Lào trả về Việt Nam 10 tín đồ Bà Cô Dợ; Thông tin mới liên quan Tịnh thất Bồng Lai
Bản tin tôn giáo tháng 11/2024 gồm các sự kiện nổi bật: * 10 tín đồ Bà Cô Dợ vượt
Tại sao có quá nhiều bác sĩ phản đối việc giúp bệnh nhân chết? Là bác sĩ đang hành nghề, Haider Javed Warraich đã chứng kiến cả hai phía trong cuộc tranh luận đầy mỏi mệt này.
Karen Ann Quinlan đã trải qua hai cuộc đời. Ban đầu cô thuộc giới trung lưu bình thường ở Scranton, Pennsylvania: Cô thường đi bơi, trượt tuyết, hẹn hò, tham gia thánh lễ cùng với gia đình, cô đã tốt nghiệp trung học và làm việc cho một công ty sản xuất đồ gốm ở địa phương. Nhưng, cuộc đời đã thay đổi sau khi cô bị sa thải. Chẳng bao lâu sau, cô phải chuyển sang làm hết việc này đến việc khác và phải giải sầu bằng thuốc an thần và rượu.
Đêm 14 tháng 4 năm 1975, Karen khi vừa sang tuổi 21 đã dự tiệc cùng bạn bè tại một quán bar gần hồ Lackawanna. Trong những ngày trước đó, cô gần như không ăn và không uống rượu, vì cô đang tìm cách giảm cân cho vừa với bộ quần áo. Trong quán bar, cô uống rượu gin và mấy viên thuốc an thần. Và trong đêm, cô ngã gục ngay trong quán bar. Một người bạn đưa cô về nhà, nơi cô đang sống cùng với một nhóm bạn. Chính ở đây, có người đã nhìn thấy Karen tắt thở từ trước rồi.
Bạn cô đã cứu cô bằng cách hô hấp nhân tạo, nhưng sau đó người ta xác định rằng não của cô đã bị thiếu oxy trong ít nhất là hai giai đoạn, mỗi lần kéo dài khoảng 15 phút. Người ta gọi cho cứu thương. Một chiếc xe cứu thương chở cô tới một bệnh viện địa phương, và cô được nối với máy thở cơ khí. Khi kiểm tra sức khoẻ, các bác sĩ phát hiện ra rằng đồng tử của cô bất động: nó không co giãn khi phản ứng với ánh sáng – phản xạ cơ bản nhất của con người. Cô cũng không phản ứng với bất kỳ kích thích gây đau nào.
Trong ba ngày nằm viện, nhà thần kinh học Robert Morse đã kiểm tra Karen. Trong các tài liệu toà án, ông viết rằng ông thấy Karen bị hôn mê và có bằng chứng của cái gọi là “co cứng mất vỏ não” – một tình trạng cho thấy phần đỉnh não đã xảy ra những tổn thương nghiêm trọng – biểu hiện ra ngoài là hai chân cứng đơ và thẳng còn hai cánh tay thì gập lại.
Tình trạng của Karen không hề được cải thiện. Thực ra là ngày càng xấu hơn. Ngày nhập viện, cô nặng khoảng 52kg. Người ta đưa ống dẫn vào để bơm thức thức ăn và thuốc cho cô. Mặc dù vậy, chỉ sau vài tháng cân nặng của cô chỉ còn chưa tới 32kg. Cha mẹ cô, ông bà Quinlan, đều là những người Công giáo tận tụy. Họ phải vật lộn với hoàn cảnh khi mà con gái họ hôn mê, bất động.
Joseph và Julia Quinlan, cha mẹ của Karen, năm 1977. Ảnh: Bettmann/Corbis.
Trong hầu hết các trường hợp kiểu này, thường thì gia đình và các bác sĩ sẽ cùng quyết định, hay các bác sĩ sẽ tự quyết định rằng liệu có tiếp tục chữa trị nữa hay không. Năm tháng sau ngày Karen nhập viện, ông Joseph Quinlan yêu cầu các bác sĩ dừng chăm sóc và ngắt máy trợ thở.
Các bác sĩ chữa cho Karen là Robert Morse và Arshad Javed đã từ chối lời đề nghị này. Để làm bác sĩ đỡ sợ bị kiện tụng, Quinlan đã soạn thảo một văn bản nói rằng họ không phải chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào. Nhưng các bác sĩ khăng khăng nói rằng họ không muốn ngắt máy trợ thở của Karen.
