‘Số hóa’ chủ nghĩa Lênin
Cuốn sách “Retrofitting Leninism - Participation without democracy” của Phó giáo sư Khoa học Chính trị Dimitar Gueorguiev, được xuất
Khi Tổng thống Donald Trump nhắc đến vùng “Ấn Độ – Thái Bình Dương” (Indo-Pacific) trong bài diễn văn của mình tại APEC 2017 được tổ chức ở Việt Nam, thì đó chính là vùng lãnh thổ mà giấc mộng bá chủ của Đế quốc Nhật Bản đã vươn đến trong Thế chiến thứ Hai. Để hoàn thành giấc mộng đó, hàng triệu tính mạng người dân khắp khu vực đã phải hy sinh, đồng thời các tướng lĩnh Nhật Bản và quân đội Nhật hoàng cũng đã trả một giá rất đắt cho tham vọng của mình.
Ngày 12/11/1948, sau gần hai năm rưỡi tiến hành xét xử, phiên tòa Tokyo – tên chính thức là phiên tòa Quân sự Quốc tế dành cho vùng Viễn Đông (International Military Tribunal for the Far East – IMTFE) – đã tuyên án 25 bị cáo, vốn là các tướng lĩnh cao cấp của Đế quốc Nhật Bản đã bị kết án tám ngày trước đó với các tội danh vi phạm luật Quốc tế về chiến tranh (the laws and customs of war).
Các bị cáo đã bị tuyên phán là đã cùng nhau (trong giai đoạn từ 1928 đến 1945) lập ra một âm mưu dùng vũ trang, quân đội, và chính trị để thống trị Đông Á, các vùng Tây và Tây Nam Thái Bình Dương và cả Ấn Độ Dương. Để thực hiện kế hoạch bá chủ đó, các bị cáo đã sử dụng mọi phương pháp tấn công và kích động chiến tranh đối với các nước khác thuộc phe Đồng Minh nhằm chống lại nền hòa bình trong khu vực.
Phiên tòa Tokyo hay IMTFE đã bắt đầu từ ngày 29/4/1946 với thời gian xét xử kéo dài gấp đôi phiên tòa nổi tiếng Nuremburg dành cho tướng lĩnh quân đội phát xít Đức. Ngoài ra, xét về mặt luật quốc tế, có ý kiến của các học giả cho rằng, phiên tòa Tokyo có giá trị tiền án lệ (precedence) trong Luật học hơn Nuremburg rất nhiều.
Khác với phiên tòa Nuremberg với bốn vị trưởng công tố viên từ Anh, Pháp, Liên Xô, và Hoa Kỳ, phiên tòa Tokyo chỉ có một trưởng công tố duy nhất là cựu Trợ lý Tổng chưởng lý Hoa Kỳ, Joseph B. Keenan. Tuy vậy, điều này không có nghĩa là các quốc gia khác không tham gia.
Trung Hoa Dân quốc (Republic of China) khi đó đã có rất nhiều đóng góp vào các thủ tục tố tụng xuyên suốt phiên tòa, và thẩm phán Mei Ru’ao là một trong 11 vị quan tòa tham gia xét xử. Chủ tịch Hội đồng xét xử là thẩm phán William Webb của Úc. Ngoài ra, các quốc gia khác đã mang gần 5.000 quân nhân Nhật Bản ra xét xử tại các tòa án của riêng từng nơi, và 900 người trong số đó đã bị tuyên án tử hình.
Quang cảnh một buổi xét xử của phiên tòa Tokyo. Ảnh: Getty Images.
Phía công tố do Joseph B. Keenan lãnh đạo đã hướng phiên tòa Tokyo theo một hướng hoàn toàn khác với Nuremberg, vốn tập trung vào tội ác chiến tranh (war crimes) và tội ác chống lại loài người (crimes against humanity). Keenan chỉ tập trung chứng minh 25 bị cáo đã vi phạm các điều khoản về gìn giữ hòa bình thế giới khi làm ra những hành vi “kích động chiến tranh” (crimes of agression). Và nhờ nỗ lực đó mà ngày nay, tội danh này đã được định nghĩa tại Điều 5 của Quy chế Rome về Tòa án Hình sự Quốc tế (Rome Statute of the International Criminal Court).
Ngay từ trước khi Đế quốc Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện, các thế lực lãnh đạo phe Đồng Minh đã đồng thuận rằng, họ phải hoàn thành một chính sách nhằm xác định đường lối và phương pháp xử lý bất kỳ kẻ nào đã làm ra những tội ác chống lại nền hòa bình (crimes against peace).
