Vụ Hồ sơ Thiên đường: Tự do báo chí đối đầu Quyền riêng tư

Vụ Hồ sơ Thiên đường: Tự do báo chí đối đầu Quyền riêng tư

bài trước, chúng ta đã tìm hiểu về mục đích kiện tụng thật sự của công ty luật Appleby dựa vào các thông tin ít ỏi đã được các bên công bố về vụ kiện này.

Bài viết này sẽ tìm hiểu sơ lược các luận điểm pháp lý mà các bên có thể sử dụng khi ra tòa.

Thế nào là vi phạm bảo mật (Breach of Confidence)?

Bất kể mục đích kiện thật sự của Appleby là để buộc BBC và The Guardian tiết lộ 6,8 triệu tài liệu đến từ dữ liệu nội bộ có bảo mật của Appleby, hay để buộc các bên này phải bồi thường thiệt hại cho các thân chủ của Appleby, thì họ đều phải chứng minh được với tòa là họ có một đơn kiện “cãi được”.

Hành vi vi phạm bảo mật (breach of confidence) trong hệ thống thông luật (common law) của Anh không phải là một tội hình sự, mà là một vi phạm dân sự: xâm phạm quyền và lợi ích của một cá nhân, tổ chức (tort).

Các tiêu chuẩn pháp lý cho việc xác định một vi phạm dân sự như thế đến từ các án lệ – nghĩa là các nhóm nguyên tắc xử án, các phương cách phân định tranh chấp và giải quyết vấn đề pháp lý được đúc kết từ thực tiễn xử lý một số vụ việc nhất định trong quá khứ.

Appleby có thể tìm thấy các án lệ quan trọng nhất cho đơn kiện của họ trong vụ việc Coco kiện Clark năm 1968. Các thẩm phán trong vụ này xác định ba yếu tố cần chứng minh đối với một vi phạm bảo mật:

  1. Thông tin đã bị tiết lộ nhất thiết phải có “tính chất bí mật, riêng tư” (“the necessary quality of confidence about it.”)
  2. Thông tin đã bị tiết lộ phải là thông tin đã được trao đổi trong các hoàn cảnh mà hiển nhiên đi kèm theo các hoàn cảnh đó là nghĩa vụ bảo mật (“must have been imparted in circumstances importing an obligation of confidence.”)
  3. Việc tiết lộ thông tin đó là trái phép và gây hại cho bên chủ thông tin (“unauthorised use of that information to the detriment of the party communicating it.”)

BBC, hãng truyền thông quốc gia của Anh, một trong hai bị đơn của vụ kiện. Ảnh: Express.co.uk.

Đã có một số án lệ thông luật Anh xác định là các “thông tin tài chính” có thể được liệt vào dạng thông tin có “tính chất bí mật, riêng tư”. Như vậy, Appleby có thể dễ dàng thỏa mãn yếu tố thứ nhất.

Yếu tố thứ hai thì có phần phức tạp hơn vì thực tế vụ việc.

Tùy vào bản chất mối quan hệ giữa bên bị tiết lộ thông tin và bên tiết lộ thông tin mà hoàn cảnh “hiển nhiên có đi kèm theo nghĩa vụ bảo mật” có thể được xác lập.

Ví dụ, nếu bên tiết lộ thông tin và bên bị tiết lộ thông tin là… vợ chồng, hay tình nhân của nhau, tòa án Anh có thể sẵn sàng dựa vào tính chất mối quan hệ sẵn có giữa hai bên (gần gũi, riêng tư, đầu gối tay ấp, v.v.) để suy ra là có một nghĩa vụ bảo mật thông tin giữa hai bên.

Hay ví dụ, nếu bên tiết lộ thông tin là luật sư, bác sỹ, hay kế toán đang tiết lộ thông tin của thân chủ họ, thì dĩ nhiên là họ đang vi phạm một nghĩa vụ bảo mật thông tin được mặc định (không thân chủ nào lại đi thuê một người luật sư, bác sỹ, kế toán không cam kết bảo mật các thông tin cá nhân của họ).

Trái lại, “đường dây” đã đưa 6,8 triệu tài liệu từ dữ liệu nội bộ có bảo mật của Appleby đến tay BBC và The Guardian lại là một xâu chuỗi phức tạp, chứ không đơn giản rõ ràng như các ví dụ trên.

