Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp; Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam trên Biển Đông
Các sự kiện nổi bật: * Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp về Việt Nam chịu án.
Vụ xả súng khiến hơn 50 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương diễn ra tại một lễ hội âm nhạc đồng quê (country music) tại Las Vegas (Bang Nevada – Mỹ) vào đêm 01/10 vừa qua, vẫn đang được các cơ quan chức năng Hoa Kỳ gấp rút điều tra và chưa có kết luận cụ thể về vụ việc.
Hung thủ được lực lượng cảnh sát Las Vegas tạm thời cho là Stephen Paddock, một công dân Mỹ 64 tuổi người bang Nevada. Cảnh sát cho biết, Paddock đã mang theo mình “một lượng lớn súng đạn”, và đã xả súng vào đám đông người dân đang tham dự lễ hội âm nhạc đồng quê từ một căn phòng trên tầng thứ 32 của khách sạn Mandalay Bay, ngay gần nơi tổ chức nhạc hội. Cảnh sát bao vây, sau đó xâm nhập vào phòng và phát hiện Paddock đã tự sát.
Cũng giống như các vụ khủng bố hay thảm họa đẫm máu trước đây, hiện nay công chúng Mỹ và thế giới đang phải đối mặt với một biển thông tin thực hư lẫn lộn từ vụ xả súng này – vốn được xem là nhiều thương vong nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Trước đó, tổ chức Hồi giáo khủng bố ISIS đã tuyên bố “nhận trách nhiệm” trong vụ xả súng này, đồng thời cho biết rằng Stephen Paddock “đã cải sang đạo Hồi” cách đây vài tháng. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát đã chỉ ra rằng ISIS thuần túy tuyên bố mà không hề đưa ra chứng cứ gì khác.
Hãng tin quốc tế Reuters dẫn nguồn một số quan chức Hoa Kỳ cho biết rằng, các cơ quan an ninh Hoa Kỳ vẫn đang điều tra vụ việc, và cho tới nay chưa có dấu hiệu gì cho thấy có sự liên kết giữa Paddock với bất kỳ tổ chức khủng bố nào. Paddock không có tên trong dữ liệu nghi can khủng bố của Mỹ.
Tạp chí The Atlantic cũng cho biết hiện Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) nói rằng họ “không tin rằng vụ xả súng có liên quan đến khủng bố quốc tế”. Đồng thời, The Atlantic đặt thêm nhiều câu hỏi về tuyên bố không bằng cớ của ISIS. Tờ tạp chí này xác định rằng: dù ISIS đã ít nhất một lần từng tuyên bố “nhận trách nhiệm” cho một vụ bạo lực không có liên quan gì đến khủng bố, tổ chức Hồi giáo cực đoan này không phải là một nhóm hay “mượn gió bẻ măng, khai man lấy tiếng”.
Tình trạng thông tin chưa rõ ràng như trên tạo điều kiện cho nhiều tranh cãi nổ ra trên không gian mạng xã hội.
Một trong những tranh cãi thu hút được sự chú ý nhất liên quan đến một câu hỏi: tại sao với những thông tin đã có được về hung thủ của vụ việc, về lời tuyên bố của ISIS, mà các nhà chức trách Mỹ vẫn chưa tuyên bố chính thức rằng vụ xả súng thảm sát thường dân này là một vụ khủng bố?
Nhiều cá nhân với định kiến có sẵn về tình trạng phân biệt chủng tộc, ưu tiên người Mỹ da trắng (white privilege) tại Mỹ đã sớm có kết luận rằng, đây chỉ là một ví dụ cho định kiến phân biệt chủng tộc sẵn có của truyền thông và chính quyền Mỹ: khủng bố “chỉ có thể là hành vi của đám da màu”. Tuy nhiên, vấn đề phức tạp hơn thế nhiều.
Câu hỏi liệu rằng một vụ việc có được chính thức xem là khủng bố hay không, hóa ra là một câu hỏi pháp lý, chứ không phải chỉ là vấn đề mức nhận thức của dân chúng và truyền thông tới đâu.
Hai bài báo, một trên Business Insider, một trên National Review, cho chúng ta hình dung rõ ràng hơn về vấn đề pháp lý ở đây:
Trong khi luật liên bang Mỹ (federal law) định nghĩa “hành vi khủng bố” (act of terrorism) theo một cách hẹp, luật của riêng bang Nevada lại định nghĩa “hành vi khủng bố” rộng hơn.
Nếu chiếu theo luật liên bang, thì tuy có khả năng, nhưng vẫn chưa thể gọi vụ xả súng ở Las Vegas là “khủng bố”. Tuy nhiên, nếu chiếu theo luật bang Nevada thì đã có thể gọi vụ việc này là một vụ “khủng bố”.