Vì vậy, khi đưa tướng lĩnh phát xít Đức và Nhật Bản ra xét xử trước các phiên tòa quốc tế (international tribunals) ở Châu Âu lẫn Châu Á, thì phía công tố vốn đã xác định nhiệm vụ của họ là phải chứng minh các bị cáo đã làm ra các hành vi “lên kế hoạch, chuẩn bị, khởi động và tuyên bố chiến tranh hoặc tham gia vào các âm mưu giúp đỡ để thực hiện các hành vi nói trên”.
Phe Đồng Minh, đặc biệt là Hoa Kỳ, đã cho rằng việc kiên trì theo đuổi chính sách này sẽ là một bước tiến rõ ràng và vững bền trong việc thiết lập một cơ chế luật pháp quốc tế, nhằm ngăn chặn những hành vi gây hấn và kích động chiến tranh tương tự như phe Trục (the Axis) đã từng gây ra, có thể bị tái diễn trong tương lai.
Các bị cáo khi bị di chuyển bằng xe buýt trong quá trình xét xử. Ảnh: Archives.gov.
Tuy phiên tòa Nuremberg là nơi được áp dụng chính sách này đầu tiên, nhưng phải đến phiên tòa Tokyo thì việc truy tố các kẻ đã kích động chiến tranh toàn cầu mới được tổ chức dựa trên văn bản luật pháp.
Hiến chương Tokyo (Tokyo Charter) do phe Đồng Minh thiết lập sau khi Thế chiến thứ Hai kết thúc đã đưa ra định nghĩa pháp lý, cũng như thiết lập quy trình tố tụng đối với các bị cáo của quân đội Nhật hoàng. Ngoài ra, Hiến chương Tokyo cũng đặt vấn đề phải chứng minh các bị cáo đã làm ra hành vi chống lại hòa bình lên trên hết. Còn các tội như chống lại loài người hay tội phạm chiến tranh, là các tội danh đi kèm và không bắt buộc (optional), nên không nhất thiết phải truy tố thành công.
Có đến 36 tội danh trong tổng số 55 của bản cáo trạng (indictment) từ phía công tố tập trung vào các tội chống lại hòa bình trong phiên tòa Tokyo. Điều đó cho thấy, họ muốn vụ án tập trung vào việc làm thế nào để tạo ra một tiền án lệ về các tội danh đó.
Tướng Heitaro Kimura – kẻ thù của nhiều quân nhân Hoa Kỳ. Ảnh Getty Images.
Tướng Douglas McArthur của Mỹ đã từng có ý định mang một số tướng lĩnh Nhật Bản bị cáo buộc đã làm ra các hành vi tàn ác đối với các tù binh Hoa Kỳ, ví dụ như tướng Heitaro Kimura, ra truy tố ở những phiên xử khác, vì e ngại phiên tòa Tokyo sẽ không định tội thích đáng. Nhưng McArthur đã không thành công thuyết phục chính phủ của mình. Hoa Kỳ vẫn kiên quyết sử dụng phiên tòa Tokyo cho mục đích chính, là định nghĩa và tuyên phán các tội danh kích động chiến tranh, chống lại hòa bình trước hết.
Bản cáo trạng còn cho thấy phía công tố đã đưa ra quyết tâm sẽ định nghĩa rõ ràng những nhân tố cấu thành các hành vi kích động chiến tranh và chống lại hòa bình, từ đó phán quyết của phiên tòa Tokyo sẽ trở thành tiền án lệ trong tương lai, đặc biệt là đối với các hành vi của những cá nhân tham gia.
Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là phe biện hộ hoàn toàn chịu bó tay. Mà ngược lại, vì tội danh chống lại hòa bình/kích động chiến tranh có thể nói là từ trước đến giờ vốn chưa được định nghĩa rõ ràng trong luật quốc tế, nên các luật sư biện hộ đã tấn công vào tính chất hợp lệ (validity) của tội danh này.
Lập luận chính của họ nhắm vào việc phản đối một tội danh có hiệu lực hồi tố (ex post facto law), và cho rằng luật quốc tế khi đó không có bất kỳ điều luật nào có thể dùng để cáo buộc và truy tố tội chống lại hòa bình hay kích động chiến tranh cả.
