Ai nuôi ta ăn học?
Tuần qua, phát ngôn của một học sinh 16 tuổi, học lớp 12 Anh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất
Ngày 18/12 vừa qua, báo chí Anh đưa tin hãng truyền hình quốc gia Anh BBC và tờ báo The Guardian đã “bị khởi kiện” bởi công ty luật Appleby vì hai cơ quan tin tức nói trên đã cho đăng tin bài về Hồ sơ Thiên Đường (Paradise Papers) – hồ sơ tiết lộ các hoạt động trốn thuế ở nước ngoài của hơn 100 chính trị gia, ngôi sao giải trí, và các tập đoàn hàng đầu thế giới.
Công ty luật Appleby cáo buộc là BBC và The Guardian đã có hành vi “vi phạm bảo mật” (breach of confidence).
Vậy cụ thể thì Appleby khởi kiện như thế với mục đích gì?
Hồ sơ Thiên đường là gì?
Đầu tháng 11 vừa rồi, Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (International Consortium of Investigative Journalists – ICIJ) công bố 1,400 gigabyte dữ liệu máy tính, bao gồm 13,4 triệu tài liệu lưu trữ. Trong đó là nhiều email, chứng nhận tiền gửi ngân hàng, giấy tờ dùng trong tranh tụng tòa án, và các dữ liệu khác.
Các tài liệu này trải dài 66 năm từ 1950 đến 2016, và cho thấy nhiều hoạt động – được xem là lách hay trốn thuế (tính pháp lý tính đạo đức trong nhiều trường hợp vẫn còn gây tranh cãi) – của hàng loạt công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới, và hơn 100 lãnh đạo quốc gia, chính trị gia, ngôi sao giải trí.
Các hoạt động lách hay trốn thuế đó đều diễn ra tại 19 “nơi lánh thuế” (tax haven) là những nước hay vùng lãnh thổ đánh thuế thấp hoặc không đánh thuế trên thu nhập và tài sản cá nhân.
Cái tên Paradise (Thiên đường) của hồ sơ vụ việc có nguồn gốc hơi lòng vòng: trong tiếng Anh, để chỉ các nước hay vùng lãnh thổ “lợi thuế” như nói trên, người ta hay dùng từ “tax haven” (nhiều người cho là dịch sát nghĩa nhất phải là nơi “ẩn”, hay “lánh thuế”, chứ không phải “thiên đường thuế”, vì “haven” khác “heaven”). Nhưng nay thì giới báo chí tiếng Anh còn dùng một cụm từ mới hơn là “tax paradise” – vốn mượn từ cách dùng tiếng Pháp paradis fiscal (nghĩa đen là “thiên đường thuế” và đồng nghĩa với “tax haven” trong tiếng Anh).
Trong số những cái tên nổi tiếng được tiết lộ trong Hồ sơ Thiên đường có các công ty công nghệ Apple, Facebook, công ty điện ảnh Disney, Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ Nhị, và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross.
Tập hợp 13,4 triệu tài liệu này được một nguồn ẩn danh tuồn cho tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung (đây chính là tờ báo đã nhận và tiết lộ “Hồ sơ Panama” đình đám năm 2016).
Tờ báo Đức này chia sẻ dữ liệu này với ICIJ và ICIJ theo sau đó trình bày lại dữ liệu một cách có hệ thống hơn trước khi chia sẻ cho hơn 90 tờ báo và kênh tin tức quốc tế, trong đó có BBC và The Guardian.
Đáng chú ý là trong số 13,4 triệu tài liệu hồ sơ này có đến 6,8 triệu tài liệu đến từ dữ liệu nội bộ có bảo mật của một công ty luật quốc tế: Appleby – một công ty chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư và thiết lập công ty làm phương tiện nắm giữ tiền hay tài sản tại các “thiên đường thuế”.
Những nhân vật danh tiếng có tên trong Hồ sơ Thiên đường. Ảnh: TIME.
“Để lộ” hay “đánh cắp”?
Báo chí trong nước và quốc tế hay dùng từ “để lộ” (leak) để miêu tả vụ việc Hồ sơ Thiên đường. Việc này dễ làm người đọc nhìn nhận là có người từ trong nội bộ công ty luật Appleby cố tình tiết lộ hồ sơ ra cho giới báo chí (đây là một nghi vấn cũng đã từng được đề cập về nguồn “để lộ” hồ sơ Panama).
Tuy nhiên, công ty luật Appleby lại khẳng định qua thông cáo báo chí ngày 05/11/2017 là họ không hề vô tình hay cố ý “để lộ” Hồ sơ Thiên đường.