Như chúng ta đã biết, một hacker nào đó lọt vào hệ thống máy tính của Appleby cướp dữ liệu, tuồn cho Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ). Sau đó, ICIJ sắp xếp lại dữ liệu và phát tán cho các tổ chức báo chí trên thế giới bao gồm The Guardian và BBC.

“Đường dây” dài dòng đó có “cà rịch cà rụi” dắt theo nó một nghĩa vụ bảo mật không?

Nếu có thể chứng minh là có, thì Appleby có thể tranh luận là BBC và The Guardian có nghĩa vụ bảo mật thông tin tài liệu bị lộ của thân chủ Appleby, bất kể là giữa hai tổ chức báo chí này và thân chủ Appleby không hề có một mối quan hệ đặc biệt nào, và bất kể là tài liệu bị lộ đã lọt vào tay hai tổ chức báo chí này bằng cách cụ thể nào.

Văn phòng hãng luật Applyby ở đảo Man, một lãnh thổ tự trị thuộc sở hữu của Anh, nằm giữa Vương quốc Anh và Ireland. Ảnh: The New York Times.

May mắn cho Appleby là họ có ít nhất một án lệ hữu ích ở đây: A kiện B plc (2002).

Bằng cách áp đặt một nghĩa vụ “phải tự biết cái gì cần được bảo mật”, các thẩm phán trong vụ việc này đã mở rộng danh sách các bên phải… gánh lấy nghĩa vụ bảo mật bất kể các bên đó có hay không có mối quan hệ với bên bị tiết lộ thông tin, và bất kể các bên đó đã có được thông tin bị tiết lộ bằng cách nào. Cụ thể, phán quyết vụ việc tuyên:

“Việc nhất thiết phải tồn tại một mối quan hệ mang tính riêng tư kín đáo không nên tạo khó khăn về mặt luật pháp ở đây… Một nghĩa vụ bảo mật sẽ xuất hiện bất cứ khi nào bên gánh nghĩa vụ đó rơi vào trong một tình huống mà anh ta hoặc là biết rõ, hoặc là phải biết rõ (ought to know) rằng người [bị tiết lộ thông tin] kia có một mong đợi hợp lý (reasonably expect) rằng sự riêng tư (privacy) của người đó sẽ được bảo vệ”.

Appleby hoàn toàn có thể chứng minh các thân chủ của họ có một mong đợi hợp lý rằng các thông tin tài chính mà họ trao cho Appleby phải được bảo mật kín đáo khỏi công chúng, để bảo vệ sự riêng tư của họ.

Bước tiếp theo thì “khoai” hơn, Appleby sẽ phải tranh luận rằng các phóng viên kỳ cựu trong những tổ chức báo chí uy tín như The Guardian và BBC nhất thiết phải có một mức độ “lõi nghề”, một năng lực thẩm định nhất định cho phép họ biết (hay buộc họ “phải biết”) rõ rằng các thông tin dữ liệu đã bị lộ từ Appleby kia đã được các thân chủ trao cho Appleby với mong đợi hợp lý rằng các thông tin đó sẽ được bảo mật hoàn toàn.

Việc chứng minh yếu tố thứ ba về tiết lộ trái phép và thiệt hại do tiết lộ có lẽ sẽ không khó khăn đến mức nói trên cho Appleby và luật sư của họ.

Các thân chủ của Appleby đã phải “nóng mặt” mấy tháng qua nhìn thông tin tài chính cá nhân của họ bị đem ra truyền thông phơi bày cho quần chúng thảo luận.

Và ngay cả khi những thiệt hại thanh danh hay tâm lý đó khó mà cãi thành tiền, các cá nhân thân chủ giàu có của Appleby vẫn có thể tận dụng một nguồn pháp luật có khả năng bảo vệ mạnh mẽ: luật nhân quyền.

Thông tin về tài sản của Nữ hoàng Anh trong Hồ sơ Thiên đường được tiết lộ trên tờ The Guardian. Ảnh: news.in.gr.

Quyền riêng tư của các thân chủ Appleby?

Bên cạnh việc tận dụng các án lệ thông luật, Appleby cũng có thể củng cố các luận điểm pháp lý của họ bằng cách viện dẫn quyền riêng tư (right to privacy) của thân chủ họ, vốn là một trong các quyền được nêu trong Công ước Nhân quyền Châu Âu.