Ngay cả các vị thẩm phán của Tòa Quốc tế được thành lập cho nhiệm vụ xét xử các quân nhân Nhật Bản cũng bác lập luận từ phe công tố, rằng phán quyết từ phiên xử Nuremberg đã thiết lập rõ ràng cơ sở pháp lý cho tội danh chống lại hòa bình và kích động chiến tranh.
Mặc dù vậy, các thẩm phán vẫn đồng ý là phán quyết Nuremberg sẽ được tuyệt đối tuân thủ nhằm tránh xảy ra bất kỳ mâu thuẫn pháp lý nào giữa hai bản án. Tuy nhiên, họ vẫn ra quyết định bác bỏ (dismiss) 28 tội danh về kích động chiến tranh và chống lại hòa bình trong tổng số 36 tội nêu trên, và chỉ giữ lại 8 tội để xét xử.
11 vị thẩm phán của phiên tòa Tokyo. Ảnh: archives.gov.
Thế nhưng, đến cuối cùng phán quyết của phiên tòa Tokyo đã làm hài lòng phần lớn phe công tố. Số đông các thẩm phán đã đồng ý với lập luận của phe công tố, đó là Công ước Hague III năm 1907 có thể được sử dụng để cấu thành tội danh chống lại hòa bình và kích động chiến tranh.
Và như thế, số phận của các bị cáo đã được quyết định khi toàn bộ 25 người đã bị tuyên phán có tội.
Vào ngày 12/11/1948, bảy tướng lĩnh của quân đội Nhật Hoàng, trong đó có tướng Hideki Tojo – thủ tướng Nhật Bản từ 1941-1945, cùng với tướng Iwane Matsui – người bị quy trách nhiệm đã gây ra Thảm sát Nam King (Rape of Nanjing), và tướng Heitaro Kimura – người bị cáo buộc đã tra tấn các tù binh của quân Đồng Minh trong Thế chiến – đều bị tuyên án tử hình. 16 bị cáo còn lại bị tuyên chung thân, và hai người khác thì được nhận những bản án nhẹ hơn.
Ngày 23/12/1948, toàn bộ bảy cựu tướng lĩnh của Đế quốc Nhật Bản đã bị quân Đồng Minh thi hành án tử hình bằng phương pháp treo cổ tại nhà tù Sugamo, Tokyo, Nhật Bản theo một tài liệu được Hoa Kỳ lưu trữ.
Một bài báo cũ đưa tin các cựu tướng lĩnh Nhật Bản đã bị xử tử tháng 12/1948. Ảnh: Wikipedia.
Tuy nhiên, liệu Joseph Keenan và phía công tố đã đạt được mục đích mang phiên tòa Tokyo trở thành một tiền án lệ cho các tội chống lại hòa bình và kích động chiến tranh hay chưa, thì vẫn là tranh cãi của các học giả về luật quốc tế, trong đó có ông Nguyễn Quốc Tấn Trung, một chuyên gia về Công pháp Quốc tế đang làm nghiên cứu tại Anh Quốc. Theo ông Trung, thì các định nghĩa về tội chống lại hòa bình vẫn là một vấn đề chưa được làm rõ (contentious definition). Và đến cuối cùng, thì phiên tòa Tokyo cũng như Nuremberg, vẫn chỉ thuần túy là những vụ án hình sự quốc tế tiêu biểu cho các tội ác chiến tranh và tội chống lại loài người.
Quan điểm của Luật sư Trung cũng được ghi nhận bởi các nhà nghiên cứu khác, như Yuki Tanaka, khi nhận định rằng phán quyết của các thẩm phán, phần lớn vẫn chưa đưa ra được định nghĩa nào rõ ràng cho tội kích động chiến tranh và chống lại hòa bình đủ để trở thành một tiền lệ cho luật quốc tế về vấn đề này.
Nhưng có lẽ, nhân loại không mong đợi phiên tòa Tokyo sẽ trở thành một tiền lệ cho bất kỳ một phiên tòa hình sự quốc tế nào về tội chống lại hòa bình và kích động chiến tranh, vì không ai trong chúng ta lại muốn nhìn thấy những hành vi tàn khốc đủ để cấu thành tội danh này một lần nữa.
***Ghi chú: Bài viết này đã được sửa đổi sau khi được đăng tải lần đầu và nhận được sự trao đổi từ Luật sư Nguyễn Quốc Tấn Trung. Tác giả xin chân thành cảm ơn ông Trung.
Tài liệu tham khảo: