‘Là luật sư, tôi đã làm gì trong thời đại của Trump?’

‘Là luật sư, tôi đã làm gì trong thời đại của Trump?’
Các luật sư di trú của Mỹ lập bàn tư vấn dã chiến tại sân bay Los Angeles, California, tháng 1/2017. Ảnh: AP.

Kể từ khi nhậm chức cách đây tròn một năm, 20/1/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không lãng phí chút thời gian nào để buộc các luật sư phải làm việc vất vả một cách bất thường.

Luật sư của Obama, anh đi đâu?

Hãy xem cách Reuters miêu tả về những ngày kỳ lạ trong cuộc đời Johnathan Smith, người nộp đơn nghỉ việc ở Bộ Tư pháp Mỹ ngay ngày nhậm chức của tổng thống mới, 20/1/2017. Ông định dành khoảng thời gian này cho đứa con trai mới sinh, nhưng tổng thống không đợi quá ngày thứ 10 trong nhiệm kỳ của mình để ban hành sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân của bảy quốc gia với phần đông dân số là người Hồi giáo.

Ngày chuyển giao quyền lực, 20/1/2017. Ảnh: AP.

Trong vòng hai tuần, Smith đã bắt đầu công việc mới, giám đốc pháp lý cho một nhóm hoạt động vì quyền của người Hồi giáo. Ông soạn thảo hồ sơ kiện sắc lệnh của tổng thống mới và gia nhập hàng ngũ các chuyên gia pháp lý từng làm việc dưới thời Barack Obama và nay đang hoạt động để chống lại Trump.

Eric Holder, Bộ trưởng Tư pháp (Tổng Chưởng lý) Mỹ trong giai đoạn 2009 – 2015, tư vấn cho chính quyền California trong vụ kiện Trump vì sắc lệnh nhập cư, các luật lệ môi trường và chăm sóc y tế (California, về nửa sau của năm 2017, sẽ trở thành bang đi đầu trong cuộc chiến pháp lý chống lại tổng thống). Neal Katyal, người từng đảm nhiệm vị trí quan chức đứng thứ ba trong Bộ Tư pháp, hỗ trợ bang Hawaii trong việc kiện sắc lệnh nhập cư.

“Việc Smith và nhiều đồng nghiệp, những người được bổ nhiệm với lý do chính trị dưới thời vị tổng thống của đảng Dân chủ Obama, sẽ rời Bộ Tư pháp khi chính phủ giờ đây do đảng Cộng hòa lãnh đạo là điều không có gì bất ngờ. Điều bất ngờ là họ ở vào thế chống đối tổng thống mới nhanh đến thế”, Reuters viết. Một số người lý giải cho hành động của họ là vì tổng thống mới đã sử dụng quyền lực hành pháp của ông một cách đầy hung hăng ngay từ ngày đầu.

Các cuộc chiến pháp lý mà cựu tổng thống Obama phải đối mặt, một số trong đó đến từ các luật sư từng làm việc dưới thời George W. Bush, chỉ xảy đến vào giai đoạn sau của nhiệm kỳ.

Một số luật sư của chính phủ, vốn không được bổ nhiệm vì lý do chính trị, cũng nghỉ việc dù họ thường không bị ảnh hưởng bởi sự chuyển giao quyền lực. Một trong số đó là Sharon McGowan, người làm việc về vấn đề người LGBT (cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới) trong Bộ Tư pháp trước đây. McGowan nói rằng bà quyết định rời đi khi Tổng thống chọn Jeff Sessions, một thượng nghị sĩ bảo thủ từ bang Alabama, làm tổng chưởng lý (bộ trưởng tư pháp) mới.

“Tôi biết sẽ không còn cơ hội nào cho mình gìn giữ những thứ mà tôi đã cố gắng rất nhiều để có được trước đó”, bà nói.

Một điều dễ hiểu là nhiều luật sư và chuyên gia pháp lý được bổ nhiệm trong chính quyền Obama là những người thuộc đảng Dân chủ, quan điểm của họ sẽ đi ngược lại các chính sách của chính quyền mới. Dù vậy, việc một lượng lớn người dưới chính quyền cũ nhanh chóng đứng vào hàng ngũ đối đầu với tổng thống mới cho thấy đây không chỉ là xung đột giữa quan điểm của hai đảng phái như điều đã diễn ra ở Mỹ hàng trăm năm qua.

