năm 1925. Và cùng với các bạn ở đại học Lincoln. (Nguồn ảnh: Sách Thurgood Marshall của Lisa Aldred & Heather Lehr Wagner, Series Black Americans of Achievement)

Thurgood khá ngỗ nghịch. Một ngày nọ, cậu bị thầy hiệu trưởng trường tiểu học bắt chịu phạt: đọc thuộc lòng một đoạn trong Hiến pháp Hoa Kỳ thì mới được về nhà.

Thurgood ôm cuốn Hiến pháp Mỹ, học thuộc được một đoạn và thoát. Tuy nhiên, những gì cậu được đọc trong Hiến pháp đã vương lại nơi tâm trí cậu, và nhen nhóm trong cậu những mối quan tâm đầu tiên về “bình đẳng” và “luật pháp”.

Chú bé Thurgood-hay-cãi (giống y chang ông bố) luôn là một học sinh khá giỏi những năm trung học.

Năm 1925, khi vừa tròn 17 tuổi, Thurgood đậu vào trường đại học Lincoln dành riêng cho người da màu.

Nhà thơ nổi tiếng Langston Hughes, một bạn học đại học, nhớ lại rằng chàng sinh viên ngành văn học và triết học Thurgood là “thằng ồn ào nhất ký túc xá”, “tốt tính”, “thô tục”, “bỗ bã”, và “luôn sẵn sàng” cho mọi thứ.

Thurgood thời sinh viên chơi nhiều hơn học, nhưng vẫn đảm bảo điểm số thuộc loại ổn. Anh đặc biệt đọc rất nhiều sách và bắt đầu tham gia các hoạt động chính trị xã hội.

Thurgood tham gia đội thi tranh luận của trường, giành được khá nhiều chiến thắng và được tặng cho hỗn danh “Marshall Thịnh Nộ”.

Năm 1929, đội bóng trường Lincoln thi đấu thảm hại. Marshall Thịnh Nộ giành sân khấu trong buổi họp mặt trước một trận bóng và phát biểu một tràng 20 phút cổ vũ, thổi bùng tinh thần các cầu thủ. Trận đó đội bóng trường Lincoln có màn thi đấu tốt nhất trong năm.

Thurgood còn tham gia một cuộc biểu tình chống chính sách phân chia ghế ngồi theo chủng tộc của một rạp chiếu bóng địa phương. Anh cũng thường xuyên cùng các bạn sinh viên tranh luận về tình trạng phân biệt chủng tộc trong giáo dục tại Mỹ.

Tòa nhà chính của trường đại học Howard. Marshall thời học luật. (Nguồn ảnh: ghostsofdc.org, indiewire.com)

Khi tốt nghiệp đại học năm 1930, Thurgood Marshall đã xác định anh sẽ không trở thành một nha sỹ. Nghề luật mới chính là tương lai cho những khát vọng chính trị và xã hội của anh.

Vừa tốt nghiệp xong đại học, Thurgood thi đậu vào trường luật đại học Howard (ở Mỹ, sinh viên chỉ có thể theo học chương trình luật sau khi hoàn thành bậc đại học). Trường Howard, thành lập năm 1867, là trường đại học tốt nhất dành cho người da màu vào thời điểm đó.

Chàng sinh viên luật Thurgood, bấy giờ đã có vợ, cũng không còn là cậu sinh viên nghịch ngợm nữa. Anh dậy sớm từ năm giờ rưỡi sáng mỗi ngày để đi tàu hỏa đến trường luật, học tới chiều thì đi làm thuê bán thời gian, rồi tối về lại “cày” những quyển sách luật dày như từ điển. Cũng bởi vậy mà Thurgood sụt mất chín ký.

Tuy nhiên, những nỗ lực đó giúp anh trở thành sinh viên đứng đầu trường luật và được tuyển vào làm trợ lý thủ thư của thư viện trường Howard.

Thurgood vẫn không mất đi tinh thần nghịch ngợm của mình. Những năm tháng học luật gian khổ, “cậu ta giữ hai cá tính. Một cá tính rất nghiêm nghị, và một cá tính rất điên khùng.” – một bạn học của anh nhớ lại.

Luật sư Charles Hamilton Houston tại trường đại học Howard (trái). Và ngồi cùng với luật sư trẻ Thurgood Marshall trong một phiên tòa. (Nguồn ảnh: Sách Thurgood Marshall của Lisa Aldred & Heather Lehr Wagner, Series Black Americans of Achievement)

Cũng trong thời gian theo học tại Howard, anh làm quen được với giảng viên Charles Houston – vị luật sư khét tiếng trong làng luật sư da màu, mà về sau trở thành người thầy trọn đời (mentor) của Thurgood.

