Vai trò của các nữ thẩm phán Trung Quốc thời Hậu Mao

Vai trò của các nữ thẩm phán Trung Quốc thời Hậu Mao
Các nữ thẩm phán Trung Quốc tại một kỳ họp cùng Quốc hội năm 2005. Ảnh: Gettyimages

Luật Khoa tạp chí lược dịch từ bài viết Women Judges in Post-Mao China, How much do we know about them của tác giả Anqi Shen được đăng ngày 21/7/2017 trên trang CPI Analysis, và được báo The News Lens International đăng lại ngày 29/7/2017. 

***

Nữ thẩm phán Trung Quốc, họ là những ai?

Luật Thẩm phán Trung Quốc năm 1995 (Judges Law 1995) quy định thẩm phán phải là người Trung Quốc trên 23 tuổi, trung thành với Hiến pháp, có phẩm chất nghề nghiệp và chính trị đúng đắn, cũng như phải có đạo đức và sức khỏe tốt. Bộ Luật này còn đưa ra những quy chuẩn cụ thể về học vấn và kinh nghiệm làm việc của những ứng cử viên phù hợp. Tuy nhiên, không có bất kỳ sự phân biệt gì giữa nam và nữ.

Tại Trung Quốc, các thẩm phán là cán bộ nhà nước (civil servants), thế nên họ không có được vị thế tinh hoa như giới thẩm phán ở các quốc gia phát triển phương Tây.

Nhưng không giống các nữ thẩm phán ở phương Tây đã từng bị cấm học luật và hành nghề cho đến tận những năm đầu của thế kỷ 20, phụ nữ Trung Quốc chưa bao giờ hoàn toàn bị loại ra khỏi không gian pháp lý tại đây.

Vì những lý do lịch sử, các cán bộ xét xử (judicial officers) trong những ngày mới thành lập nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (People’s Republic of China – PRC) đã được chọn từ những sĩ quan quân đội, và vì thế, con số nam giới đã từng chiếm phần lớn.

Tuy nhiên, việc bổ nhiệm có phần bất bình đẳng về giới tính dường như chỉ là tạm thời bởi yếu tố hoàn cảnh khi đó. Không có bất kỳ bằng chứng nào có thể khiến cho chúng ta tin rằng hệ thống tòa án tại Trung Quốc là một môi trường làm việc chỉ dành riêng cho phái nam.

Các nam nữ thẩm phán Trung Quốc trong đồng phục của mình đã tham gia cùng đoàn biểu tình đòi dân chủ hóa tại Thiên An Môn vào tháng 5/1989. Ảnh: Gettyimages

Ngày nay, các thẩm phán Trung Quốc, cả nam lẫn nữ, đều được chiêu mộ từ các trường đại học luật. Họ là những thanh niên nam nữ với vốn xã hội hạn hẹp, nhưng lại có những đặc tính chung về bối cảnh xuất thân. Và hậu quả điều này mang lại đó là, chúng ta luôn nhìn thấy một con số tương tự giữa các vị thẩm phán nam và nữ trong số những người đứng đầu và thường xuyên đóng vai trò xét xử ở Trung Quốc.

Do đó, nếu chúng ta dùng sự lên ngôi của nữ quyền, bằng cách chỉ theo dõi vai trò mà giới tính đã tác động thế nào đến quân bình giới và mối quan hệ giữa các giới trong một nghề nghiệp mang tính chuyên môn cao như đã từng được làm tại các nước khác, ví dụ như Pháp, thì đó không phải là một sự miêu tả chính xác về hình ảnh của nghề thẩm phán tại Trung Quốc.

Không nghi ngờ gì, hệ thống chiêu mộ và huấn luyện thẩm phán tại Trung Quốc đang được cải thiện, và điều này khiến cho vấn đề bình đẳng giới dường như không còn là một mối quan ngại nữa. Tuy nhiên, nếu như chúng ta nhìn kỹ hơn, thì vẫn còn đó những rào cản vô hình đối với những nữ thẩm phán muốn tiến xa hơn trong nghề nghiệp của mình.