Bất kể Brexit cuối cùng sẽ diễn ra như thế nào đi nữa thì Anh quốc vẫn là một trong những nước đã ký kết Công ước này và theo đó bị ràng buộc vào đó trong thế hoàn toàn biệt lập với các nghĩa vụ của nước này với Liên minh Châu Âu (EU).

Thông qua Đạo luật Nhân quyền năm 1998, mọi công dân Anh đều có thể yêu cầu các tòa án tại Anh bảo vệ các quyền con người của họ thể theo Công ước Nhân quyền Châu Âu.

Nếu các cấp tòa án Anh giải quyết không ổn thỏa, công dân Anh có quyền kiện thẳng nhà nước Anh ra Tòa Nhân quyền Châu Âu, cơ quan tư pháp cao nhất có quyền phân định các tranh chấp liên quan đến nội dung Công ước.

Tòa Nhân quyền Châu Âu có thẩm quyền thụ lý đơn kiện và có khả năng đưa ra phán quyết là nhà nước Anh (thông qua hệ thống tòa án) đã không đảm bảo hiệu quả việc bảo vệ nhân quyền của người dân, hay đã xâm phạm vào nhân quyền của họ.

Các thân chủ của Appleby hoàn toàn có thể cáo buộc là việc đưa tin từ dữ liệu bị lộ làm tổn hại quyền riêng tư cá nhân của họ, nằm trong Điều 8 của Công ước nêu trên:

“Mọi người đều có quyền có cuộc sống riêng tư, cuộc sống gia đình, nhà cửa và thư từ cá nhân được tôn trọng.”

Mặc dù nội dung Công ước chủ yếu nhắm vào việc ngăn chặn các cơ quan nhà nước xâm hại quyền con người của dân chúng, trong thực tế thì các quyền con người trong đó vẫn đã được tích cực sử dụng trong các vụ kiện tụng giữa cá nhân với các tổ chức ngoài-nhà-nước như các doanh nghiệp và tổ chức báo chí.

Cụ thể, tại Anh, đã có vài tên tuổi trong làng giải trí tận dụng Công ước Nhân quyền Châu Âu để bảo vệ quyền riêng tư của họ chống lại sự soi mói của báo giới: vợ chồng ngôi sao điện ảnh Michael Douglas và Catherine Zeta-Jones trong vụ kiện báo Hello!, và siêu mẫu Naomi Campbell trong vụ kiện báo Mirror.

Cả thông luật và luật nhân quyền cơ đấy! The Guardian và BBC phải đỡ đòn thế nào đây?

Thú vị thay, họ hoàn toàn cũng có thể trông cậy vào chính… Công ước Nhân quyền Châu Âu và Tòa Nhân quyền Châu Âu.

Vợ chồng Michael Douglas và Catherine Zeta-Jones từng ứng dụng thành công luật nhân quyền để bảo vệ sự riêng tư của họ trước tòa án Anh. Ảnh: Yui Mok/PA, dailybulletin.com.au.

Các “bùa hộ mạng” của BBC và The Guardian

Nếu phân tích ban đầu về khả năng mục đích kiện tụng của Appleby chỉ là để đòi lại số tài liệu đã bị lộ là một phân tích có lý, thì vụ việc này nhiều khả năng sẽ chỉ quay quanh câu hỏi là Appleby có thể nhờ tòa bắt The Guardian và BBC đưa lại 6,8 triệu tài liệu bị lộ cho Appleby hay không.

Đối mặt với các yêu cầu đòi công khai tài liệu báo chí trong quá trình xử án, các tổ chức báo chí Anh luôn có thể trông cậy vào Điều 10 – Đạo Luật về Tội coi thường Tòa án năm 1981 vốn quy định:

“Không tòa án nào được phép yêu cầu một người phải tiết lộ (đồng thời không người nào sẽ phải chịu tội coi thường tòa án nếu từ chối tiết lộ) nguồn tin trong các ấn phẩm mà người đó chịu trách nhiệm, trừ phi có thể chứng minh một cách thỏa đáng trước tòa rằng việc tiết lộ nguồn tin đó là cần thiết vì lợi ích công lý (interests of justice), an ninh quốc gia (national security), hay cho việc ngăn chặn rối loạn và tội phạm (prevention of disorder or crime).”