Houston sinh năm 1895, tốt nghiệp trường luật đại học Harvard, là vị phó hiệu trưởng trường luật đại học Howard nổi tiếng nghiêm khắc.

Khi tôi nói các anh về đọc 10 án lệ, là tôi mong đợi các anh phải đọc 20 án lệ!” – Houston đã mắng sinh viên của mình như vậy, theo lời thuật của một vở kịch về Thurgood Marshall năm 2006.

Houston đã sớm nhận ra một trong những cách hiệu quả nhất để xóa nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ: thách thức các chính sách  phân biệt chủng tộc tại tòa án, tận dụng luật pháp và Hiến pháp Hoa Kỳ để kiên nhẫn từng bước đấu tranh, xóa bỏ từng đạo luật phân biệt chủng tộc.

Houston rèn luyện cho các sinh viên luật trường Howard theo đúng triết lý ấy: học luật không chỉ để yên ổn làm luật sư trong khi những con người cùng màu da với mình vẫn đang bị đối xử tệ bạc. Học luật chính là để thay đổi vận mệnh quốc gia, bằng con đường tranh tụng kiên cường và lâu dài tại tòa án.

Marshall và các bạn học trường luật Howard đều tham gia vào việc nghiên cứu, soạn thảo giấy tờ giúp cho các vụ kiện chống chính sách phân biệt chủng tộc đang được xử tại nhiều tòa án trên nước Mỹ. Những kinh nghiệm quý báu này rồi sẽ giúp Marshall trở thành một luật sư tranh tụng xuất sắc.

Hình chụp hội NAACP trước tổng hành dinh đóng tại thành phố Baltimore, bang Maryland và luật sư tranh tụng Thurgood Marshall (Nguồn ảnh: naacp.com; diasporicroots.tumblr.com)

Thurgood Marshall tốt nghiệp và thi đậu vào luật sư đoàn bang Maryland năm 1933. Ông mở văn phòng luật ngay tại thành phố Baltimore quê nhà.

Năm 1934, Thurgood Marshall bắt đầu sự nghiệp đấu tranh lâu dài của mình – chống phân biệt chủng tộc bằng luật pháp – bằng cách chính thức trở thành luật sư tranh tụng đại diện cho tổ chức Hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu (National Association for the Advancement of Colored People – NAACP).

NAACP được thành lập năm 1909, là tổ chức dân sự đấu tranh đòi dân quyền (civil rights) cho người da màu tại Mỹ. Hoạt động bằng tiền quyên góp cộng đồng, NAACP tập trung vào việc vận động, tuyên truyền giáo dục, vận động hành lang (lobby), tư vấn và đấu tranh pháp lý để giành lại quyền bình đẳng cho người da màu.

Cùng với NAACP, Thurgood Marshall đã tham gia những vụ kiện đình đám nhất, góp phần bãi bỏ các luật và chính sách phân biệt chủng tộc tại Mỹ.

Marshall trở thành luật sư trưởng của NAACP năm 1940. Trong vai trò này, ông vừa là luật sư tranh tụng chính trong các phiên tòa, vừa là người hoạch định chiến lược đấu tranh pháp lý lâu dài cho tổ chức.

Marshall cùng đội luật sư NAACP (hình trên). Và trong vòng vây những người ủng hộ trong một vụ kiện năm 1956 (Nguồn ảnh: encyclopediaofalabama.org; amazon.com; pbs.com)

Trong sự nghiệp 25 năm làm việc cho NAACP của mình, Thurgood Marshall gây được tiếng vang nhờ phong cách tranh tụng mạnh mẽ, quyết đoán, cũng như những phát biểu đầy cá tính của ông bên ngoài phòng xử án. Ông được quần chúng và truyền thông Mỹ gọi bằng một biệt danh mới, Ông Dân Quyền (Mr Civil Rights).

Chiến thắng nổi bật nhất của Marshall và NAACP là trong vụ kiện sẽ thành án lệ lừng danh Brown kiện Ủy Ban Giáo Dục (Brown v. Board of Education) năm 1954.

Brown, một người thợ hàn tại thành phố Topeka bang Kansas, thay mặt một nhóm phụ huynh, kiện Ủy ban giáo dục thanh phố Topeka ra tòa vì cho rằng chính sách phân biệt chủng tộc, chia riêng trường công cho dân da màu và trường công cho dân da trắng của hệ thống trường công của thành phố Topeka là vi hiến và trái luật.

Kháng án lên đến Tối cao Pháp viện, vụ Brown kiện Ủy Ban Giáo Dục  được phối hợp xử chung với bốn đơn kiện khác đều có liên quan đến chính sách giáo dục phân biệt chủng tộc. Cả năm đơn kiện đều được tư vấn và gây quỹ hỗ trợ pháp lý bởi NAACP.