Trên giường bệnh, Karen chỉ còn là một cái xác không hồn và cô bắt đầu cuộc sống thứ hai của mình. Rõ ràng, cô không phải là người duy nhất rơi vào tình trạng như thế. Trong thực tế, có rất nhiều bệnh nhân khác rơi vào tình trạng như cô. Tuy nhiên, theo các biến cố xảy ra, cô tới gần cái chết hơn bất kỳ ai khác. Karen dù không phải là bệnh nhân đầu tiên rơi vào tình trạng này, nhưng chắc chắn cô sẽ trở thành trường hợp được nhiều người biết tới nhất.
Tất cả các bác sĩ tham gia chăm sóc Karen đều nhất trí rằng tiên lượng bệnh của cô là rất xấu. Họ cũng nhất trí rằng cơ hội để cô thoát khỏi tình trạng hôn mê là gần như bằng không. Nhiều bác sĩ lúc đó có thể đã đáp ứng nguyện vọng của ông bà Quinlans, nhưng hai bác sĩ này lại không chịu. Nhìn lại quá khứ, tôi vẫn còn khó tưởng tượng được rằng tôi sẽ làm gì nếu rơi vào hoàn cảnh của họ.
Một mặt, Karen rơi vào tình trạng mà chất lượng cuộc sống hầu như không phải là của con người. Cô lệ thuộc vào máy trợ thở. Cô cần phải được đưa chất dinh dưỡng vào người, nhưng cô vẫn bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Và rõ ràng là, không có thứ công nghệ hay sự can thiệp hiện có nào có thể giúp cô lấy lại bất kỳ chức năng bình thường nào. Việc can thiệp không làm cho cô cảm thấy tốt hơn theo bất cứ cách nào, và tiếp tục can thiệp cũng không làm cô cảm thấy có gì khác biệt.
Tuy nhiên, lúc đó, tất cả những chuyện này đã xảy ra trong chân không tuyệt đối về đạo đức và pháp lý. Các bác sĩ được đào tạo để có thể tư duy độc lập và chữa trị cho những bệnh nhân nằm trước mặt họ.
Mỗi ngày, các bác sĩ đều phải đối mặt nhiều lần với những quyết định mang tính đạo đức. Hầu hết những lần như thế họ đều làm những việc phù hợp với định hướng đạo đức của chính mình. Những lúc như thế, họ thường không cảm thấy áy náy và phê phán hành động của mình.
Thường thì họ sẽ tiếp tục làm việc và tuân theo các nguyên tắc do họ tự đặt ra. Những thay đổi trong hoạt động y tế gia tăng khi người ta đi vào vùng không có dữ liệu. Các quyết định đạo đức khi người bệnh ở giai đoại cuối là những quyết định không có dữ liệu và cơ sở pháp lý.
Trong trường hợp này, trong khi các bác sĩ thống nhất rằng tương lai của Karen thật là khủng khiếp, nhưng họ cũng công nhận rằng họ không có quyền về mặt pháp lý để ngừng chăm sóc cô. Họ cũng phải thận trọng trước những hậu quả mà họ có thể phải đối mặt nếu họ làm tự ý hành động.
Các bác sĩ nói rằng họ đã được cảnh báo là các công tố viên có thể buộc họ tội giết người nếu họ ngắt máy trợ thở – dường như đây là lời buộc tội chính đáng vì trước nay chưa có tiền lệ. Cho nên việc họ cân nhắc về việc quyết định của mình có ý nghĩa như thế nào trên phạm vi toàn cầu là việc làm đáng khen.
Đối với ông bà Quinlan, quyết định yêu cầu ngưng trợ giúp con gái mình không phải là việc gì dễ dàng. Họ đã suy nghĩ suốt mấy tháng liền. Joseph Quinlan đã nói chuyện với vị linh mục ở địa phương, ông này cũng đồng ý ngưng chăm sóc, vì khả năng phục hồi thấp của Karen. Khi họ quyết định rằng việc tiếp tục các biện pháp “bất thường” là chống lại nguyện vọng của Karen, thì họ tuyệt đối tin rằng mình làm đúng. Lúc đó họ quyết định khởi kiện và đưa vấn đề ra tòa.
Ông bà Quinlan có lẽ không nghĩ rằng họ vừa tạo ra một trong những vụ kiện quan trọng nhất trong thời đại của mình.