Khi sân bay trở thành phòng luật dã chiến

Các luật sư di trú của Mỹ lập bàn tư vấn dã chiến tại sân bay Los Angeles, California, tháng 1/2017. Ảnh: AP.

Giờ thì hãy đến với “sân khấu” chính của các luật sư và là tâm điểm trong tháng đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Trump: các sân bay trên khắp nước Mỹ.

New York Times miêu tả khung cảnh tại sân bay quốc tế Dulles ở bên ngoài bang Washington là nơi các luật sư tình nguyện đã thiết lập các phòng luật “dã chiến” và thay nhau túc trực tại đó để giúp đỡ những người đến Mỹ bị giữ lại không cho nhập cư và đối mặt với nguy cơ bị trục xuất.

Tại nơi những người biểu tình tập trung để phản đối sắc lệnh cấm nhập cư, số luật sư đôi lúc áp đảo số người biểu tình. Họ dựng những chiếc bàn xếp bên dưới thang cuốn, lập một nhóm chat trên mạng xã hội để chia sẻ thông tin, và mở một file trên Google để theo dõi những trường hợp cần giúp đỡ.

Đôi khi, các luật sư sẽ cầm tấm bảng ghi “luật sư miễn phí” để tìm kiếm những “khách hàng” đang gặp rắc rối. Sau đó, họ viết đơn kiện và gửi lên tòa án để yêu cầu trả tự do hoặc trì hoãn việc trục xuất thân chủ của họ.

Đến ngày 3/2/2017, một thẩm phán liên bang ở Seattle (Washington) đã ra lệnh dừng thi hành sắc lệnh nhập cư trên toàn quốc. Tổng thống buộc phải ra sắc lệnh thứ hai nhưng tiếp tục bị chặn. Sắc lệnh thứ ba về nhập cư của ông dù được thực thi nhưng vẫn đang bị Tối cao Pháp viện xem xét.

Sinh viên Khoa Luật của Đại học Yale thức trắng đêm để soạn thảo đơn kiện cho những người bị cấm vào Mỹ. Ảnh: New York Times.

Tư pháp – công cụ cuối cùng

Những đơn kiện gửi từ sân bay hoặc phòng học của các trường luật chỉ là một phần nhỏ trong cuộc chiến pháp lý và quyền lực giữa các luật sư Mỹ và Tổng thống Trump trong một năm qua.

Trong tình thế lưỡng viện quốc hội đang do đảng Cộng hòa kiểm soát và những người Cộng hòa nhiều lần trao cho Trump tất cả những gì ông muốn, những người phản đối tìm giải pháp trong hệ thống tư pháp.

Người lãnh đạo của một số nhóm hoạt động hy vọng rằng hệ thống tư pháp Mỹ đủ mạnh để trở thành công cụ kiểm soát chính phủ của ông Trump lẫn những người Cộng hòa. Đối với một số luật sư, các sắc lệnh gây tranh cãi của ông Trump không chỉ là trái ngược với khuynh hướng tự do mà còn vi hiến.

Hồi đầu tháng 1/2017, Ủy ban Luật sư vì Quyền Dân sự dưới Luật đã tổ chức một cuộc gặp của hơn 20 nhóm hoạt động về quyền dân sự. Họ bàn về chiến lược đối với các cuộc chiến pháp lý sắp tới đối với quyền bầu cử và các quyền dân sự khác. Đến cuối tháng 1/2017, Hiệp hội Hiến pháp Mỹ và Quỹ Bảo vệ Pháp lý NAACP đã đồng tổ chức một hội nghị để bàn thảo chủ đề tương tự.

“Rõ ràng chúng tôi đang ở trong một thời khắc mà các tổ chức vì quyền dân sự phải đối mặt với những thử thách chưa từng có tiền lệ và chúng tôi cần những chiến lược mới, quyết liệt hơn”, New York Times dẫn lời Kristen Clarke, Chủ tịch và là Giám đốc Điều hành của Ủy ban Luật sư.

“Bạn chưa từng gặp chuyện này ở mức độ và ở khắp các lĩnh vực như vậy – từ tự do ngôn luận, quyền của người Hồi giáo, người nhập cư, quyền phá thai”, Anthony D. Romero, Giám đốc Điều hành của Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU), cho biết. “Tất cả các lò đều đang cháy”, ông nói.

Anthony Romero, Giám đốc Điều hành của ACLU. Ảnh: AP.