Điều tra của một công ty an ninh mạng do Appleby thuê cho thấy công ty này bị hacker tấn công từ năm 2016. Hacker đã đột nhập vào dữ liệu bảo mật của công ty này và sao chép lại các dữ liệu đã bị lộ.
Việc phân biệt giữa “để lộ” và “đánh cắp” khá quan trọng đối với việc kiện tụng của Appleby vì nếu thật sự là tài liệu của họ bị “đánh cắp” thì họ có một cơ sở chắc chắn hơn cho việc khởi kiện các báo đài nào đã và đang đăng tin dùng các tài liệu bảo mật đã bị sao chép từ hệ thống công ty họ: các tài liệu đó đã bị chiếm đoạt một cách trái phép, bất hợp pháp, hay nói nhẹ hơn, là không ngay tình.
Bên cạnh đó, thông tin về việc bị “đánh cắp” dữ liệu này cũng làm rõ hơn tình thế vụ việc.
Appleby cho biết thêm là không có thành viên công ty nào có liên quan đến vụ đột nhập đánh cắp dữ liệu này, và các điều tra an ninh mạng cho thấy chắc chắn rằng “không có dữ liệu nào đã bị lấy đi khỏi các hệ thống” của công ty này.
Nghĩa là hacker đã chỉ sao chép dữ liệu chứ không sao chép và xoá dữ liệu ra khỏi hệ thống máy tính của Appleby. Dấu hỏi lớn theo đó là những dữ liệu nào đã bị sao chép, và những dữ liệu nào không.
Như vậy, trớ trêu là Appleby là một bên bị mất đồ mà không biết mình bị mất gì, đồng thời họ biết ai đó đã lẻn vào lấy đồ của họ, nhưng họ lại chẳng biết kẻ đó là ai.
Thế này mà đi báo công an thì đúng là công an cũng phải bó tay!
Văn phòng hãng luật Applyby ở đảo Man, một lãnh thổ tự trị thuộc sở hữu của Anh, nằm giữa Vương quốc Anh và Ireland. Ảnh: The New York Times.
Mục đích kiện tụng của Appleby là gì?
Giới báo chí thế giới, vốn dĩ nhiên có lợi ích riêng trong việc bảo vệ lẫn nhau, có vẻ tập trung nhiều hơn vào cách diễn giải của BBC và The Guardian về mục đích kiện tụng của Appleby.
The Guardian cáo buộc Appleby đang “nỗ lực ngăn cản dạng báo chí trách nhiệm vì lợi ích cộng đồng của chúng tôi, đồng thời tìm cách bắt chúng tôi phải tiết lộ các tài liệu chúng tôi xem là chất liệu báo chí.”
Trái lại với giọng điệu “đao to búa lớn” cùng các cáo buộc gay gắt về đe dọa tự do báo chí giống như trên, động thái của Appleby lại “nhỏ nhẹ” một cách khác thường.
Trong thông cáo báo chí ngày 20/12/2017, Appleby viết:
“Trách nhiệm lớn nhất của chúng tôi là với khách hàng và với các công ty đồng nghiệp của mình, những người đã bị lấy mất thông tin bảo mật bằng một hành vi phạm tội hình sự.
Chúng tôi cần biết đầu tiên là những tài liệu nào của khách hàng, đồng nghiệp hay những tài liệu nào của chúng tôi đã bị lấy đi. Chúng tôi muốn giải thích một cách tường tận cho khách hàng và đồng nghiệp của mình về mức độ thiệt hại thông tin bảo mật của họ.
Mặc dù chúng tôi đã nhiều lần gửi yêu cầu, các nhà báo vẫn không chịu cung cấp cho chúng tôi bản sao các tài liệu bị đánh cắp mà họ bảo rằng họ đã được thấy.
Vì lý do đó, Appleby buộc phải tiến hành kiện tụng để xác định các thông tin bị đánh cắp.”
Appleby không hề lớn tiếng rằng họ đang “đòi bồi thường thiệt hại” hay “công lý”, “công bằng”, hay “bảo vệ quyền riêng tư” cho các khách hàng hay đồng nghiệp của họ.
Đó vốn là các câu chữ thường được thấy từ các màn đấu võ mồm đình đám trong các vụ kiện tụng về vi phạm bảo mật (breach of confidence).
Việc Appleby “nhỏ nhẹ” công khai mục đích đi kiện là chỉ nhằm “xác định các thông tin bị đánh cắp” khá gây tò mò.