Tiền lệ không ủng hộ họ. Chỉ vài tuần trước đó, tòa án New Jersey ở Newark đã không cho một người phụ nữ 39 tuổi, mắc bệnh bạch cầu giai đoạn cuối, được quyền từ chối ống dẫn thức ăn. Đây cũng là thời điểm mà chứng hoang tưởng về việc thôi giúp đỡ những bệnh nhân bị ốm nặng là rất cao. Thật vậy, trong tuyên bố mở đầu phiên toà của mình, luật sư của bác sĩ Morse đã so sánh vụ kiện của Quinlan với tội ác của Đức Quốc xã trong vụ diệt chủng người Do Thái.
Hàng trăm phóng viên từ các đài phát thanh quốc gia chiếm phần lớn số ghế trong tòa án, đám đông tụ tập trên các đường phố ở bên ngoài và tới tận bên ngoài ngôi nhà của gia đình Quinlan.
Trong tác phẩm The Mansion of Happiness (Lâu đài hạnh phúc), Jill Lepore, giáo sư sử học ở Đại học Harvard và cây bút của tờ New Yorker, viết: “Vấn đề Karen Quinlan đánh dấu bước chuyển đổi cơ bản trong lịch sử chính trị Mỹ. Trong những thập kỷ sau Quinlan, tất cả các vấn đề của chính sách đối nội được chuyển thành những vấn đề về sống và chết: khẩn cấp, kiên quyết và tuyệt đối”.
Trường hợp Karen Ann Quinlan là bước đầu tiên trong cái mà ngày nay người ta gọi là phong trào “quyền được chết”.
Ngay trước phiên tòa người ta đã tiết lộ rằng điện não đồ của Karen không hoàn toàn phẳng và thỉnh thoảng cô có thể tự thở không cần máy trợ thở. Vì vậy, tất cả mọi người đều đồng ý là Karen chưa chết. Đây là lần đầu tiên tòa án chính thức phân tích vô số những phức tạp nảy sinh trong quá trình chăm sóc bệnh nhân giai đoạn cuối, nhờ tới những tiến bộ công nghệ.
Chăm sóc bệnh nhân giai đoạn cuối đặt ra những câu hỏi phức tạp và gây tranh cãi – chồng chéo giữa y học, thần học và luật pháp, liên quan đến nhân phẩm, quyền riêng tư, và quyền tự quyết.
Phiên tòa bắt đầu vào ngày 20 tháng 10 năm 1975, tại tòa thượng thẩm New Jersey, do thẩm phán Robert Muir Jr làm chủ toạ và kéo dài khoảng hai tuần. Vụ xử này tạo ra khuôn mẫu cho những vụ việc tương tự trong tương lai.
Quinlan đã nhận được hàng ngàn thư từ và bưu phẩm, trong đó có nhiều thư từ những người chữa bệnh bằng đức tin, nhiều người trong số đó tuyên bố có thể chữa được cho Karen. Lời xác nhận của Joseph Quinlan khá đơn giản: Ông là người giám hộ của Karen và do đó, được phép ngắt máy trợ thở của Karen và “cho phép cô được chết”.
Trong giai đoạn xử án, Joseph Quinlan không phải là người giám hộ được chỉ định. Toà án không cho ông giữ vị trí này, vì họ cho rằng ông muốn ngắt các thiết bị trợ giúp Karen. Do đó, tòa chỉ định người luật sư bào chữa bán thời gian, Daniel Coburn, làm người giám hộ pháp lý cho Karen. Coburn không đồng ý tháo máy trợ thở.
Thẩm phán Muir tuyên bố về quyết định ngắt máy trợ thở rằng: “để cho bác sĩ điều trị giải quyết việc này … Tôi hài lòng khi mà cha mẹ có thể đồng ý, nhưng họ không có quyền quyết định”. Nói cách khác, ông củng cố quan niệm hiện hành – rằng bác sĩ biết rõ hơn tất cả mọi người. Tòa án không cho Joseph Quinlan quyền giám hộ khi đưa vụ án ra xét xử.
Sau hai tuần ầm ĩ, thẩm phán Muir đưa ra phán quyết cứng rắn. Ngày 10 tháng 11 năm 1975, ông tuyên bố rằng Joseph Quinlan không phải là người giám hộ của bệnh nhân, và trách nhiệm ra quyết định thuộc về các bác sĩ đang chăm sóc Karen.