Tính đến tháng 11/2017, chỉ riêng ACLU đã có 112 hành động pháp lý các loại đối với chính quyền ông Trump. Trong số 112 lá đơn có các khiếu nại về đạo đức, kêu gọi điều tra, yêu cầu thực thi Đạo luật Tự do Thông tin cùng 56 đơn kiện.

ACLU đã kiện cáo và chất vấn tổng thống trong rất nhiều vấn đề khác nhau, từ yêu cầu được biết lý do tổng thống sa thải cựu giám đốc FBI James Comey đến chống lại việc ông cắt tiền hỗ trợ các thành phố là nơi “trú ẩn” của người nhập cư hay bãi bỏ Chính sách Giấc mơ của Obama.

ACLU được Business Insider miêu tả là một tổ chức phi đảng phái và có một lịch sử lâu dài nhắm vào các tổng thống. Nhóm này từng kiện cựu tổng thống Obama vì chương trình theo dõi công dân trên quy mô lớn và cựu tổng thống Geroge W. Bush vì chương trình tra tấn và chính sách trục xuất.

Nhóm không tiết lộ số hành động pháp lý chống lại chính quyền Obama nhưng nói rằng con số dưới này dưới thời ông Trump là đã cao hơn nhiều.

“Các chính sách của Trump, đi cùng với sự thiếu hiểu biết và thiếu tôn trọng pháp quyền, đã kéo theo một cuộc khủng hoảng hiến pháp. Chúng tôi chưa từng thấy chuyện gì tương tự”, Giám đốc Điều hành Romero cho biết.

Hiện chưa có thống kê về số vụ kiện mà tổng thống nhận được trong năm đầu tiên của ông tại Nhà Trắng. Theo thống kê được công bố vào tháng 5/2017, trong ba tháng đầu tiên, ông Trump bị kiện 134 lần lên tòa án liên bang, gấp ba lần số vụ kiện của ba người tiền nhiệm cộng lại, trong cùng khoảng thời gian. Đơn kiện đến từ các tổ chức phi chính phủ lẫn chính quyền các bang của nước Mỹ.

Các đơn kiện không dễ nhìn hay gây được chú ý như một cuộc biểu tình ở trước Công viên Quốc gia ở Washington D.C., nhưng chúng là sự kiểm soát dài lâu hơn đối với quyền lực hành pháp của tổng thống.

“Không ai được đứng trên pháp luật, thậm chí kể cả Tổng thống”, Tổng Chưởng lý bang Washington Bob Ferguson nói trong một cuộc họp báo vào ngày 30/1/2017.

“Trong phòng xử án, không phải kẻ to mồm nhất sẽ thắng. Mà là Hiến pháp”, ông nói.

Ferguson chính là người đã nộp đơn kiện và dẫn đến việc sắc lệnh nhập cư đầu tiên bị chặn trên toàn quốc. Ông và cộng sự đã soạn thảo đơn kiện chính quyền liên bang, kêu gọi sự ủng hộ từ các công ty lớn đóng tại Washington. Tất cả chỉ trong ba ngày.

Tổng chưởng lý bang Washington Bob Ferguson. Ảnh: AP.

Bên kia ‘chiến tuyến’

Các luật sư phản đối tổng thống có một năm vất vả thì bên kia chiến tuyến, các luật sư trong chính quyền Trump hẳn cũng bận rộn không kém. Dù vậy, khó khăn lớn nhất không đến từ bên ngoài mà từ chính cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller đối với nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.

Khi tổng thống đứng trước nguy cơ sẽ bị Mueller thẩm vấn, hai luật sư của ông là John Dowd và Jay Sekulow đang xem xét phương án sử dụng cuộc điều tra nhằm vào cựu tổng thống Bill Cinton vào năm 1994 làm tiền lệ để giới hạn những câu hỏi mà công tố viên đặt biệt được đặt ra cho tổng thống. Hoặc họ có thể yêu cầu để tổng thống được trả lời qua văn bản và không phải ngồi giáp mặt một đối một với ông Mueller.

Tổng thống hẳn sẽ cần một đội ngũ pháp lý đủ mạnh để đối đầu với “đội hình ngôi sao” pháp lý bên phía Mueller. Và chính quyền của ông hẳn cũng cần nhiều luật sư để đối phó với số đơn kiện cao đột biến so với những người tiền nhiệm.

Hàng trăm luật sư Mỹ đổ về các sân bay trợ giúp miễn phí cho người nhập cư sau lệnh cấm của Trump

Tài liệu tham khảo:

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.