Như nhiều tổ chức báo chí khác đã làm khi đối mặt với kiện tụng đòi tiết lộ tài liệu báo chí trong quá khứ, BBC và The Guardian có thể tranh luận rằng việc đưa lại số tài liệu bị lộ là gián tiếp tiết lộ nguồn tin, vì Appleby có thể dựa vào nội dung và tính chất riêng biệt của các tài liệu này để lần ra ai là “nguồn tin” – bên đầu mối đã tuồn số dữ liệu đó cho Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế.

Cần để ý là các vụ kiện tụng báo chí đòi tiết lộ tài liệu báo chí trước đây tại Anh chủ yếu diễn ra trong thời kỳ người ta còn phải xài… giấy là chính. Trong khi vụ tranh chấp hiện nay giữa Appleby và hai tổ chức báo chí lại liên quan đến các tài liệu ở dạng điện tử.

Việc dựa vào đặc tính của tài liệu giấy để xác minh nguồn xuất xứ sẽ khác với việc dựa vào đặc tính của tài liệu điện tử. Việc tranh tụng tại tòa trong vụ Hồ sơ Thiên đường như thế rất có thể sẽ cần sự tham gia tích cực của các chuyên gia máy tính.

Appleby có thể chọn trưng ra các bằng chứng cho thấy là họ đã điều tra cụ thể, phát hiện các dữ liệu đó bị hacker từ ngoài lọt vào lấy đi, và họ không thể dùng bất kỳ công nghệ thông tin nào để phát hiện ra hacker đó là ai, bất kể họ có được khám xét số dữ liệu bị lộ mà BBC và The Guardian đang cầm kỹ lưỡng đến đâu đi nữa.

Nếu chứng minh được như vậy, Appleby có thể tranh luận rằng làm gì có rủi ro gián tiếp tiết lộ nguồn tin đâu mà BBC và The Guardian phải lo, lại còn lớn tiếng về tự do báo chí này nọ!

Còn không, Appleby có thể dựa vào chính nội dung Điều 10 nói trên và tranh luận là việc tiết lộ nguồn tin trong trường hợp này là cần thiết vì lợi ích công lý (bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của các thân chủ) hay là để ngăn chặn tội phạm (ngăn chặn tội phạm tiếp tục hack máy tính cướp dữ liệu của họ – cho dù chỉ là làm chuồng sau khi mất bò!).

Bất kể chiêu thức của Appleby là gì thì The Guardian và BBC vẫn có thể tận dụng lá “bùa hộ mạng” khủng hơn: Điều 10, lại Điều 10, nhưng là của Công ước Nhân quyền Châu Âu vốn bảo vệ tự do biểu đạt, bao gồm tự do báo chí. Điều đó ghi:

“Mọi người đều có quyền tự do biểu đạt. Quyền này bao gồm tự do hình thành ý kiến cá nhân, tự do tiếp nhận hay chia sẻ thông tin và ý tưởng mà không phải chịu can thiệp từ các cơ quan công quyền trong bất kỳ lĩnh vực nào.”

Tòa Nhân quyền Châu Âu – niềm hy vọng của các nhà báo Anh?. Ảnh: cvce.eu.

Cánh báo chí tại Châu Âu luôn có thể tranh luận rằng một quyết định bắt tiết lộ nguồn tin, dù trực tiếp hay gián tiếp, từ tòa án (một cơ quan công quyền) là một hành vi can thiệp vào “tự do tiếp nhận hay chia sẻ thông tin”.

Bởi vì nếu các chính phủ hay tòa án mà có quyền thoải mái bắt các nhà báo tiết lộ nguồn tin thì những người dân có thông tin quan trọng muốn chia sẻ với giới nhà báo sẽ vì sợ tòa, sợ chính quyền mà không sẵn sàng chia sẻ nữa. Cho phép giới công quyền khả năng đòi giới nhà báo tiết lộ nguồn tin như thế sẽ tạo ra một “hiệu ứng gây cóng” (chilling effect) trong công luận, gián tiếp ngăn chặn người dân và giới báo chí hoạt động tự do.

Tuy nhiên, quyền tự do biểu đạt nói trên không phải là một quyền tuyệt đối.

Thể theo các nội dung tiếp theo của Điều 10, nhu cầu bảo vệ tự do báo chí trong vụ việc cụ thể phải được đo đếm trong tương quan với các nhu cầu hay lợi ích công cộng khác, trong đó có các nhu cầu bảo vệ danh tiếng và quyền của người khác (protection of the reputation or rights of others), và nhu cầu ngăn cản việc tiết lộ thông tin bảo mật (preventing the disclosure of information received in confidence).