Báo chí Mỹ đưa tin quyết định Brown kiện Ủy ban giáo dục. Thurgood Marshall cùng đội luật sư của NAACP bên ngoài Tối cao Pháp viện sau một phiên xử (Nguồn ảnh: Cecilia Page/Sutori.com ; hope-albion-historyproject.com)

Sau ba ngày tranh luận căng thẳng và hơn bốn tháng nghị án, ngày 17/5/1954, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ xử thắng cho Brown và các nguyên đơn.

Các chính sách phân biệt chủng tộc trong hệ thống trường công của các bang trên toàn nước Mỹ đều vi phạm các nguyên tắc về bình đẳng của Hiến pháp Hoa Kỳ, gây hại cho các học sinh da màu, và theo đó không thể tiếp tục tồn tại dưới bất kỳ hình thức nào.

Chiến thắng pháp lý này làm nức lòng những người phản đối nạn phân biệt chủng tộc bao nhiêu thì cũng làm tức giận những người da trắng ủng hộ việc phân chia da trắng – da màu bấy nhiêu.

Công cuộc đấu tranh chống nạn phân biệt chủng tộc từ năm 1954 vẫn dai dẳng, nhưng nay, nhờ công sức Thurgood Marshall và các đồng đội tại NAACP, luật pháp Mỹ đã chính thức đứng về phía những người da màu.

Tổng cộng từ năm 1934 đến năm 1961, Thurgood Marshall cãi 32 vụ tại Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ và giành chiến thắng trong 29 vụ, một thành tích đáng nể (Chánh án hiện nay của Tối cao Pháp viện Mỹ, John Roberts, có thành tích 25 chiến thắng trên 39 vụ).

Thurgood Marshall tuyên thệ trở thành thẩm phán liên bang năm 1961 (trái). Thurgood Marshall bắt tay Tổng thống Lyndon Johnson (phải) (Nguồn ảnh: nydailynews.com; thurgoodmarshall.com)

Thành tích nghề nghiệp lừng lẫy giúp Thurgood Marshall trở thành một ứng cử viên sáng giá cho chức vụ thẩm phán.

Năm 1961, Tổng thống John Kennedy bổ nhiệm Thurgood Marshall làm thẩm phán Tòa Thượng thẩm Khu vực Hai (Court of Appeals for the Second Circuit). Quyết định bổ nhiệm này được Thượng viện Hoa Kỳ thông qua.

Marshall giữ vị trí này (bất chấp phản đối quyết liệt của chính trị gia các bang ủng hộ chính sách phân biệt chủng tộc) cho đến năm 1965. Trong vòng bốn năm làm thẩm phán, ông đưa ra 100 phán quyết. Không có phán quyết nào bị cấp tòa cao hơn là Tối cao Pháp viện đảo ngược. Một con số đáng nể khác góp phần khẳng định năng lực hành nghề của ông.

Năm 1965, Marshall được Tổng thống Lyndon Johnson bổ nhiệm làm luật sư trưởng (solicitor general) của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (Justice Department), theo đó ông sẽ làm luật sư tranh tụng chính của chính phủ Mỹ trong các vụ kiện chống lại chính phủ.

Làm nhà nước cũng “ngon” không kém làm tư nhân. Trong hai năm, tổng cộng luật sư trưởng Thurgood Marshall giúp chính phủ Mỹ cãi thắng 14 trên 19 vụ được xử tại Tối cao Pháp viện.

Thurgood Marshall cùng Tổng thống Johnson, và Tối cao Pháp viện Mỹ (Nguồn ảnh: Lyndon B. Johnson Museum & Library; huffingtonpost.com)

Ngày 12/6/1967, thẩm phán Tom Clark của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ từ nhiệm để tránh xảy ra mâu thuẫn lợi ích khi con trai của ông này, Ramsey Clark, vừa được bổ nhiệm làm Tổng chưởng lý (Attorney General) lãnh đạo Bộ Tư pháp Hoa Kỳ.

Tổng thống Johnson lập tức đề cử Thurgood Marshall, lúc ấy đang làm luật sư trưởng của Bộ Tư pháp, lên làm thẩm phán Tối cao Pháp viện thay thế Clark.

Quyết định của Johnson làm rúng động nước Mỹ. Tối cao Pháp viện sẽ có vị thẩm phán da màu đầu tiên chăng? – Giới báo chí Mỹ xôn xao.

110 năm trước đó, Roger Taney, một người da trắng đồng hương bang Maryland với Thurgood Marshall, cũng từng được bổ nhiệm làm thẩm phán Tối cao Pháp viện.

Taney chính là người viết quyết định án lệ lịch sử vụ Dredd Scott năm 1857, tuyên rằng người da đen không phải là “tài sản” của người da trắng, nhưng cũng không phải là những công dân được Hiến pháp Mỹ bảo vệ và theo đó, có tư cách pháp lý để kiện tụng về bất cứ bất công gì tại Mỹ.

Nay, Thurgood Marshall, người có ông ngoại sinh ra trong kiếp nô lệ, liệu có trở thành người da đen đầu tiên ngồi trong Tối cao Pháp viện?

Thurgood Marshall trong một phiên điều trần liên quan đến việc bổ nhiệm ông tháng 7/1967 (Nguồn ảnh: newsday.com/AP)

Để được bổ nhiệm làm thẩm phán Tối cao Pháp viện, Thurgood Marshall phải được một đa số trên 50% thượng nghị sỹ trong Thượng viện Hoa Kỳ bỏ phiếu đồng ý bổ nhiệm.

Đảng Dân chủ (Democratic Party) của Tổng thống Johnson đang nắm đa số trong Thượng viện, nhưng để Marshall được đồng thuận bổ nhiệm lại không hề dễ dàng: một số không nhỏ các thượng nghị sỹ đảng Dân Chủ đến từ các bang miền Nam, nơi vốn ủng hộ các chính sách phân biệt chủng tộc mà Thurgood Marshall đã dành cả đời mình tìm cách xóa bỏ.

Trong mắt các chính khách miền Nam đó, Marshall vẫn luôn là một tay hoạt động đấu tranh xã hội (activist), chứ không phải là một vị thẩm phán mực thước nghiêm minh, để có thể đặt các quyết định tòa án lên trên những tranh đấu chính trị. Sự trung dung chính trị luôn là một yêu cầu cực kỳ nghiêm ngặt dành cho tòa án cao nhất nước.

Bảng thành tích chói lọi của Marshall cũng chẳng giúp được gì nhiều nhặn. Trong năm phiên điều trần căng thẳng vào tháng 7 và tháng 8/1967, Thượng viện Hoa Kỳ đã chất vấn Marshall cặn kẽ về quá khứ sự nghiệp và các quan điểm pháp lý của ông.

Vị luật sư với kinh nghiệm hơn 30 năm chinh chiến đã không hề tỏ ra nao núng hay nóng giận. Ông trả lời rành mạch bình thản, và luôn biết tỏ thái độ trung dung, không tiết lộ quan điểm cá nhân, mỗi khi bị các thượng nghị sỹ vặn hỏi về việc ông có thể quyết định thế nào trong một số kịch bản cụ thể.

Thẩm phán Thurgood Marshall cùng gia đình khi tuyên thệ vào Tối cao Pháp viện (Nguồn ảnh: AP Photo/Henry Griffin)

Ngày 30/8/1967, trong một quyết định lịch sử, 69% thượng nghị sỹ tại Thượng viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu chấp thuận bổ nhiệm Thurgood Marshall làm thẩm phán Tối cao Pháp viện.

37 thượng nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ cầm quyền đã cùng 32 thượng nghị sỹ thuộc đảng Cộng hòa đối lập (Republican Party) tạo thành nhóm đa số ủng hộ Marshall. Chỉ có 11 thượng nghị sỹ bỏ phiếu chống và 20 thượng nghị sỹ không bỏ phiếu.

Thẩm phán Marshall tuyên thệ nhậm chức ngày 2/10/1967.

Sau hàng trăm năm dài tranh đấu, từ vị thế nô lệ, thành người tự do, và sau cùng là người bình đẳng, người da màu trên nước Mỹ đã được nhìn thấy một thành viên của họ bước vào nhóm 11 vị thẩm phán của tòa án cao nhất đất nước này.

Ở tuổi 59, sau 34 năm trong nghề luật, Thurgood Marshall – chú bé bị phạt phải học thuộc lòng Hiến pháp năm nào, Marshall Thịnh Nộ, Ông Dân Quyền – đã trở thành vị thẩm phán da màu nổi tiếng và được kính trọng nhất trên nước Mỹ.

Con đường hành nghề đã đưa ông qua tất cả các cấp tòa án, những nơi ông đã dùng kỹ năng và kiến thức nghề luật của mình để đưa đến những chiến thắng và quyết định pháp lý quan trọng, làm thay đổi bộ mặt xã hội Hoa Kỳ.

Thẩm phán Marshall làm việc trong Tối cao Pháp viện cho đến khi về hưu năm 1991. Ông qua đời hai năm sau đó ở tuổi 84.

Chú thích: Bài đã được sửa lại chi tiết về thẩm phán Sonia Sotomayor khi đăng lại vào ngày 2/10/2017. Chúng tôi xin cảm ơn độc giả Trần Trung Thanh.

Tài liệu tham khảo:

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.