‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc0:00/212.281× Được xuất bản vào
Đừng để sự hy sinh lặng thầm bị chối bỏ.
Ta dễ dàng tìm ra hàng tá áng thơ và trăm nghìn văn từ ca ngợi, xót thương và chia sẻ về sự hi sinh lẫn đóng góp của đàn ông trên chiến trường, không chỉ tại Việt Nam mà còn ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Đương nhiên, không phải vì không ai nhắc đến sự đóng góp của phụ nữ, nhưng do quá ít sự phản ánh về họ và thậm chí chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, nên người ta hình thành một thứ định kiến mang tên “chiến tranh là dành cho phái mạnh”.
“The Unwomanly Face of War: An Oral History of Women in World War II” hay “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” là một cuốn sách đầu tay của Svetlana Alexievich, mà gọi đúng hơn nó là một dự án dưới dạng sách của một nữ phóng viên người Belarus, một mình cùng máy thu âm đã phỏng vấn hơn 500 người phụ nữ tại Liên Xô, và tập hợp những chia sẻ của họ khi từng phục vụ cho quân đội trong Đệ nhị Thế chiến. Mục đích của dự án, và có lẽ là sứ mệnh của cả đời bà, chính là để thế giới này phải nhìn thấy những con người nhỏ bé nhưng phi thường trong một sự kiện mang tính toàn cầu.
Từ chân dung và câu chuyện của phi công, y tá, bác sĩ phẫu thuật, bộ binh, dân quân du kích đến cả thợ giặt, thợ làm bánh, lái tàu, liên lạc viên, v.v. Svetlana đã cho thấy rằng, sự xuất hiện của phụ nữ ở các lĩnh vực phục vụ chiến đấu là không thể đếm xuể. Họ không chỉ hỗ trợ nơi hậu phương, mà còn trực tiếp xông pha nơi tiền tuyến.
Tuy nhiên, với ngần ấy sự hiện diện và đóng góp của phụ nữ trong đủ các vị trí, xã hội cũng chẳng hề quan tâm hay công nhận. Người ta vẫn cho rằng, phụ nữ mà lên tàu là một điềm xui; những người phụ nữ “quá tàn bạo nơi chiến trường” là những người phụ nữ mà đàn ông được khuyên không nên cưới; phụ nữ mà đụng vào chuyện chiến trường chỉ có nước đổ bể; và phụ nữ gia nhập quân đội chắc chắn sẽ khệ nệ thêm cả đám son phấn chẳng hề cần thiết.
Mặc dù vậy, những người phụ nữ trong cuốn sách không gia nhập quân đội để được xem trọng hay đánh giá đặc biệt, họ chỉ mong mỏi được xem là một con người bình thường, một công dân của một đất nước đơn thuần lắng nghe theo tiếng gọi con tim muốn góp một phần nhỏ bé vào việc bảo vệ tổ quốc. Hãy xem họ bình thường nhưng đừng tầm thường.
Cuốn sách này trở nên đặc biệt, một phần cũng nằm ở việc Svetlana đã không ngần ngại cho thấy những lát cắt đầy tính nữ trên những trang giấy. Mặc cho sự khắc nghiệt, căng thẳng lẫn lo âu luôn luôn hiện diện và lấp đầy không gian, những người phụ nữ vẫn dành ra một phần thời gian của họ để tìm kiếm và hái những bông hoa xinh đẹp bên đường, để trang điểm rồi cười đùa khúc khích, để cùng nhau trò chuyện về những chàng trai, và để yêu.
Chiến tranh cướp lấy rất nhiều thứ thuộc về phụ nữ, từ sự hồn nhiên và hy vọng, đến tình yêu họ dành cho thế gian này, hay cả sự dịu dàng trong chính họ. Có điều, thứ kinh khủng nhất mà chiến tranh tước mất của họ chính là thứ căn bản định nghĩa nên họ. Sau khi chiến tranh kết thúc, rất nhiều phụ nữ nhận ra mình khó thể có lại những kỳ kinh nguyệt bình thường, số khác nhận ra bản thân không còn có kinh lại được nữa. Hơn cả, không ít trong số họ không thể mang thai được, họ đã mất đi thiên chức làm mẹ mãi mãi.
Tưởng chừng khi những làn khói bom đạn đi qua, họ sẽ được cảm thông hay giúp đỡ. Trái lại, những gì họ nhận được là ánh mắt kỳ thị và lời mắng nhiếc từ chính những người họ đã không màng tấm thân để bảo vệ. Đàn ông nói rằng, bọn họ sẽ không cưới những người phụ nữ từng tham gia chiến trường, vì những người phụ nữ này không còn “phụ nữ” nữa, mà chỉ đáng để xem như một người em gái, hoặc chính họ cũng khiến đàn ông “sợ hãi”. Còn phụ nữ lại cho rằng, những người phụ nữ từng tham gia chiến trường đã rù quến những người đàn ông của họ, là con điếm phục vụ các người lính thiếu hơi vợ hay người yêu.
Sau tất cả, những người phụ nữ đó chấp nhận sống trong cảnh không một người đàn ông nào lấy, không một người phụ nữ nào yêu thương, không một lời cảm ơn công sức họ đã làm. Họ bị xã hội vô cảm chối bỏ và gạt ra ngoài lề. Có lẽ, bên trong họ tự nhủ rằng, việc đánh đổi tất cả để có được sự bình yên mỗi ngày trên mảnh đất họ đang sống đã là thứ có thể xoa dịu phần nào nỗi bất hạnh hiện tại.
Ngoài câu chuyện của những người phụ nữ trở về từ tiền tuyến, Svetlana không quên phản ánh “những gương mặt phụ nữ” hậu phương. Cuốn sách khắc họa những người phụ nữ nơi quê nhà, đó có thể là một người mẹ chờ con, một người vợ chờ chồng, hay cả những đứa con gái chờ cha. Họ cũng đang mang trong mình một nỗi đau riêng và một nỗi khổ chẳng ai thấu nổi.
Những người phụ nữ nơi hậu phương không ôm thép súng, mà thay vào đó họ cầm những cán lăn bột, cây kim, chiếc cuốc, tấm ván gỗ dùng để giặt đồ, v.v. Không có họ, chiến thắng cũng chẳng thể đến với Liên Xô.
Tất cả bọn họ, dẫu ở tiền tuyến hay hậu phương, cũng góp một phần công sức không nhỏ giúp Liên Xô đẩy lùi và đánh bại Đức Quốc Xã. Họ xứng đáng được công nhận vì những thứ họ đã hi sinh để làm nên tầm vóc của một cuộc chiến vệ quốc đi vào lịch sử thế giới.
Góc nhìn này cũng tương tự đối với Chiến tranh Việt Nam, hình tượng những người phụ nữ tham gia chiến tranh viết bởi phụ nữ không xuất hiện nhiều. Trong chương trình giảng dạy trung học chính thức, lần xuất hiện hiếm hoi chỉ có thể kể đến đoạn trích tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” của nữ nhà văn Lê Minh Khuê, ngoài ra ta chẳng thể tìm thấy một bài văn hay thơ như vậy.
Sự hạn chế này là do công sức đóng góp của phụ nữ trong chiến tranh là chưa đủ để viết về hay do cuộc chiến là một sự nghiệp vĩ đại nói chung của toàn dân, mà nhân dân thì khó có thể lấy đại diện tiêu biểu là “những gương mặt phụ nữ”? Điều này sẽ gây ra trở ngại rất lớn trên hành trình tìm kiếm và nhận thức đầy đủ về sự thật của những cuộc xung đột phức tạp định hình lịch sử quốc gia và thế giới.
Riêng ở Việt Nam, theo người viết, kể cả khi chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ, chúng ta vẫn không nên ngừng viết về những sự thật bị giấu kín về nó, và về sự xuất hiện của người phụ nữ trong đó.
Bạn có thể mua quyển “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” bản tiếng Việt tại đây.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.