Như thế, các tòa án Anh và Châu Âu khi xử lý vụ việc Hồ sơ Thiên đường nay chắc chắn sẽ phải ngồi cân đong xem, dựa vào tình tiết cụ thể của vụ việc, nhu cầu bảo vệ quyền riêng tư thể theo Điều 8 – Công ước Nhân quyền Châu Âu của các thân chủ Appleby có chính đáng và “nặng ký” hơn nhu cầu bảo vệ tự do báo chí thể theo Điều 10 của cùng Công ước này hay không.

Riêng về khoản bảo vệ tự do báo chí thông qua Điều 10 này thì giới báo chí Anh có thể trông cậy vào Tòa Nhân quyền Châu Âu nhiều hơn là vào chính các tòa án nước họ.

Tòa Nhân quyền Châu Âu đã hai lần ra phán quyết bảo vệ quyền không tiết lộ tài liệu hay nguồn tin của các nhà báo người Anh: vụ Goodwin kiện Anh quốc năm 1996, và vụ báo Financial Times kiện Anh quốc năm 2009.

Vụ Goodwin chính thức xác lập rằng bảo vệ nguồn tin là một trong những điều kiện cơ bản nhất của tự do báo chí. Để có cơ sở chính đáng ép báo giới tiết lộ nguồn tin, bên đòi tiết lộ phải chứng minh rằng việc tiết lộ đó phục vụ những nhu cầu hay lợi ích công cộng chính đáng và sâu sắc. Các nhu cầu hay lợi ích công cộng đó, trong hoàn cảnh cụ thể của vụ việc, bắt buộc phải được chứng minh là mạnh hơn nhu cầu bảo vệ tự do báo chí trong xã hội.

Vụ báo Financial Times thì có dữ kiện tương đối gần giống hơn với vụ việc Hồ sơ Thiên Đường của chúng ta ở đây: vụ việc liên quan đến một cá nhân làm việc trong một công ty thương mại tuồn ra cho báo giới (gửi ẩn danh qua bưu điện) một tài liệu quan trọng về kế hoạch sáp nhập vốn đang được giữ bí mật của công ty đó. Việc tiết lộ này gây sóng gió trên thị trường chứng khoán, tạo ra nhiều thiệt hại cho công ty nọ.

Trong khi các tòa án Anh đều đồng ý ra lệnh yêu cầu giới báo chí phải trả lại tài liệu bị tiết lộ đó cho công ty nọ, Tòa Nhân quyền Châu Âu lại tuyên rằng mọi lệnh đòi trả tài liệu như thế là một hành vi xâm phạm quyền bảo vệ nguồn tin, và theo đó là xâm phạm tự do báo chí chiếu theo Điều 10 – Công ước Nhân quyền Châu Âu.

Các thẩm phán người Anh trong vụ việc báo Financial Times này đều đã tôn trọng và áp dụng nghiêm chỉnh các tiêu chuẩn xác lập trong vụ Goodwin. Tuy nhiên, đánh giá của họ về điểm cân bằng giữa các lợi ích công cộng khác với nhu cầu bảo vệ tự do báo chí lại khác với Tòa Nhân quyền Châu Âu.

Các thẩm phán người Anh chú trọng vào quyền lợi của công ty bị tiết lộ thông tin kia. Họ cho rằng vì lợi ích công lý (interests of justice) và vì nhu cầu chính đáng là bảo vệ danh tiếng và quyền lợi hợp pháp của mình, công ty đó phải được quyền tiếp cận tài liệu bị lộ để tiến hành xác định kẻ làm lộ tài liệu.

Các thẩm phán Tòa Nhân quyền Châu Âu lại cho rằng lợi ích công lý hay nhu cầu chính đáng bảo vệ quyền và danh tiếng mà các thẩm phán người Anh đề cập là không đủ mạnh để vượt lên trên nhu cầu bảo vệ tự do báo chí.

Như vậy, dựa trên các án lệ trong quá khứ, cả bên Appleby và bên BBC, The Guardian đều có cơ sở để giằng co với nhau tại tòa án Anh quốc với khả năng đưa vụ việc lên tận Tòa Nhân quyền Châu Âu.

Chúng ta cùng chờ xem vụ kiện này sẽ ngã ngũ như thế nào.

Tài liệu tham khảo:

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.