Dù cho việc phụ nữ tham gia vào các chức vụ quản lý và lãnh đạo trung cấp không còn là điều gì phải khiến người ngạc nhiên. Nhưng cũng như các phụ nữ sống ở các thể chế khác, một thứ trần dát kính (glass ceiling) vẫn còn tồn tại và cản trở nữ thẩm phán Trung Quốc trở thành những nhà lãnh đạo cao cấp.

Trước hết, các nữ thẩm phán Trung Quốc có nhiều thứ trách nhiệm xã hội đối với gia đình khiến cho họ thêm vướng bận, và điều không thể tránh khỏi là những mối ràng buộc này hoặc sẽ là sức ỳ, hoặc sẽ gây khó dễ cho việc truy cầu những thăng tiến trong nghề nghiệp.

Tại Trung Quốc, các nữ thẩm phán nói riêng và các phụ nữ làm trong những ngành nghề mang tính chuyên môn cao nói chung, đều bị xã hội kỳ vọng là sẽ vừa thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với gia đình – vốn dĩ bị mặc định là trách nhiệm của phụ nữ – vừa hoàn thành tốt công việc tại nhiệm sở như các nam đồng nghiệp.

Tệ hơn, biểu hiện tại nơi làm việc của họ thông thường cũng do nam giới – là những người nắm các chức vụ quyền lực – đánh giá. Chính những sự kỳ vọng cao quá mức đối với phụ nữ đã khiến họ trở nên càng thiệt thòi.

Hiện nay, cứ hai trong số 17 vị trí lãnh đạo của Tòa án Nhân dân Tối cao là thuộc về các nữ thẩm phán, trong khi chưa bao giờ phụ nữ được bầu vào vị trí Chủ tịch nước tại Trung Quốc.

Mô hình lãnh đạo của hệ thống tòa án tại Trung Quốc là một phần của hệ thống chính trị tại đây, vốn phần lớn vẫn dựa trên các chuẩn mực của một xã hội gia trưởng.

Vậy các nữ thẩm phán làm những công việc gì ở Trung Quốc?

Thẩm phán nam nữ tại Trung Quốc phải tham gia vào đủ loại công việc – một số có liên quan đến hoạt động tòa án, và một số là những hoạt động ngoài lề – mà xã hội kỳ vọng họ sẽ làm.

Các công việc liên quan đến tòa án thì thông thường là những hoạt động mang tính dây chuyền, ví dụ như thẩm định hồ sơ vụ án, xem xét về thẩm quyền thụ lý của tòa, phê chuẩn những thỏa thuận nhận tội, chuẩn bị cho phiên xử, tham gia quá trình xét xử, chuẩn bị cho việc tuyên án, và cuối cùng là tuyên án.

Các nữ thẩm phán Trung Quốc tại một sự kiện kỷ niệm Quốc tế Phụ nữ 8/3/2010. Ảnh: china.org.cn

Ngoài ra, các thẩm phán Trung Quốc còn phải tham gia vô số các hoạt động ngoài giờ làm việc. Chẳng hạn như giảng dạy pháp luật thường thức cho một nhóm khán giả đặc biệt nào đấy, hoặc là công chúng nói chung. Họ còn có nhiệm vụ giúp đỡ gìn giữ an ninh trật tự tại địa phương khi có những sự kiện đặc biệt. Các nữ thẩm phán thì thường xuyên phải tham gia vào khá nhiều hoạt động liên quan đến cổ xúy cho quyền phụ nữ và trẻ em, mà không nhất thiết có liên quan đến chuyên môn.

Nhìn chung, việc điều phối và phân công hồ sơ các vụ án cho thẩm phán tại Trung Quốc không bị ảnh hưởng bởi yếu tố giới tính. Một nghiên cứu gần đây của tác giả Anqi Shen đã cho thấy tại các tòa án nhân dân, các thẩm phán – bất kể nam nữ – đều được phân công giám sát 250-300 hồ sơ mỗi năm.

Nhưng lại có một số nữ thẩm phán trong một năm có thể sẽ giải quyết đến trên 400 hồ sơ. Do đó, khi nói đến điều phối số lượng hồ sơ vụ án, thì các nữ thẩm phán lại được đối xử “công bằng” với nam giới và nhận được cùng chừng đấy vụ, thật rất đúng tinh thần bình đẳng giới.

Giới tính cũng không được xem là vấn đề trong môi trường làm việc của ngành tư pháp tại Trung Quốc. Các nam nữ thẩm phán chia sẻ, họ có những mối quan tâm chung về tình hình chính trị, xã hội, và môi trường pháp lý tại đây, tuy rằng tầm ảnh hưởng của những vấn đề này đối với cá nhân từng người và đối với mỗi giới tính có thể khác nhau.

Tuy nhiên, có nhiều vấn đề khá trầm trọng liên quan đến sự vô cảm, thiếu hiểu biết hoặc thiếu ý thức về giới tính trong các tòa án ở Trung Quốc.

Vai trò và vị trí của nữ thẩm phán trong hệ thống tòa án Trung Quốc

Khác với những nữ đồng nghiệp làm việc trong hệ thống thông luật (common law) Anh-Mỹ, các nữ thẩm phán không phải bắt chước phong cách của cánh nam giới khi làm công việc đưa ra phán quyết. Mà ngược lại, họ đã thể hiện được sức mạnh tiềm tàng của mình.

Trong công việc của các thẩm phán tại Trung Quốc, phụ nữ làm cùng một công việc chuyên môn như nam giới, và ở đó, họ phủ nhận là không có bất kỳ kiểu kỳ thị nào tại tòa án. Họ cho biết, phụ nữ tham gia vào các buổi thảo luận tập thể cho những quy trình của tòa án. Họ không những là đã tạo lập ra các phương pháp xử án phù hợp với giới tính của mình, mà còn bằng một cách nhẹ nhàng, giúp thay đổi hành vi ứng xử của các đồng nghiệp nam giới.

Những nữ thẩm phán là những người có trình độ, mẫn cán và chấp nhận hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc nhất tại các văn phòng của tòa án. Hơn thế, họ còn mang trong mình phẩm chất để chống lại những sự cám dỗ và giúp xây dựng niềm tin của công chúng vào hệ thống tòa án.

Ảnh tại Tòa án Nhân đân Tối cao Trung Quốc, phòng xử Dân sự Số 4 năm 2014 trong một vụ án môi trường, cho thấy sự tham gia của các nữ thẩm phán trong các vụ án. Ảnh: supremepeoplescourtmonitor.com

Thế nhưng, một mặt khác, các giả thuyết dựa trên những quy chuẩn truyền thống dành cho phụ nữ hình như vẫn có một sức ảnh hưởng không nhẹ đến quan điểm đại chúng về khả năng và giới hạn của phụ nữ, những gì họ có thể và không thể, hoặc nên hay không nên làm ra trong vai trò một thẩm phán.

Cùng lúc đó, có một số những khuôn mẫu mang định kiến về nữ tính lại được tô đậm và được xem là phù hợp cho nghề thẩm phán, và có vẻ đã giúp phụ nữ – trong vai trò của một đơn vị giới tính – đạt được một vị trí đặc biệt ở tòa án. Sự đóng góp của các nữ thẩm phán được ghi nhận tại các thông cáo chính phủ, và họ được thăng chức hoặc được tuyên truyền là “cảnh sắc tuyệt đẹp” của nghề thẩm phán tại Trung Quốc.

***

Thế giới đã ghi nhận việc phụ nữ tham gia vào việc xét xử và tuyên phán đã giúp cải tiến chất lượng và giá trị cho nghề thẩm phán, bằng việc họ đã mang lại một góc nhìn khác cho quy trình xét xử. Mà nếu thiếu đi sự góp mặt của phụ nữ, thì tính chính danh và sự dân chủ của tòa án và hệ thống pháp luật sẽ bị suy yếu.

Vì vậy, vai trò của các nữ thẩm phán trong việc thực thi luật pháp chắc chắn đóng một chức năng tối quan trọng trong việc củng cố nhà nước pháp quyền, qua những đóng góp của họ vào việc xây dựng một hệ thống tòa án công minh và vai trò của họ trong việc bảo vệ và thực thi luật pháp. Việc đề cao đóng góp của các nữ thẩm phán không có nghĩa là chúng ta chối bỏ vai trò của nam giới trong hệ thống tòa án. Và sự thật là, cả hai giới đều có sức ảnh hưởng nhất định lên nhau trong quy trình xét xử. Còn một thẩm phán tốt thì có thể là nam, mà cũng có thể là nữ.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.