Vì thế nghĩa là Appleby, một công ty luật quốc tế “sành sỏi lõi đời” đang nói rằng họ sẽ đầu tư hàng trăm nghìn bảng Anh tiền án phí và tiền luật sư (có thể nhiều hơn) chỉ nhằm tìm cách “câu” các tài liệu quan trọng mà đối thủ đang “chơi lầy” không chịu tiết lộ.
Trong khi đó, theo BBC đưa tin, Appleby đang đồng thời xin tòa ban hành một lệnh thúc ép vĩnh viễn (permanent injunction) vừa cấm BBC và The Guardian sử dụng các tài liệu đã bị lộ, cũng như ép buộc các bên này trả lại bản sao của tất cả các tài liệu đó.
Thoạt nhìn, có vẻ rằng chính lệnh thúc ép vĩnh viễn mà Appleby được cho là đang xin tòa mới là thứ họ muốn đạt được (chứ không phải là chỉ để “câu” thông tin).
Chặn được việc sử dụng các tài liệu Hồ sơ Thiên đường của BBC và The Guardian, Appleby có thể sớm giảm thiểu được các thiệt hại cho thân chủ họ.
Tuy nhiên, phân tích thêm dựa vào thực tế không hẳn xác nhận điều đó.
Tờ The Guardian số ra ngày 6/11/2017 đưa tin về việc Nữ hoàng Anh có mặt trong Hồ sơ Thiên đường. Ảnh: Pressgazette.
Kiện tụng và xin lệnh thúc ép từ tòa (injunction)
Ở Anh, khi đâm đơn kiện dân sự, bên cạnh việc đòi bồi thường thiệt hại, bên nguyên cũng có thể yêu cầu tòa án ban hành các lệnh thúc ép (injunction) chống lại bên bị.
Lệnh thúc ép đó có thể cấm bên bị không được tiếp tục làm một việc gì đó, hay có thể ép buộc bên bị phải làm một việc gì đó.
Ai mà lỳ lợm không tuân theo lệnh thúc ép của tòa có thể phạm vào tội coi thường tòa án (contempt of court) và bị tòa đem ra “hành”, bắt đóng tiền phạt nặng.
Một lệnh thúc ép có thể là lệnh tức thời trong khi chờ kết quả tranh tụng cuối cùng (interim injunction), ví dụ: trong khi chờ phiên tòa xét xử xem bên bị có đúng là đang vi phạm sở hữu trí tuệ hay không, bên nguyên có thể xin tòa ban hành lệnh tức thời cấm bên bị tiếp tục bán món hàng đang bị cáo buộc vi phạm sở hữu trí tuệ. Bên bị, nếu tuân lệnh tòa, sẽ dừng bán món hàng đó. Nếu kết quả phân xử cuối cùng cho thấy không có vi phạm sở hữu trí tuệ, lúc đó tòa mới rút lại lệnh cấm tức thời đã ban ra.
Khi một lệnh thúc ép tức thời được xin, tòa có thể xem xét vấn đề này trước khi xem xét vấn đề tranh tụng chính. Chỉ cần bên nguyên thuyết phục được tòa là vụ của họ “cãi được” (cho dù thắng thua chưa biết), và lệnh thúc ép có thể được đưa ra một cách chính đáng, hợp lý, cân bằng lợi ích các bên, thì tòa sẽ cho ban hành lệnh thúc ép tức thời, trước khi xử vấn đề tranh tụng chính.
Trái lại, một lệnh thúc ép vĩnh viễn (permanent injunction) sẽ chỉ được ban hành khi kết quả tranh tụng đã ngã ngũ và bên nguyên đã chiến thắng trước tòa. Nghĩa là họ đã chứng tỏ được cái sai pháp lý của bên bị, đồng thời chứng minh được sự cần thiết phải có một lệnh thúc ép vĩnh viễn chống lại bên bị để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Trong vụ việc Hồ sơ Thiên đường, nếu đúng như BBC đã nói, thì Appleby đang xin lệnh thúc ép vĩnh viễn chứ không phải tức thời.
Thời gian tranh tụng có thể kéo dài hàng tháng, thậm chí hơn cả năm trời.
Như vậy, Appleby có vẻ không quá gấp gáp trong việc ngăn chặn BBC và The Guardian tiếp tục sử dụng các tài liệu đã bị lộ, hay trong việc yêu cầu các bên này trả lại bản sao các tài liệu bị đánh cắp.
Nếu mục đích chính của Appleby trong việc kiện tụng dài hơi này là để xin lệnh thúc ép từ tòa Anh nhằm vào BBC và The Guardian, theo đó càng sớm càng tốt kiểm soát và giảm thiểu thiệt hại cho thân chủ họ, thì việc kiện và đòi lệnh cấm vĩnh viễn của họ nghe như thể là… chở nước sông Hồng về chữa một căn nhà đang cháy to ở Sài Gòn vậy.