Theo Bộ luật hình sự Mỹ, một hành vi bạo lực đe dọa tính mạng con người được xem là “khủng bố nội địa” (domestic terrorism) nếu như hành vi của hung thủ “là biểu hiện có mục đích” (appear to be intended) muốn:
(i) đe dọa (intimidate) hay ép buộc (coerce) một cộng đồng dân chúng; hoặc
(ii) tạo ảnh hưởng lên chính sách của một chính phủ bằng hành vi đe dọa hay ép buộc; hoặc
(iii) tác động lên hành vi của một chính phủ bằng việc hủy diệt hàng loạt, ám sát, hay bắt cóc.
Trong khi đó, luật bang Nevada xem một hành vi khủng bố là “bất kỳ hành vi nào sử dụng hay cố gắng sử dụng việc phá hoại, ép buộc, hay bạo lực với mục đích (a) gây ra thương tích cơ thể nghiêm trọng hay gây chết người cho dân chúng; hay (b) gây ra phá hoại lớn, ô nhiễm hay hư hỏng dành cho (1) công trình kiến trúc hay cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc, giao thông, tiện ích hay dịch vụ, hoặc (2) bất kỳ tài nguyên thiên nhiên nào hay môi trường nói chung.”
Tác giả Andrew McCarthy phân tích rằng, trong khi luật liên bang chú trọng vào “mục đích” của hành vi tấn công bạo lực, luật bang Nevada lại đặt nặng chính “tính bạo lực” của hành vi tấn công.
Luật liên bang Mỹ tuy “hẹp” ở khía cạnh định nghĩa hành vi khủng bố qua các “mục đích” cụ thể của hung thủ, nhưng lại khá “rộng” trong khía cạnh nhìn nhận ai là đối tượng của bạo lực khủng bố. Theo đó, nội dung luật dùng cụm từ chỉ chung chung “a government” – một chính phủ bất kỳ, chứ không phải chỉ là “chính phủ liên bang Hoa Kỳ” hay “chính phủ một bang của Hoa Kỳ”.
Điều này có nghĩa là, một hành vi khủng bố diễn ra tại Mỹ với mục đích tạo ảnh hưởng lên chính sách của chính phủ Việt Nam bằng hành vi đe dọa hay ép buộc thì vẫn có thể được luật liên bang Mỹ xem là “hành vi khủng bố”.
Trong khi đó, nhìn sang luật chống khủng bố Việt Nam, chúng ta lại có thể thấy hiện lên một sự ám ảnh rõ rệt về việc bảo vệ chính quyền, với sự bảo vệ giành riêng cho một chính quyền: “chính quyền nhân dân” Việt Nam.
Quay lại vấn đề chính, như thế xét riêng tính bạo lực của hành vi xả súng gây chết người và tạo thương tích cơ thể nghiêm trọng, luật bang Nevada đã có thể xác định hung thủ Stephen Paddock có “hành vi khủng bố”.
Trái lại, theo luật liên bang Mỹ thì chưa thể khẳng định điều đó.
Hiện nay thông tin về hung thủ Stephen Paddock và quá trình thực hiện hành vi phạm tội còn rất ít và chưa rõ ràng. Nên có thể nói là chiếu theo luật liên bang, các nhà chức trách Mỹ vẫn chưa có cơ sở để khẳng định hành vi của Stephen Paddock đã có “biểu hiện cho thấy” ông này “có mục đích” muốn làm một trong ba việc (i), (ii), hoặc (iii) mà luật khủng bố liên bang đã nói ở trên.
Vẫn còn ngỏ một khả năng: Paddock có vấn đề tâm thần, tâm lý, và hành vi bạo lực vừa qua đơn giản là một hành vi bạo lực “không mục đích”. Nếu vậy, Paddock không được xem là “khủng bố”, dù là theo luật bang Nevada hay luật liên bang.
Còn khi đã xác định được rằng tâm thần, tâm lý của Paddock bình thường khi gây ra tội ác, thì phải tùy vào việc Paddock nghĩ gì khi đó, để xác định mục đích của Paddock là gì, có khớp với khoản (i), (ii) hay (iii) theo luật liên bang nói trên hay không.
Như thế, hành xử thận trọng hiện nay – chưa tuyên bố xác nhận khủng bố – của các cơ quan chức năng Hoa Kỳ trong trường hợp này, cho dù có rủi ro là sẽ chịu cáo buộc “phân biệt chủng tộc” như đã nói, vẫn có thể xem là phù hợp với quy trình và nội dung luật liên bang Mỹ.
Tương tự như những gì nhân vật Don Keefer trong series phim truyền hình The Newsroom đã từng nói, liên quan đến vụ xả súng vào một dân biểu Mỹ, rằng “Đó là một con người. Bác sĩ mới có quyền tuyên bố bà ta chết hay không, chứ không phải tin tức truyền hình“, thì ở đây, tôi cũng có thể nói:
“Đó là một con người. Cảnh sát mới có quyền tuyên bố ông ta là khủng bố hay không, chứ không phải tin tức mạng xã hội.”
Tài liệu tham khảo:
Is the Las Vegas Mass-Murderer a Terrorist? – Andrew McCarthy (National Review)
Why the Las Vegas shooting isn’t being called terrorism – Mark Abadi (Business Insider)