Trong phán quyết của mình, vị thẩm phán này nói: “Có một tiêu chuẩn cao hơn, trách nhiệm cao hơn, bao gồm việc mạng sống của con người là duy nhất, tính chính trực của nghề y và thái độ của xã hội đối với bác sĩ, và do đó, là đạo đức của xã hội. Một bệnh nhân được đưa tới hay tự tới để được bác sĩ chăm sóc với mong muốn rằng bác sĩ sẽ làm tất cả mọi việc trong sức lực của mình, mọi thứ mà y học hiện đại đã biết, nhằm bảo vệ cuộc sống của bệnh nhân. Bác sĩ sẽ làm tất cả trong khả năng của ông ta để ủng hộ cuộc sống, chống lại cái chết”.
Hai tháng sau quyết định nói trên, thủ tục kháng cáo bắt đầu chính thức được khởi động tại tòa án tối cao New Jersey. Sau hai tháng tranh cãi nữa, thẩm phán Hughes công bố bản án.
Các sự kiện không thay đổi gì nhiều sau khi vụ việc lần đầu tiên được đưa ra tòa, nhưng dư luận xã hội thì lại khác. Đã có thêm những cuộc tranh luận về hậu quả của “những biện pháp bất thường”. Phán quyết cũng nhận xét rằng, kết thúc của cuộc đời con người nằm ở sự giao nhau giữa luật pháp, y học và tôn giáo. Trong khi niềm tin tôn giáo của nguyên đơn được thừa nhận và tôn trọng, thì định nghĩa về cuộc sống và định nghĩa về cái chết chỉ được xem xét trong phạm vi của y khoa.
Quan điểm của tòa án là, với tiên lượng xấu, “không có sự quan tâm bên ngoài nào có thể buộc Karen phải chịu đựng những điều không thể chấp nhận được, chỉ để sống vô vị một vài tháng mà không có khả năng quay lại cuộc sống có nhận thức hay khôn ngoan”.
Bản án đã lật ngược quyết định của tòa án trước đó về việc không để Joseph Quinlan làm người giám hộ của Karen. Quyết định để cha mẹ làm người giám hộ có nghĩa là sử dụng đánh giá tốt nhất của gia đình về việc bệnh nhân sẽ chấp nhận lựa chọn nào, nếu họ có khả năng và có thể nói ra được mong muốn của mình.
Một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa quan điểm này và quan điểm trước đó là đưa bệnh nhân và thành viên gia đình vào quá trình ra quyết định về mặt y tế. Trong phán quyết này, thẩm phán Hughes khẳng định rằng không chỉ những bệnh nhân có quyền được giữ hay bỏ những biện pháp chữa trị nhằm duy trì đời sống, mà người giám hộ cũng có thể đưa ra quyết định như thế, nếu bệnh nhân không thể đưa ra được quyết định. Phán quyết cũng tuyên bố rằng bác sĩ thực hiện những yêu cầu như thế sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Đây là cách thức ban hành quyết định vụ án có ảnh hưởng nhất đến việc chăm sóc người bệnh giai đoạn cuối. Và theo phán quyết này, quá trình chăm sóc người ốm giai đoạn cuối hiện nay đã được đưa ra khỏi bóng tối và để cho thế giới chứng kiến.
Ảnh: Martin Barraud/Getty.
Sự tiến bộ của công nghệ vượt xa trí tưởng tượng của chúng ta không chỉ mang lại hy vọng cho nhiều bệnh nhân – nếu không có công nghệ thì sẽ phải ốm đau – mà còn gióng lên những câu hỏi về đạo đức vốn chưa từng có trong quá khứ.
Trong khi trường hợp của Karen Quinlan cung cấp cho chúng ta tiền lệ đầu tiên về việc người giám hộ thay mặt cho bệnh nhân – nếu bệnh nhân trước đó đã từng thể hiện mong muốn như thế – đề nghị chấm dứt chữa trị, thì tháng 4 năm 1989 tình hình lại nóng lên. Nó không diễn ra trong phòng xử án, mà trong một đơn vị chăm sóc đặc biệt cho trẻ em, khi Rudy Linares rút ra một khẩu súng lục Magnum 357 đã nạp đạn ngay bên cạnh giường ngủ của con mình.
Tám tháng trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng này, một ngày đáng lẽ là bình thường đã trở thành thảm cảnh. Samuel, đứa con 15 tháng tuổi của Rudy, trong một bữa tiệc sinh nhật đã vô tình nuốt một quả bóng và bắt đầu nghẹt thở. Rudy đã tìm mọi cách để cứu con. Khi Samuel bắt đầu trắng bệch ra, Rudy ôm bé vào lòng và chạy đến trạm cứu hỏa gần nhất, vừa chạy vừa hét: “Cứu tôi! Cứu tôi! Con tôi sắp chết!” Mặc dù Samuel đã được cứu sống, nhưng não của cậu bé không thể hồi phục được và cậu phải sống đời sống thực vật kéo dài.
Sau nhiều tháng chịu đựng, Rudy đề nghị các bác sĩ ngắt các thiết bị giúp duy trì cuộc sống cho Samuel. Họ đồng ý, nhưng luật sư của bệnh viện lại cảnh báo họ là không được làm thế; ông này nói rằng họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thời gian cứ thế trôi, sự thất vọng của Rudy đã chuyển thành tuyệt vọng và sau đó thì trở thành giận dữ. Khi bệnh viện gửi cho Rudy tin nhắn nói rằng họ đã chuyển Samuel đến cơ sở điều dưỡng, một cảm xúc nào đó bên trong anh ta đã bùng nổ và anh ta mang súng tới bệnh viện. Khi lôi khẩu súng lục ra, anh ta tuyên bố: “Tôi không định làm hại ai. Tôi chỉ muốn để con trai tôi được chết”.
Rudy giật cái ống ra khỏi cổ họng con trai mình. Chỉ vài giây sau, Samuel đã trở nên bất động, nhưng Rudy vẫn ôm chặt con trong ít nhất 20 phút. Một bác sĩ đưa ống nghe lên ngực cậu bé để xác nhận rằng tim của Samuel thực sự đã ngừng đập. Cuối cùng, Rudy bỏ súng, bị bắt và bị buộc tội giết người.
Trong tòa án của công luận, Rudy là người anh hùng. Bệnh viện cũng như tòa án đều không muốn trừng phạt anh ta, mặc dù anh ta đã rơi vào vùng xám của luật pháp. Bồi thẩm đoàn cũng vậy. Và trong khi Rudy không phải là ví dụ hoàn hảo trong việc nhấn mạnh khía cạnh đạo đức của việc ngưng những phương pháp điều trị nhằm duy trì cuộc sống – anh đã bị bắt nhiều lần vì tội bạo hành và chỉ hai tuần sau khi tuyên bố là không phạm tội giết người, anh ta đã suýt chết sau khi uống quá liều Pentachlorophenol (PCP), cocaine và rượu – thì dù sao anh ta cũng đã làm được nhiều thứ hơn hầu hết các nhà đạo đức sinh học trong việc nhấn mạnh vai trò của công nghệ đối với việc duy trì cuộc sống cho người bệnh giai đoạn cuối.
Vào cuối những năm 1980 là thời kỳ người Mỹ nổi dậy chống lại những thứ máy móc duy trì cuộc sống trong các bệnh viện và nhà dưỡng lão. Một bác sĩ đã nắm bắt được tâm trạng của thời đại khi ông viết: “duy trì cuộc sống” trở thành “cái chết kéo dài”; “bệnh nhân không hồi phục được, nhưng cũng không chết. Thay vào đó, họ trở thành những tù nhân của công nghệ”.
Quyền của người dân trong việc bỏ hay tiếp tục những biện pháp điều trị nhằm duy trì cuộc sống được đưa lên tòa án tối cao. Lần này là một cô gái trẻ bị tách khỏi đời sống trước đây của mình – Nancy Cruzan, cô đang phải chiến đấu cho quyền được chết cũng diễn ra trên sân khấu quốc gia.
Lần đầu tiên Nancy chết là vào tháng 1 năm 1983, chiếc xe của cô mất lái trên một con đường vắng vẻ và lao xuống một cái mương đầy nước. Các nhân viên y tế đã đến hiện trường và làm hô hấp nhân tạo cho cô. Nhưng trong khi tim của cô đập trở lại sau 15 phút, thì cơ thể cô lại không bao giờ thực sự hồi sinh. Cô rơi vào đời sống thực vật kéo dài và không bao giờ tỉnh lại được.
Sau bốn năm trong một nhà dưỡng lão ở Missouri, cha mẹ cô làm đơn xin được rút ống dẫn thức ăn cho cô, nhưng hóa ra mọi việc không dễ dàng. Trong khi cha mẹ cô trình bày rằng trong các cuộc trò chuyện trước đây, cô đã nói là không muốn sống đời sống thực vật, nhưng nhà nước lại đòi bằng chứng cụ thể hơn. Toà án tối cao bang Missouri tuyên bố rằng trong khi Nancy có quyền từ chối chữa trị, người khác lại không có quyền quyết định thay cho cô.
Có hàng triệu người đồng cảm với gia đình Cruzans, trong đó có một người có con gái cũng đang bị hôn mê. Người này viết: “Trong suốt cuộc đời của con gái mình, tôi đã có nhiều quyết định để dẫn dắt cháu vào tuổi trưởng thành và bây giờ, khi cháu không có khả năng tự quyết định, thì nhà nước lại muốn thay thế cha của cháu”.
Ông này còn viết thêm: “Vào phòng của cháu chẳng khác gì vào phòng tang lễ… Nếu Rudy Linares, người đã ngăn không cho các nhân viên y tế ở một bệnh viện ở Chicago, và viên cảnh sát có súng, để anh ta có thể ‘cứu’ đứa con đang hấp hối của mình khỏi cái máy trợ thở, thì có phải là khôn ngoan hơn hẳn các tòa án của chúng ta hay không?”
Trong một quyết định quan trọng, tòa án tuyên bố rằng đưa thức ăn và nước vào người một cách nhân tạo là biện pháp điều trị y học. Trong vụ này, họ đã gặp những người chống đối cứng rắn, đấy là những người khẳng định rằng việc rút ống dẫn thức ăn và nước uống là tội sát nhân.
“Ngay cả một con chó ở Missouri cũng không thể bị chết đói một cách hợp pháp”, Reverend Joseph Foreman, một nhà vận động ủng hộ quyền sống (đây là phong trào chống phá thai – ND) ở Atlanta nói. Những người biểu tình này không chỉ nhiều lần đưa vấn đề này ra tòa, mà họ thậm chí đã xông vào cơ sở y tế đang nuôi Nancy nhằm gắn lại ống dẫn thức ăn cho cô.
Mặc dù vậy, cuối cùng, tòa án đã công nhận lời khai của các đồng nghiệp trước đây của Nancy Cruzan. Những người này nói rằng cô không muốn sống đời sống thực vật, và tòa án cho phép gia đình Cruzan tháo ống cung cấp thức ăn ra. Khoảng hai tuần sau, Nancy kết thúc cái chết kéo dài và đau đớn, sau gần tám năm.
Một cuộc biểu tình ủng hộ quyền được chết ở London năm 2015. Ảnh: Rob Stothard/Getty Images.
Trong khi xã hội, tòa án và các bác sĩ bình thản chấp nhận việc chấm dứt chữa trị, thì điều thú vị cần ghi nhận là, không có sự phân biệt rõ ràng giữa những biện pháp mang tính thụ động hay gần như thụ động để làm cho người bị bệnh nan y chết và các những biện pháp có tính chủ động hơn.
Trong khi, là bác sỹ, chúng tôi có những quan niệm rõ ràng và ngay thẳng trong suy nghĩ để chúng tôi có thể hoàn thành nhiệm vụ và làm việc của mình thì sự thật lại mù mờ hơn hẳn. Trong quá trình nghiên cứu đề tài này, tôi đã biết thêm nhiều điều về bản thân mình. Ngạc nhiên nhất là tôi nhận ra rằng mình đã đi đến kết luận rằng chúng tôi phải làm nhiều hơn để thảo luận và giúp đỡ các bệnh nhân giai đoạn cuối được quyền yêu cầu và có phương tiện nhằm chấm dứt những đau khổ của họ, với sự giúp đỡ của bác sĩ.
Trong khi mỗi cuộc đời đều là duy nhất, cái chết bao giờ cũng là sự chấm dứt, đau đớn và, nói chung, chẳng ai thích. Hầu hết những người tự tử không muốn sống nữa chứ không phải là muốn chết. Tất cả các bệnh nhân giai đoạn cuối cũng thế, cho đến nay, tôi chưa thấy bệnh nhân nào nói một cách rõ ràng là muốn chết chỉ vì chết. Dù sao, sống bao giờ cũng được đánh giá cao hơn khi người ta cố gắng rời bỏ nó.
Một số người nói rằng y học hiện đại đã làm nhiều việc nhằm kéo dài cái chết chứ không phải là kéo dài cuộc sống có ý nghĩa. Trong khi tôi không đồng ý với khái niệm này, thì có rất nhiều bệnh nhân đã chết sau khi trải qua giai đoạn suy nhược và đau khổ kéo dài. Khi y tá và bác sĩ nhìn vào những bệnh nhân này, họ thường nghĩ rằng những người đó có chất sống thấp hơn hẳn so với bệnh nhân tự nghĩ. Đấy không phải là điều đáng ngạc nhiên, vì bệnh nhân thường thích ứng với những bất tiện đi kèm với bệnh tật của họ. Đại đa số người bệnh đều muốn làm mọi thứ trong điều kiện có thể chấp nhận được nhằm kéo dài cuộc sống càng lâu càng tốt.
Trong một ít trường hợp đau khổ và bi kịch, cuộc sống được coi là đau khổ và tuyệt vọng. Những bệnh nan y, cho dù đó là ung thư hay xơ gan, làm mất bản chất chân chính của đời sống của bệnh nhân. Lúc đó, các bác sĩ có thể giúp họ giảm bớt đau đớn với nhiều mức độ khác nhau. Các bác sĩ hoặc y tá chăm sóc bệnh nhân giai đoạn cuối có thể phát thuốc giảm đau, thuốc benzodiazepin để bớt lo âu và thuốc chống nôn. Dù rằng những loại thuốc này còn lâu mới hoàn hảo. Thuốc giảm đau làm người ta buồn ngủ, loạng choạng và lẫn trí, và mặc dù những loại thuốc này có thể giảm đau, nhưng cũng thường xuyên gây ảnh hưởng đến hoạt động của bệnh nhân.
Các loại thuốc giảm đau cũng gây ra những tác động riêng: Vừa nhìn thấy các loại thuốc giảm đau là cơ thể lập tức phản ứng bằng cách gia tăng số cơ quan cảm nhận trong các neuron thần kinh, nghĩa là ngày càng cần liều lượng cao hơn.
Càng gần giai đoạn cuối thì càng cần những biện pháp can thiệp mạnh hơn. Trong năm cuối đời, một phần ba người Mỹ phải phẫu thuật, trong đó, một phần năm phải phẫu thuật trong tháng cuối cùng của cuộc đời.
Do những vụ phẫu thuật này được thực hiện khi người ta đã gần chết, không chắc được là những vụ mổ xẻ đó có mang lại bất kỳ lợi ích nào hay không. Một phần năm bệnh nhân cũng trải qua những biện pháp can thiệp nhằm duy trì cuộc sống như dùng tới máy trợ thở, hô hấp nhân tạo và bơm thức ăn trong sáu tháng cuối cùng của cuộc đời.
Khi số bệnh nhân nhập viện, số vụ can thiệp y tế và các đơn thuốc cứ tăng dần, tăng dần và dường như cơn bão này sẽ không bao giờ giảm, thì người ta cũng nhận thức được rằng sóng thần cũng chẳng còn gì mà phá nữa. Phần lớn những bệnh nhân này hay người nhà của họ lúc đó quyết định ngưng các biện pháp nhằm duy trì cuộc sống, vì cuối cùng họ chấp nhận chấm dứt cuộc chiến quá mệt mỏi và kéo dài quá lâu rồi.
Ngày xưa, giai đoạn cuối người ta thường nằm trên giường sau một cơn bạo bệnh, ngắn và nhanh. Ngày nay, cái chết trên thực tế thường diễn ra như sau: Người bị bệnh, cảm thấy đỡ hơn, nhưng không bao giờ trở lại như cũ, ngày càng có nhiều chẩn đoán và biện pháp điều trị, cho tới khi rõ ràng (thường là khá muộn) là có can thiệp nữa cũng chẳng cải thiện được gì.
Quá trình điều trị kéo dài và đôi khi là tràn lan có thể có ý nghĩa đối với đại đa số bệnh nhân. Nhưng đối với một số ít người quyết định không kéo dài đời sống theo cách này thì một số bang ở Mỹ đã tạo ra những biện pháp và đưa ra các quy định nhằm giúp họ kiểm soát việc chấm dứt đời sống bằng cách chết với sự giúp đỡ của nhân viên y tế. Đối với phần lớn những người chọn cách này, nếu đấy không phải là kết thúc có hậu thì cũng là kết thúc mà họ mong muốn.
Tại sao các bác sĩ lại là những người chống đối mạnh mẽ nhất việc trợ tử?
Các bác sĩ được đào tạo để trị bệnh. Các bác sĩ được đào tạo nhiều năm, nhiều tháng, nhiều ngày một cách nghiêm túc để tìm cách chữa triệu chứng hay tái tạo cân bằng điện giải của một người nào đó hoặc cắt một khối u hay mở một mạch máu. Bệnh nhân và gia đình của họ cảm thấy khó tới mức nào khi quyết định chấm dứt cuộc sống thì các bác sĩ cũng không bao giờ sẵn sàng làm những việc mà họ không được đào tạo.
Đối với nhiều bác sĩ, việc giúp người ta chết còn có rủi ro là họ đang gửi thông điệp lẫn lộn cho các bệnh nhân. Các bác sĩ cho rằng niềm tin là nền tảng của mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân, và cho các bác sĩ quyền giết người có thể làm thay đổi quan niệm của bệnh nhân khi thấy bác sĩ đến gần mình vào ban đêm.
Sự thật là, nhiều người, cả người bình thường và lẫn những người làm trong ngành y đã chấp nhận những hành động rất gần với việc giúp bệnh nhân nan y chết, nếu không nói là không thể phân biệt được.
Đối với các bác sĩ, cho uống thuốc ngủ cho đến chết, để mất nước đến chết, thậm chí ngưng những biện pháp chăm sóc bất thường hay ngưng các phương pháp điều trị nhằm kéo dài đời sống khác hẳn với việc giúp bệnh nhân chết, nhưng đối với những người bình thường thì sự khác biệt là không rõ ràng. Dù có làm xáo trộn vấn đề thế nào chăng nữa, thì bệnh nhân cũng không có quyền quyết định cách thức mình chết mà do những người được uỷ quyền và bác sĩ quyết định, mà những người này lại không thể nào biết được sở thích của bệnh nhân.
Trong quá trình học tập, tôi được dạy rằng đạo đức nghề nghiệp của chúng tôi được hình thành bằng cách tôn trọng người bệnh. Nhưng sau khi nói chuyện với các bệnh nhân, các bác sĩ, y tá, hộ lý và các nhà nghiên cứu, và suy ngẫm về những việc diễn ra hàng ngày, thì tôi hiểu rõ rằng phần lớn những gì được coi là tiêu chuẩn trong việc chăm sóc bệnh nhân giai đoạn cuối là có ích. Đó là sự tiến triển của công nghệ và kỹ thuật y tế đã thúc đẩy cuộc đối thoại, trong khi bệnh nhân và thậm chí cả các bác sĩ tìm cách giữ nguyên.
“Euthanasia” trong tiếng Hy Lạp nghĩa là “giúp người bệnh chết”. Ảnh: Pinterest.
Trung tâm của cuộc thảo luận và chưa được giải quyết là định nghĩa về việc gây hại. Chủ đề trung tâm mà những người chống việc trợ tử đưa ra là châm ngôn đã có từ lâu: “Không được làm hại”. Nhưng hại là gì? Bệnh nhân được điều trị nhưng họ không muốn thì có phải là họ bị làm hại hay không? Các biện pháp chữa trị quá vô ích có phải là hại không? Cái chết kéo quá dài, mà người ta không muốn sống nữa có phải là hại không? Và, có lẽ quan trọng nhất là, cái chết mà người ta có thể không muốn có làm hại không?
Khi người Hy Lạp cổ đại tạo ra từ “euthanasia” (giúp người bệnh chết), là họ đã tìm cách trả lời câu hỏi mà chúng ta vẫn còn phải vật lộn: Chết là gì? Đấy có lẽ là câu hỏi quan trọng và khó khăn nhất mà chúng ta từng gặp, nói cho cùng, làm sao mà mất mát lớn nhất là cuộc sống lại có thể coi là tốt? Tương tự như một cỗ máy có tổ chức, người bệnh chiến đấu kiên cường không phải để ngăn ngừa cái chết, mà để sống một cách có thể chịu đựng được. Đây là những câu hỏi cấp bách nhất của thời đại chúng ta: Người bệnh muốn chấm dứt cuộc sống như thế nào và phải làm gì để giúp họ toại nguyện. Nhưng mặc cho tất cả tiến bộ mà chúng đã đạt được, chúng ta vẫn chưa giải quyết được một cách trọn vẹn những câu hỏi này.
—
Đây là trích đoạn từ tác phẩm Modern Death: How Medicine Changed the End of Life của Haider Javed Warraich, do Duckworth xuất bản.