BBC, hãng truyền thông quốc gia của Anh, một trong hai bị đơn của vụ kiện. Ảnh: Express.co.uk.
Mục đích chính của Appleby: đòi báo giới tiết lộ các tài liệu bị đánh cắp?
Nếu ưu tiên của Appleby là ngăn chặn việc sử dụng các tài liệu đã bị lộ để kiểm soát và giảm thiểu thiệt hại cho thân chủ họ, thì họ phải đi kiện trên cả thế giới, bắt đầu từ Mỹ, chứ không thể chỉ kiện ở Anh.
Việc ngăn chặn sử dụng tài liệu bị lộ ở Anh, dù chặn sớm hay chặn muộn, thì cũng không giảm thiểu được thiệt hại đó.
Lý do là vì thiệt hại đó là ở tầm quốc tế: bên đang phán tán các tài liệu Hồ sơ Thiên đường cho giới báo chí trên thế giới không phải là bản thân BBC hay The Guardian – các bên bị Appleby kiện, mà là Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (vốn có trụ sở ở Mỹ).
Cho dù có chặn được BBC và The Guardian sử dụng tiếp các tài liệu đó, thì vẫn còn hàng chục tờ báo và kênh tin tức quốc tế khác, bao gồm cánh báo chí Mỹ vốn có ảnh hưởng toàn cầu, đang tiếp tục phân tích, đưa tin, viết bài sử dụng các thông tin tài chính đã bị lộ của Appleby.
Như vậy, có khả năng Appleby đang… thật thà chứ không phải “vờ vịt” khi họ “nhỏ nhẹ” nói rằng họ chỉ muốn xác minh các tài liệu đã bị đánh cắp.
Họ, như đã nêu, là một bên mất đồ mà không biết mất gì và bị ai lấy.
Ưu tiên trước hết của Appleby có lẽ thực sự là xác định những tài liệu nào đã bị hacker đột nhập sao chép và “tuồn” cho giới báo chí. Appleby hoàn toàn có thể làm điều đó ngay cả khi không chắc chắn là họ có thể thắng kiện trong vụ việc này.
Bởi vì, để vụ việc được đưa ra xử, theo quy trình tố tụng dân sự tại Anh, trước phiên tòa chính, các bên của vụ việc sẽ phải tiến hành bước công khai tài liệu bằng chứng (disclosure).
Trái với hình ảnh kịch tính thường thấy trên phim ảnh về những phiên tòa với các luật sư bất ngờ chìa bằng chứng “bốc khói” ra tại tòa, hay chạy thục mạng đi mời một nhân chứng “bí mật”, hệ thống tòa án dân sự Anh ưu tiên đảm bảo việc xử án công khai, công bằng, đồng thời phải hiệu quả, tiết kiệm tối đa thời gian công sức của tòa và các bên.
Để đảm bảo các ưu tiên đó, quy trình tố tụng dân sự quy định một cách tiếp cận “ván bài lật ngửa” với tài liệu bằng chứng trong tranh tụng: trong bước disclosure trước phiên tòa chính, mỗi bên đều buộc phải công khai cho bên kia các tài liệu có liên quan đến vấn đề tranh tụng trong dữ liệu của mình, cụ thể bao gồm:
Mọi hành vi giấu diếm tài liệu không có lý do chính đáng đều có thể dẫn đến việc bị xử thua kiện hay chịu phạt đền bù thiệt hại nặng hơn.
Trong vụ việc này, Appleby cáo buộc các tài liệu BBC và The Guardian đang dùng là tài liệu bị đánh cắp, vi phạm bảo mật.
Để cãi lại là mình không hề vi phạm bảo mật, BBC và The Guardian sẽ phải chìa các tài liệu đó ra cho tòa và Appleby thấy thì mới cãi được.
Như vậy, nếu buộc được BBC và The Guardian công khai các tài liệu Hồ sơ Thiên đường ngay từ bước disclosure thì Appleby đã đạt được mục đích “khiêm tốn” của họ.
Dĩ nhiên, để phiên tòa được đem ra xử thì trước tiên Appleby phải thuyết phục được tòa là cáo buộc vi phạm bảo mật của họ “cãi được”. Đồng thời bên BBC và The Guardian cũng có thể chuẩn bị một số luận điểm pháp lý để phản đối việc tiết lộ tài liệu.
Nhưng các vấn đề đó sẽ được tìm hiểu trong một bài viết khác.
Tài liệu tham khảo: